Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Luận bàn về Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa

Luận bàn về Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa
Mặc dù thành ngữ này thường xuyên được sử dụng trong các diễn văn trọng thể, nhưng tôi ngờ rằng một số người đã sử dụng nó như một sáo ngữ. Ba chữ khiến nhiều người hiểu sai chính là Thiên, Địa, Nhân. Đó vốn chỉ là tên gọi tượng trưng của một Tam Tài, ghép vào cho dễ đọc, dễ nhớ. Chỉ ba chữ Thời, Lợi, Hòa mới thực sự có ý nghĩa.
Image result for Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa
Chữ "Thiên thời" làm nhiều người liên tưởng đến cơ hội trời cho. Thực tế trời không liên quan gì ở đây. Trong cụm từ này, chỉ riêng chữ "Thời" là có ý nghĩa. "Thời" đơn giản là thời gian, là khi nào, là bao giờ. Làm bất cứ việc gì cũng phải đặt câu hỏi, có sớm quá không, có muộn quá không, có đúng lúc không? Chính ta phải tự trả lời câu hỏi này, chứ chẳng có ông Trời nào trả lời thay ta.

Thấy người ta nuôi cá trê phi có lời, mình nhảy vào nuôi theo thì lỗ. Sự khác nhau chỉ là, một bên thì tham gia đúng lúc và một bên thì bắt đầu khi đã muộn. Đó là câu chuyện về mô hình kinh doanh phong trào, điển hình của Sài Gòn những năm 1980. Thời đó, ai có sáng kiến thành công là cả xã hội đi theo. Rất tiếc, đa số không hiểu rằng, khi cơ hội kiếm tiền rõ ràng tới mức ai cũng nhìn thấy, thì đó là lúc đã quá muộn để tham gia.

Thị trường chứng khoán những năm 2006-2010 cũng cho nhiều bài học về tầm quan trọng của chữ "Thời". 99% của sự khôn ngoan ở đây chính là "đúng lúc". Những người tham gia thị trường chứng khoán quá sớm thì bị chôn vốn, những người rút chân ra quá trễ thì mất tiền. Ai mua chứng khoán đầu năm 2006 và bán cuối 2007 đều thành công; Ai mua chứng khoán cuối 2007 và bán sau đó đều thất bại.

Không chỉ trong kinh doanh, "đúng lúc" cũng đặc biệt quan trọng trong cuộc sống. Người xưa nói, 20 tuổi chưa khoẻ thì đừng mong khoẻ, 30 tuổi chưa khôn thì đừng mong khôn. Hay là câu, dạy con phải dạy từ bé. Tất cả đều nhắc nhở: mọi việc phải được thực hiện đúng lúc mới tốt.

Như đã nói ở trên, sự "đúng lúc" không phải do ông Trời thì thầm báo mộng. Chính ta, trước khi quyết định làm việc gì, phải tự trả lời cho các câu hỏi: có sớm quá không, có muộn quá không, có đúng lúc không?.

Để trả lời câu hỏi này, bạn cần có thông tin và tri thức về "xu thế phát triển tất yếu" của các quá trình tự nhiên và xã hội. Bạn phải có sự hiểu biết về sự vận hành theo chu kỳ của vạn vật.

Nếu bạn đi ngược xu thế, là bạn lỗi thời. Nếu bạn đi lạc chu kỳ, là bạn lỗi nhịp. Nếu bạn đầu tư vào một sản phẩm/dịch vụ đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ sống, là bạn không đúng lúc. Trong tất cả các trường hợp trên, khả năng thành công sẽ không cao.

Với những người quan tâm đến Ngũ Kinh - Tứ Thư, sư phụ tôi nói rằng, nếu hiểu sâu sắc chữ "Thời", ta đã có thể hiểu được 50% kinh dịch. Bát quái là tượng trưng cho 8 tiết chính trong năm: Lập Xuân, Phân Xuân, Lập Hạ, Hạ Chí, Lập Thu, Phân Thu, Lập Đông, Đông Chí. Những quẻ đầu tiên của Kinh Dịch là nói về khi nào trồng cây gì, nuôi con gì thì tốt.

Tôi muốn nói thêm về từ "Thời cơ". Đây là từ ghép của thời gian và cơ hội. Cơ hội nhỏ thì nhiều, lúc nào cũng có. Nhưng cơ hội lớn lâu lâu mới đến một lần, và quan trọng là nó không đứng lại để chờ bất cứ ai. Thời cơ là cơ hội lớn tồn tại trong nhất thời. Chỉ có người hiểu sâu chữ "Thời", mới có khả năng nắm bắt được cơ hội lớn.

Cách Mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công là nhờ Việt Minh đã nắm bắt được một cơ hội lớn ngàn năm có một. Đó là thời điểm Pháp đã đầu hàng Nhật, Nhật mới đầu hàng quân Đồng minh, Chính phủ thân Nhật - Trần Trọng Kim vừa bỏ chạy. Nếu Cách Mạng Tháng Tám diễn ra sớm hơn, chúng ta không thể chiến thắng quân đội Pháp hay Nhật còn đang rất mạnh. Nếu muộn hơn, chúng ta cũng không phải là đối thủ của quân đội Tưởng Giới Thạch, thay mặt Đồng Minh vào áp giải tù binh Nhật. Đó là thời điểm, có thể cướp chính quyền mà gần như chẳng phải đánh nhau với ai. Cơ hội hiếm hoi này chỉ dừng lại trong một khe thời gian rất hẹp. Chỉ có người hiểu chữ "Thời" sâu sắc mới nắm bắt được cơ hội này. Và trong một khe thời gian hẹp như thế, sự kiện Việt Minh huy động được mấy trăm ngàn người xuống đường tham gia khởi nghĩa (trong điều kiện thiếu vắng các phương tiện truyền thông) thực sự là một kỳ tích.

Cá nhân tôi tin rằng, các cuộc khởi nghĩa như Bắc Sơn, Nam Kỳ... thất bại không phải do ông Trời không thương, mà vì những lãnh đạo khởi nghĩa lúc đó không nhận ra, còn quá sớm để khởi nghĩa, giặc Pháp chưa yếu tới mức có thể dùng tầm vông mà chiến thắng.

Gút lại về chữ "Thời", tôi xin nhấn mạnh, "99% của sự khôn ngoan là đúng lúc". Đừng để xảy ra tình huống "lúc cần khôn thì lại ngu, lúc cần ngu thì lại khôn".

Chữ "Địa lợi" làm cho người ta nghĩ đến những lợi ích liên quan đến đất. Điều này tất nhiên không đúng. Trong các quốc gia nổi bật nhất châu Á như Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, bạn không thể tìm ra mối liên hệ nào giữa phát triển và lãnh thổ đất đai. Chưa kể, ngày nay trên thế giới, những khu vực mưa thuận gió hoà, đồng bằng phi nhiêu, cây cối tươi tốt lại thường là những khu vực kém phát triển hơn.

Thực tế, "Địa" không liên quan. Trong cụm từ này, chỉ riêng chữ "lợi" là có nghĩa. Chữ "Lợi" ở đây là lợi thế.

Trước khi quyết định làm bất cứ việc gì cũng phải đặt câu hỏi: ta có lợi thế gì để làm việc này hay không? Không có lợi thế, bạn rất khó thành công. Người Việt Nam hay nhấn mạnh từ đam mê. Nhiều người phán như Thánh: chỉ cần có đam mê...

Người Việt Nam rất đam mê bóng đá. Nhưng dù đam mê đến đâu, thành tích của đội tuyển Việt Nam cũng rất khiêm tốn. Tại sao vậy? Đơn giản, chúng ta không có bất kỳ một lợi thế nào cho môn thể thao va chạm mạnh, đòi hỏi cao về thể hình thể lực như bóng đá. Tại sao môn bắn súng Việt Nam có thành tích cao hơn? Vì môn bắn súng không yêu cầu cao về thể hình thể lực. Tại sao môn đấu võ chúng ta có nhiều huy chương? Bởi vì, trong môn này, các võ sĩ chia theo hạng cân, bất lợi về thể hình thể lực không còn. Không phải đam mê, mà chính lợi thế mới thực sự là tiêu chí quan trọng nhất cho công tác lựa chọn chiến lược.

Bạn không nên bắt đầu một việc mà không biết lợi thế của mình ở đâu? Chưa có thì phải tìm cách tạo ra.

Khi FPT bắt đầu làm gia công phần mềm quốc tế vào năm 2000, chúng tôi chẳng có cái gì hay để tự giới thiệu. Các khách hàng từ châu Âu, Mỹ, Nhật đều hỏi một câu giống nhau: vì sao phải chọn FPT? Vì chúng tôi chấp nhận làm với giá rất rẻ. Và đó là câu trả lời duy nhất được họ quan tâm.

Cũng buồn, vì tự hạ thấp mình lại là lợi thế duy nhất của chúng tôi lúc đó. Nhưng không bắt đầu từ đó thì biết bắt đầu từ đâu. Và cũng chính từ "lợi thế" này mà FPT đã nhận được nhiều hợp đồng phần mềm, vừa tạo công việc cho các kỹ sư phần mềm Việt Nam, vừa giúp FPT từng bước phát triển. Đến nay FPT Software đã lọt vào danh sách Top 100 công ty phần mềm thế giới và cũng không cần phải hạ giá xuống mức thấp nhất nữa.

Nhìn sang Trung Quốc, họ cũng khai thác tối đa nguồn nhân công rẻ và đông để tạo ra lợi thế rẻ của hàng hoá made in China. Hàng triệu công ăn việc làm đã chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc, bất chấp sự phẫn nộ của những người Mỹ đang thất nghiệp. Các hãng lớn như HP, Apple, IBM... chắc cũng rất yêu nước, nhưng họ không thể làm khác, vì sản xuất ở Trung Quốc quá rẻ.

Tuy nhiên, nếu chịu khó suy nghĩ một cách sáng tạo, ta có thể tìm thấy lợi thế từ nhiều hướng khác nhau, không nhất thiết chỉ là hạ giá.

Ví dụ, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật ban đêm, qua Internet rất phổ biến ở Mỹ. Nhưng thuê kỹ sư Mỹ làm đêm rất khó khăn, lại phải trả lương cao hơn ban ngày. Nhưng đêm ở Mỹ là ngày ở Việt Nam. Nếu chúng ta làm việc này, chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Lợi thế này do địa lý tạo ra.

Một ví dụ khác rất thú vị. Một khách hàng Nhật chuyển dự án từ Ấn Độ qua Việt Nam với một lý do rất lạ: "Tao biết chúng mày làm không tốt hơn, nhưng chúng mày vui hơn. Tao làm với Ấn Độ bốn năm mà chúng chưa một lần mời tao uống rượu. Còn với chúng mày, mới có một dự án mà đã cùng đi nhậu hai lần". Người Ấn Độ không uống rượu nên tất nhiên họ cũng không mời ai uống rượu. Lợi thế này do tương đồng về văn hoá mà ra.

Lợi thế cũng có thể do đặc điểm trí tuệ của người Việt mang lại. Những năm 1980, tôi từng chứng kiến, các kỹ sư IT Việt Nam rã hệ điều hành máy vi tính BIOS ra thành các modul, viết lại từng modul một, modul nào cũng ngắn hơn, chạy nhanh hơn... Chỉ khi ghép tất cả các modul lại thành một hệ điều hành mới, máy tính mới chạy... chậm hơn. Điều đó chứng tỏ, khả năng tư duy hệ thống của người Việt rất kém. Nhưng thay vì buồn thì chúng ta nên vui vì người Việt có khả năng viết các modul nhỏ tốt hơn. Thực tế, với những công việc đơn lập, quy mô nhỏ, đòi hỏi sự thông minh khéo léo, người Việt rất xuất sắc.

Có thể kể thêm nhiều lợi thế khác của người Việt. Tây có nhiều cái hơn ta, nhưng không phải cái nào cũng hơn. Ta có nhiều thứ kém Tây, nhưng không phải thứ gì cũng kém.

Trước đây ra nước ngoài, chúng ta thường cố gắng nhìn xem người ta có gì hơn để học hỏi. Theo tôi, nay nên bổ sung nhiệm vụ, phải tìm xem ta có gì hơn để đưa Việt Nam hội nhập thế giới.

Chữ "Nhân hoà" bị nhiều người hiểu thành "đoàn kết nội bộ". Thực ra không phải. Chữ "Hòa" ở đây hướng ra ngoài chứ không hướng vào trong.

Quan hệ giữa các quốc gia có hai tình huống cơ bản: Chiến hay hoà. Quan hệ trong kinh doanh có hai hình thức cơ bản: Cạnh tranh hay hợp tác. "Buôn có bạn - bán có phường" là bản chất của chữ "Hòa" trong kinh doanh.

Rõ ràng hợp tác luôn quan trọng hơn cạnh tranh, hòa luôn quan trọng hơn chiến.

Khi ta còn nhỏ, hợp tác sẽ giúp ta tiến bộ. Khi ta đã lớn mạnh, hợp tác giúp ta củng cố vị thế. Cuộc sống không giống trò chơi sấp ngửa, tôi thắng thì anh phải thua. Những người thông minh, có thiện chí sẽ biết cách tìm ra các tình huống win-win thông qua hợp tác.

Cạnh tranh là cần thiết, nhưng đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất và cải tiến quản lý. Cạnh tranh lành mạnh, về lâu dài không mâu thuẫn với sự hợp tác cùng phát triển.

Hiện nay, quan điểm của Việt Nam và nước láng giềng phương Bắc có một số khác biệt. Hy vọng cả hai bên đều hiểu hòa bình quan trọng hơn chiến tranh, để xử lý những khác biệt này. Chỉ có hoà bình mới mang lại cuộc sống bình yên cho người dân ở hai bên biên giới.

Chiến tranh tệ hơn trò chơi sấp ngửa. Chẳng có bên nào thắng trong một cuộc chiến tranh. Một vị tướng La Mã cổ đại đã từng thốt lên sau một chiến thắng: chỉ cần thêm một vài chiến thắng như thế này, chúng ta sẽ tiêu vong.

Thú thực, khi nghe ai đó phát biểu "Chúng ta sẽ thành công thế này thế kia... vì có cả Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà", tôi chẳng hiểu gì!. Có thể họ cũng không hiểu, nhưng vẫn thích dùng, vì nó làm cho các bài diễn văn tăng thêm phần trang trọng.

Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa không phải là sáo ngữ. Nó là một chỉ dẫn sâu sắc các vấn đề cần quan tâm khi lựa chọn chiến lược (hay những dự án quan trọng). Trước khi quyết định làm một việc lớn, chúng ta cần phải trả lời các câu hỏi: Có đúng lúc không? Chúng ta có những lợi thế gì? Nên hợp tác như thế nào để thành công.

Hoàng Minh Châu
http://chungta.vn/tin-tuc/goc-nhin/luan-ban-ve-thien-thoi-dia-loi-nhan-hoa-53965.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét