Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười qua đời: Vài nhớ lại

Mấy hôm vừa rồi mặc dù quá bận công việc và gia đình, nhưng tiện đường nên mình có gặp một vài người quen, nhiều người trong số đó bảo cụ Đỗ Mười đã qua đời rồi, nhưng Nhà nước chưa thông báo vì đang tìm thời điểm thích hợp. Mình đã gặp cụ một số lần, đã nghe cụ phát biểu trong một số cuộc họp hồi cụ làm Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp rồi làm Thủ tướng (1982-1991), cũng đã đến nhà cụ mấy lần. Nói chung mình có ấn tượng tốt về cụ riêng trong giai đoạn này. Nhờ quyết tâm của cụ, đất nước mới thực sự hội nhập, mở cửa, mới thông qua được luật đầu tư nước ngoài đầu tiên của VN, và chính cụ rất tích cực đi kêu gọi đầu tư nước ngoài, đã thành lập Ủy ban nhà nước về hợp tác đầu tư nước ngoài. Cụ là nhà lãnh đạo cao cấp đầu tiên thừa nhận ở VN có lạm phát (năm 1988) và quyết định chọn cách chống lạm phát theo quan điểm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại một cuộc họp đầu năm 1989, nhờ đó làm phát từ 400-778%/năm trong 3 năm 1986-1988 đã giảm ngay xuống còn 67,5% năm 1989 và 17,5% năm 1990. Trong lịch sử kinh tế VN, giai đoạn cụ cầm quyền 1990-1996 là giai đoạn tự do hóa kinh tế rầm rộ và mạnh nhất; tự do hóa toàn diện, cả thương mại trong nước lẫn thương mại quốc tế. Đây cũng là giai đoạn đất nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, hiệu quả nhất. Cũng trong giai đoạn này, hàng trăm đạo luật về quản lý kinh tế xã hội theo cơ chế thị trường ra đời, trong khi trước đó không hề có đạo luật nào. Đây là công lao rất lớn của cụ. Các thế hệ lãnh đạo sau của cụ không ai làm được như cụ. Có thể nói sau khi cụ thôi chức, đã để lại cho đất nước và xã hội một hệ thống pháp luật kinh tế thị trường gần như đầy đủ, nhất là luật về quản lý thuế và doanh nghiệp, mặc dù chất lượng còn yếu kém... Tôi cũng đánh giá cao cụ về tình người vì đã tận mắt chứng kiến cụ tôn trọng, lắng nghe, nhận đơn tố cáo và giúp đỡ những người yếu thế. Có những người chặn xe, tự động mở cửa xe, dí đơn khiếu kiện vào người cụ, nhưng cụ vẫn vui vẻ tiếp nhận và hứa sẽ xem xét, làm tôi đứng cạnh đó rất ngạc nhiên. Theo tôi biết, cụ là người ủng hộ việc trả ngôi biệt thự số 34 Hoàng Diệu cho TP Hà Nội cho các con của nhà tư sản Trịnh Văn Bô, nhưng ý kiến của cụ là thiểu số nên việc này không thực hiện được. Tôi còn nghe anh em kể dù là Tổng bí thư, nhưng đến ngày mùng 1 Tết, cụ đều chủ động đi bộ sang nhà cụ Nguyễn Văn Trân gần đó để chúc Tết trước, vì cụ Trân là người đã kết nạp cụ Mười vào Đảng. Cụ Trân là sếp của tôi; tuổi thật năm nay đã là 103 (sinh năm 1915), nhưng vẫn khỏe, cụ nguyên là Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ từ năm 1945, Bí thư thành ủy Hà Nội (1968-1974)... Cuộc sống gia đình cụ Mười rất đơn sơ, giản dị; các con cụ cũng sống bình thường, không bị tai tiếng. Đấy là cảm nhận trực quan của tôi về cụ Đỗ Mười qua tiếp xúc, phần lớn là tốt. Còn nghe dư luận chê bai cụ thì rất nhiều, quá nhiều; các bạn đọc trên mạng sẽ thấy; do đó nhìn chung tôi cũng cho rằng cụ bản chất vẫn là người cộng sản nên đối với đất nước thì công ít, tội nhiều. Thành thật chia buồn với gia quyến bác về mất mát lớn lao này.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười qua đời
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười vừa từ trần tối ngày 1/10, Thông Tấn xã Việt Nam cho hay. "Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh nặng... đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108," thông báo của TTXVN tối thứ Hai viết. "Thông tin về lễ tang đồng chí Đỗ Mười sẽ được thông báo sau."

Nguyên TBT Đỗ Mười xem duyệt binh 
tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/2005
Ông Đỗ Mười ra đi chỉ hơn mười ngày kể từ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Tuy nhiên, thông báo này chưa nói rõ thể thức có phải là quốc tang và nếu có thì là bao nhiêu ngày cho ông Đỗ Mười.


Ông Đỗ Mười, tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ông là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thứ ba của nước CHXHCN Việt Nam từ tháng 6/1988 đến tháng 7/1991.

Trước đó, ông từng là Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam.

Ông làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997.

Từ tháng 12/1997, ông làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trước đó, hôm 28/9, báo VietNamNet dẫn lời ông Phan Trọng Kính, trợ lý của ông Đỗ Mười khẳng định: "Cụ nằm ở bệnh viện 108 gần 6 tháng nay".

Từ một người nổi tiếng cứng rắn, bảo thủ ông lại gây ngạc nhiên khi ủng hộ cải cách tự do hoá kinh tế, theo một nhà quan sát từ Hoa Kỳ.

"Ông ấy đã tiếp nối được di sản tự do hóa kinh tế của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh," nhà nghiên cứu Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ nói với BBC.

Ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia chia sẻ trên Facebook cá nhân:

"Thời gian ông làm TBT là thời gian mà Việt Nam có những dấu mốc lịch sử có ý nghĩa chiến lược sống còn và những đột phá chưa từng có về đối ngoại: gia nhập ASEAN, ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện với EU, bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ, bắt đầu đàm phán BTA..."

'Đánh tư sản mại bản'


Về di sản của cựu Tổng bí thư Đỗ Mười, trả lời BBC hồi cuối tháng Chín, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng, hiện sống ở Hà Nội, nói:

"Một trong hai sự kiện nổi trội liên quan đến ông Đỗ Mười (cùng với việc dự Hội nghị Thành Đô) là chủ trương đánh tư sản hay còn gọi là "cải tạo công thương nghiệp".

"Theo như tôi hiểu, ông làm điều này rất hung hăng vì học vấn ít, và cuồng tín cao."

"Hệ lụy của việc cải tạo công thương nghiệp rất bi thảm, khốc liệt, để lại tai họa rất lớn cho dân tộc."

"Nhưng có vẻ là trong nhiều năm ông Đỗ Mười tự hào về mình đã làm được việc kinh thiên động địa."

"Đến lúc cuối đời, ông không có vẻ gì ăn năn, hối cải về sai lầm của mình cả."

Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười tại đám tang cựu 
Thủ tướng Võ Văn Kiệt hồi tháng 6/2008
'Cầu thị'

Trong khi đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh, người từng làm thư ký kinh tế cho văn phòng của cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, bình luận với BBC hồi tuần trước:

"Theo như tôi hiểu, ông Đỗ Mười là Đảng viên thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Đảng."

"Chủ trương "cải tạo công thương" là của tập thể lãnh đạo, còn những người khác có chức vụ cao hơn ông ấy trong Đảng."

"Nếu những người này không đồng tình thì mình ông ấy không thể làm gì được."

Ông Đỗ Mười (giữa) tại lễ tang Tướng Võ
 Nguyên Giáp tại Hà Nội hồi tháng 10/2013

"Sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988, ông Đỗ Mười được ghi nhận gửi lời chúc doanh nghiệp làm ăn phát tài, thực hiện đầy đủ chính sách cải cách tiền tệ, chuyển đổi tỷ giá, phát triển kinh tế tư nhân..."

"Ông cũng là lãnh đạo đầu tiên đi Nam Hàn mời gọi đầu tư vào Việt Nam."

"Nói như vậy để thấy không nên quy trách nhiệm cá nhân cho ông Đỗ Mười vì đó là sai lầm của một thời kỳ."

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45705649

1 nhận xét:

  1. ..."Nói như vậy để thấy không nên quy trách nhiệm cá nhân cho ông Đỗ Mười vì đó là sai lầm của một thời kỳ."... OK .Tôi có ăn cứt chẳng qua là tại vì ngta bảo tôi ăn chứ thật tình cũng không phải tại tôi muốn ăn .Đó "chính là sai lầm của 1 thời kỳ mà thôi !" OK ?

    Trả lờiXóa