Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Phân bổ ngân sách 2001-2014: tìm sự hợp lý

Phân bổ ngân sách 2001-2014: tìm sự hợp lý
Huỳnh Thế Du, 19/2/2017, (TBKTSG) - Hỗ trợ những địa phương có điều kiện bất lợi hơn bằng việc san sẻ nguồn thu ngân sách từ những địa phương có điều kiện tốt hơn là việc cần thiết. Tuy nhiên, cơ chế phân bổ cần phải đảm bảo hiệu quả và công bằng để không làm mất động lực của những địa phương có lợi thế và không tạo ra tâm lý ỷ lại, dựa dẫm của những địa phương không có lợi thế vì nếu tình trạng này xảy ra thì cả hai đều không còn động cơ để phấn đấu và trục trặc sẽ đến.
Sự thay da đổi thịt nhanh chóng của Đà Nẵng trong khoảng hai thập kỷ qua là do vai trò quyết định của ngân sách. Ảnh: KINH LUÂN

Phân bổ ngân sách chi tiết theo các địa phương

Hình 1 cho thấy tổng chi ngân sách bình quân đầu người của 63 địa phương theo giá cố định năm 2010 từ năm 2001-2014.

Đà Nẵng là địa phương có mức chi cao nhất với 123 triệu đồng; Lâm Đồng là địa phương ở mức trung vị (giữa) với 46 triệu đồng; và An Giang thấp nhất với mức 24 triệu đồng.

Rất khó lý giải tại sao Đà Nẵng lại được chi cao nhất trong khi An Giang lại thấp nhất; và Đà Nẵng gấp hơn 5 lần An Giang.

Không có sự liên hệ nào giữa mức chi ngân sách so với thu ngân sách và GRDP bình quân đầu người. Phải chăng việc phân chia ngân sách này phụ thuộc vào khả năng vận động trung ương của các địa phương?

Trong 10 địa phương có mức chi ngân sách bình quân đầu người lớn nhất thì có bốn địa phương có thặng dư ngân sách; năm địa phương thuộc vùng Tây Bắc; chỉ có Kon Tum thuộc vùng Tây Nguyên và không có địa phương nào thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng có mức độ di dân lớn nhất trong thời gian qua.

Trong 10 địa phương có mức chi bình quân đầu người thấp nhất thì bảy thuộc ĐBSCL và ba thuộc vùng đồng bằng sông Hồng.

Các địa phương có thặng dư ngân sách


Nếu xét trong các địa phương có thặng dư ngân sách trong giai đoạn 2010-2014 cũng thấy không có nguyên tắc phân chia ngân sách một cách cụ thể gì cả.

Điều đầu tiên có thể nhận xét là sự thay da đổi thịt nhanh chóng của Đà Nẵng trong khoảng hai thập kỷ qua là do vai trò quyết định của ngân sách. Mức chi bình quân của địa phương này cao gấp đôi TPHCM và gấp gần 1,5 lần địa phương gần nhất là Quảng Ninh (trong số các địa phương có thặng dư ngân sách).

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Đà Nẵng là liệu các cơ sở thuế hay nói rộng ra là các hoạt động kinh tế có trở nên sôi động và việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong khoảng hai thập kỷ qua có thể phát huy hiệu quả hay là sau khi khai thác hết quỹ đất thì nguồn ngân sách cũng bị cạn.

Cả Hà Nội và TPHCM ở mức thấp, nhưng TPHCM còn thấp hơn nhiều. Các địa phương vùng TPHCM, ngoại trừ Bà Rịa- Vũng Tàu, có mức chi ngân sách bình quân đầu người rất thấp. Điều này lý giải tại sao tại các địa phương này, hạ tầng đã trở nên quá tải trong khi ngân sách không có khả năng đầu tư.

Nếu phân tích riêng cho vùng Hà Nội (gồm 10 địa phương) và vùng TPHCM (gồm tám địa phương) sẽ thấy những sự tương phản rất lớn. Trong giai đoạn 2001-2014, vùng Hà Nội được chi ngân sách tương đương 18,5% GDP và chi bình quân đầu người theo giá cố định năm 2010 là 55 triệu đồng, trong khi hai con số của vùng TPHCM là 8,7% và 49 triệu đồng.

Ngoài nguồn vốn ngân sách, các địa phương còn nhận được các khoản đầu tư theo các chương trình của Trung ương và vốn ODA. Tuy nhiên, vùng TPHCM nói chung, TPHCM nói riêng cũng chỉ nhận được ở mức vừa phải trong miếng bánh chung của cả nước. Trong khoảng 700 ki lô mét đường cao tốc đã được xây trên cả nước thì vùng TPHCM chỉ có khoảng 100 ki lô mét, trong khi phần lớn ở quanh Hà Nội.

Phân bổ ngân sách theo vùng

Cần làm sao để các địa phương ở vị trí bất lợi không cảm thấy mình bị bỏ rơi nhưng cũng không tạo ra tâm lý ỷ lại và các địa phương có lợi thế không bị vắt kiệt như đang xảy ra.

Có sự thay đổi mạnh mẽ về chi ngân sách bình quân đầu người giữa các vùng trong hơn hai thập kỷ qua. Như phân tích ở trên, vùng miền núi phía Bắc được ưu tiên nhiều nên hiện có mức chi ngân sách cao nhất cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn ở vị trí thấp nhất cả nước trong suốt thời gian qua.

Vùng Đông Nam bộ cao nhất trong thời gian trước, nhưng hiện tại chỉ cao hơn ĐBSCL.

Thứ tự chi ngân sách bình quân đầu người từ cao đến thấp hiện nay là miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Duyên Hải, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Rất khó để có thể tìm ra các tiêu chí để lý giải cách phân chia này.

Thứ nhất, nhìn theo sáu vùng, thứ tự các vùng thu được nhiều nguồn thu nhất như sau: Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng, Duyên Hải, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và ĐBSCL. Nếu theo nguyên tắc vùng nào thu được nhiều nhất sẽ nhận được hỗ trợ nhiều nhất thì Đông Nam bộ phải được chi ngân sách bình quân đầu người cao nhất và ĐBSCL được thấp nhất. Trái lại, nếu bên thu được ít sẽ được hỗ trợ nhiều nhất thì thứ tự này phải được hoán đổi.

Thứ hai, nếu theo thứ tự GDP bình quân người (thứ tự hiện nay là Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, Duyên Hải, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc) hay ngược lại thì hoặc là Đông Nam bộ được cao nhất hoặc là miền núi phía Bắc được cao nhất.

Thứ ba, nếu theo tỷ lệ hộ nghèo thì thứ tự phải là: miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Duyên Hải, ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ.

Thứ tư, nếu giả sử ưu tiên vùng trọng điểm để phát triển nhằm tiếp đón lượng người di cư từ các địa phương chưa có điều kiện hoặc ngược lại thì Đông Nam bộ và ĐBSCL phải ở hai thái cực (bên này cao thì bên kia thấp) chứ không thể là thấp nhất và thấp nhì như thực tế đang xảy ra.

Nói tóm lại, một vài lát cắt như trên cho thấy việc phân bổ ngân sách của Việt Nam đang có nhiều vấn đề nên cần phải điều chỉnh để đảm bảo sự hiệu quả và công bằng. Cần làm sao để các địa phương ở vị trí bất lợi không cảm thấy mình bị bỏ rơi nhưng cũng không tạo ra tâm lý ỷ lại và các địa phương có lợi thế không bị vắt kiệt như đang xảy ra.

(*) Số liệu không bao gồm năm 2009 do có sự khác biệt rất lớn so với các năm khác



http://www.thesaigontimes.vn/156938/Phan-bo-ngan-sach-2001-2014-tim-su-hop-ly-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét