Những hệ lụy từ chuyện thừa tiền
Hoàng Ngọc Khanh, 19/9/2017, (TBKTSG) - Báo cáo về tình hình kinh tế và thị trường tài chính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) trong tháng 8-2017 cho thấy số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đang vào khoảng 160.000 tỉ đồng, tăng tới 68% so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, nếu tính thêm số tiền gửi của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khoảng 40.000 tỉ đồng nữa thì tổng khối lượng tiền của KBNN đang gửi tại hệ thống ngân hàng là 200.000 tỉ đồng.
Tiền gửi của KBNN bắt đầu tăng nhanh từ thời điểm
đầu quí 2-2017 và kéo dài cho tới hiện tại. Ảnh: TL
Trong đó, KBNN đang gửi tại Vietcombank 61.800 tỉ đồng, Agribank 43.100 tỉ đồng, BIDV 30.400 tỉ đồng, VietinBank 21.300 tỉ đồng và một số NHTM khác như Ngân hàng Quân đội (MB), VIB hay Techcombank (TCB)(1).Tại sao KBNN lại thừa nhiều tiền như vậy?
Chuyện KBNN gửi tiền tại các NHTM không phải là mới, nhưng khối lượng nhiều như vậy thì có lẽ là chưa bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, trước tiên cần phải làm rõ xem tại sao con số 200.000 tỉ đồng tiền gửi của KBNN lại được coi là nhiều?
Động thái gửi tiền của KBNN tại các NHTM đồng nghĩa rằng khoản tiền này lại quay trở về chính các ngân hàng và cũng trở thành nguồn vốn kinh doanh mới của các ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng có thể lại lấy chính nguồn vốn này để tiếp tục đầu tư vào TPCP. Hậu quả có thể xảy ra là các công cụ điều hành chính sách tiền tệ sẽ bị “vô hiệu” đối với một bộ phận nguồn vốn trong nền kinh tế.
KBNN có nhiệm vụ chính là theo dõi tình hình thu và chi của ngân sách nhà nước (NSNN). Theo số liệu của Bộ Tài chính thì hiện nay, bình quân một tháng KBNN phải chi khoảng 90.000 tỉ đồng cho tất cả hoạt động của Nhà nước, bao gồm chi cho đầu tư phát triển, chi trả lãi cho các khoản vay trong và ngoài nước và chi thường xuyên. Như vậy, số dư tiền gửi hiện nay của KBNN đang cao hơn hai lần so với nhu cầu chi tiêu của Nhà nước trong một tháng. Con số trên sẽ không có nhiều thứ phải bàn nếu như chúng ta không phải trả khoản lãi vay lên tới gần 9.000 tỉ đồng/tháng. Rõ ràng đây được xem là một con số rất lớn trong bối cảnh NSNN thâm hụt kéo dài nhiều năm qua.
Vậy, tại sao KBNN lại đang thừa nhiều tiền như vậy? Có ba nhóm nguyên nhân chính, bao gồm: Thứ nhất, do hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng tới 20% so với cùng kỳ năm 2016 nên thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng tương ứng khoảng 20%. Thứ hai, áp lực trả nợ gốc của Chính phủ đang có xu hướng giảm dần do KBNN đã chủ động chuyển dịch cơ cấu các khoản vay từ ngắn hạn sang trung và dài hạn, đặc biệt trong năm 2017 lần đầu tiên KBNN đã phát hành thành công trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn lên tới 30 năm. Thứ ba, đó là vấn đề chậm giải ngân từ hoạt động đầu tư công của Nhà nước.
KBNN gửi tiền tại các NHTM quá nhiều sẽ gây khó khăn cho việc điều hành chính sách của NHNN.
Tiền gửi của KBNN bắt đầu tăng nhanh từ thời điểm đầu quí 2-2017 và kéo dài cho tới hiện tại. Động thái này của KBNN đã kéo mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (interbank market) giảm theo tương ứng và hiện đang duy trì ở mức rất thấp, chỉ vào khoảng 0,7-0,9%/năm đối với các khoản tiền gửi/cho vay kỳ hạn một tuần. Lãi suất liên ngân hàng quá thấp không phải là điều mà NHNN mong muốn, bởi lẽ nó sẽ khuyến khích các NHTM chuyển sang đầu cơ ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Ngoài ra, việc KBNN gửi tiền tại các NHTM sẽ làm tăng hệ số nhân của tiền trong nền kinh tế. Hệ số nhân tiền tăng lên sẽ chỉ có ý nghĩa tích cực khi dòng tiền liên tục được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nguồn tiền thừa của KBNN lại là tiền đi vay từ chính các NHTM thông qua việc phát hành TPCP.
Do vậy, động thái gửi tiền của KBNN tại các NHTM đồng nghĩa rằng khoản tiền này lại quay trở về chính các ngân hàng và cũng trở thành nguồn vốn kinh doanh mới của các ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng có thể lại lấy chính nguồn vốn này để tiếp tục đầu tư vào TPCP. Khi các ngân hàng cần tiền, họ lại có thể đem TPCP đã đầu tư trước đó để vay vốn hoặc chiết khấu tại NHNN. Đây là cơ chế tạo tiền nằm ngoài ý chí điều hành của NHNN. Và hậu quả có thể xảy ra là các công cụ điều hành chính sách tiền tệ sẽ bị “vô hiệu” đối với một bộ phận nguồn vốn trong nền kinh tế. Việc tổng phương tiện thanh toán ngắn hạn biến động mạnh sẽ tác động tiêu cực tới lãi suất ngắn hạn, qua đó ảnh hưởng đến chi phí vốn của các thị trường khác.
KBNN đang thừa tiền, nên mừng hay lo?
Nếu nhìn vào diễn biến của cả thị trường tài chính, tiền tệ hiện nay thì dường như tất cả đều đang rất ổn định khi thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt từ đầu năm 2017 đến nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện đang ở mức cao… Tuy nhiên, sự ổn định này là không bền vững và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro rất khó lường có thể phát sinh trong tương lai.
Thứ nhất, đó là việc thừa tiền hiện nay, bản chất là do KBNN đang đi vay nợ nhiều. Theo đó, tiền đi vay về nhưng không giải ngân được sẽ dẫn tới tình trạng phát sinh chi phí lãi vay nhưng lại không có dòng tiền thu về tương ứng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nợ công của quốc gia trong tương lai. Thứ hai, như phân tích ở phần trên thì diễn biến hiện nay trên thị trường tiền tệ được xem là thiếu tính bền vững. Do vậy, nếu không được kiểm soát tốt thì dòng tiền từ các NHTM sẽ rất dễ chảy sang đầu cơ vào các tài sản tài chính khác như chứng khoán, vàng hay bất động sản. Do đó, khi một trong các thị trường tài chính này biến động theo chiều hướng xấu sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền sang cả thị trường tài chính và thị trường tiền tệ.
Vậy giải pháp nào để khắc phục được vấn đề đang diễn ra? Câu chuyện này đã được đem ra bàn từ lâu, tuy nhiên Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5-4-2016 của Chính phủ và Thông tư số 314/2016/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 24 lại cho phép KBNN được sử dụng NSNN tạm thời nhàn rỗi hoặc để gửi tiền tại NHTM và/hoặc mua lại TPCP có kỳ hạn không quá ba tháng. Hiện tại, KBNN không được hưởng lãi từ các khoản tiền gửi tại NHNN. Do vậy, giải pháp toàn diện cho vấn đề này là cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa NHNN và KBNN. Theo đó, KBNN cần chuyển toàn bộ các khoản tiền gửi của mình tại các NHTM về NHNN. Đồng thời, NHNN có trách nhiệm trả lãi suất tiền gửi ngang bằng với mức lãi suất của các NHTM. Để bù đắp cho khoản chi phí này, NHNN có thể sử dụng khoản tiền này để cho các NHTM có nhu cầu vay lại trên thị trường mở (OMO), hoặc thông qua việc chiết khấu giấy tờ có giá. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai cơ quan này vào thời điểm hiện tại lại khó được như kỳ vọng.
(1) http://cafef.vn/kho-bac-nha-nuoc-dang-gui-tien-o-nhung-ngan-hang-nao-20170907163621235.chn
http://www.thesaigontimes.vn/164593/Nhung-he-luy-tu-chuyen-thua-tien.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét