Hậu quả pháp lý sau vụ Mobifone hủy hợp đồng mua AVG
14/03/2018 - Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Nếu trong trường hợp Thanh tra Chính phủ và cơ quan điều tra phát hiện, kết luận việc có nâng giá, thổi giá trong hợp đồng này, đơn vị tiến hành thẩm định giá sai thì đương nhiên tội phạm đã cấu thành và việc khởi tố vụ án là bắt buộc. Còn lại việc hai bên huỷ hợp đồng, chỉ được xem xét như một việc khắc phục hậu quả, có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ. “Việc làm này (hủy hợp đồng mua AVG) rõ ràng có mục đích chứ không thể đơn giản vì chưa thanh toán hay thanh toán không đúng hạn mà dễ dàng hủy hợp đồng như thế.Chiều 13/3, Tổng công ty Viễn thông Mobifone cho biết, hiện Mobifone và nhóm cổ đông AVG đang xúc tiến việc hủy bỏ hợp đồng theo các quy định của pháp luật. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 8.889,8 tỷ đồng. Nếu có dấu hiệu vi phạm, việc hủy hợp đồng sẽ không ảnh hưởng đến việc thanh tra vụ việc và trách nhiệm các bên liên quan.
Đặt cọc gần 450 tỷ cam kết hủy hợp đồng
Theo thỏa thuận hai bên, nhóm cổ đông Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã đặt cọc số tiền gần 450 tỷ đồng để cam kết thực hiện việc hủy hợp đồng.
Bộ TT&TT khi thông tin về vụ việc này cũng nhấn mạnh, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, trong điều kiện hợp đồng Mobifone mua 95% cổ phần AVG chưa thực hiện xong, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Mobifone làm việc với nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG để đàm phán chấm dứt hợp đồng Mobifone mua 95% cổ phần AVG với nguyên tắc thu hồi đầy đủ số vốn Mobifone bỏ ra.
Chiều 13/3, PV Báo Giao thông đã liên lạc với Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và đề cập đến thông tin về vụ huỷ hợp đồng giữa AVG và Mobifone, đồng thời đặt vấn đề: Liệu việc này có tác động gì tới kết luận mà Thanh tra Chính phủ sắp công bố hay không, ông Khái cho biết mới đọc trên báo chứ chưa nắm rõ về thông tin này. “Hiện tôi đang rất bận, rất nhiều việc nên chưa thể trả lời, tôi sẽ trả lời sau”, ông Khái nói.
Trong cuộc trao đổi chiều 12/3, hai bên đã thống nhất huỷ việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thoả thuận. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này là 8.889,8 tỷ đồng. Mobifone hoàn trả lại toàn bộ cổ phần AVG cho nhóm cổ đông. Nhóm cổ đông trả lại đầy đủ số tiền Mobifone đã thanh toán cộng chi phí liên quan. Như vậy, Mobifone sẽ nhận được số tiền lớn hơn con số họ đã thanh toán cho nhóm cổ đông.
Bên cạnh đó, do việc thanh tra nên Mobifone chưa thực hiện thanh toán nốt 5% giá trị chuyển nhượng theo đúng cam kết trong hợp đồng. Vì vậy, trong trường hợp Mobifone không chấp nhận chấm dứt hợp đồng thì nhóm cổ đông có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật và Mobifone có thể bị phạt tới 8% giá trị hợp đồng (khoảng 711 tỷ đồng), điều này là không có lợi cho Mobifone (Nhà nước).
Do đó, Bộ TT&TT cho rằng, việc thống nhất chấm dứt hợp đồng là giải pháp tối ưu, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thu hồi đầy đủ vốn mà Mobifone đã đầu tư, không làm thất thoát vốn của Mobifone, của Nhà nước theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng cho biết, Bộ đã báo cáo vụ việc này lên Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trong ngày 13/3 cũng đã trao đổi với Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái để thông báo về những diễn biến mới xung quanh thương vụ chuyển nhượng cổ phần AVG cho Mobifone. Đây là những thông tin để Thanh tra Chính phủ và đoàn thanh tra có căn cứ xem xét, gửi tới người ra quyết định thanh tra theo đúng quy định.
“Không ảnh hưởng đến việc xử lý trách nhiệm”
Theo ĐBQH Trần Quang Chiểu, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trước khi có việc thanh lý hợp đồng, Ban Bí thư đã có những chỉ đạo cụ thể về vụ việc này. Đặt trường hợp giả sử có hành vi vi phạm trong thương vụ này và vụ mua bán đã thành công, dù có thanh lý hợp đồng, có thu hồi được tài sản về cho Nhà nước thì hành vi sai phạm cũng đã hoàn thành. “Nếu hủy hợp đồng, AVG trả lại tiền cho Mobifone thì tức là tiền ngân sách không mất đi, nhưng hành vi vi phạm pháp luật đã hoàn thành thì không thể không chịu trách nhiệm”, ông Chiểu nói.
Từ đó, ông khẳng định việc hủy hợp đồng giữa Mobifone và AVG sẽ không ảnh hưởng đến việc thanh tra vụ việc và trách nhiệm các bên liên quan cũng vẫn được xem xét như chỉ đạo của Ban Bí thư. Có chăng, việc thu hồi lại tiền về cho Nhà nước sau này có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ, chứ không thể nói “thu hồi là không có tội gì” được.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cũng phân tích, bối cảnh của sự việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ban Bí thư có những chỉ đạo rất cụ thể, kèm theo những nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm. Giả sử trong thương vụ này có sai phạm, như sai phạm về thủ tục đầu tư, thủ tục định giá và lợi nhuận, thì đây sẽ là một hợp đồng vô hiệu. Trong trường hợp bình thường, việc thoả thuận giữa hai bên để đi đến thống nhất nhằm kết thúc hợp đồng có thể chỉ là vụ việc dân sự, nhưng trong trường hợp này, Ban Bí thư đã nhận định có những sai phạm nghiêm trọng, nên không thể đơn thuần coi đây là vụ việc dân sự.
“Vụ việc này không đơn giản là các bên ngồi lại với nhau và hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, sau đó để coi như không có sai phạm gì. Tại sao anh không chấm dứt hợp đồng, hay hoàn trả tiền trước khi có việc thanh tra, hay trước khi có kết luận của Ban Bí thư?”, luật sư đặt câu hỏi và nhận định, vụ việc này là “quy trình ngược”, vì lẽ ra phải có kết luận công khai của Thanh tra Chính phủ mới tiến hành làm việc này, đằng này kết luận chưa được công bố các bên đã đi thanh lý hợp đồng như một biện pháp “chữa cháy”.
“Hủy hợp đồng là việc bất thường”
Cho rằng trong vụ việc này nên nhìn nhận ở 2 khía cạnh, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Với các hợp đồng, chính sách pháp luật luôn đề cao việc tự thoả thuận giữa hai bên. Nhưng hợp đồng giữa Mobifone và AVG thì không phải hai bên đều là DN ngoài Nhà nước mà có DN Nhà nước, nên trong quá trình triển khai hợp đồng này, giả sử có việc thông đồng với nhau “thổi giá” hợp đồng để rút tiền ngân sách thì tức là yếu tố cấu thành tội phạm đã hình thành, tiền của Nhà nước đã được chuyển đi. Vì vậy, việc huỷ hợp đồng như vậy cũng là rất bất thường, song không thể làm thay đổi bản chất vấn đề.
Nếu trong trường hợp Thanh tra Chính phủ và cơ quan điều tra phát hiện, kết luận việc có nâng giá, thổi giá trong hợp đồng này, đơn vị tiến hành thẩm định giá sai thì đương nhiên tội phạm đã cấu thành và việc khởi tố vụ án là bắt buộc. Còn lại việc hai bên huỷ hợp đồng, chỉ được xem xét như một việc khắc phục hậu quả, có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ.
“Việc làm này rõ ràng có mục đích chứ không thể đơn giản vì chưa thanh toán hay thanh toán không đúng hạn mà dễ dàng hủy hợp đồng như thế, vì DN đã được chuyển giao, quyền và nghĩa vụ các bên đã được thực hiện hết rồi, làm sao có chuyện tự nhiên hủy hợp đồng? Vì đây không chỉ là hợp đồng mua bán đơn thuần, mà khi Mobifone mua xong AVG thì họ còn tiến hành đổi tên thương hiệu, tái cơ cấu, xây dựng mục tiêu kinh doanh mới, làm các chiến dịch truyền thông, cơ cấu đội ngũ, nhân sự… Nếu tính ra thiệt hại sẽ là rất lớn”.
Hoài Thu
http://www.baogiaothong.vn/hau-qua-phap-ly-sau-vu-mobifone-huy-hop-dong-mua-avg-d247439.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét