Vì sao vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam giảm?
MINH TUẤN 24/02/2017 - BizLIVE - Các doanh nghiệp Nhật Bản đang chú trọng vào sản xuất để phục vụ thị trường nội địa của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Nông dân Nhật muốn trồng dâu tây tại Việt Nam. Ảnh: Internet
Nhật Bản nhường “ngôi vương” FDI cho Hàn QuốcVốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng giảm trong một vài năm trở lại đây, đạt 2,1 tỷ USD trong năm 2016. Nền kinh tế lớn thứ hai châu Á cũng đồng thời để tuột vị trí nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam vào tay Hàn Quốc, nước có nhiều dự án quy mô lớn.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong hai tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp Nhật Bản rót gần 298 triệu USD vào Việt Nam. Theo đó, Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư mạnh vào Việt Nam, sau Singapore, Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc.
Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa
Trả lời câu hỏi của BizLIVE về xu hướng này, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cho biết có hai lý do chính dẫn tới sự sụt giảm giá trị FDI của nước này vào Việt Nam.
Thứ nhất, các dự án có sự chuyển hướng sang quy mô nhỏ trong khi các doanh nghiệp lớn của nước này đang tạm dừng đầu tư ra nước ngoài.
Hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian qua, nhờ chính sách hỗ trợ được cải tiến, ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Do đó, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam tăng cao. Cụ thể, tổng số dự án của Nhật Bản được cấp phép năm 2016 (gồm cả cấp mới và tăng vốn) lên đến 549, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Thứ hai, các khoản đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam hiện có xu hướng chuyển sang các lĩnh vực phi chế tạo, vốn được các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm lĩnh.
Trước kia, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu, ít hướng tới thị trường nội địa (Việt Nam). Tuy nhiên, gần đây các doanh nghiệp Nhật Bản đã chú trọng nhiều hơn tới thị trường này. Đơn cử như Daikin đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất điều hòa, và một nhà máy chế biến thực phẩm sẽ được xây dựng ở ngoại thành Hà Nội.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, đặc biệt tại hai thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, là động lực chính cho sự chuyển hướng này. Khi thu nhập bình quân tăng lên, sức mua của thị trường trong nước cũng tăng theo, khuyến khích các công ty chuyển hướng sang sản xuất cho thị trường Việt Nam, ông Kawada cho biết.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội. Ảnh: Dân Trí
Ngoài ra, một nguyên nhân gián tiếp tác động đến xu hướng đầu tư của Nhật Bản đó là dân số Nhật hiện đang già hóa nhanh chóng, nhân lực trẻ đang thiếu, nên nhiều doanh nghiệp của nước này đang kỳ vọng vào những nhân lực trẻ, tài năng và chịu khó của Việt Nam.
Các công ty Nhật Bản muốn tận dụng nguồn nhân lực này và tập trung vào các ngành phi chế tạo và có quy mô nhỏ, vị đại diện JETRO nói thêm.
Một điểm đáng chú ý khác là các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang hướng sự quan tâm vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam hiện đang có định hướng đầu tư vào lĩnh vực này, vốn chiếm khoảng 20% GDP và hơn 50% lực lượng lao động của Việt Nam. Tăng giá trị của nông sản Việt Nam hiện là một trong những mục tiêu chính sách của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ông Kawada cho biết, văn phòng của cơ JETRO đã nhận được nhiều đề nghị tư vấn của các doanh nghiệp và cá nhân Nhật Bản để đầu tư vào nông nghiệp. Ví dụ, một số nông dân Nhật bày tỏ ý muốn trồng dâu tây hoặc làm nông trại tại đây. Vừa qua, một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã đi khảo sát nông nghiệp tại một số địa phương như Vĩnh Phúc và Đà Lạt.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào nông nghiệp ở Đà Lạt, trồng chè ở Mộc Châu, trồng rau ở khu vực phía Bắc, và trồng giống lúa Japonica. Tuy vậy, số dự án lẫn quy mô đầu tư chưa lớn.
Nông nghiệp là lĩnh vực trọng tâm mà JETRO sẽ tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới, ông Kawada nhấn mạnh.
MINH TUẤN
http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/vi-sao-von-fdi-nhat-ban-vao-viet-nam-giam-2499894.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét