Thân phận một phụ nữ Việt ở lậu trên xứ Mỹ
Năm 2012, bà Cherry tìm được việc giữ trẻ cho một gia đình chồng Nhật, vợ Việt. “Họ có hai con gái, bé chị năm nay học lớp hai, bé em mới tám tháng. Ban đầu, ông bà chủ cho tôi ở nhà. Tôi mừng lắm vì khỏi tốn tiền phòng. Nhưng sau đó, tôi lại phải xin ra ở riêng vì đêm đêm, ông chồng cứ mò vào phòng tôi. Tôi vốn không thích đàn ông nhưng vì sợ quá nên cứ nhắm mắt nằm yên để mặc kệ ông,” bà Cherry kể.Trong hình là một chiếc xe buýt Greyhound, có thể là phương tiện chở bà Cherry từ San Jose xuống Los Angeles, rồi xuống San Diego, trong cuộc đời di dân lậu không có tương lai. (Hình minh họa: Wikipedia.org)
Nghe nói về di dân lậu, phần đông đều nghĩ đến người Latino. Thực ra, số người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ rất đông. Theo thống kê của Bộ Nội An, tính đến năm 2012, có 160,000 người Việt Nam ở bất hợp pháp trên đất Mỹ.
Trong số ấy, có một phụ nữ Việt Nam, 36 tuổi, đang nơm nớp lo âu đến mức “không dám tủi thân và không dám thở nhiều” vì bà sống không giấy tờ tại Mỹ từ năm 2009.
Câu chuyện của bà phải kể qua hai người được bà tin tưởng. Bà kể cho người bạn, rồi người bạn này thuật lại cho chồng mình, rồi ông này mới kể cho phóng viên nhật báo Người Việt nghe.
Ở lậu bất đắc dĩ
Được hỏi tên, bà nói: “Cứ gọi tôi là Cherry Nguyễn để lấy hên. Tôi mong muốn một khi được có giấy tờ hợp pháp, tôi sẽ giữ luôn tên này.”
Bà nói về gia cảnh mình: “Trước khi đến Mỹ, tôi ở gần Đà Nẵng. Năm 2007, cha mẹ tôi gả tôi cho con trai một người bạn, trước cũng ở gần Đà Nẵng. Ngay đêm đầu tiên, tôi đã biết không thể ở với người này, nhưng cha mẹ ép quá nên phải tiến tới để còn tìm đường bảo lãnh cho gia đình (gồm cha mẹ và một anh, một em), nên tôi cố gắng.”
Qua San Jose theo điện vợ chồng năm 2009, bà Cherry gặp cảnh trái ngang ngay tuần đầu tiên.
Bà kể: “Anh ấy có những hành động rất kỳ cục với tôi. Chuyện phòng the, không tiện kể. Chỉ cần biết là con người không thể đối xử tệ mạt như vậy với người khác, dù là vợ mình.”
Bà Cherry không thể kiên nhẫn chờ đến lúc có thẻ xanh hợp lệ. Thế là bà bỏ trốn chồng.
Bà Cherry có liên lạc email với một người bạn khác (tạm gọi là Mỹ Tâm vì người này thích nữ danh ca này của Việt Nam) mà bà quen ở Huế. Thế là bà Mỹ Tâm mua vé xe đò cho bà Cherry về Los Angeles ở chung.
“Mà có được yên thân đâu, sau khi biết tôi và Mỹ Tâm có quan hệ ‘thân mật quá mức bạn bè,’ chồng Mỹ Tâm yêu cầu tôi phải dọn đi lập tức,” bà Cherry than thở.
Do bà Mỹ Tâm thu xếp, bà Cherry dọn về San Diego, “‘share’ một căn phòng nhỏ xíu, nhỏ hơn phòng trọ sinh viên ở Việt Nam.”
Ngày ngày, bà làm phụ bếp cho một tiệm bán doughnut.
Bà nói: “Làm một tuần 60 tiếng mà họ trả lương rất thấp, phần vì bằng tiền mặt, phần vì biết tôi ở lậu. Trả tiền phòng xong, tôi chỉ còn $120 để đi chợ. Tôi phải đi xếp hàng xin đồ hộp, nhưng lúc được, lúc không, vì họ thường hỏi giấy tờ.”
Lần đầu tiên bà Cherry cảm nhận được sự nguy hiểm đối với những người ở lậu là lúc bà chứng kiến những người gốc Latino bị đuổi bắt và đưa lên xe.
Đối diện nguy hiểm
“Buổi sáng sớm hôm ấy, khoảng 3, 4 giờ, tôi đang chiên bánh doughnut thì nghe tiếng chân huỳnh huỵch ở phía sau. Nhìn ra, tôi thấy một nhóm người Mễ, có người máu me đầy áo vừa chạy vừa la hét, nghe mà nổi da gà. Mà họ vừa chạy, vừa té lăn cù, nhìn sợ lắm,” bà Cherry kể.
Về sau, bà mới biết đó là mấy người gốc Latino làm trong một trang trại gần đó bị bố ráp, phải nhảy hàng rào, bị cây gỗ đâm nên chảy máu ngực.
Từ đó đến giờ, bà sống trong nỗi phập phồng lo sợ triền miên.
“Tưởng qua đây là có tương lai tươi sáng. Ai dè…,” bà ngao ngán nói.
“Hồi đó, anh tôi trốn, không đi bộ đội cộng sản ở Việt Nam, tôi hiểu anh ấy sợ bị bắt đến mức nào. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy sợ hãi hơn nhiều. Dù sao, nếu bị bắt, anh tôi còn trả lời hay giải thích được,” bà Cherry hồi tưởng.
Bà tiếp: “Nếu ủi ro bị lính Mỹ bắt thì tôi biết nói gì mà trả lời hay năn nỉ họ. Họ mà trả tôi về Việt Nam thì chỉ có chết. Không chết vì đi tù thì chết vì nghe ba mẹ tôi chửi bới. Đó là chưa kể bị hàng xóm láng giềng nói ra, nói vào, nói tới, nói lui, mắc cỡ chết.”
Có lần bà sợ bị bắt đến nỗi bất tỉnh ở giữa chợ.
Bà kể: “Hôm đó, mới có lương nên tôi đi chợ. Chẳng may, có ai đó để quên chai rượu trong thức ăn mà tôi đang chờ tính tiền. Khi ông thu ngân nhìn thẳng vào mặt tôi và nói gì đó, tôi tưởng ông muốn gọi lính Mỹ báo tôi ở lậu. Tự nhiên quai hàm tôi cứng ngắc, toàn thân tôi lạnh cóng rồi tôi té lăn ra chợ. Người ta gọi xe cứu thương đưa tôi vô bệnh viện. Tôi sợ quá, tiểu ra quần luôn.Vô bệnh viện, tôi không nhúc nhích, không dám thở luôn. Đợi lúc không ai để ý, tôi bỏ trốn về nhà. Tối hôm đó, tôi nhịn ăn.”
Từ đó về sau, dù siêu thị này ở sát nhà, bà phải đi bộ rất xa để mua thức ăn ở chợ khác.
Nhìn chung quanh, thấy nhiều người Latino sống lậu như bà, bà càng sợ hơn vì chắc chắn chính quyền phải biết rằng San Diego có rất đông người như vậy.
Từ năm 2009 đến giờ, bà Cherry không hề biết bất cứ tin tức gì gia đình. Bà không dám viết thư hỏi anh hay em vì biết thế nào cũng đến tai ba mẹ. Hỏi hàng xóm thì lại càng không dám. Có lần, bà nhờ người nhà bà Mỹ Tâm từ Huế đi xe lửa vô Đà Nẵng nghe ngóng tin tức cho đỡ nhớ nhưng rồi cũng không chắc rằng có đúng là gia đình mình không.
Bà nói: “Họ có chụp hình nhưng tôi không chắc có phải ba mẹ mình hay không, vì nhìn xa lạ quá.”
“Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”
Năm 2012, bà Cherry tìm được việc giữ trẻ cho một gia đình chồng Nhật, vợ Việt.
“Họ có hai con gái, bé chị năm nay học lớp hai, bé em mới tám tháng. Ban đầu, ông bà chủ cho tôi ở nhà. Tôi mừng lắm vì khỏi tốn tiền phòng. Nhưng sau đó, tôi lại phải xin ra ở riêng vì đêm đêm, ông chồng cứ mò vào phòng tôi. Tôi vốn không thích đàn ông nhưng vì sợ quá nên cứ nhắm mắt nằm yên để mặc kệ ông,” bà Cherry kể.
Bất công nhất là khi bà chủ nghi ngờ chồng mình thậm thụt với bà Cherry, thay vì trách chồng, bà lại đợi lúc vắng chồng rồi bợp tai bà Cherry nhiều lần, nhiều đến nỗi bị ù tai, không nghe tiếng chửi bới nữa.
Vậy đó, thỉnh thoảng, ông chủ Nhật của bà còn mò đến căn phòng chật hẹp của bà làm cho cuộc sống của bà “khốn khó hơn nô lệ” dù bà đã nhiều lần quì gối chắp tay lạy lục xin ông tha. Trốn người chồng ở San Jose về đây, thân thể bà lại vẫn tiếp tục bị dày vò.
Bà than: “Ông ấy đối xử với tôi tệ hơn gái làm tiền, vì với những cô gái này, ông phải trả tiền thì mới được đụng vào người, chứ đâu có mà ‘thỏa thê thú tính’ trên thân xác người khác một cách miễn phí như vậy.”
Rồi bà có thai.
Hay tin, ông chủ Nhật lặng thinh, đưa bà $400 rồi nói, “No baby. No baby.”
Một bà cụ người Việt Nam, cũng không có giấy tờ, nhờ bà chủ nhà hàng, nơi bà làm việc, đưa bà Cherry đi phá thai. Người ta dặn bà phải nghỉ ngơi vài tuần cho lại sức. Nhưng bà không dám đi trễ chứ không dám nói gì hơn.
Thấy bà xanh mướt, bà chủ giảm lương bà phân nửa với lý do là “người ủ rũ,” không làm được như trước, và chỉ trả lương như cũ khi khỏe lại.
Sợ hãi cả ba người, “lính Mỹ”, ông chủ, bà chủ, bà Cherry sống mà không biết mình sống để làm gì.
Ở hiền, sao chưa gặp lành?
Sống trong lo âu từng giờ, từng phút trong hoàn cảnh thiếu thốn, bà Cherry nhiều lần nghĩ đến cái chết.
Bà tâm sự: “Không. Tôi không nghĩ đến chuyện tự tử đâu. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu bị xe tông chết, chưa chắc đây là điều rủi ro chút nào. Cuộc đời tôi bây giờ chỉ còn là giây phút ngắn ngủi khi Mỹ Tâm gọi điện thoại hỏi thăm thôi. Không có Tâm, chắc… Tôi không dám… Tôi không muốn tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy đến cho tôi nếu không có Tâm. Tôi đội ơn Mỹ Tâm suốt đời.”
Bà thắc mắc: “Người ta nói ‘Ở hiền gặp lành.’ Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn ăn ở theo đao đức mà sao chưa thấy lành.”
Những giờ rảnh rỗi, bà Cherry viết nhật ký để bày tỏ nỗi lòng ngổn ngang của mình.
Nỗi đắng cay làm thân ở lậu, chỉ cúi gằm mặt xuống dường mà đi từ phòng đến chỗ làm, bà chỉ biết viết ra cho nhẹ bớt.
Bà mua giấy về đóng thành từng tập, mỗi tập 150 trang. Hiện bà có 22 tập nhật ký để ở đầu giường. Ngày nào cũng viết. Có giờ rảnh là bà viết. Phải viết cho nó hả nỗi lòng của mình. Phải viết để sau này, Mỹ Tâm, người bạn gái từ Huế của bà, mới phần nào hiểu được nỗi lòng trống vắng của bà như thế nào.
“Xa nhà, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ anh, nhớ em, nhớ làng, nhớ xóm, nhớ cây bằng lăng tím đầu xóm, nhớ con chó vàng cụt đuôi gần nhà, nhớ con mèo tam thể hay đến cửa sổ kêu ‘meo, meo’ xin ăn,” bà Cherry nhớ hết.
Và bây giờ, tuy người ở Los Angeles, người ở San Diego, mà nỗi nhớ cũng giăng giăng chập chùng lòng bà.
Những tập nhật ký này bây giờ là tài sản duy nhất của bà. Bà giữ nó như sinh mạng mình. Giữ chỉ cho một người.
“Tôi viết cho Mỹ Tâm. Nhưng Tâm chỉ được đọc khi tôi chết rồi thôi,” bà dứt khoát.
Có ai đó viết, “Với kiên nhẫn và thời gian, người ta có thể qua được ngày dài nhất.”
Không có kiên nhẫn đợi hoàn tất thủ tục giấy tờ với chồng, chuỗi ngày thăm thẳm, lê thê của bà Cherry sẽ đòi bao nhiêu kiên nhẫn nữa?
Ý kiến của luật sư
Đối với những người ở Mỹ bất hợp pháp, các luật sư không dám có lời khuyên chung cho mọi người.
Luật Sư Thái Quí Toàn, có văn phòng tại Garden Grove, nói: “Luật di trú Hoa Kỳ phức tạp vô cùng nên tôi chỉ có thể trả lời cho từng trường hợp cụ thể. Tôi biết một số người Việt vào Mỹ qua biên giới Mexico, nhưng số này rất ít. Phần đông, người Việt mình ở đây bất hợp pháp chỉ là ở quá hạn visa thôi. Tuy nhiên, theo luật, đây vẫn là bất hợp pháp như vượt biên.”
Ông thêm: “Tùy theo trường hợp, mình có thể hợp thức hóa tình trạng cư trú. Tôi không thể trả lời chung chung được.”
Bà Jean Reisz, giáo sư luật tại đại học USC, nói: “Khác với luật hình sự, luật di trú rất rõ ràng, một là được ở lại Mỹ, hai là bị trục xuất. Không phải đầu thú là được khoan hồng. Không có chuyện này.”
Bà thêm: “Tôi có hai lời khuyên cho những người ở đây bất hợp pháp: Thứ nhất, đừng ra đầu thú. Thứ nhì, nếu cảnh sát di trú (ICE) có trát bắt và đến nhà hoặc nơi làm việc của mình, nhớ đừng trả lời gì về nguyên quán cả. Chỉ đòi luật sư. Bởi vậy, trong người luôn luôn giữ số điện của thân nhân và luật sư.”
Bà khuyến khích: “Đừng bi quan. Vào Mỹ lậu, như vượt biên, vẫn không có nghĩa là mình không có cơ hội ở lại như người ở quá hạn Visa.”
Đằng Giao
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét