Có ít đồng thưởng Tết cho thầy cô, sao phải so đo, căn ke và nhiều quy định thế?
THÁI BÌNH 30/01/18 (GDVN) - Thu nhập tăng thêm có được là do sự tiết kiệm của toàn thể giáo viên nhà trường mà có được, vì thế mọi giáo viên phải được hưởng mức thu nhập tăng thêm như nhau, chứ không thể xét theo phân loại A, B được. Nếu lấy thành tích để xét thu nhập tăng thêm, xem ra không hợp lí cho lắm, bởi những giáo viên đạt thành tích đã được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định.LTS: Mỗi dịp Tết đến, xuân về, chắc hẳn mỗi người giáo viên ai cũng mong muốn cuối năm có khoản thu nhập tăng thêm để phụ thêm vào chi tiêu trong việc mua sắm đón Tết của gia đình. Chia sẻ về những bất cập trong việc xét thu nhập tăng thêm mỗi dịp Tết của giáo viên, tác giả Thái Bình đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết. Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Thu nhập tăng thêm mỗi dịp Xuân về luôn là điều nhạy cảm đối với cán bộ giáo viên chúng tôi.
Ở một số trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, tiền thu nhập tăng thêm nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào sự cân đối thu, chi của nhà trường, chính vì thế mà có trường giáo viên có mức thu nhập tăng thêm cao, có mức thu nhập tăng thêm ít.
Ở ngành giáo dục huyện Hòn Đất chúng tôi lại khác, thu nhập tăng thêm của giáo viên ở các trường trên địa bàn huyện phải thực hiện theo sự chỉ đạo của phòng giáo dục về mức chi, xét thu nhập tăng thêm theo phân loại A, B, mức cao nhất là 400.000 đồng, thấp nhất là 300.000 đồng.
Để đạt được loại A, giáo viên phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như: đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp trường, chất lượng bộ môn học kì I đạt kết quả cao, giáo viên chủ nhiệm thì lớp phải đạt giải cao trong các phong trào hoạt động đoàn, đội…..
Trả lời trên Thời báo tài chính, số ra ngày 20/12/2017, ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính cho biết:
Kinh phí nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị theo dự toán, mỗi cơ quan có quy chế riêng, cách chi trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng đơn vị chứ không có quy định chung.
Vì vậy, muốn có thu nhập tăng thêm, các đơn vị phải sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó thì, thu nhập tăng thêm cho cán bộ giáo viên là do hội đồng nhà trường quyết định chứ không phải do phòng giáo dục quyết định.
Nhiều giáo viên cho rằng, xét thu nhập tăng thêm theo phân loại A, B như vậy là không hợp lý, bởi nó không đúng với điều mà ông Phạm Văn Trường, vụ trưởng vụ tài chính hành chính sự nghiệp trao đổi với báo chí về thu nhập tăng thêm.
Thu nhập tăng thêm có được là do sự tiết kiệm của toàn thể giáo viên nhà trường mà có được, vì thế mọi giáo viên phải được hưởng mức thu nhập tăng thêm như nhau, chứ không thể xét theo phân loại A, B được.
Nếu lấy thành tích để xét thu nhập tăng thêm, xem ra cũng không hợp lí cho lắm, bởi những giáo viên đạt thành tích đều đã được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của ngành rồi.
Có giáo viên cho rằng, tiết kiệm các khoản chi trong nhà trường của giáo viên là như nhau và đó là số tiền chung, xét phân loại A, B thực chất là lấy tiền tiết kiệm của người này để chuyển cho người kia, như vậy là không công bằng, tạo sự phân hóa, so bì, phần nào gây mất đoàn kết trong giáo viên.
Trường hợp nhà trường chi tiêu nhiều cho các hoạt động trong nhà trường đến nỗi không còn tiền để xét thu nhập tăng thêm cho giáo viên thì phòng giáo dục có cấp tiền thu nhập tăng thêm cho giáo viên không?
Có giáo viên cho rằng nếu nhà trường chi tiêu quá nhiều dẫn đến không còn tiền để có thu nhập tăng thêm thì mọi người đều chấp nhận bởi số tiền đó đã được chi vào mua sắm trang thiết bị dạy học, khen thưởng để nâng cao chất lượng giảng dạy, thành tích của nhà trường.
Được biết, ngay từ đầu năm học, cấp trên đã cấp một khoản kinh phí không hề nhỏ cho các hoạt động của nhà trường như: chi lương thường xuyên, tiền tiếp khách, mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học và cơ sở vật chất.
Số tiền ấy chỉ có hiệu trưởng và kế toán nắm cụ thể, giáo viên hầu như không hề biết số tiền đó sẽ được chi vào các khoản nào.
Bởi, số tiền ấy đã không được công khai các khoản trước hội đồng nhà trường ngay từ đầu năm học và không được dán công khai trên bảng công khai tài chính của trường để giáo viên theo dõi giám sát xem có chi đúng thực tế đã công khai theo kế hoạch đầu năm hay không.
Việc công khai các nguồn trong và ngoài ngân sách do nhà trường tiết kiệm được cũng không được công khai từng khoản đến cán bộ giáo viên trong buổi họp hội đồng để mọi người được biết, để hội đồng sư phạm nhà trường căn cứ vào tổng số tiền tiết kiệm được đề nghị mức thu nhập tăng thêm cho cán bộ giáo viên cho phù hợp.
Cũng là thu nhập tăng thêm cho giáo viên, ở Hòn Đất làm như vậy, ở ngành giáo dục Thành phố Rạch Giá lại khác.
Ngày 18/1/2018, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam qua điện thoại, ông Huỳnh Văn Hóa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá, Kiên Giang đã bác bỏ thông tin việc ông yêu cầu khống chế chi tăng thu nhập cho giáo viên không trên 3 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Hóa nhấn mạnh: Việc chi tăng thu nhập cho giáo viên bao nhiêu đều căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ của các trường, được thông qua cán bộ, công nhân viên chức, giáo viên của trường đó.
Trong quy chế này sẽ ghi rõ tỷ lệ trích lập cuối năm là bao nhiêu, tùy theo điều kiện của từng trường, nhưng cũng phải đảm bảo tính cân đối, tùy theo các khoản thu của từng trường, nhưng cũng cần phải đầu tư cho cơ sở vật chất nữa.
Vậy, theo như lời ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính và ông Huỳnh Văn Hóa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá, thì xét thu nhập tăng thêm của giáo viên trong huyện Hòn Đất phân loại theo A, B và khống chế mức chi là 400.000 đồng liệu có đúng?
THÁI BÌNH
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Co-it-dong-thuong-Tet-cho-thay-co-sao-phai-so-do-can-ke-va-nhieu-quy-dinh-the-post183356.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét