Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Xin ra khỏi Đảng ko đơn giản trong mọi trường hợp

Xin ra khỏi Đảng CSVN có dễ không?
31 tháng 10 2018 - Việc đảng viên Cộng sản Việt Nam muốn ra khỏi Đảng dường như không đơn giản trong mọi trường hợp, theo lời người trong cuộc. Sự việc GS Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương "đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật" do 'tự diễn biến' hôm 25/10 nhanh chóng kéo theo hàng loạt trí thức khác tuyên bố công khai 'từ bỏ đảng'. Đến nay đã có khoảng dưới 20 người 'bỏ đảng' theo danh sách cập nhật trên mạng xã hội.

Bản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM
Nhiều người nói từ bỏ đảng để ủng hộ Giáo sư Chu Hảo. Số khác cho hay từ lâu đã nhận thấy đảng không đóng góp gì trong đời sống của mình nên sự việc này chỉ là cái cớ để họ đưa ra quyết định không đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên bỏ Đảng có dễ hay không? 'Nhiêu khê về thủ tục'. "Ra khỏi Đảng là vấn đề rất nhiêu khê về thủ tục, cho nên nhiều người chọn nhiều cách làm khác nhau," PGS. TS Mạc Văn Trang - một trong những trí thức đầu tiên tuyên bố bỏ đảng để ủng hộ GS Chu Hảo - nói với BBC.


"Có một số người làm đơn. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn."

"Ví dụ như giáo sư Nguyễn Đình Cống nói ông đã làm đơn xin ra khỏi đảng nhưng cả năm không ai ra quyết định, họp lên họp xuống nhiều lần nhưng chẳng ai dám đồng ý để ông ấy ra khỏi đảng."

"Cho nên nếu làm đơn ra khỏi đảng để được chuẩn y thì rất phức tạp, phiền phức."

"Với những người vẫn đang sinh hoạt trong chi bộ, khi chưa duyệt đơn thì chi bộ có thể sẽ họp, kiểm điểm, nhưng người đó có thể không tới họp nữa, không quan tâm tới."

"Tuy nhiên, nếu người đó vẫn đang công tác thì có thể sẽ bị hạ chức, cách chức. Bởi đây là đảng cầm quyền, anh được giao vị trí đó bởi anh là đảng viên. Cho nên khi anh không còn là đảng viên nữa thì anh có thể sẽ không được để giữ chức vụ, vị trí đó nữa."

Tự bỏ thì dễ?

GS Chu Hảo nói ông không 'xin' mà tự ra khỏi đảng CSVN

Chính vì thủ tục nhiêu khê, nhiều trường hợp đã tự ra khỏi đảng. "Đây là hình thức phổ biến," theo PGS.TS Mạc Văn Trang.

"Rất nhiều người áp dụng hình thức tự ra khỏi Đảng. Nhiều người khi về hưu, thay vì chuyển sinh hoạt Đảng tới chỗ mới thì họ không nộp giấy tờ nữa, tự mình ra khỏi đảng."

"Trường hợp của tôi, tôi không nộp đơn để khỏi gây phiền phức cho chi bộ, tôi tự tuyên bố ra khỏi Đảng để tỏ thái độ."

Đây cũng là trường hợp của GS Chu Hảo.

"Tôi không xin [ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam], mà tự ý ra khỏi, thành ra chả cần thủ tục gì cả," GS Chu Hảo viết trong email trả lời BBC ngày 30/10.

Về phản ứng của phía đảng bộ đối với quyết định của mình, ông Chu Hảo nói: "Tôi không còn là thành viên của tổ chức chính trị ấy nữa nên cũng không được họ thông báo động thái tiếp theo của họ là gì."

Kỹ sư Hoàng Tiến Cường, người công khai 'bỏ đảng' hôm 27/10 sau 10 năm là thành viên của tổ chức này cũng nói với BBC rằng ông "tự tuyên bố bỏ đảng cho khỏi phiền toái".

"Trường hợp của tôi thì tôi không xin ra, mà tuyên bố bỏ luôn."

"Tôi từ lâu đã không sinh hoạt đảng, cũng không đóng đảng phí, nên họ không có biện pháp thu hồi thẻ. Trường hợp của tôi thì có khi trả lại thẻ họ cũng không dám nhận."

"Tôi thấy cái khó nhất là thời gian cảm tình đảng. Khi đó đảng ủy nơi người đang được xem xét vào đảng sống sẽ họp bàn, nhật xét, xem thái độ và đi điều tra lý lịch ba đời. Nếu có vợ và chồng thì điều tra lý lịch ba đời nhà vợ và chồng."

"Do đó, riêng trường hợp của tôi thì tôi thấy ra khỏi đảng dễ lắm. Tuyên bố là xong. Như vậy đỡ phải lăn tăn, và còn vớt vát được chút danh dự cho bản thân trước thực tế Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tha hóa biến chất," ông Cường nói với BBC từ Hà Nội.

Khó dễ tùy địa phương?


Việc xin ra khỏi đảng được cho là "nhìn chung khó, nhưng còn tùy địa phương," theo ông Nguyễn Hữu Hiếu, 28 tuổi, trung úy quân đội phục viên.
Trung úy Nguyễn Hữu Hiếu nói ông xin ra khỏi đảng ở quê nên 'dễ'

"Trong quân đội, xin ra khỏi Đảng rất phức tạp," ông Hiếu nói.

"Nhưng với trường hợp của tôi thì dễ. Ở quê mà. Thật ra hồi tôi mới xin ra quân ngũ năm 2017, trở về địa phương, cán bộ địa phương cũng nói tôi đi sinh hoạt đảng. Nhưng tôi từ chối."

"Tôi thấy mình khác tư tưởng với họ. Tôi không thể ngồi nghe những lời sáo rỗng đó. Nên tôi xin ra khỏi đảng, trả lại thẻ. Họ đồng ý ngay", ông Hiếu cho hay.

Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, việc xem xét xóa tên một đảng viên được thực hiện trong những trường hợp như: đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ; không đóng đảng phí ba tháng/năm; giảm sút ý chí phấn đấu, v.v...

Việc Đảng viên xin ra khỏi Đảng phải được chi bộ xem xét, sau đó gửi đề nghị cấp cao hơn để ra quyết định có cho ra khỏi đảng hay không.

Hiện Việt Nam có khoảng hơn bốn triệu đảng viên Cộng sản.

https://www.bbc.com/vietnamese/46027637

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét