10 vấn đề với nền kinh tế Việt Nam
Đang chạy xe ôm tự nhiên nghĩ ra bài này nên viết liền. Là người chạy xe ôm, tôi thường xuyên chứng kiến những sự biến đổi với nền kinh tế Việt Nam về mặt vĩ mô lẫn vi mô. Tuy không hoàn hảo nhưng cũng đủ để nói một chút gì đó về nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Bạn không cần phải là một chuyên gia để biết rằng đất nước có quá nhiều vấn đề. Sự giàu có hiện tại là thứ tôi gọi là “phồn vinh giả tạo.” Tôi xin nêu ra những vấn đề đó. Xin lưu ý, tôi chỉ là thằng chạy xe ôm nên kiến thức có giới hạn1-Quá thiên vị và bảo hộ ngành bất động sản
– Giá bất động sản ở Việt Nam hiện tại đang ở mức bất bình thường. Một căn nhà bình thường có giá cao gấp 30-40 lần thu nhập hàng năm của người dân, trong khi ở các nước khác chỉ ở mức 5-10 lần. Nhưng vì sao lại bảo hộ ngành bất động sản mà không để nó sập hoặc về với mức tự nhiên? Vì có quá nhiều lợi ích nhóm. Các nhà đầu tư bất động sản thì không muốn giá giảm, các ngân hàng cũng không muốn giá bất động sản giảm vì lợi nhuận ăn theo nó. Chưa kể cả nguyên một bộ máy ngành xây dựng. Người tiêu dùng Việt Nam không hề hưởng được lợi ích gì từ điều này, mà họ phải là người trả giá cho lợi ích của một nhóm người nói trên.
2-Quá thiên vị các doanh nghiệp nhà nước và mối quan hệ chính trị
– Các này thì khỏi nói rồi. Hầu hết các doanh nghiệp thành công hiện tại là các doanh nghiệp nhà nước, liên doanh hoặc có quan hệ chính trị. Họ không phát triển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam được vì năng lực không có, sáng tạo không có. Họ phát triển nhờ mối quan hệ chính trị. Họ được giúp đỡ với vốn, rủi ro, tiền vay, thủ tục hành chính. Với những lợi thế đó thì không những họ gián tiếp đàn áp các doanh nghiệp tư nhân mà còn vận động để duy thì thực trạng.
3-Quân đội tham gia kinh doanh
– Cái này thì tính ra không đáng nhưng hiện tại quân đội đang trên đà thống trị một phần không nhỏ của nền kinh tế. Viettel, MB Bank, MIPEC, MB Land. Quân Đội gì mà đi kinh doanh?
4-Thủ tục hành chính và pháp lý quá rườm rà & tham nhũng vặt
– Cái này thì ai cũng biết rồi. Để một doanh nghiệp bắt đầu thì phải trải qua hàng chục giấy phép mà không hiểu tác dụng và mục đích của nó là gì. Nhất là về thuế. Một hộ kinh doanh thì phải tốn tiền cà phê cho cán bộ. Đi làm giấy tờ gì cũng phải đưa phong bì. Một nền kinh tế mà có bộ máy hành chính quan liêu như vậy thì làm sao phát triển được?
5-Cơ sở hạ tầng, giao thông và vận chuyển lạc hậu
– Đường phố thì nhỏ xíu mà lúc nào cũng chật. Cái đường quốc lộ 1A kết nối đất nước chỉ bằng cái đường làng ở xứ người khác. Quốc lộ gì mà chỉ có 2 lằn đường. Vì vậy nên chi phí và thời gian vận chuyển ở Việt Nam nhiều và cao hơn các nước khác tầm chục lần. Chưa kể làm vận chuyển phải cho tiền cà phê cho mấy anh áo vàng. Từ góc nhìn doanh nghiệp thì chi phí này khiến chi phí vận chuyển của họ cao, hàng hóa sản xuất trong nước vì vậy cũng không thể cạnh tranh được.
6-Chất lượng giáo dục thấp & chất lượng nhân lực kém
– Sinh viên ra trường thì không đủ kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Lực lượng lao động chủ yếu là gia công giá rẻ chất lượng thấp. Như mấy con vẹt, chẳng ai muốn thuê một con vẹt để làm việc cho mình cả. Giáo dục Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng bởi Nho Giáo và triết học Marx-Lenin. Đây là một gánh nặng kiến thức mà thanh niên Việt Nam phải gánh chịu. Thay vì dùng thời gian để trao dồi kiến thức hay kỹ năng thì họ phải học những thứ chẳng giúp ích gì cho công việc và tương lai của họ.
7-Thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất
– Giờ bạn là một nước nông nghiệp, bạn muốn chuyển sang công nghiệp nhanh hơn hay chậm hơn? Bạn là một nông dân bạn muốn chi phí để làm công nghiệp của mình nhiều hay ít hơn? Đương nhiên là nhanh hơn và ít hơn rồi. Thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, với mục đích bảo tồn đất nông nghiệp, là một gánh nặng cho sự công nghiệp hóa đất nước và các hộ nông dân. Ví dụ bạn có miếng đất nông nghiệp, bạn muốn xây nhà hay xưởng trên đó thì bạn phải trả thuế “chuyển đổi mục đích sử dụng đất” để biến đất thành đất thổ cư. Chi phí và thuế tình luôn tiền cà phê là 100% giá thị trường của đất nông nghiệp. Chi phí vì vậy mà tăng 100%, gấp đôi. Đây là một điều khiến đất nước không thể công nghiệp hóa nhanh chóng được.
8-Kiểm soát ngoại hối & Tỷ giá tiền tệ bất ổn
– Hiện tại tiền Việt Nam không được tự do giao dịch trên thị trường mà phải làm theo tỷ giá được quyết định bởi nhà nước. Bán ngoại tệ thì dễ nhưng mua thì khó. Cái này vô lý. Như bán cá mà chỉ được quyền bán cá nhưng không được mua cá. Không mua cá thì cá đâu mà bán lại? Một doanh nghiệp nếu muốn có ngoại tệ phải bán hàng hóa để đổi lấy ngoại tệ. Nhưng trước tiên họ phải mua máy móc sản xuất, mua công nghệ, và những thứ đó được trả bằng tiền ngoại tệ. Nếu không cho mua ngoại tệ thì làm sao mua được máy móc công nghệ quốc tế để sản xuất? Giao thương là 2 chiều chứ không phải đơn phương.
9-Lạm phát quá cao & In tiền quá nhiều
– In tiền rất có lợi cho ngân hàng và ngành bất động sản, vì càng in thì họ càng lời. Nhưng phần còn lại của đất nước phải gánh đủ. Sự mất giá của đồng tiền Việt Nam khiến các nhà đầu tư không cảm thấy an tâm và an toàn khi đầu tư vì không ai muốn nhìn thấy giá trị tiền của mình mất giá cả. In tiền khiến đồng tiền mất giá, khiến người dân tích lũy tiền ngoại tệ và làm cho tiền Việt Nam càng mất giá thêm. Không những vậy, thiệt hại nặng nhất chính là uy tín của chính phủ. Hệ lụy là người dân phải trả lãi suất vay ngân hàng cao hơn so với ngoại tệ. Đó là gánh nặng mà họ phải chịu được, đó là một chi phí tàn hình khiến họ không thể cạnh tranh được.
10-Không có quyền tư hữu
– Làm sao bạn có thể có một nền kinh tế thị trường mà không có quyền tư hữu được? Bạn không thể. Đó là một nghịch lý. Nếu bạn chưa biết, bạn không hề có quyền sở hữu đất, bạn chỉ có quyền sử dụng và chính phủ có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Quyền tư hữu là một trong những điều cơ bản trong nền kinh tế thị trường. Không có quyền tư hữu, không có tư lợi thì sẽ không có ai chịu đầu tư, mạo hiểm hay làm việc dài hạn. Tại sao phải bỏ công khi thành quả có thể sẽ không thuộc về mình?
Kết luận – Nền kinh tế Việt Nam có quá nhiều vấn đề, tôi không thể nêu ra hết được. Hiện tại chỉ có thể nghĩ ra và viết lên 10 điều trên. Nếu muốn cải cách nền kinh tế thì phải giải quyết 10 vấn đề đó.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét