Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Món quà đầu tiên của Chủ tịch nước

Khi bác Trọng mới nắm thêm chức Chủ tịch nước, tôi đã định viết bình luận không biết việc phúc đức đầu tiên với dân của bác là gì, và không biết bác sẽ chém tướng nào đầu tiên để thị uy. Tuy nhiên bận quá rồi quên. Hôm nay đọc bài của bác Cống mới lại nhớ ra. Đã là Chúa, lại mới kiêm chức Vua được xấp xỉ mười ngày, nhưng hình như bác chưa ban ân với dân và cũng chưa phát uy với quan. Ngược lại chỉ sau 3 ngày kiêm ngôi Vua, bác đã ra uy sấm sét với một vị nửa dân nửa quan (về hưu nhưng vẫn làm giám đốc nhà xuất bản của Hội nhà nước), lại là một nhà khoa học, một nhà giáo đáng kính. Vua không biết ban ân, lại hùng hổ ra uy không đúng đối tượng, nhất là nhằm đúng vào hiền tài đất nước để tiêu diệt, thì là loại Vua gì ? Buồn cho tương lai đất nước.
Món quà đầu tiên của Chủ tịch nước 
Nguyễn Đình Cống 30-10-2018 - Thời phong kiến mỗi lần vua mới lên ngôi thường làm lễ bố cáo với Trời Đất và đại xá thiên hạ. Đại xá có nhiều việc, chủ yếu là giảm thuế, xét lại các án oan sai, tha bớt tù nhân, lập đàn giải oan v.v… Đại xá thiên hạ là món quà đầu tiên vua thể hiện lòng ân sảng đối với dân. 
GS Chu Hảo và Nghệ sĩ Kim Chi trong một Thánh 
lễ cầu nguyện cho Anh Ba Sàm tại nhà thờ 
Thái Hà, Hà Nội. Ảnh: JB Nguyễn Hữu Vinh. 
Nhân dân VN đợi chờ tân chủ tich nước có vài việc làm tỏ rõ ân sủng. Trong Thư ngỏ gửi Quyền chủ tich nước (ngày 28/9/2018) tôi có gợi ý cho bà Thịnh làm một số việc nhân đức như xét lại các án oan sai, đặc biệt các án tử hình, cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân lương tâm v.v…, nhưng những lời đó chỉ như nước đổ đầu vịt. Gần đây có bài “Tôi có một giấc mơ” của Hồ Quang Huy, trình bày ý tưởng Chủ tịch Trọng đến chia sẻ nỗi oan ức dồn nén của bà con Thủ Thiêm. Đó là giấc mơ giữa ban ngày.

Chưa nghe thấy việc làm hoặc câu nói thể hiện lòng nhân đức gì của Tân chủ tịch thì đã có “món quà đầu tiên” dành cho giới trí thức là bản luận tội TS Chu Hảo. Tuy không ký trực tiếp, nhưng liệu ông Nguyễn Phú Trọng có thể thanh minh rằng không hề biết việc này. Liệu ông Trọng có dám khẳng định rằng, đó chẳng qua là UB Kiểm tra, do Trần Cẩm Tú làm loạn, chưa báo cáo xin ý kiến BCT và TBT?

Có thể ông Trọng nghĩ ra hay nghe lời một quân sư quạt mo nào đấy, cho rằng mấy lâu nay bọn trí thức đua nhau phản biện, làm rối loạn kỷ cương của đảng, phải kịp thời ra oai. Phải tìm ra một đứa để trừng trị làm gương. Những người như GS Nguyễn Huệ Chi, TS Nguyễn Quang A, ĐT Nguyễn Đăng Quang, cựu CVTT Nguyễn Trung, NV Nguyên Ngọc, GS Tương Lai, NV Bùi Minh Quốc v.v… là đáng trừng phạt nhưng khó tìm chứng cứ thật rõ ràng, một số đã đã bỏ đảng hoặc ngoài đảng. Phải nắm thằng có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu.

Không biết người nào chọn TS Chu Hảo làm vật hiến tế và những thành viên UBKT mừng rỡ đến đâu. Chuyến này có mà chạy đằng trời. Chứng cứ chắc nịch, lời luận tội đanh thép. Báo QĐND vội vàng đăng bài “Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính” của Thiện Văn, không những lên án nặng nề, miệt thị TS Chu Hảo mà còn răn đe nghiêm khắc bọn trí thức không chịu tuân thủ nghiêm túc lời đảng dạy. Sự lên án Chu Hảo được một số bồi bút hưởng ứng kịp thời, như Nguyễn Túc, UV UB TƯ MTTQVN, Nguyễn Khắc Ngọ, thiếu tướng.

Nhưng rồi vốn dĩ có trí tuệ kém và lương tâm đen tối nên các cán bộ cao cấp CS không hiểu, không vận dụng được nguyên lý sau, từ Ba Tư cổ đại: “Trước khi làm việc gì, ngoài cái lợi thấy được cần tìm cho ra những cái hại mà việc đó có thể mang lại”, hoặc lời dạy của Khổng Tử: “Kiến lợi tư nghĩa” (thấy cái lợi phải nhĩ đến điều nghĩa). Cái lợi mà UBKT và TBT thấy rõ ở đây, đã làm mờ mắt, là triệt hạ được những lời phản biện, ngăn chặn được những tư tưởng không có lợi cho sự độc tài toàn trị của ĐCS.

Điều mà TBT và UBKT không ngờ tới là “món quà có hại “dành cho họ. Đó là sự phản ứng mạnh mẽ của giới trí thức và đông đảo nhân dân, là sự tuyên bố công khai từ bỏ ĐCS của nhiều người, trong đó có cả TS Chu Hảo. Nhân dân nhận được món quà là ĐCS tự phơi bày tư tưởng và hành động phản tiến bộ.

Liệu rồi, sau món quà đầu tiên này, tân chủ tịch nước có mở mắt, thông tai, thiền định để thấy, để nghe, để suy nghĩ nhằm tìm ra những việc làm nhân đức, thuận Đạo Trời, hợp lòng Dân hay là cố tìm mưu ma chước quỷ nhằm bảo vệ sự toàn trị của ĐCS và nhóm lợi ích để rồi sẽ hứng chịu nghiệp báo nghiệt ngã.


https://xuandienhannom.blogspot.com/2018/10/mon-qua-au-tien-cua-chu-tich-nuoc.html

1 nhận xét:

  1. hiền tài đéo gì mấy cái lão già lẩn thẩn,hoang tưởng. Suốt ngày văn vở chẳng mang lại điều gì cho dân cho nước, chỉ quen ngồi lý sự cắn càn nên họ đánh cho là quá đúng rồi. Già rồi thì về vườn mà trồng cây,thả gà, chăn lơn đi....sống được mấy nỗi nữa đâu

    Trả lờiXóa