Lỗi do ai mà quan tham Việt Nam nảy nở?
Chiến dịch chống tham những của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu từ hai năm nay. Biết bao quan tham bị "trảm". Lỗi thuộc về ai mà quan tham nảy nở nhiều như lá mùa thu? Đằng sau sự thao túng của các “đại gia”, sự bất chấp kỷ cương phép nước của các tham quan – là ai và là cái gì?Các đại án kinh tế, tham nhũng lần lượt được đưa ra ánh sáng. Hàng loạt “đại gia” và tham quan phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Đã làm thì phải nhận, tội ai làm người ấy chịu, quyết tâm chính trị của Đảng và sự nghiêm minh của pháp luật sẽ giúp “của Nhân dân phải trả lại cho Nhân dân”.
Điều mà dư luận bấy lâu vẫn ấm ức, đằng sau sự thao túng của các “đại gia”, sự bất chấp kỷ cương phép nước của các tham quan – cả tiền bạc, tài sản và quyền lực – là ai và là cái gì?!
Không nói ra nhưng ai cũng biết, nếu không có sự che chắn, nâng đỡ, làm ngơ từ lãnh đạo cấp này, cấp khác thì hẳn sẽ không hoặc khó có thể xảy ra những sai phạm nghiêm trọng đến vậy. Và, nói cho cùng, muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.
Đến đây, người viết lại băn khoăn, những cán bộ sai phạm, yếu kém đó ở đâu ra? Vì sao bây giờ họ đông đảo đến vậy? Chắc chắn họ không thể tự đặt mình vào những chiếc ghế quyền lực đó.
Công tác cán bộ là trách nhiệm của Đảng. Nói thẳng, Ban Tổ chức cấp ủy các cấp không thể thoái thác trách nhiệm; bởi lẽ, cho dù bất kỳ quy trình nào, thì tờ trình cuối cùng về cán bộ phải là của Ban Tổ chức cấp ủy.
Bộ Công Thương hay Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang không thể tùy tiện điều động Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Xuân Anh không thể “hiển nhiên” tham gia Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nếu không có vai trò tham mưu của cơ quan hữu trách; Lê Phước Hoài Bảo (Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam), Huỳnh Thanh Phong (Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang) cũng không thể có bước thăng tiến thần tốc như vậy nếu không có “tờ trình” của Ban Tổ chức Tỉnh ủy…
Đó chỉ là những điển hình “dậy sóng”. Còn bao nhiêu “khúc gỗ mục” đã yên vị trong tờ trình bổ nhiệm và đang chễm chệ ở những vị trí đầy quyền lực?
“Tội nhân” chính được nói đến với nhiều mỉa mai, đó là “quy trình”. Trớ trêu thay, cái “quy trình” đó chắc chắn phải qua bước thẩm định hoặc vai trò tham mưu trực tiếp của Ban Tổ chức cấp ủy các cấp. Thực tế cho thấy “quy trình” là vô cùng chặt chẽ với rất nhiều người mà thời gian thẩm tra, cân nhắc, đánh giá họ còn dài hơn cả quá trình thăng tiến “thần tốc” của hai ông giám đốc sở nêu trên. Như vậy, “quy trình” đâu có tội, tội là của người vận hành cái “quy trình” ấy.
Hệ thống các cơ quan tham mưu tổ chức cán bộ phải thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân về những sai lầm, yếu kém của mình. Có như vậy, chúng ta mới có đủ dũng khí và quyết tâm đổi mới.
Làm công tác cán bộ mà vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì chạy chọt… để gây ra bao hậu quả đau lòng là có tội với dân, với nước!
http://vietbf.com/forum/showthread.php?t=1131739
Ơn đảng chuột, ơn bác hù
Trả lờiXóa