Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

BOT, ETC và vấn đề lợi ích

ETC và vấn đề lợi ích
Vừa qua Bộ Tài Chính đã hối thúc các BOT sử dụng thu phí tự động không dừng – tức tiền sẽ trử thẳng vào tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện (ETC). Đây là vấn đề được khởi xướng từ năm 2015, sau đó dù được Bộ Giao thông Vận tải vận hành theo dạng đề án, tuy nhiên các trạm BOT vẫn chưa thực sự hứng khởi điều này.

Bùng nổ trạm BOT là bùng nổ lợi ích?
Nhiều lý do được chỉ ra, nhưng căn cứ theo kết luận mới nhất gần đây, việc áp dụng ETC là không có lợi cho phía nhà đầu tư BOT. Một trong yếu tố chính là nó sẽ tăng sự minh bạch, và điều này khiến BOT trở nên khó làm ăn hơn.

Cụ thể hơn, trong một báo cáo liên quan đến những khuyết điểm của BOT hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đã cho thấy, các BOT còn nhiều sai xót trong đó bao gồm cả tình trạng xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp thực tế dựa vào thời gian nội suy quá ngắn hoặc dựa vào căn cứ khảo sát lưu lượng xe cộ quá cũ của Tổng cục đường bộ Việt Nam.

Cả hai yếu tố đó đã khiến cho công tác nghiệm thu, thanh toán bị sai lệch, mà theo Kiểm toán Nhà nước là lên đến 785,28 tỷ đồng.

Một trong những trường hợp nổi bật điển hình trong thời gian qua là BOT Cai Lậy, ước tính, mỗi ngày sẽ có trung bình hơn 50.000 lượt ô tô các loại lưu thông trên quốc lộ 1 qua địa phận Tiền Giang mỗi ngày, tuy nhiên, con số này chỉ là ước tính về mặt thống kế cũ, chứ chưa phải là con số xác thực lượng xe. Chính vì vậy, số lượt ô tô các loại có thể lên đến 70.000 hoặc thậm chí 100.000 lượt, và điều này đồng nghĩa nhà đầu tư trạm BOT sẽ ăn dư số tiền dựa trên lượt lưu lượng này. Tất nhiên, số tiền chênh lệch giữa báo cáo dự án trên lý thuyết và thực tế sẽ là rất lớn. Một nhà đầu tư BOT có thể thu lời được vốn chỉ sau 3 năm, so với 7 năm theo kế hoạch “hợp đồng”.

Cũng chính vì sự mù mờ trong tính lưu lượng xe này, mà ngay cả khi báo chí chất vấn ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam về lượt xe qua BOT Cai Lậy, ông ta cũng thừa nhận không biết.

Do đó, việc áp dụng ETC chính là khơi thông ngõ tắc về mặt thu ngân sách thực tế, tức là thắt chặt tính thực tế trong thu phí giao thông, tránh thất thoát nguồn thu ngân sách, và làm cho BOT trở nên minh bạch hơn.

Cần nhắc lại, ETC là công nghệ mà camera trực tiếp giám sát và lượt xe đi qua bị trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng, thông qua đó, nhà nước nắm chắc được bao nhiêu lượt xe thực tế đi qua. Việc Bộ GTVT làm căng với BOT, ấn định tháng 10/2017 nếu không lắp đặt ETC thì sẽ cho ngừng BOT là hoàn toàn hợp lý.

Luật sư Trần Huy Tuấn trong một phản biện sát thực liên quan đến “tâm tư các trạm BOT” đã khẳng định, việc dựa vào lý do “độc quyền” mà các trạm BOT đưa ra thực tế là một sự chống chê, khi mà đưa vị VETC chỉ là đơn vị doanh nghiệp tư nhân (có thể là sân sau của Bộ GTVT), và bản thân hợp đồng BOT chỉ khuyến khích chứ không ép buộc.

Thực tế cho thấy, VETC là loại hình doanh nghiệp gì không quan trọng, quan trọng là phía Nhà nước thẩm định họ đủ điều kiện để thực hiện các quy trình liên quan đến cung ứng biện pháp giám sát chi thu ngân sách, và chủ đầu tư các trạm BOT có thể tìm kiếm một doanh nghiệp khác nếu đáp ứng các yêu cầu thẩm định có liên quan. Tương tự, việc Bộ GTVT yêu cầu sử dụng ETC là biện pháp mang tính hành chính – “yêu cầu hoàn thành ETC trước 30/10”, và các chủ đầu tư BOT cũng có thể tìm kiếm một đơn vị khác ngoài VETC để có thể đảm bảo việc thu phí theo hướng minh bạch. Nếu không đảm bảo nghĩa vụ minh bạch, thì Bộ GTVT có quyền yêu cầu chấm dứt hoạt động BOT đó dưới góc độ là một cơ quan quản lý nhà nước về giao thông.

Cũng theo một tính toán có liên quan, nếu tất cả trạm BOT hiện nay áp dụng ETC thì mỗi năm sẽ giúp tiết kiệm 233 tỷ đồng tiền nhiên liệu, 2.800 tỷ đồng thời gian tham gia giao thông, 360 tỷ đồng quản lý giao thông; 70 tỷ đồng tiền in vé. Vị chi, số tiền sẽ là 3.463 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này có thể sẽ không thấm vào đâu so với số tiền mà mỗi trạm BOT ăn chênh lệch được, và chính vì thế mà BOT trở thành một mảnh đất màu mỡ để “hút máu” người dân.

Trong một động thái muộn màng, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết Chính phủ, qua đó nhấn mạnh chống lợi ích nhóm trong các dự án BOT. Điều này tạo ra một kỳ vọng sẽ đẩy nhanh và mạnh công nghệ ETC theo thời gian hạn định (tháng 10) sắp tới.

Tuy nhiên, còn đó những vấn đề đằng sau trạm BOT. Đó là việc quy hoạch giữa các trạm BOT theo quy định 70km có thực thi đúng hay không, hay nó tiếp tục bị lợi ích nhóm ăn chênh lệch. Ngoài ra, việc các trạm BOT mọc lên chỉ là “sửa sơ sài” hệ thống đường xá, thay vì “nâng cấp” một cách rõ rệt cũng là một vấn đề đáng chú ý, nhiều phản ánh liên quan đến trạm BOT Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu mọc lên nhưng chỉ là trám một lớp nhựa và lắp đặt con lương cứng để chia làn, không mở rộng chiều ngang con đường, và tất nhiên không có con đường tránh nào cả.

Ai sẽ giải quyết và giám sát cũng như có biện pháp chế tài đối với những chủ đâu tư BOT ma mãnh như thế? Bởi khi ETC được áp dụng, thì dù nó minh bạch ngân sách và đưa nguồn thu về cho nhà nước, thì với hiện trạng mà các BOT “sửa sơ sài” nêu trên, vô tình người dân sẽ rơi vào trạng thái tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa – họ vẫn bắt buộc bỏ tiền đi trên một tuyến đường mà không hề được mở rộng và hoàn toàn độc đạo. Nhưng lúc đó, họ sẽ không còn khả năng đấu tranh bằng tiền lẻ nữa, vì giờ đây, tất cả thanh toán đã chuyển sang ETC.

Kỳ Lâm
(VNTB)

2 nhận xét:

  1. Nếu không có kiểu phản ứng của những lái xe trạm thu phí Cai Lậy mua vé bằng tiền lẻ,thì các trạm thu BOT cả nước này vẫn ăn lên làm gia.,Tiếc quá !

    Trả lờiXóa
  2. Mấy thằng BOT nó quên Cai Lậy là quê hương Ấp Bắc, trận chiến oai hùng của nhân dân miền Nam thập niên 60, rồi đây phong trào chống BOT sẽ lan rộng ra Biển Hoà... khắp cả nước nếu còn áp bức , bất công.
    CCB K

    Trả lờiXóa