Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Tại sao tôi phản đối thuế tài sản?

Tại sao tôi phản đối thuế tài sản?
MINH DINH TUAN - Các chính sách của nhà nước khi được đưa ra đa phần đều viện đến lý do hiệu quả (theo nghĩa hiệu chỉnh các thất bại của thị trường) và công bằng. Thuế tài sản là loại thuế không đạt được bất kỳ mục đích nào trong cả hai mục đích kể trên. Ở Việt Nam nó còn gây ra hâu quả tồi tệ hơn do bộ máy nhà nước kém hiệu quả và thiếu minh bạch.
Image result for phản đối thuế tài sản
1. Về tính hiệu quả
Nếu như thuế thu nhập là loại thuế kém hiệu quả hơn so với thuế tiêu thụ, thì thuế tài sản là loại thuế còn kém hiệu quả hơn nữa vì đây là loại thuế đánh cả vào vốn lẫn thành quả lao động.

Đất đai, như chúng ta đều biết, là loại vốn chiếm tỷ trọng lớn đến rất lớn trong hầu hết các hoạt động sản xuất và dịch vụ. Việc đánh thuế đất đai thực chất khiến cho chi phí vốn đầu tư chở nên đắt đỏ hơn, hay nói cách khác không khuyến khích đầu tư.

Thuế tài sản đối với nhà ở là loại thuế đánh vào thành quả lao động. Tất cả những người lao động chân chính đều cố gắng làm việc, tiết kiệm với kỳ vọng được hưởng thành quả lao động đó. Sở hữu nhà ở, dù to hay bé, là một trong những khát vọng lớn nhất mà con người từ trước tới nay hướng đến. Đánh thuế nhà ở không khác gì việc triệt tiêu động lực lao động của con người.

Loại thuế triệt tiêu động lực cả ở khâu sản xuất lẫn hưởng thụ chắc chắn sẽ khiến cho hiệu quả tổng thể của nền kinh tế giảm. Việc người ta viện đến các lý do này khác (như chống đầu cơ, điều tiết chu kỳ kinh doanh, v.v.) là những lý do ngụy biện nếu như xét đến các yếu tố như sự hạn chế về tri thức, tính vụ lợi của các quan chức chính phủ.

2. Tính công bằng

Một trong những lý do chính cho việc cổ vũ áp dụng thuế tài sản là tính công bằng. Người giàu sở hữu nhiều tài sản nên đánh thuế tài sản thì người giàu sẽ phải trả nhiều thuế hơn và nhà nước sẽ dùng thuế này để điều tiết lại cho người nghèo.

Nhưng việc viện dẫn đến công bằng thì cần phải lưu ý đến giá trị tương đối của khoản thuế với khả năng chi trả của người nộp thuế.

Những người giàu luôn có tiền dư dả để nộp thuế nếu như họ muốn giữ lại một bất động sản nào đó.

Với những người trung lưu thì sao?

Bạn hãy tưởng tượng bạn làm việc cật lực và mua được một ngôi nhà hay một căn hộ trị giá 3-4 tỷ đồng. Hằng năm bạn sẽ phải nộp khoản thuế là 7-9 triệu đồng. Khi bạn còn sung sức bạn có thể làm việc có thu nhập tương đối tốt, nuôi gia đình và vẫn trả được khoản thuế đó.

Nhưng vì một lý do nào đó thu nhập của bạn bị giảm sút hoặc đơn giản là khi bạn về hưu. Bạn sẽ không có tiền trả thuế. Và thế là bạn nợ thuế nhà nước. Và để thu thuế, nhà nước sẽ tìm cách cưỡng chế bắt bạn bán nhà để trả thuế. Bạn sẽ trở thành người không có nhà và phải đi thuê nhà để ở.

Như vậy, tuy khoản tiền thuế người giàu nộp thuế cho nhà nước nhiều hơn so với người trung lưu nhưng khả năng trả thuế tài sản của người trung lưu thấp hơn rất nhiều so với người giàu. Rõ ràng là loại thuế này là loại thuế khiến cho tầng lớp trung lưu bị cào bằng xuống tình trạng vô sản chứ không phải là sự công bằng đích thực.

(Vì lý do này nên nhiều nước thường chỉ áp dụng thuế tài sản với những người có căn nhà thứ hai vì cho rằng trong trường hợp anh không đủ tiền trả thuế thì anh sẽ phải bán một căn nhà đi để trả thuế. Và như thế thì tuy cũng là sự cào bằng xuống mức thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo cho bạn là người hữu sản chứ không phải là vô sản).

3. Điều kiện ở Việt Nam
Các bạn biết cả rồi, nên cũng không cần phải viết tiếp nữa :-). Tính hiệu quả và tính công bằng chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn ở các nước tư bản giãy chết.

https://www.facebook.com/notes/minh-dinh-tuan/t%E1%BA%A1i-sao-t%C3%B4i-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-thu%E1%BA%BF-t%C3%A0i-s%E1%BA%A3n/1224231601040947/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét