“Tăng trưởng thế có gì đáng tự hào”
Tư Giang, 28/1/2018, Cách mạng 4.0 với Uber, Grab, Bitcoin, thanh toán điện tử, robot, ô tô tự lái... đang ập vào Việt Nam rất nhanh mà chúng ta chưa hình dung hết. Rõ ràng càng tiếp cận nhanh và chủ động thì chúng ta càng có cơ hội bắt kịp thời đại, chứ không phải bắt kịp người đi trước như logic cũ. Chúng ta vẫn đang ở thế khó khăn nhiều mặt, rất nhiều lĩnh vực đã hết dư địa, như khai thác dầu khí, khai thác tài nguyên. Thật khó mà nói trong bối cảnh đó thì tăng trưởng tới đây sẽ bằng gì, nhưng theo tôi vẫn nên dựa vào tam giác là nông nghiệp công nghệ cao, du lịch đẳng cấp cao và công nghệ cao.
Ông Trần Đình Thiên.
(TBKTSG) - Tham nhũng, lãng phí gây mất hàng chục ngàn tỉ đồng như thế mà kinh tế vẫn phát triển, vậy nếu hạn chế hay triệt tiêu được thì đất nước còn phát triển tốt bao nhiêu. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên trao đổi với TBKTSG.
TBKTSG: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về tăng trưởng 6,81% được coi là cao nhất trong vòng nhiều năm qua?
- Ông Trần Đình Thiên: Tôi không có ý phủ nhận, nhưng mức tăng trưởng ấy có gì ghê gớm đâu. Có người nói lẽ ra tăng trưởng 8-9% là trong tầm tay, nhưng tôi cho là với nền kinh tế 200 tỉ đô la như Việt Nam thì có tăng trưởng 15% cũng chả có chuyện gì. Vấn đề là phải tạo ra năng lực để hấp thụ. Chưa nước nào kéo đầu tư FDI vào nhiều như Việt Nam về mặt tỷ lệ và cơ cấu, và họ đang ăn cả. Đáng lẽ phần đấy là của ta thì có thêm vài điểm phần trăm tăng trưởng không là gì cả. Tham nhũng, lãng phí gây mất hàng chục ngàn tỉ đồng như thế mà kinh tế vẫn phát triển, vậy nếu hạn chế hay triệt tiêu được chúng thì đất nước còn phát triển tốt bao nhiêu.
Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác phát triển cao liên tục trong hàng chục năm, còn ta thì thu nhập đầu người mới có hơn 2.000 đô la Mỹ, có gì mà tự hào.
TBKTSG: Có vẻ như ông nói ngược với không ít người?
- Chất lượng của tăng trưởng cần được đánh giá lại. Cơ chế tăng trưởng, cơ cấu ngành, vùng còn chưa thay đổi được. Doanh nghiệp trong nước là nền tảng quan trọng bậc nhất nhưng còn yếu. Doanh nghiệp tư nhân tăng nhiều nhưng nhỏ bé, thiếu liên kết. Ngành tài chính ngân hàng, thị trường chứng khoán bùng lên nhưng nền tảng vẫn còn yếu.
Hay chất lượng xuất khẩu cũng thế. Xuất nhập khẩu hơn 400 tỉ đô la nhưng có được bao nhiêu giá trị gia tăng trong đó? Hơn nữa, gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí logistics cao tương đương 18-20% GDP. Nguồn nhân lực, yếu tố quyết định đến tương lai nền kinh tế chưa được cải thiện gì cả.
TBKTSG: Chương trình cơ cấu lại nền kinh tế từng được thiết kế rất hoành tráng, công phu, nhưng rồi chẳng thấy có nhiều hiệu quả, như ông nói. Vì sao vậy?
- Nền kinh tế Việt Nam đã bước sang một giai đoạn rất khác so với những năm đầu tiên khởi động chương trình này. Theo tôi để có kết quả, các nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế phải theo phương thức khác, cách làm khác. Vì sao? Theo logic thôi, nếu chúng ta đã rất cố gắng nhưng không có kết quả rõ nét, thì hoặc là làm chưa đủ hoặc là làm chưa đúng cách. Tôi cho rằng, cần phải thay đổi phương pháp, cách làm mới chứ không thể chỉnh sửa hay điều chỉnh những công thức cũ được.
TBKTSG: Ông có thể nêu ví dụ, chẳng hạn trong cải cách doanh nghiệp nhà nước?
- Chính phủ đang rất quyết liệt với khu vực doanh nghiệp nhà nước với cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp. Đây là việc không thể chậm trễ hơn, thậm chí tôi còn cho rằng, đây là trận đấu cuối cùng. Nhà nước không thể coi các doanh nghiệp như Sabeco, Habeco hay Vinamilk là trụ cột của nền kinh tế để ngần ngừ, do dự trong cải cách chúng.
Nhưng rõ ràng, đến nay Nhà nước vẫn giữ hơn 90% vốn trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Cách làm hiện tại vẫn dền dứ trong tư duy, coi họ là trụ cột hay là khoản thu cho ngân sách. Mục tiêu cổ phần hóa là để nguồn lực được sử dụng tốt hơn, và Nhà nước làm việc khác chứ không phải để kinh doanh các sản phẩm như bấy lâu nay.
TBKTSG: Ông có thấy sự nỗ lực cải cách qua việc sẽ thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp?
- Lâu nay tôi vẫn phản đối lập ủy ban như vậy. Bây giờ chưa phải lúc làm điều đó vì chúng ta không ai có đủ năng lực quản lý lượng tài sản đó.
Hồi Vinashin trước đây, nhóm Fulbright từng cảnh báo tìm một người quản trị 4 tỉ đô la Mỹ là rất khó, ngay cả trên bình diện thế giới. Vậy mà Vinashin tung ra dự án vài tỉ đô nhẹ nhàng như không thì sẽ đổ vỡ. Họ cảnh báo thế trước khi Vinashin đổ.
Giờ thì sao? Ủy ban này có đủ sức quản 5 triệu tỉ đồng không? Tôi nghĩ, cần tiếp tục cổ phần hóa sau vài năm nữa, thu hẹp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước nữa rồi mới cần ủy ban.
TBKTSG: Vì sao trong khi tái cơ cấu kinh tế chưa thành công, thì nhiều vị lãnh đạo lại nói quá nhiều về cách mạng 4.0?
- Một số thành viên của tổ tư vấn cho rằng, tái cơ cấu kinh tế theo cách cũ là không đủ mà phải có nền tảng mới. Một thành viên thậm chí nói với Thủ tướng, có tái cơ cấu xong thì lại sụp vì nền tảng tài chính vẫn cũ. Tái cơ cấu theo nghĩa cũ là không đủ mà cần phải gắn liền với việc xây dựng nền tảng công nghệ mới và nền tảng tài chính hiện đại.
Thủ tướng đã rất đúng khi gặp Jack Ma vì ông này đại diện cho một cách thức kinh doanh mới làm thay đổi cấu trúc thương mại và tài chính của Trung Quốc. Thông điệp của cuộc gặp là rất quan trọng.
Cách mạng 4.0 với Uber, Grab, Bitcoin, thanh toán điện tử, robot, ô tô tự lái... đang ập vào Việt Nam rất nhanh mà chúng ta chưa hình dung hết. Rõ ràng càng tiếp cận nhanh và chủ động thì chúng ta càng có cơ hội bắt kịp thời đại, chứ không phải bắt kịp người đi trước như logic cũ.
TBKTSG: Vậy động lực tăng trưởng năm 2018 là gì, theo ông?
- Chúng ta vẫn đang ở thế khó khăn nhiều mặt, rất nhiều lĩnh vực đã hết dư địa, như khai thác dầu khí, khai thác tài nguyên. Thật khó mà nói trong bối cảnh đó thì tăng trưởng tới đây sẽ bằng gì, nhưng theo tôi vẫn nên dựa vào tam giác là nông nghiệp công nghệ cao, du lịch đẳng cấp cao và công nghệ cao.
http://www.thesaigontimes.vn/268251/Tang-truong-the-co-gi-dang-tu-hao.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét