Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Về việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước

Vũ Ngọc Hoàng vừa rời khỏi hệ thống lãnh đạo về hưu nên vẫn u mê trong hệ thống đó, chưa thoát ra được. Bài này phần lớn là ngụy biện để ủng hộ bác Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước. Tôi không tán thành hầu hết các phân tích của ông Hoàng. Tất các những quy định, luật lệ ở VN đều là mớ giấy lộn nếu không phù hợp với mục tiêu của bác Trọng. Trong nhà nước quyền pháp ở VN, ý vua bao giờ cũng cao hơn pháp luật. Dân bầu trước Đảng bầu sau hay Kiểm soát quyền lực trong bài này đều là trò hề, là đóng kịch. Dân nào, dân là ai khi mà 95% các thành viên Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm sát... là ĐẢNG VIÊN, những người phải răm rắp chấp hành phán quyết bỏ túi đã được Đảng giao cho trước khi bầu hay quyết định vấn đề gì. Việt Nam làm gì có kiểm soát quyền lực, làm gì có tam quyền phân lập. Tất cả làm theo phân công của Đảng, theo kỷ luật của Đảng. Đảng bảo gì làm nấy, làm sai thì là lỗi phân công của Đảng nên được Đảng luân chuyển đi làm việc khác. Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 nói: “Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội chính yêu cầu Công an Thành phố giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì Công an Thành phố cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”. Đảng viên quèn đã vậy thì khi Tổng bí thư làm sai, ai dám đụng tới ?
Về việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước
25/10/2018 0 LTS: “Đổi mới hệ thống chính trị” là chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện trong Nghị quyết 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (25.10.2017). Trong đó, đề ra biện pháp thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng nhiệm vụ mà thông thường được gọi là “nhất thể hóa”. Nhân sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV bầu làm Chủ tịch nước, Người Đô Thị giới thiệu đến bạn đọc những phân tích về mô hình “nhất thể hóa”, với bài viết của TS. Vũ Ngọc Hoàng (Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) và cuộc trò chuyện với LS. Nguyễn Tiến Lập (hiện là luật sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự).

Ông Vũ Ngọc Hoàng.
Vừa qua có một số cách gọi khác nhau như “nhất thể hóa”, “hợp nhất”, “kiêm chức” hay “kiêm nhiệm”… tôi nghĩ là đều chưa chuẩn, mặc dù nhiều người đã viết các từ ấy trong ngoặc kép.

Đảng và nhà nước về bản chất và chức năng là hai chứ không phải một. Đảng lãnh đạo bằng các giá trị, chứ không phải bằng quyền lực. Cần đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng theo hướng này. Còn nhà nước thì quản lý bằng pháp luật, bằng quyền lực được nhân dân ủy quyền. Đảng không phải là nhà nước. Và nhà nước là của dân chứ không phải riêng của đảng. Không thể nhà nước hóa đảng và cũng không thể đảng phái hóa nhà nước. Vì vậy đảng và nhà nước không thể nhập lại thành một, nên không thể nhất thể hóa hay sáp nhập.

Còn kiêm chức hay kiêm nhiệm thì cũng không phải vì hai chức danh đó ở hai tổ chức khác nhau, chứ không phải trong cùng một tổ chức, và cũng không thể việc này hay việc kia là chính, còn việc khác là thứ. Việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước thực ra đó là chuyện phân công một người làm hai nhiệm vụ, một nhiệm vụ bên đảng và một nhiệm vụ bên nhà nước.

Bộ máy gọn nhẹ

Một người làm hai nhiệm vụ với rất nhiều công việc quan trọng như vậy thì liệu có làm hết không, có khả thi không? Tất nhiên là có vất vả hơn, nhưng cả hai việc này đều nhằm một mục đích phục vụ nhân dân, miễn là nhân sự cụ thể có đủ nhân cách và năng lực để thực thi nhiệm vụ. Mặt khác, lâu nay trên thực tế không ít việc cụ thể còn chồng chéo và trùng lắp giữa hai chức vụ này, một nguyên thủ quốc gia từ nước khác đến ta phải có mặt hai người để tiếp đón. Nay với cách phân công này sẽ gọn bớt bộ máy của hệ thống chính trị, thuận tiện cho sự kết hợp công việc của Đảng và Nhà nước trong đối nội và cả trong đối ngoại.

Tôi biết có những lo ngại về tập trung quyền lực vào một người như vậy liệu có dẫn đến xem nhẹ vai trò của tập thể, dễ lạm quyền, lộng quyền không? Đó là sự phân vân và câu hỏi phản biện cần thiết. Tôi không nghĩ cách phân công này sẽ làm cho vai trò lãnh đạo của tập thể bị xem nhẹ. Thử xem nếu tập thể ở đây là Bộ Chính trị thì vai trò lãnh đạo Nhà nước của Bộ Chính trị chẳng những không giảm đi mà thậm chí còn tăng hơn do có Tổng bí thư đồng thời trực tiếp làm Chủ tịch nước.

Mặt khác, tiếng nói của Chủ tịch nước trong Bộ Chính trị bây giờ cũng mạnh hơn. Vừa tốt cho mặt này và cả mặt kia, kể cả đối với Đảng và đối với Nhà nước. Còn vấn đề dân chủ nói chung ở nước ta thì đúng là còn nhiều mặt chưa tốt, phải thường xuyên nâng cao, phát huy, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội, bắt đầu từ nhận thức, rồi đến cơ chế, thể chế. Đây là một vấn đề rất lớn, là giải pháp quan trọng bậc nhất cần được tập thể và cá nhân các vị lãnh đạo hết sức quan tâm, tập trung chỉ đạo việc đổi mới, cải cách để ngày càng tốt hơn, thực chất hơn.


Tổng bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thuận tiện cho sự kết hợp công việc của Đảng và Nhà nước trong đối nội và cả đối ngoại. Trong ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 7.2015. Ảnh: TTXVN

Trở lại việc phân công nhân sự. Tôi thấy ở một số nước phát triển họ bố trí nhân sự lãnh đạo chủ chốt cấp quốc gia khối hành pháp chỉ có hai người, tổng thống và phó tổng thống, hoặc thủ tướng và phó thủ tướng, trong khi ở nước ta hiện nay nếu tính Chủ tịch và Phó chủ tịch nước, Thủ tướng và các Phó thủ tướng, rồi kể cả Tổng bí thư và Thường trực Ban Bí thư phần lớn công việc chỉ đạo thường xuyên cũng liên quan đến hành pháp, thì tổng số lên đến 10 người. Tuy nhiên, cũng không thể vì vậy mà bảo ta dân chủ hơn họ, còn họ thì dễ lạm quyền, lộng quyền hơn ta. Đó là chưa nói họ có nhiều mặt thậm chí còn tốt hơn ta vì họ đã có kinh nghiệm tổ chức nhà nước pháp quyền mấy trăm năm rồi mà ta rất nên nghiên cứu tham khảo với tinh thần thật sự cầu thị.

Trên thế giới đã và đang có nhiều nước áp dụng mô hình này, kể cả các nước ở gần và ở xa ta, kể cả nước nhỏ và nước lớn, kể cả nước tư bản chủ nghĩa và nước định hướng theo xã hội chủ nghĩa. Ta đã và đang thấy, có nhiều tổng thống hoặc thủ tướng hoặc chủ tịch nước đồng thời là người đứng đầu của đảng cầm quyền. Và ngay cả ở nước ta trước đây, lúc sinh thời, Bác Hồ vừa đứng đầu Nhà nước đồng thời đứng đầu Đảng.

Dân bầu trước Đảng bầu sau

Tất nhiên việc ủng hộ mô hình này là nói chung nhất, về mặt khoa học của công tác nhân sự, chứ không phải là một quy định cứng nhắc, máy móc bắt buộc lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều phải nhất nhất như vậy, bởi vì nó phải được thực hiện thông qua bầu cử dân chủ, tất nhiên là theo pháp luật và điều lệ. Bí thư là do Đảng bầu ra, còn chủ tịch là do dân bầu (hoặc là tổ chức đại diện của họ bầu).

Cho nên, diễn đạt chặt chẽ là, giới thiệu Tổng bí thư hoặc bí thư để Quốc hội hoặc hội đồng nhân dân các cấp xem xét bầu chủ tịch. Làm vậy không có gì là mất dân chủ, vì chẳng có cuộc bầu cử nào trên thế giới mà không có việc đề cử, giới thiệu ứng cử viên hoặc tự ứng cử.

Tất nhiên cách phân công nhân sự theo mô hình này chỉ mới là một việc cụ thể, dù là rất quan trọng, trong rất nhiều việc của quá trình đổi mới thể chế. Nhiều người tâm huyết với sự nghiệp chung của đất nước rất mong muốn ban lãnh đạo của đất nước, trước nhất là Đảng, sẽ tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Ví dụ, cho nghiên cứu, tích cực chuẩn bị về tư tưởng và khung pháp lý để khi có đủ điều kiện thì có thể tổ chức cho nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch nước và chủ tịch hội đồng nhân dân.

Việc bầu cử người vào các vị trí dân cử sẽ thực hiện thông qua thể chế có tranh cử thực chất và bình đẳng giữa các ứng cử viên. Sau khi trúng cử thì chủ tịch nước và chủ tịch các hội đồng nhân dân có quyền thật sự trong việc giới thiệu nhân sự thủ tướng và các chủ tịch ủy ban nhân dân để Quốc hội và hội đồng nhân dân xem xét phê chuẩn. Chủ tịch nước và chủ tịch hội đồng nhân dân có quyền đình chỉ và cách chức thủ tướng và chủ tịch ủy ban nhân dân khi các nhân sự ấy có các vi phạm nghiêm trọng.

Sau khi trúng cử chức danh đứng đầu Nhà nước và hội đồng nhân dân thì các nhân sự ấy sẽ được Đảng xem xét để bầu bí thư. Tức là việc bầu cử bí thư của Đảng sẽ thực hiện sau khi bầu cử chủ tịch (trước đó thì Đảng đã có giới thiệu nhân sự tham gia tranh cử chủ tịch). Các ý kiến vừa nêu là đề xuất một phương án, còn có thể có nhiều phương án khác, nên mở ra mà thảo luận để chọn phương án tối ưu cho đất nước, và cả cho Đảng nữa, không học theo nước ngoài nào một cách máy móc và cũng không bảo thủ, giáo điều. Làm việc đó chính là triển khai trên thực tế việc đổi mới thể chế.

Tổ chức Đảng có thẩm quyền cần chủ động tổ chức nghiên cứu các phương án, rồi lãnh đạo phát huy dân chủ để thảo luận và đi đến kết luận một cách dân chủ, khoa học, đó chính là lãnh đạo công cuộc đổi mới.

Dù áp dụng cách phân công này hay cách phân công khác (còn gọi là mô hình) thì điều đáng nói nhất trong công việc xây dựng nhà nước pháp quyền và đảng cầm quyền vẫn là nhất thiết phải thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực bằng thể chế (chứ không phải cứ nhiều cán bộ chủ chốt trong bộ máy thì càng kiểm soát tốt). Thậm chí, nếu thể chế kém thì càng nhiều người, nhiều đầu mối càng khó kiểm soát, và vì vậy càng dễ lạm quyền, lộng quyền. Việc kiểm soát quyền lực thì đến nay nghị quyết của Đảng đã nói rồi, Tổng bí thư và Trưởng ban Tổ chức trung ương đã nói rồi, đó là việc rất cần thiết, nhưng các bước triển khai để thực hiện cụ thể thì còn chậm chạp, chưa tích cực.

Phân công theo mô hình nào mà không tổ chức tốt việc kiểm soát quyền lực thì đều dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, bởi bản chất quyền lực luôn có mặt trái là vậy. Mà lạm quyền, lộng quyền thì tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa bộ máy, đó là một quy luật, không thể tránh khỏi, dù cho đảng cầm quyền và nhà nước ấy ban đầu có tốt đến bao nhiêu đi nữa. Một người đứng đầu tốt là hết sức quan trọng, nêu gương về nhân cách chính là một cách làm cho văn hóa thấm sâu để thành nền tảng, tuy nhiên vẫn là rất chưa đủ nếu không có một thể chế tốt về kiểm soát quyền lực và thúc đẩy sự phát triển năng lực của con người.

Kiểm soát quyền lực như thế nào?


Phải kiểm soát quyền lực bằng quyền lực, trước nhất là quyền lực nhà nước, đồng thời là quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền và bằng các quy định khác về thực thi dân chủ, như quyền tham chính của dân, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí để thể hiện chủ kiến, phát huy công luận với vai trò mạnh mẽ của truyền thông và phát huy vai trò của các tổ chức dân sự trong việc nói lên tiếng nói của dân.

Trong đó, kiểm soát quyền lực bằng quyền lực là quan trọng nhất, vì người hoặc tổ chức không có quyền lực hoặc quyền lực ít thì khó (hoặc không thể) kiểm soát quyền lực của người hoặc tổ chức có quyền lực nhiều. Để thực hiện kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước thì việc phân quyền giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp phải khoa học, theo hướng không chồng chéo mà có độc lập tương đối, không tập trung cao nhất cho một nhánh nào, mà hài hòa, cân đối, có kiểm soát chéo lẫn nhau.

Người dân chỉ có thể tham gia kiểm soát quyền lực khi họ được thể chế trao quyền và bảo vệ họ. Vấn đề tòa án hiến pháp, luật trưng cầu dân ý, cũng như một ủy ban giám sát (hay kiểm tra) do đại hội bầu ra là những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện khi các cơ sở khoa học đã được làm rõ.

Có ý kiến hỏi rằng, người nắm quyền hành cao như vậy cần hội đủ những tiêu chuẩn và điều kiện gì? Theo tôi, thứ nhất là cái tâm, hết lòng với sự nghiệp vì dân, vì nước; thứ hai là sự trong sạch, liêm khiết, gương mẫu về đạo đức và lối sống, được mọi người nể trọng; thứ ba là có quyết tâm đổi mới để phát triển dân tộc và đất nước, đủ năng lực lãnh đạo công việc; thứ tư là tự học không mệt mỏi để thường xuyên tiếp cận tinh hoa văn hóa và trí tuệ của dân tộc và nhân loại.

Vũ Ngọc Hoàng
https://nguoidothi.net.vn/ve-viec-tong-bi-thu-dong-thoi-la-chu-tich-nuoc-15985.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét