Vài ý kiến về tính kinh tế ngầm
Vũ Quang Việt (*) 26/1/2018, (TBKTSG) - Khoảng năm 2008 tôi đã làm cố vấn cho dự án của Liên hiệp quốc (UN) đưa ra phương pháp tính GDP cho khu vực gọi là HUEM (household unincorportated enterprises with at least some market production) ở các nước châu Á, và sau đó tôi đưa phương pháp này áp dụng ở châu Phi.Trước năm 2008, tôi đã trực tiếp điều hành việc tính toán này ở Malaysia và Philippines để thử nghiệm phương pháp (theo tôi biết, hiện nay Malaysia đã biến việc tính này thành công việc thường xuyên của Tổng cục Thống kê). Năm 2009, ESCAP của UN đã tổ chức cuộc họp ở Bangkok, Thái Lan để xem xét phương pháp và kết quả, với sự có mặt của đại diện Việt Nam và họ nói mình có điều tra để tính kinh tế ngầm. Áp dụng cụ thể thế nào thì tôi không rõ.
Dưới đây là một số định nghĩa về hoạt động và phương pháp tính HUEM, hoạt động của khu vực hộ gia đình không đăng ký. Độc giả có thể đọc phương pháp tôi đưa ra trong chương 6 của tài liệu tôi soạn cho UN là GDP by Production Approach: https://unstats.un.org/unsd/China_UNSD_Project/GDP%20by%20production%20approach.pdf
Có nhiều từ để chỉ khu vực này: kinh tế phi chính thức (informal activity), kinh tế ngầm (underground actvity), kinh tế phi pháp (illegal activity), kinh tế tự sản tự tiêu (production for own consumption).
Kinh tế tự sản tự tiêu là khu vực lớn nhất, bao gồm hoạt động lớn nhất là sản xuất nông nghiệp của gia đình ở nông thôn (như sản xuất nông sản lúa, gạo, rau, gà, heo...). Phương pháp thống kê nông nghiệp dựa vào thống kê thường xuyên về đất đai sử dụng trong nông nghiệp (kể cả đất sau nhà) và sản lượng nông nghiệp về cơ bản là đủ để đo các hoạt động này. Phần tự làm gạch, tự xây nhà để ở... cũng là khu vực được đo lường dựa vào các phương pháp đã được chấp nhận rộng rãi. Ngay từ thời tôi tư vấn cho Việt Nam thì khu vực này đã được tính đàng hoàng.
Mảng hoạt động kinh tế thường xuyên không đăng ký nhằm phục vụ thị trường nhưng hợp pháp như chạy xe ôm, bán hàng ngoài đường... được gọi là HUEM cũng thường rất lớn. Phương pháp tính mảng hoạt động HUEM tôi đã viết trong tài liệu nói ở trên.
Phương pháp tôi đề nghị khác với phương pháp của Ngân hàng Thế giới (WB). Cách làm của WB là lâu lâu một lần (5-10 năm) bỏ tiền rất nhiều để điều tra chi tiết thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Qua thu nhập, họ tính ra thu nhập từ hoạt động ngầm, tức là khác biệt giữa cái họ suy ra với GDP tính cho các hoạt động chính thức có đăng ký.
Phương pháp tôi đưa ra là hàng tháng hoặc ít nhất là hàng quí chỉ cần điều tra lao động có việc làm, và giờ lao động (có thêm câu hỏi về nơi làm việc để biết loại cơ sở mà họ làm - nhà nước, doanh nghiệp...). Điều tra lao động cũng đã nằm trong chương trình thường xuyên của một cơ quan thống kê nên thêm vài câu hỏi sẽ không tốn kém thêm. Thêm vào đó, chỉ cần lâu lâu một lần (hàng năm) điều tra mẫu để lấy giá trị sản xuất (hay giá trị tăng thêm) cho một giờ lao động là có thể suy ra GDP cho khu vực HUEM. Phần thêm này cũng thuộc hoạt động thường xuyên của thống kê.
Riêng về thống kê lao động, Việt Nam cần cải tiến: không thể chỉ đếm số người có lao động để tính mà phải đếm số giờ lao động, để từ đó tính số người lao động toàn thời gian tương đương (7-8 tiếng một tuần). Theo định nghĩa quốc tế đang được áp dụng thì chỉ cần làm việc một giờ trong thời gian có cuộc điều tra (chẳng hạn nhặt rau trong vườn) là được coi là có lao động, không thất nghiệp. Áp dụng trên có thể hợp với các nước phát triển mà lực lượng nông dân còn rất ít, và cùng lắm cũng chỉ áp dụng để tính tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố.
Và cuối cùng là kinh tế phi pháp. Kinh tế phi pháp như hoạt động mại dâm, đánh bạc lậu, buôn bán ma túy... theo nguyên tắc cũng cần tính nhưng nhiều nước kể cả Mỹ không tính thường xuyên vào GDP, vì nó đòi hỏi phải có thông tin thường xuyên và đáng tin cậy để tính vào GDP quí hay năm.
Cần thấy một phương pháp tính GDP có giá trị thì phương pháp đó phải dựa vào thống kê cơ sở thu thập thường xuyên để có thể tạo ra dãy số thường xuyên theo thời gian, để từ đó có thể theo dõi đánh giá chiều hướng phát triển kinh tế. Lâu lâu tính một lần có thể cho thấy tình hình ở một thời điểm mà thôi. Ví dụ, nếu lấy con số tưởng tượng 30% (giả thiết đây là số chưa được tính vào GDP chính thức) rồi nhân lên với GDP tính được thường xuyên từng quí, từng năm thì hoàn toàn không có giá trị, và lại còn làm lạc hướng. Nếu không có thống kê thường xuyên để biết được lượng buôn ma túy và hoạt động mại dâm bất hợp pháp hay đánh bạc lậu thì đưa vào thống kê làm gì? Các nước châu Âu đưa vào GDP là vì họ có thống kê của cảnh sát ước lượng hoạt động này. Mỹ không đưa vào tính GDP, vì họ cho rằng số liệu này không thường xuyên và không thể tin cậy được, và tôi hoàn toàn đồng ý.
(*) Nguyên chuyên viên thống kê của Liên hiệp quốc
Cộng thêm vào GDP một lượng mù mờ để làm gì?
Về nền kinh tế chưa được quan sát theo chương 25 của SNA, 2008 đại loại có mấy loại: (1) hoạt động kinh tế ngầm; (2) hoạt động kinh tế phi pháp; (3) hoạt động kinh tế phi chính thức; (4) hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; (5) hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), cơ quan này sẽ rà lại để tính thêm vào GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 và Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Khoản này có tính thêm vào thì cũng không lớn vì cơ bản đã tính vào GDP cả rồi. Khoản lớn nhất trong khu vực chưa được quan sát chính là kinh tế ngầm (1) và hoạt động kinh tế phi pháp (2).
Kinh tế ngầm cơ bản lớn nhất là số liệu thực tế và số đã qua quyết toán thuế, khi TCTK thu thập số liệu qua bản báo cáo quyết toán chính thức của doanh nghiệp với cơ quan thuế. Số liệu này thường vênh khá xa so với số liệu thực.
Hầu hết sự tồn tại của kinh tế ngầm và hoạt động phi pháp là do tham nhũng vặt, tức là được sự “bảo kê” của nhân viên nhà nước. Như vậy làm sao TCTK có được số liệu này? Để làm rõ việc này TCTK không thể làm một mình mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống.
Rồi sự chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc (năm 2014 là 20 tỉ đô la Mỹ chênh lệch giữa xuất khẩu từ Trung Quốc đến Việt Nam và nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc), khoản này có phải kinh tế ngầm và hoạt động phi pháp không?
Ngay với số liệu GDP công bố, nhiều người đã tỏ ra nghi ngại, nay cộng thêm một lượng còn mù mờ hơn vào để làm gì. Để làm giảm tỷ lệ nợ công và bội chi so với GDP chăng? Nợ là nợ thật, trả lãi và gốc cũng là tiền thật so với một phần tử thuộc “tập mờ”, sẽ không thu thuế được, là một điều nguy hiểm.
B.T
http://www.thesaigontimes.vn/268277/Vai-y-kien-ve-tinh-kinh-te-ngam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét