Nhìn người Việt đi du lịch nước ngoài...
Đào Loan 18/9/2017, (TBKTSG) - Mới đây Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xử lý nội dung một tờ báo dẫn nguồn từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết năm 2016 có khoảng 6,5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu 7-8 tỉ đô la Mỹ. Sự chuyên nghiệp, chất lượng, giá rẻ là những lý do khiến nhiều người Việt chọn đi du lịch nước ngoài khi mà giá dịch vụ du lịch nội địa cao, gây bất lợi trong cạnh tranh với các điểm đến ở nước ngoài.
Khách hàng mua tour đi nước ngoài tại Hội
chợ Du lịch Quốc tế ở TPHCM 2017. Ảnh: Đào Loan
Công văn không nói Thủ tướng muốn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu thông tin này dưới góc độ nào và xử lý ra sao, nhưng chuyện người Việt đi nước ngoài nhiều; nhiều nước coi Việt Nam là thị trường nguồn để lấy khách là có thật. Điều này đặt ra những vấn đề về quản lý, tiếp thị, tạo sản phẩm... cho ngành du lịch trong nước.Xu hướng du lịch nước ngoài đang tăng mạnh, không chỉ ở thị trường Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới. Hồi tháng 4-2017, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) có báo cáo cho biết vào năm ngoái, chi tiêu ra nước ngoài của các thị trường nguồn của du lịch thế giới đều tăng trưởng. Trong đó, Việt Nam được xếp vào tốp 50 thị trường nguồn của du lịch thế giới và là một trong chín thị trường có mức tăng trưởng hai con số. Trong năm 2016, chi tiêu du lịch nước ngoài của người dân Việt Nam tăng đến 28%.
Cho đến nay, cơ quan quản lý du lịch chưa công bố số liệu chính thức về số lượng người Việt đi du lịch nước ngoài nhưng căn cứ vào số liệu của những điểm đến đón nhiều khách từ Việt Nam như Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan... thì có thể thấy có đến hàng triệu người Việt đi du lịch nước ngoài. Chẳng hạn vào năm ngoái, Campuchia và Thái Lan đón khoảng 2 triệu lượt, Singapore đón 469.000, Nhật Bản đón hơn 233.000, Hàn Quốc đón 251.000 lượt...
Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người Việt đi du lịch nước ngoài, đặc biệt là những điểm đến thu hút du khách trong thời gian gần đây như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trước hết, vì những nơi này có nhiều thứ để xem, để chơi; kế đến là giá cả phải chăng; thêm chuyện gần đây việc đi lại trở nên tiện lợi hơn do có thêm nhiều chuyến bay, thủ tục nhập cảnh dễ dàng hơn; đặc biệt, vì khách không thể “thoát” được sự quảng bá mạnh mẽ của các cơ quan xúc tiến du lịch.
Hình ảnh của những điểm đến này hiện diện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các diễn đàn du lịch, mạng xã hội, hội chợ, ở các công ty du lịch và thậm chí là trên xe buýt. Nếu nghiên cứu về con số hàng triệu người Việt ra nước ngoài du lịch thì cách thức mà những nơi này quảng bá hình ảnh đến khách hàng là điều đầu tiên mà ngành du lịch nên mổ xẻ. Các chiến lược tiếp thị của họ hiệu quả cao không chỉ vì được đầu tư kinh phí lớn mà còn vì được thực hiện bài bản.
Trò chuyện với TBKTSG, những người làm tiếp thị cho các điểm đến này cho biết họ có danh sách cũng như mối quan hệ với phóng viên phụ trách du lịch của hầu hết các tờ báo, kênh truyền hình lớn, các KOL (người có tầm ảnh hưởng) của nhiều lĩnh vực để khi cần truyền thông là thông tin đến... đích! Các cơ quan này cũng có mối quan hệ mật thiết với những công ty du lịch lớn tại Việt Nam, đưa ấn phẩm quảng cáo đến đây, hỗ trợ khi doanh nghiệp cần, thậm chí san sẻ kinh phí để cùng quảng bá điểm đến hoặc đưa ra các giải thưởng để những công ty này thiết kế sản phẩm phù hợp với du khách. Cách tiếp thị trực diện và hiệu quả này có thể áp dụng cho cả mảng du lịch nội địa lẫn quốc tế nhưng lại là điều mà ngành du lịch Việt Nam đang thiếu.
Điều cần quan tâm nữa là sản phẩm và giá thành. Xét về lợi thế tạo sản phẩm thì du lịch Việt Nam có nhiều, từ những bờ biển đẹp, hang động nổi tiếng, di tích lịch sử, nền văn hóa đa dạng... nhưng những dịch vụ kèm theo lại thiếu. Chẳng hạn, du lịch biển có thể thu hút lượng khách lớn nhưng nếu chỉ đến để ngắm và tắm biển thì ít người ở lại dài ngày và quay lại nhiều lần. Du khách cần nhiều hơn thế nên nhà cung cấp dịch vụ phải tạo ra nhiều sản phẩm hơn cho họ trải nghiệm.
Trao đổi với TBKTSG, nhiều doanh nghiệp cho biết vài năm trở lại đây, thị trường du lịch nội địa đã có sự cải thiện, theo hướng có lợi hơn cho người tiêu dùng. Những năm trước, giá tour, giá dịch vụ thường tăng cao trong những kỳ nghỉ nhưng vài năm gần đây, tình trạng này đã giảm, nếu giá có tăng thì cũng chỉ tăng nhẹ chứ không phải mấy chục phần trăm như trước kia. Hiện nay, nhiều tour như tour TPHCM - Hà Nội đi bằng máy bay giá đã rẻ hơn đến vài triệu đồng so với trước; những “combo” nghỉ hai đêm ở resort 5 sao ở Phú Quốc kèm theo vé máy bay có giá cỡ 5 triệu đồng/người là điều trước đây khó có thể có được.
Tuy nhiên, câu chuyện về giá cao, về sự tăng giá vô tội vạ gây bất lợi trong cạnh tranh điểm đến vẫn còn là câu chuyện dài, đặc biệt tại những nơi có lượng khách lớn đổ dồn về trong các kỳ nghỉ. Nguyên nhân là từ thực trạng kinh doanh thời vụ, kiểu tranh thủ lúc có khách bán giá lên cao nhằm bù lại phần thiếu hụt lúc vắng vẻ. Do vậy, muốn cho môi trường du lịch tốt hơn và có mặt bằng giá cả ít biến động hơn thì doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải giải quyết được tính mùa vụ trong kinh doanh.
Kinh tế càng phát triển, thế giới càng phẳng thì xu hướng du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài càng tăng. Nếu ngành du lịch biết nghiên cứu, phân tích dòng khách này, để xem du khách đi đâu, tại sao họ đến những điểm đó, họ chi tiêu như thế nào, họ thích kiểu du lịch nào... thì sẽ hiểu khách hàng rõ hơn để có sự tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
http://www.thesaigontimes.vn/164576/Nhin-nguoi-Viet-di-du-lich-nuoc-ngoai.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét