Nới lỏng tín dụng có thể đẩy nền kinh tế trở lại vòng xoáy của nợ xấu
SGGPO 25/1/2018 Các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương nhấn mạnh, diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bất lợi và cho rằng nới lỏng tín dụng có thể đẩy nền kinh tế trở lại vòng xoáy của nợ xấu.Trên cơ sở cập nhật những đánh giá chung về môi trường kinh doanh năm 2017 và phân tích những thách thức đối với hoàn thiện môi trường kinh doanh, Báo cáo của nhóm tác giả CIEM nhận định, nhiều chỉ số quan trọng ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đều tăng điểm và tăng hạng, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy vậy, những chuyển biến này còn thiếu tính bền vững: thực tế còn tồn tại nhiều rào cản về môi trường kinh doanh, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Kết quả kinh tế - xã hội tương đối ấn tượng trong năm 2017 đã giúp củng cố niềm tin vào cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng. Bài học từ năm 2017 cũng cho thấy duy trì một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và kiên định với cải cách thể chế kinh tế có ý nghĩa quan trọng.
Đặc biệt, các tác giả Báo cáo nhấn mạnh, nới lỏng tín dụng có thể giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh trong ngắn hạn, song cũng có thể đẩy nền kinh tế trở lại vòng xoáy của nợ xấu, cản trở tăng năng suất, và làm giảm dư địa điều hành nếu có những cú sốc bất lợi sau này. Trong chừng mực ấy, đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn cải cách vi mô là lựa chọn duy nhất.
Diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới ít nhiều còn bất định; tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức, do xu hướng bảo hộ và cách tiếp cận thương mại song phương dần phổ biến hơn; trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp…
Đáng lưu ý, Việt Nam có thể phải phòng ngừa rủi ro dòng vốn nước ngoài đảo chiều, gây áp lực đối với tỷ giá và cán cân thanh toán. Bên cạnh đó, rủi ro tụt hậu về công nghệ sẽ lớn hơn nếu Việt Nam không có các hành động cụ thể nhằm đón đầu cơ hội và xử lý thách thức từ cuộc khoa học công nghệ lần thứ tư.
“Khả năng chống chịu trước các cú sốc bất lợi ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc chủ yếu vào dư địa chính sách tiền tệ, độ quyết liệt trong ứng phó của Việt Nam, gắn với năng lực dự báo và biện pháp ứng xử trong các kịch bản cụ thể”, nhóm nghiên cứu CIEM khẳng định.
ANH PHƯƠNG
http://www.sggp.org.vn/noi-long-tin-dung-co-the-day-nen-kinh-te-tro-lai-vong-xoay-cua-no-xau-496389.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét