Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Soi hiệu quả của các DN của 2 tỷ phú USD mới của VN

Công ty của 2 tỷ phú USD mới của Việt Nam làm ăn ra sao?
11/03/2018 (Kiến Thức) - Tập đoàn Hòa Phát và Công ty cổ phần ôtô Trường Hải của 2 tỷ phú USD Trần Đình Long và Trần Bá Dương đang có doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Hòa Phát là doanh nghiệp lớn nhất ngành thép Việt Nam trong khi Công ty CP ô tô Trường Hải hoạt động trên 3 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính: Ô tô, Địa ốc và Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp.
Ảnh minh họa: vietq.vn
Trong danh sách tỷ phú thế giới 2018 do tạp chí Forbes công bố, ngoài ông Phạm Nhật Vượt, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, có thêm 2 doanh nhân Việt Nam gia nhập danh sách là: Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long và Chủ tịch Ô tô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương với khối tài sản lần lượt là là 1,3 tỷ USD và 1,8 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Hòa Phát và Trường Hải đang nổi lên là hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nặng với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Hòa Phát - doanh nghiệp lớn nhất ngành thép Việt Nam
Trong đó, Hòa Phát hiện là doanh nghiệp lớn nhất ngành thép Việt Nam với vốn hóa thị trường tại ngày 6/3 đạt xấp xỉ 97.000 tỷ đồng. Ông Trần Đình Long và vợ hiện nắm giữ gần 32,5% cổ phần của công ty.
Theo forbesvietnam.com.vn, Hòa Phát bắt đầu gia nhập ngành thép bằng việc thành lập Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát vào năm 1996. Giai đoạn đó, "hỏi 9 người thì 10 người cho rằng Hòa Phát sẽ thất bại” - Ông Trần Đình Long chia sẻ tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2015. Với sự quyết liệt, tập trung kinh doanh, Hòa Phát từ chỗ không tên tuổi đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Năm 2017, Hòa Phát đạt sản lượng tiêu thụ thép kỷ lục lên tới 3 triệu tấn, tăng 25% so với năm trước đó. Cả hai dòng sản phẩm chủ lực của Hòa Phát là thép xây dựng và ống thép có thị phần lần lượt là 24% và gần 27%. Với mức tiêu thụ thép tăng mạnh trong năm 2017, doanh thu Hòa Phát đạt 46.162 tỷ đồng – tăng 39%; Lợi nhuận sau thuế đạt 8.007 tỷ đồng – tăng 22% so với năm trước và đây đều là con số kỷ lục của Tập đoàn.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG cũng liên tục lập đỉnh. Tính cả năm 2017, cổ phiếu này đạt mức tăng gần hai lần, từ mức 27.586 đồng/cp (03/01/2017) lên mức 46.850 đồng/cp (29/12/2017). Những tháng đầu năm 2018 cổ phiếu HPG tiếp tục bứt phá, đạt mức tăng hơn 29% thị giá. Cũng chính sự tăng trưởng này đã đưa ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn trở thành tỷ phú USD thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Hòa Phát đang dần lấn sang lĩnh vực bất động sản với dự án Mandarin Garden 1 (đã bàn giao) và Mandarin Garden 2 (phần lớn sẽ hạch toán trong quý 1/2018) và một số dự án Khu công nghiệp.

Về lĩnh vực nông nghiệp, dù còn khá mới mẻ nhưng theo Hòa Phát, trong năm 2018, tập đoàn sẽ cung cấp ra thị trường trên 20 triệu trứng gà thương phẩm, gia tăng sản lượng bò Úc. Quý 1/2018, lứa heo 3 máu thương phẩm đầu tiên sẽ ra mắt thị trường, đồng thời sẽ chính thức cung cấp heo giống cho thị trường Việt Nam.
Trường Hải - "ông vua" thị trường ô tô Việt

CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco Group) hiện là doanh nghiệp sản xuất lắp ô tô nội địa lớn nhất Việt Nam. Trường Hải ra đời vào năm 1997 tại khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai. Tên công ty được đặt theo con trai của ông Trần Bá Dương là Trần Bá Trường Hải. Khi mới thành lập, hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty là nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang lại để cung cấp ra thị trường, đồng thời cung cấp các vật tư phụ tùng cho việc sửa chữa ô tô.


Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco). Ảnh: Zing.

Tính đến cuối năm 2011, tổng tài sản và vốn chủ sở của Thaco lần lượt là 10.200 tỷ và 4.400 tỷ đồng (vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng). Công ty CP ô tô Trường Hải hoạt động trên 3 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính: Ô tô, Địa ốc và Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp.

Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất của Thaco đạt 65.823 tỷ đồng (3 tỷ USD), tăng trưởng 44% so với năm 2015; Lợi nhuận sau thuế đạt 7.899 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2015, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 19.372 đồng.

Năm 2017, tập đoàn này tiêu thụ tổng cộng 89.602 ô tô, giảm 21% so với năm trước đó nhưng vẫn chiếm xấp xỉ 36% thị phần ô tô toàn quốc. Tuy nhiên, đây là câu chuyện chung của ngành ô tô Việt Nam khi người dân có tâm lý chờ đợi đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Asean về mức 0%.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, mới đây Trường Hải đã khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp Thaco tại Quảng Nam với vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Sản phẩm máy kéo được đưa ra thị trường trong nước với mục tiêu đạt 7% thị phần vào năm 2018 với 500 máy kéo và 38% thị phần với 2.100 máy kéo vào năm 2026. Trước đó, trong năm 2016, ông Trần Bá Dương từng cho biết sẽ xây dựng mô hình trồng lúa áp dụng khoa học công nghệ cao.

http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/cong-ty-cua-2-ty-phu-usd-moi-cua-viet-nam-lam-an-ra-sao-1019138.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét