Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Ngân hàng ngoại quốc rút vốn khỏi VN vì bất ổn chính trị?

Ngân hàng ngoại quốc rút vốn khỏi Việt Nam vì bất ổn chính trị?
Lửa và khói - Từ giữa năm 2017, ngay sau khi rộ lên thông tin về hàng loạt ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam cùng những đánh giá đây là sự chia tay với một thị trường đã kém hấp dẫn và tính minh bạch chưa cao…, đã xuất hiện vài lời trấn an rằng hiện tượng này chỉ là những trường hợp cục bộ và có tính đặc thù của từng ngân hàng. Nhưng “những trường hợp cục bộ” như thế lại mang khuynh hướng số nhiều, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp phương Tây rút vốn khỏi thị trường tài chính và tín dụng này.

Hàng loạt các vụ ngân hàng phá sản tại Việt Nam và các quan chức bị tuyên án tù vì tham nhũng như chủ tịch Ngân Hàng Đại Dương Hà Văn Thắm. (Hình: Getty Images)

Tháng Mười Hai, 2017, Ngân Hàng ANZ của Úc đã chính thức chia tay thị trường Việt Nam.

Vào những ngày cuối năm 2017 và đầu năm 2018, không biết vô tình hay hữu ý, hai ngân hàng Standard Chartered (Hong Kong) và Standard Chartered (Anh) đã lần lượt đã bán sạch 64.2 triệu cổ phiếu (tương đương 6.25% vốn) và 89.86 triệu cổ phiếu (chiếm 8.75% vốn) của Ngân Hàng Á châu (ACB), đúng vào lúc chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đến 48% trong năm 2017 nhưng vẫn chưa chịu dừng lại ở đó. Và cũng ngay trước ngày 15 Tháng Giêng, 2018 là thời điểm mà Luật về các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực đối với cơ chế cho phép phá sản ngân hàng ở Việt Nam.

Trước Standard Chartered, BNP Paribas cũng vừa thoái toàn bộ 18.68% vốn của Ngân Hàng Phương Đông (OCB) sau 10 năm đầu tư. Sớm hơn nữa, HSBC cũng đã hoàn tất rút toàn bộ vốn sau nhiều năm đầu tư vào Techcombank. Ngân Hàng CommonWealth Bank of Australia (CBA) chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại Sài Gòn cho ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB)…

Đã từ nhiều năm qua, Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) luôn xếp Việt Nam vào nhóm minh bạch từ dưới nhìn lên. Nạn thiếu minh bạch và không thèm minh bạch giống hệt như nạn ô nhiễm thuộc loại cao nhất thế giới che phủ cả bầu trời Hà Nội.

Đến lúc này, sự thể đã không còn được xem là đơn giản, như một giai đoạn thoái vốn tạm thời rồi sau đó sẽ phục hồi. Một chuyên gia tài chính – ngân hàng là ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng về bản chất, đây là sự thu hẹp hoạt động tại Việt Nam của ngân hàng nước ngoài. Nguyên nhân do tỷ lệ nợ xấu lớn, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế… những yếu tố này đã làm giảm tính hấp dẫn của các ngân hàng Việt Nam.

Không có lửa làm sao có khói. Đốm lửa ấy đã có thể nhen nhóm từ năm 2016. Vào thời gian đó, một chuyên gia kinh tế là ông Lê Đăng Doanh đã khẳng định rằng đang có một xu thế các doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi thị trường tài chính Việt Nam, mà cụ thể là một số quỹ đầu tư nước ngoài đã bán tháo khoảng $400 triệu cổ phiếu của họ ở thị trường chứng khoán của Việt Nam.

Cho tới nay, hiện tượng ngân hàng ngoại rút vốn hỏi Việt Nam vẫn là một dấu hỏi chưa có lời giải, do đó vẫn chưa có cơ sở để kết luận về hiện tượng này là có tính xu hướng hay chỉ mang tính cục bộ, đặc thù.

Tuy nhiên, rất cần chú ý là hiện tượng trên lại xuất hiện trong bối cảnh thị trường tín dụng ở Việt Nam đang nổi lên hai vấn nạn – mà nếu không cẩn thận thì có thể trở thành quốc nạn: bế tắc nợ xấu và “phá sản ngân hàng.”

Từ núi nợ xấu đến phá sản ngân hàng


Hiện thời, số báo cáo chính thức cho biết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã lên đến 600 ngàn tỷ đồng. Những kỳ họp quốc hội Tháng Năm – Sáu và Tháng Mười – Mười Một, 2017 đã chỉ có thể “ra nghị quyết,” nhưng về thực chất không xử lý được một đồng nợ xấu nào.

Đó là chưa kể 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu mà công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã “xử lý” – mà thực chất chỉ là hành động mua trên giấy, còn số nợ xấu này vẫn y nguyên.

Cộng cả hai khoản nợ xấu trên, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đầy hãnh diện có đến 900 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chiếm ít nhất 15% tổng dư nợ cho vay vào khoảng thời gian này.

Với tình trạng nợ xấu vô phương cứu chữa như thế, rõ ràng hơn bao giờ hết, trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại đang tồn tại hiện thời, chắc chắn có ít nhất 30% có thể phải “đội nón ra đi,” trước khi kế hoạch “tái cơ cấu ngân hàng” đạt mục tiêu giảm phân nửa số tổ chức tín dụng hiện có.

Cuối năm 2016, chính phủ Việt Nam bắt đầu lộ rõ ý “thí điểm phá sản ngân hàng,” để đến cuối năm 2017 thì ý tưởng này đã được chính phủ chính thức thông qua với một lộ trình cụ thể.

Tháng Sáu, 2017, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết Định 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo quyết định này, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo Hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5 Tháng Tám, 2017.

Bảo hiểm tiền gửi lại là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Câu hỏi rất lớn phải giải quyết là nếu một số ngân hàng thương mại nào đó rơi vào tình cảnh phải phá sản, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sẽ chịu số phận ra sao?

Nếu chiếu theo Luật Phá Sản, tài sản của ngân hàng phá sản sẽ phải nộp đầu tiên cho cơ quan thuế của nhà nước, sau đó mới đến việc thanh toán tiền tiết kiệm cho người dân và rồi mới đến doanh nghiệp. Nhưng đó chỉ thuần túy là lý thuyết.

Không có gì chắc chắn đối với điều được xem là “an toàn” của các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là nhiều ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ, luôn là tác nhân trong những đợt sóng kinh hoàng về tăng lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay.

Những dấu hiệu trên cho thấy “đảng và nhà nước ta” không còn sức để trì níu những ngân hàng thương mại làm ăn bết bát và ngập ngụa nợ xấu.

Không thể loại trừ bất ổn về nợ xấu và ngân hàng ở Việt Nam là một nguyên do, thậm chí là nguyên do chính, khiến dẫn đến xu hướng một số ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam.

Từ Trung Quốc đến Việt Nam

Lại có một tương đồng đáng kể và rất đáng mổ xẻ giữa Việt Nam và Trung Quốc – liên quan đến núi nợ xấu từ năm 2011, núi nợ công từ năm 2014, và xu hướng thoái vốn của các danh nghiệp và ngân hàng nước ngoài trong vài năm qua.

Gordon G. Chang, tác giả của cuốn sách sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc, đã nêu ra những thông tin mới nhất về thực chất nền kinh tế Trung Quốc. Vị luật sư kiêm nhà bình luận người Mỹ này nhận định “kinh tế Trung Quốc sắp rơi tự do” trong một cuộc phỏng vấn mới đây với trang Đại Kỷ Nguyên, theo đó ông cho rằng Trung Quốc chỉ ổn định trên bề mặt trong năm 2017, nhưng tiềm ẩn bất ổn thực sự dưới bề mặt.

Hai thông tin đặc biệt mà ông Gordon G. Chang cho biết là: Trong năm 2015, luồng vốn chuyển ra nước ngoài là cao chưa từng thấy, từ 900 tỷ đến $1,000 tỷ; và theo nguồn tin của ông, chỉ có $500 tỷ trong số $3,000 tỷ dự trữ ngoại hối là còn có thể sử dụng được. Cũng theo ước tính của ông, Trung Quốc chỉ còn $1,500 tỷ tiền khả dụng để bảo vệ đồng nhân dân tệ.

Có một tử huyệt của nền tài chính Trung Quốc mà chính quyền nước này chưa bao giờ dám công bố: tỉ lệ nợ công quốc gia vọt lên đến 237% GDP, tức đến $28,000 tỷ vào năm 2016 – theo phân tích của tờ Financial Times vào Tháng Tư, 2016 – vượt xa tỉ lệ nợ của các nước đang phát triển khác. Tình trạng này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính hoặc trì trệ kinh tế kéo dài ở Trung Quốc.

Tất nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có thể tự an ủi rằng họ có một kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới – lên đến $4,000 tỷ vào năm 2016 và giảm mạnh chỉ còn khoảng $3,000 tỷ vào năm 2017. Chỉ có điều, con số $3,000 – $4,000 tỷ này chỉ bằng 1/9 – 1/7 so với gánh nặng nợ công $28,000 tỷ.

Nhưng tình hình kinh tế và tài chính ở Việt Nam còn tồi tệ hơn nhiều so với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc có đến $3,000 tỷ dự trữ ngoại hối mà đã phải “gánh” 237% tỉ lệ nợ công, tỉ lệ nợ công ở Việt Nam vẫn lên đến 210% nhưng kho dự trữ ngoại hối chỉ có khoảng hơn $50 tỷ theo báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước (về thực chất số khả dụng trong kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam là thấp hơn khá nhiều vì có đến 1/3 trong đó là trái phiếu chính phủ Mỹ, số còn lại không được minh bạch).

2017 – năm bị xem là “cực kỳ khó khăn” đối với nền kinh tế Việt Nam mà thậm chí Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải cảnh báo về “sụp đổ tài khóa quốc gia.”

Việt Nam lại đang bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 9 liên tiếp, trong lúc các kênh “ngoại viện” gần như đóng lại. Quốc gia này đang hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố đủ lớn cho một sự ra đi về “ổn định kinh tế tức ổn định chính trị”: từ năm 2015, ngân sách trung ương đã bị cảnh báo là “có thể trống rỗng,” để đến năm 2017, bên cạnh lời cảnh báo “cực kỳ khó khăn” là bắt đầu xuất hiện dự báo về khả năng nền ngân sách này “không trụ nổi đến hết năm 2018.”

Cũng có nghĩa là chân đứng chính trị có thể bị sụp đổ không lâu sau năm 2018.

Và bất ổn chính trị!

Những ngân hàng có tên tuổi của nước ngoài đều có bộ phận chuyên nghiên cứu về mức độ rủi ro chính trị ở những quốc gia mà họ đổ vốn vào đầu tư. Từ năm 2011 và tiếp đến những năm 2014 – 2015, đã xuất hiện một số báo cáo của những tổ chức nghiên cứu quốc tế, chẳng hạn như hãng tư vấn đánh giá rủi ro Maplecroft, về độ rủi ro chính trị ở Việt Nam tăng lên đáng kể. Theo Maplecroft, thậm chí Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ còn có độ rủi ro chính trị cao nhất trong số 15 quốc gia được khảo sát.

Hàng loạt vụ việc nội bộ đều trở thành những scandal bí ẩn và nguy hiểm như “............ bị bệnh,” vụ Repsol – Bãi Tư Chính cùng “biểu tình quốc doanh chống Trung Quốc” đầy sắc thái của thuyết âm mưu, vụ bỏ trốn của thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ – trùm bất động sản Vũ “Nhôm,” khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức liên quan đến vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh,” cùng những vụ phản kháng xã hội như Đồng Tâm, BOT… đã và đang diễn biến nhanh và quyết liệt đến khó lường, báo hiệu một năm 2018 còn biến động ghê gớm hơn nhiều.

Thực tế tranh giành quyền lực và lợi ích của các phe nhóm chính trị ở Việt Nam, nạn cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương đang ngày càng phổ biến ở đất nước này, kéo theo quá nhiều vấn nạn về kinh tế và xã hội… đang là những dẫn chứng không thể phủ nhận được, bắt buộc giới ngân hàng nước ngoài phải nghiêm túc xem xét lại việc họ ở lại Việt Nam có còn là phương án thật sự an toàn cho tiền của họ hay là không.

Bức tranh dễ hình dung là nếu trong vài năm nữa, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục suy thoái, nợ xấu và nợ công vẫn tiếp tục bế tắc, còn chính trị và xã hội rơi vào cảnh loạn lạc, xu hướng thoái vốn của các doanh nghiệp nước ngoài khỏi đất nước này sẽ không chỉ mang tính “đặc thù” hay “cục bộ” như những lời trấn an hiện thời.

Phạm Chí Dũng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét