'Nhân viên hành chính cũng giới thiệu là giáo sư, tiến sĩ'
(Giáo dục) - Tôi biết nhiều người làm hành chính cũng giới thiệu học vị tiến sĩ, giáo sư... PGS.TS Ngô Thành Can kể: "Tôi còn thấy rất nhiều nơi nhân viên văn phòng, nhân viên hành chính cũng vỗ ngực khoe mình là tiến sĩ dù về chuyên môn cũng không giỏi giang gì". Một vấn đề khác được vị chuyên gia chỉ ra là có một cán bộ lãnh đạo địa phương đã tuyên bố rằng, khó tinh giảm biên chế vì đến cán bộ phường cũng có bằng tiến sĩ.
Đào tạo tiến sĩ không đúng mục đích
vừa lãng phí, tốn kém. Ảnh minh họa
Tốn kém, lãng phí không cần thiếtPGS.TS Ngô Thành Can - Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính cho biết, đó là sự nhầm lẫn về danh xưng tiến sĩ, giáo sư. Thông thường, học hàm, học vị tiến sĩ, giáo sư chỉ để dành cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay lại đang có khá nhiều trường hợp không học, không dạy ngày nào cũng được phong hàm giáo sư, tiến sĩ.
Vị chuyên gia cho biết thêm, có những trường hợp kỳ dị như: trường đại học cũng tự phong hàm giáo sư rồi đến cả một ca sĩ cũng được một hội, một tổ chức mà không ai biết đến cũng đứng ra phong cho cái hàm giáo sư... Học hàm tiến sĩ, giáo sư từ một danh xưng cao quý tự nhiên bị biến thành câu chuyện cười cho dư luận.
Vì lẽ đó, vị chuyên gia không thấy ngạc nhiên trước số liệu thống kê cho thấy có tới hơn 50% giáo sư, tiến sĩ thay vì làm công tác giảng dạy lại đang trú chân tại các cơ quan nhà nước.
Chỉ rõ nguyên nhân từ hai phía, PGS.TS Ngô Thành Can phân tích: 'Đầu tiên phải nhìn từ chủ trương tuyển dụng cán bộ, viên chức hiện nay đang đặt quá nặng vấn đề về bằng cấp. Dù không có quy định chính thức bằng văn bản nhưng dễ thấy những hồ sơ lý lịch có ghi bằng cấp cao hơn thường được ưu tiên hơn trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức.
Những người có bằng cấp cao cũng được ưu tiên hơn, quan tâm hơn trong quá trình cất nhắc, lựa chọn vào những vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý.
Việc này vô hình chung phía nhà tuyển dụng đã tự tạo ra hành lang pháp lý nhằm thừa nhận bằng cấp là một lợi thế trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Vì những lợi thế cả chính thức và không chính thức nên mới có câu chuyện ai ai cũng chạy theo làm bằng tiến sĩ, giáo sư.
Tiếp đến là về phía những cá nhân muốn có bằng tiến sĩ, giáo sư. Khi các hành lang pháp lý đều tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những cán bộ, công chức có bằng cấp cao hơn thì sẽ có nhiều người muốn thành tiến sĩ, giáo sư hơn.
Nếu lấy mốc từ một cán bộ cấp vụ, với công việc, mức lương theo quy định hiện tại mà để hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng không đơn giản chút nào. Nhưng rõ ràng khi nhìn thấy nhiều cái lợi như vậy thì bản thân họ cũng buộc phải chạy theo, phải lao tâm khổ tứ để có cho bằng được cái học hàm, học vị theo mong muốn.
Nhiều người còn coi học hàm, học vị như một cái gì hay ho lắm. Khi đi ra ngoài công tác, được giới thiệu là tiến sĩ, giáo sư cũng “oai” một tí.
Vấn đề tiếp theo phải nhìn nhận từ các cơ sở đào tạo tiến sĩ, giáo sư cũng đang có vấn đề. Ngoài việc phải chạy theo chỉ tiêu để lấy thành tích cho viện, cho cơ sở mình thì việc đạo tạo quá dễ dãi cũng tạo môi trường cho những người trí tuệ kém, năng lực không có cũng có thể chạy đua lấy bằng cấp.
Thậm chí có người còn chạy bằng tiến sĩ chứ không cần qua đào tạo gì. Như vậy, cuối cùng mục đích đào tạo tiến sĩ, giáo sư không những không đạt được mà còn sinh ra hội chứng "sính bằng cấp", gây tốn kém không cần thiết".
Nhân viên hành chính cũng muốn khoe bằng tiến sĩ
Điều khiến vị PGS quan ngại nhất là khi bằng cấp được xem như một tiêu chí quan trọng trong tuyển dụng, bổ nhiệm thì nó có thể thành mối nguy hại. Bởi lẽ, thay vì lựa chọn những người có năng lực thực sự, những người có bằng cấp nhưng chỉ treo lên cho đẹp lại được chọn.
PGS.TS Ngô Thành Can kể: "Tôi còn thấy rất nhiều nơi nhân viên văn phòng, nhân viên hành chính cũng vỗ ngực khoe mình là tiến sĩ dù về chuyên môn cũng không giỏi giang gì".
Một vấn đề khác được vị chuyên gia chỉ ra là có một cán bộ lãnh đạo địa phương đã tuyên bố rằng, khó tinh giảm biên chế vì đến cán bộ phường cũng có bằng tiến sĩ.
50% tiến sĩ là công chức: Thành tích cao, hiệu quả...tệ!
Theo ông Can, khi nói đến hiệu quả của nền công vụ có mấy vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý để thực hiện. Thứ hai là năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thứ ba là nhìn nhận từ khía cạnh khoa học, kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thứ tư là môi trường làm việc.
"Đánh giá chất lượng cán bộ, công chức phải dựa vào năng lực làm việc của họ chứ không dựa vào lý lịch họ có bằng tiến sĩ hay là không. Đây là thông lệ trên thế giới.
Việt Nam cũng cần phải thực hiện theo tiêu chí đó. Học hàm học vị tiến sĩ, giáo sư chỉ dành cho những trường đại học, viện nghiên cứu.
Nếu vẫn còn những vị thích khoe mình là "sư", là "sĩ" thì phải xem đó là điều dở chứ không phải hay ho, tự hào gì", ông Can nói thẳng.
Hoài An
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/nhan-vien-hanh-chinh-cung-gioi-thieu-la-giao-su-tien-si-3342808/
Từng có nơi thấy bạn xa tới cũng cứ giới thiệu đại là Giáo sư Tiến sĩ cho mình oai mà chính người được giới thiệu cũng thấy ngượng . Nhưng có ông Giáo sư khi giới thiệu là Phó GS thì đã bật lên tự nêu Tôi là GS chứ đâu chỉ là Phó . Chính ông ta đã tự hạ thấp danh vị của mình.
Trả lờiXóa