Nỗi lo bùng phát số lượng Giáo sư, Phó giáo sư chỉ trong… vài “nốt nhạc”
11/03/2018 Tôi đã có dịp được dự một số buổi bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường đại học. Không có không khí tranh luận sôi nổi đầy học thuật, cũng chẳng thấy những góp ý có thể gay gắt nhưng mang tính xây dựng về mặt nghiên cứu khoa học. Tựu chung là, đánh giá mặt được và chưa được, vài ba ý kiến đóng góp nhẹ nhàng, rồi bỏ phiếu đạt 100% thông qua… Và phần sôi nổi nhất, thay vì trong buổi chấm bảo vệ luận án tiến sĩ, thì nó lại diễn ra ở… nhà hàng.Sự bùng phát về số lượng của đợt xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017 đã gây ra dư luận không hay khiến Thủ tướng phải chỉ đạo rà soát lại. Hơn 90 trường hợp đang còn “ghim” lại để xem xét. Trong khi lại có những ý kiến rằng, việc xem xét công nhận chức danh GS, PGS nên giao về cho các trường đại học.
Những ý kiến trên chủ yếu dựa vào một thực tế là hầu hết các trường đại học ở Âu-Mỹ đều trực tiếp xét công nhận chức danh GS, PGS, và Việt Nam nên học theo.
Dân gian ta có câu “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”. Riêng tôi nghĩ, nếu Việt Nam chúng ta có điều kiện về kinh tế xã hội, giáo dục phát triển tiên tiến, và đặc biệt là nhận thức, cũng như việc thực thi các quy định, luật pháp một cách nghiêm minh, thì sẽ rất thuận lợi khi giao việc xét công nhận chức danh GS, PGS về cho các trường đại học.
Nhưng trên thực tế lại đang có những diễn biến khác với những gì chúng ta mong muốn. Với mô hình hiện nay quy định thủ tục khá chặt chẽ, thế mà cũng đã có đến hơn 90 trường hợp phải “để lại” sau khi rà soát bước đầu, và có trường hợp “đạo văn” mà vẫn lọt lưới được công nhận PGS.
Tôi đã có dịp được dự một số buổi bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường đại học. Không có không khí tranh luận sôi nổi đầy học thuật, cũng chẳng thấy những góp ý có thể gay gắt nhưng mang tính xây dựng về mặt nghiên cứu khoa học. Tựu chung là, đánh giá mặt được và chưa được, vài ba ý kiến đóng góp nhẹ nhàng, rồi bỏ phiếu đạt 100% thông qua…
Và phần sôi nổi nhất, thay vì trong buổi chấm bảo vệ luận án tiến sĩ, thì nó lại diễn ra ở… nhà hàng.
Và tôi tự hỏi, nếu giao việc xét công nhận chức danh GS, PGS về cho các trường, trong một môi trường mà hội đồng xét duyệt đều là đồng nghiệp, thường xuyên chạm mặt nhau, thậm chí còn thân thiết nữa, thì càng dễ dàng thông cảm, xuê xoa…, thì số lượng GS, PGS được công nhận từ mỗi trường đại học, nếu cộng lại trên phạm vi cả nước mỗi năm có thể còn nhiều hơn con số GS, PGS đã công nhận năm 2017 nữa.
Chỉ mới có một số ý kiến đề xuất thôi, mà dư luận đã lo về một nguy cơ bùng phát số lượng GS, PGS chỉ trong… vài “nốt nhạc”.
Áp dụng mô hình nào để xét công nhận chức danh GS, PGS đơn giản chỉ là sự chọn lựa. Không có mô hình nào hoàn hảo. Việc chọn mô hình nào không quan trọng bằng cách triển khai thực hiện ra sao, chặt chẽ và nghiêm minh như thế nào để tránh lọt lưới những trường hợp chưa đủ điều kiện hay không đáp ứng tiêu chuẩn. Việc chúng ta cần phải chấn chỉnh, hoàn thiện trong công tác xét công nhận chức danh GS, PGS hiện nay chính là vấn đề trọng yếu này.
THẾ LÂM
https://laodong.vn/dien-dan/noi-lo-bung-phat-so-luong-giao-su-pho-giao-su-chi-trong-vai-not-nhac-594932.ldo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét