Tới hay lui cũng vẫn… anh minh!
10/04/2018 Trân Văn - Trên bình diện xã hội, quyết định cải tổ Bộ Công an của Bộ Chính trị Đảng CSVN khiến nhiều người phấn khích, thậm chí hả hê. Có một điểm đáng bận tâm nhưng ít người để ý rằng, tại sao quyết định cải tổ Bộ Công an của Bộ Chính trị Đảng CSVN không đề cập đến chuyện truy cứu trách nhiệm tất cả những cá nhân tham gia bơm, thổi vai trò, bộ máy của ngành công an hoặc lặng thinh khiến nó phình ra càng ngày càng lớn, góp phần rất đáng kể vào việc làm quốc gia khánh kiệt như hiện nay?Không phải tự nhiên mà quyết định cải tổ Bộ Công an của Bộ Chính trị Đảng CSVN trở thành sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần này. Theo quyết định vừa kể thì Bộ Công an sẽ giải thể sáu tổng cục (An ninh, Cảnh sát, Tình báo, Chính trị, Hậu cần - Kỹ thuật, Thi hành án hình sự - Hỗ trợ tư pháp) và giảm tầm vóc của các bộ tư lệnh cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ từ tương đương tổng cục xuống mức thấp hơn.
Báo chí Việt Nam tường thuật, khi soạn thảo Đề án 106 (đề án cải tổ ngành công an), Đảng ủy Công an Trung ương dự tính chỉ giải thể bốn tổng cục (Tình báo, Chính trị, Hậu cần - Kỹ thuật, Thi hành án hình sự - Hỗ trợ tư pháp), giữ lại hai Tổng cục là An ninh và Cảnh sát nhưng Bộ Chính trị không đồng ý. Đó là lý do dẫn tới chuyện Bộ Công an sẽ không còn Tổng cục nào. Sau khi sắp xếp lại, con số Cục được dự báo sẽ giảm từ 126 xuống 60. Những đơn vị công lập của ngành công an (đào tạo, y tế, báo chí) và Sở Công an các tỉnh, thành phố cũng sẽ được sắp xếp lại cho… “gọn hơn”.
***
Trong khi hệ thống truyền thông chính thức ca ngợi quyết định cải tổ Bộ Công an của Bộ Chính trị Đảng CSVN là “một bước đột phá”, là “cải cách sâu rộng, có tính lịch sử của ngành công an” (1) thì một số người am tường tình hình chính trị Việt Nam nhận định, đó là một “nước cờ” của “tư duy chính trị khéo léo”, vận dụng yêu cầu tinh giản nhân sự của bộ máy công quyền thành áp lực để cắt giảm quyền lực của ngành công an (2).
Trên bình diện xã hội, quyết định cải tổ Bộ Công an của Bộ Chính trị Đảng CSVN khiến nhiều người phấn khích, thậm chí hả hê. Quyết định ấy chẳng khác gì mở một cái van, xả bớt sự bất bình về một ngành mà hiệu quả công vụ luôn luôn tỉ lệ nghịch với sự càn rỡ vốn đã vượt quá giới hạn chịu đựng của công chúng từ lâu nhưng chưa bao giờ và cũng chưa có ai rờ tới…
Có một điểm đáng bận tâm nhưng ít người để ý rằng, tại sao quyết định cải tổ Bộ Công an của Bộ Chính trị Đảng CSVN không đề cập đến chuyện truy cứu trách nhiệm tất cả những cá nhân tham gia bơm, thổi vai trò, bộ máy của ngành công an hoặc lặng thinh khiến nó phình ra càng ngày càng lớn, góp phần rất đáng kể vào việc làm quốc gia khánh kiệt như hiện nay?
***
Tháng 9 năm ngoái, Bộ Tài chính Việt Nam loan báo, tính đến hết năm 2015, nợ nần của Việt Nam là hơn 94 tỉ Mỹ kim, khoảng hơn hai triệu tỉ đồng Việt Nam, trong đó vay mượn ngoại quốc là 39,6 tỉ Mỹ kim, vay mượn dân chúng trong nước là hơn 54 tỉ Mỹ kim (3).
Cũng tháng 9 năm ngoái, tại Hội thảo mùa Hè 2017 – sinh hoạt thường niên do những trí thức người Việt tổ chức để mỗi năm thảo luận về một chủ đề cụ thể có liên quan đến hiện trạng và tương lai Việt Nam - qua tham luận “Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam” (4), ông Vũ Quang Việt, cựu Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của Liên Hiệp Quốc, nhận định, nợ nần của Việt Nam tăng không ngừng là vì nguồn thu cho ngân sách liên tục giảm trong khi chi tiêu của hệ thống công quyền không ngừng tăng.
Dựa trên những số liệu thống kê thu thập được từ các nguồn khác nhau, ông Việt đã lập hàng loạt biểu, bảng để chứng minh, chi tiêu của hệ thống công quyền gia tăng không phải do gia tăng đầu tư hay trả nợ mà chỉ vì không kềm giữ được chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của bộ máy công quyền). Năm 2009, chi thường xuyên tương đương 54,4% tổng chi ngân sách, sáu năm sau (2014), chi thường xuyên vọt lên tới 65,5% tổng chi ngân sách. Ông Việt ước tính, chi thường xuyên của Việt Nam chiếm tới 34% GDP. Vượt xa các quốc gia trong khu vực (Indonesia 21,7%, Singapore 14,9%,…)
Bởi nguồn thu giảm trong khi chi tiêu không ngừng tăng, phải vay mượn để chi nên Việt Nam liên tục bội chi, tỉ lệ bội chi khoảng 6% GDP, gấp đôi mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (3%).
Một trong những lý do khiến Việt Nam liên tục bội chi là vì phải nuôi đội ngũ công chức và viên chức càng ngày càng đông (so với năm 2013, năm 2014, số lượng công chức tăng 4,1%, số lượng viên chức tăng 9,8%).
Đáng chú ý là ông Việt - chuyên gia về phân tích tương quan giữa các dữ liệu đã được thống kê với tác động của chúng tới kinh tế của một quốc gia - đã trình bày rất cặn kẽ cách thu lượm dữ liệu, phương thức tính toán để chứng minh, năm 2014, Việt Nam đã chi cho ngành công an khoảng 6,4 tỉ Mỹ kim, chi cho quân đội khoảng 4,5 tỉ Mỹ kim (bao gồm cả mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng - khoảng 1,9 triệu Mỹ kim). Nếu tính theo tổng chi ngân sách, chi cho công an chiếm 12%, chi cho quân đội chiếm 9%. Tỉ lệ chi của Việt Nam cho quân đội tính trên tổng chi ngân sách ngang với Hoa Kỳ nhưng tỉ lệ chi của Việt Nam cho công an gấp sáu lần Hoa Kỳ (chi cho cảnh sát của Hoa Kỳ chỉ chiếm 2% tổng chi ngân sách).
Cựu Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của Liên Hiệp Quốc nhận định, nếu chi tiêu cho quân đội và công an quá lớn thì “sẽ tạo ra áp lực mạnh lên các khoản chi tiêu khác cho xã hội”. Sở dĩ Việt Nam phải chi một khoản khổng lồ cho công an vì ngoài hoạt động bảo vệ, gìn giữ trật tự xã hội, công an Việt Nam đang thực hiện những công việc mà các quốc gia khác xem là hoạt động dân sự (Đăng ký hộ khẩu, Chứng nhận hạnh kiểm, Cấp hộ chiếu phổ thông, Đăng ký các loại phương tiện giao thông,...). Cũng theo ông Việt, lực lượng công an quá đông sẽ không chỉ làm ngân sách mất cân đối, gia tăng vay mượn để nuôi mà còn tạo tiền đề cho lạm dụng quyền lực, tham nhũng, bất mãn gia tăng, gây bất ổn cho xã hội…
Giữa hoan nghênh, hào hứng theo dõi tiến trình cải tổ Bộ Công an theo chỉ đạo của Bộ Chính trị Đảng CSVN với đòi truy cứu tận gốc trách nhiệm những người ban hành chủ trương, tham gia soạn thảo - bỏ phiếu thông qua Luật Công an nhân dân, phê duyệt các Nghị định, Thông tư, tạo điều kiện cho ngành công an “lớn, mạnh” như thời gian vừa qua thì nên chọn thái độ nào mới đúng với bản chất?
***
Việt Nam đã bốn lần thực hiện cải tổ bộ máy hành chính, “tinh giản biên chế” nhưng sau mỗi lần cải tổ, bộ máy hành chính lại phình ra, to hơn trước khi cải tổ.
Năm 2016, hệ thống công quyền tại Việt Nam thú nhận, chưa kể nhân sự của “lực lượng vũ trang” (công an, quân đội), số công chức, viên chức đang nhận lương hoặc trợ cấp như lương từ ngân sách đã xấp xỉ 6,5 triệu người.
Ngoài 6,5 triệu công chức, viên chức đang làm việc cho hệ thống công quyền, dân chúng Việt Nam còn phải “thắt lưng, buộc bụng” đóng góp để nuôi thêm khoảng 5 triệu cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội như Đảng CSVN và đủ loại hội, đoàn. Trong mười năm từ 2006 đến 2016, cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam tăng hơn ba lần.
Năm 2016, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, bảo rằng, nếu cộng cả những người đang nhận lương, trợ cấp từ ngân sách như các công chức, viên chức, cán bộ trong hệ thống chính trị (Đảng và các đoàn thể), với những cá nhân đã nghỉ hưu thì con số mà dân chúng Việt Nam phải dồn sức để nuôi lên tới 11 triệu (5). Trung bình, mỗi công chức, viên chức, cán bộ có chín người Việt, bất kể “nam, phụ, lão, ấu” xúm vào… cõng. Cộng cả các thành viên của lực lượng vũ trang (công an, quân đội) – số liệu vốn thuộc loại “bí mật quốc gia”, chắc chắn gánh mà “nam, phụ, lão, ấu” người Việt đang mang sẽ gây xúc động mạnh.
Chẳng riêng bà Lan, nhiều chuyên gia khác từng cảnh báo, không quốc gia nào có thể nuôi nổi lượng công chức, viên chức, cán bộ đông như vậy, thành ra Việt Nam đã cũng như và sẽ mạt vì đội ngũ này.
Cũng năm 2016, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố kết quả một cuộc khảo sát về chi phí nuôi các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát không cho biết Đảng CSVN ngốn hết bao nhiêu tiền thuế/năm nhưng VEPR cho biết, mỗi năm, tổng chi phí nuôi các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam vào khoảng 14.000 tỉ đồng – gấp đôi ngân sách dành cho giáo dục, y tế (6).
VEPR nhấn mạnh, 11.000 tỉ đồng đó mới chỉ là lương. Nếu tính đúng, tính đủ (tính cả chi phí về sử dụng đất đai, nhà cửa, xe cộ và các loại tài sản khác) thì mỗi năm, dân chúng Việt Nam mất từ 45.600 đến 68.100 tỉ đồng cho chuyện phải nuôi các tổ chức chính trị - xã hội.
***
Trong tham luận “Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam”, ông Vũ Quang Việt cho rằng, nếu tính cả nợ mà các doanh nghiệp nhà nước đã vay thì tổng số nợ nần của Việt Nam trong năm 2016 khoảng 431 tỉ Mỹ kim hoặc hơn, con số đó tương đương 210% GDP (205,2 tỉ Mỹ kim). Ông Việt lưu ý thêm là nếu cộng cả nợ của khối tư nhân thì tổng nợ của kinh tế Việt Nam có thể xấp xỉ 250% GDP. Nói cách khác, tính theo GDP, nợ nần của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới!
Nợ cao, áp lực trả nợ tất nhiên sẽ tăng. Khi không còn có thể vay mượn để chi tiêu và trả nợ, kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Theo ước tính của ông Việt, với mức độ nợ nần trên 200% GDP và lãi suất từ 9% đến 10%/năm như hiện nay, cộng với lạm phát khoảng 4% năm, GDP của Việt Nam phải tăng ít nhất 10% mới đủ để… trả lãi. Đáng nói là trong bối cảnh như hiện nay, Việt Nam chẳng có cách nào để đạt được mức tăng trưởng như thế.
Khi các nguồn thu cho ngân sách sụt giảm, chi thường xuyên tiếp tục tăng từ 70% lên 80% tổng chi ngân sách, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ còn một cách là liên tục cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, y tế, đầu tư để phát triển và tìm đủ cách nâng các loại thuế, phí… thì việc chỉ mới có ngành Công an mất tới hai năm để soạn thảo kế hoạch cải tổ là đáng mừng hay ngược lại?
Ngoài ra còn phải ngẫm nghĩ về một khía cạnh khác mà ông Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng Biên tập Sài Gòn Tiếp thị nêu ra: Liệu cải tổ có thể đến nơi, đến chốn không khi lãnh đạo không đủ… nhiệm kỳ?
Đến giờ, giới lãnh đạo Đảng CSVN vẫn được xem như những người cầm lái vĩ đại. Những người cầm lái vĩ đại đã đưa cỗ xe Việt Nam rẽ từ đại lộ vào những con hẻm quanh co, gập ghềnh. Có đáng để xem mỗi lần những người cầm lái vĩ đại cho xe đổi hướng là “bước ngoặt lịch sử”, là “tài tình, sáng suốt” hay không, khi cỗ xe Việt Nam vẫn lún sâu giữa sình lầy, chưa biết tới lúc nào mới có thể trở lại đại lộ?
Chú thích
(1) http://plo.vn/thoi-su/bo-cong-an-se-khong-con-cap-tong-cuc-762905.html
(2) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/1416219528484310
(3) http://tuoitre.vn/no-cong-la-hon-2-trieu-ti-dong-2017092114301636.htm
(4) http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai36/201736_VuQuangViet.pdf
http://vietnamfinance.vn/tinh-gian-bien-che-buoc-dot-pha-tu-bo-cong-an-20180402095521199.htm
(5) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-bien-che-de-giam-ganh-nang-11-trieu-nguoi-an-luong-309270.html
(6) http://vepr.org.vn/ngan-sach-va-cac-to-chuc-hoi-doan-the-nha-nuoc.html
Trân Văn
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/toi-hay-lui-cung-van-anh-minh/4340404.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét