Chung cư: xưa 'khép nép', nay 'ta có tiền có quyền'?
20/04/2018 TTO - Chung cư là nơi ở của nhiều người (hộ dân) trong căn hộ cấu trúc khép kín, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung. Hiện nay nhiều cư dân sống ở chung cư mang tâm thế của người có tiền nên có quyền; họ mặc nhiên coi (cả) chung cư như thể nhà mình, coi Ban quản trị, Ban quản lý và bảo vệ chung cư là "người làm thuê" trong khi lẽ ra là người giúp họ vận hành tốt chốn ở, bảo vệ tài sản, sức khỏe thậm chí tính mạng của mình.Khép nép cư dân chung cư xưa
Lịch sử phát triển nhà ở ghi nhận loại hình chung cư có mặt từ rất sớm và gần như được xem đồng nghĩa với nhà tập thể mặc dù xét về quy mô, cấu trúc và cách thức sinh hoạt hoàn toàn khác nhau.
Cùng với nhà tập thể, trước kia chung cư hầu hết do nhà nước đầu tư xây dựng; đối tượng ở những nơi này ngoại trừ theo chỉ tiêu chức vụ liên quan công việc tựu trung là người không hoặc chưa có điều kiện có nhà ở riêng.
Cư dân sống chung khi này mang tâm thế "khép nép" của người được nhà nước nói chung, cơ quan nói riêng, tạo điều kiện; sự ứng xử do vậy thường nhã nhặn, nền nếp. Cách nói những người ở chung cư hiện nay là thế hệ đầu tiên của cư dân chung cư do vậy là chưa thật hợp lý.
Trong khi đó, có thể nói chung cư hiện là sự lựa chọn ưu tiên của khá nhiều người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội ngay khi có nhu cầu về chỗ ở.
Vượt qua sự rắc rối và phiền phức do thiết kế và hệ thống kỹ thuật lạc hậu của nhiều thập niên trước, chung cư ngày nay mang lại tiện tích đáng kể cho người sử dụng bởi thiết kế thông minh, đa phong cách, hạ tầng kỹ thuật hiện đại và trên hết nó sở hữu các tầm nhìn lý tưởng mà nhà ở thấp tầng hiếm có.
Cư dân chung cư hôm nay là "thượng đế"
Ngày nay hầu hết chung cư do chủ đầu tư bỏ tiền ra xây dựng và chào bán. Cư dân chung cư là khách hàng, mà khách hàng là thượng đế. Nói rõ hơn là họ bỏ tiền ra mua nhà chung cư trong tâm thế của người có tiền (phải) được phục vụ. Ngoại trừ nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, chung cư với nhiều phân khúc khác nhau phần lớn dành cho đối tượng có thu nhập khá đến giàu, trình độ học vấn cũng không thấp.
Không đề cập những phiền toái đến từ "chiêu trò" của chủ đầu tư, những xung đột là nguồn cơn dẫn đến việc kêu gọi xây dựng văn hóa chung cư thường xuất phát từ ngay chính những cư dân ở đây mà nguyên do sâu xa có lẽ nằm ở rủi ro đến từ tình trạng thu nhập và trình độ cao không tỉ lệ thuận với trình độ văn hóa, rõ hơn là văn hóa ứng xử cộng đồng trong đó đáng kể là tính tuân thủ quy định chung.
Do cấu trúc thiết kế, cách tổ chức mô hình ở và sinh hoạt, sự giao thoa trong quá trình ở của cư dân sẽ là không ngoa khi nói chung cư như một đô thị thu nhỏ. Mọi hoạt động của cư dân chắc chắn được điều chỉnh bằng nhưng quy định riêng của chung cư, của địa phương nơi chung cư tọa lạc và trên hết là bởi pháp luật chung.
Trong đô thị, chủ nhân ngôi nhà tuy có quyền sở hữu và định đoạt đối với ngôi nhà của mình song vẫn phụ thuộc sự điều chỉnh của các quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể chủ nhân hoàn toàn có thể làm mọi thứ theo sở thích trong ngôi nhà của mình nhưng khi bước ra khỏi cửa sẽ lập tức bị điều chỉnh bởi các nguyên tắc chung đô thị, luật giao thông, môi trường …
Tương tự, một cư dân chung cư hoàn toàn có quyền tự do cá nhân trong khuôn khổ căn hộ của mình trên tinh thần không xâm phạm lợi ích người khác. Theo đó, những hạng mục như hành lang, cầu thang bộ, thang máy, sân vườn, nhà để xe … tuy thuộc quyền sử dụng chung song không đồng nghĩa với việc cư dân muốn hoặc thích làm gì thì làm.
Tuy vậy, rủi ro là hiện nay nhiều cư dân sống ở chung cư mang tâm thế của người có tiền nên có quyền; họ mặc nhiên coi (cả) chung cư như thể nhà mình, coi ban quản lý và bảo vệ chung cư là "người làm thuê" trong khi lẽ ra là người giúp họ vận hành tốt chốn ở, bảo vệ tài sản, sức khỏe thậm chí tính mạng của mình.
Góc nhìn chung cư từ... bệnh viện
Những ai từng chăm người thân trong các bệnh viện lớn và uy tín sẽ có trải nghiệm đáng su ngẫm về văn hóa cộng đồng, cụ thể là "văn hóa sống chung". Cùng trong phòng bệnh, cùng sử dụng cơ sở vật chất chung của bệnh viện hay nói chung là được bệnh viện phục vụ song bệnh nhân và cả thân nhân đều phải bị chế tài bởi quy định của bệnh viện, sự quản lý và nhắc nhở của nhân viên bệnh viện. Theo đó tất cả đều ý thức rằng nhất cử nhất động những hành vi, hành động của mình đều trực tiếp ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng của người thân và chính mình.
Do vậy hầu hết tuyệt đối tuân thủ sự quản lý, nhắc nhở của bảo vệ và nhân viên bệnh viện từ việc sử dụng thang máy, giữ vệ sinh chung, không hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện đồng thời tuân thủ các nguyên tắc của phòng bệnh.
Cư dân chung cư và khách đến bệnh viện đều ở tâm thế là khách hàng, tức người bỏ tiền ra để được phục vụ. Tuy vậy sự ứng xử khác nhau xuất phát từ suy nghĩ khác nhau.
Xây dựng văn hóa chung cư như lẽ trên rốt cuộc là xây dựng văn hóa ứng xử cộng đồng. Trong khi chờ đợi những phân khúc chung cư hình thành sự "phân khúc khách hàng" vốn là những đối tượng gần nhau về lối sống hay nói chung là "văn hóa", để có văn hóa chung cư trước tiên cần chủ đầu tư thực sự minh bạch, chuyên nghiệp.
Sự chuyên nghiệp của chủ đầu tư là cơ sở tạo dựng các quy chế quản lý vận hành tốt, những điều lệ rõ ràng mà cư dân phải tuân thủ. Điều tối quan trọng là những quy định này cần phổ biến đến mọi khách hàng, được coi là chế tài bắt buộc ngay khi họ chưa trở thành cư dân thực thụ ở đó, mà không thể được phổ biến kiểu úp mở hoặc "trăm phần dễ" như cách nhiều chủ đầu tư từng mà cốt để rao bán tối đa căn hộ và đưa khách hàng "vào tròng" (?!).
https://nhadat.tuoitre.vn/chung-cu-xua-khep-nep-nay-ta-co-tien-co-quyen-20180420120229131.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét