Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Quản lý một thế giới của các cường quốc

Quản lý một thế giới của các cường quốc
Ngày nay, sự cạnh tranh giữa các cường quốc là một thực tế. Hoa Kỳ đang cạnh tranh với một nước Nga ngày càng tích cực và một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trung Đông, Biển Đông, và Ukraine chỉ là ba sân khấu mà thực tế mới này diễn ra. Nếu có một bài học từ tất cả những điều này, thì đó là ngoại giao được thực hiện tốt và kiên trì vẫn có một sức mạnh phi thường trong việc giải quyết các mâu thuẫn. Đó vẫn là công cụ tốt nhất để tạo ra những kết quả mang tính hợp tác, điều bị cản trở bởi sự đối đầu.
Sau khi đọc lại cuốn s­ách The Great Experiment (Cuộc thí nghiệm vĩ đại) của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Strobe Talbott, tôi có ấn tượng rằng hạt giống của những động lực ngày nay đã được gieo mầm từ trước. Cuốn sách miêu tả cuộc trò chuyện diễn ra vào năm 2000 giữa Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống mới đắc cử George W. Bush. Clinton nói rằng chiến dịch tranh cử của Bush cho thấy vấn đề an ninh được Bush quan tâm nhất chính là Saddam Hussein và việc xây dựng một hệ thống phòng thủ chống tên lửa qui mô lớn. “Hoàn toàn chính xác”, Bush nói.

Những vấn đề này đã được gác lại khi thảm kịch tấn công khủng bố vào Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 bất ngờ xảy đến, đem đến một thời kì hợp tác quốc tế mà trong đó sự đoàn kết chống khủng bố là bao trùm. Đó là thời kì mà tất cả chúng ta đều như là người Mỹ, và Bush đã miêu tả Putin là “rất thẳng thắn và đáng tin cậy”.

Gió bắt đầu xoay chiều tháng 12 năm đó, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo để xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm phòng vệ trước một Iran có tiềm năng sẽ hạt nhân hóa. Điều này đã được nước Nga chú ý tới.

Nước Mỹ ở thời điểm đó dường như không hiểu rằng một thế giới đa cực đang hình thành – điều khiến cho những chính sách mà Bush và Clinton đã thảo luận năm 2000 trở nên rất khó theo đuổi mà không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào. Trong một bài phát biểu năm 2007 tại Hội nghi An ninh Munich, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm rõ điều này, kịch liệt phản đối sự can thiệp vào Iraq, và đặc biệt là kế hoạch của Mỹ nhằm mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa sang châu Âu, gọi đây là hành động gây hấn đối với Nga và vi phạm an ninh chung châu Âu.

Vào mùa hè năm 2008, ba sự kiện đã khiến trật tự đa cực mới trở nên rõ nét hơn. Trung Quốc làm cả thế giới kinh ngạc khi là nước chủ nhà của Thế vận hội Olympic, củng cố vị thế của mình như một nước đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Các hành động quân sự của Nga tại Gruzia giữa lúc diễn ra Thế vận hội cho thế giới thấy rằng khái niệm về phạm vi ảnh hưởng vẫn còn giá trị ở Điện Kremlin. Và sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers một tháng sau đó đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến kinh tế thế giới đến giờ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, cho thấy sự dễ bị tổn thương của các nền kinh tế tiên tiến, trong khi Trung Quốc lại ít bị ảnh hưởng.

Với sự tự tin vào vị thế cường quốc của mình, Trung Quốc dường như đã vượt qua khái niệm “trỗi dậy hòa bình” mà các nhà lãnh đạo đã viện dẫn tới từ thời Đặng Tiểu Bình, khi áp dụng một chính sách cứng rắn hơn với các nước láng giềng. Viện vào các quyền lịch sử, Trung Quốc bắt đầu mở rộng các yêu sách lãnh thổ của mình cùng với sự hiện diện quân sự ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Năm 2013, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm các lãnh thổ trên Biển Hoa Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền nhưng bị Nhật kiểm soát.

Nhiều nước bị ảnh hưởng bởi các hành động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông có hiệp ước an ninh với Mỹ – cường quốc hải quân ở Thái Bình Dương kể từ Thế Chiến II. Vì thế, tuyên bố của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không được Mỹ coi là một sự khiêu khích. Với việc mở rộng các yêu sách chủ quyền, Trung Quốc thực sự cũng mở rộng cả các yêu sách đòi ảnh hưởng của mình.

Các thể chế quốc tế cũng phải mất một thời gian mới bắt kịp với trật tự thay đổi của thế giới. Hội nghị G-20 năm 2010 ở Seoul đã đi đến một thỏa thuận tới năm 2014 sẽ tăng hạn mức cho các nước mới nổi trong Quĩ Tiền tệ Quốc tế. Tuy nhiên Quốc hội Mỹ đã từ chối thông qua các thay đổi này nên thỏa thuận này không mang lại kết quả gì. (Quốc hội Mỹ vừa thông qua hôm 18/12/2015)

Trung Quốc sau đó tự mình giải quyết vấn đề, đi tiên phong trong việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB). Sự phân mảnh của các thể chế quốc tế dường như là không tránh khỏi cho đến khi các nước châu Âu quyết định gia nhập AIIB. Mặc dù ban đầu Mỹ phản đối và vẫn từ chối tham gia, quyết định trên nhận được những thái độ khác trong cuộc trò chuyện sau này giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Trong khi đó, Nga thể hiện những tham vọng mới trong chính sách đối ngoại của mình ở Ukraine. Với việc vi phạm Định ước Helsinki (Helsinki Final Act) vào mùa xuân năm 2014, Putin đã đặt chính sách đối ngoại của Nga vào thế đối đầu trực tiếp với Mỹ và châu Âu. Điều này được tái khẳng định vào tháng 9 vừa qua khi Putin quyết định can dự vào khủng hoảng Syria, bảo vệ vai trò của Nga trong mọi nỗ lực nhằm mang lại hòa bình cho Syria.

Ngày nay, thế giới khác xa so với những gì người ta tưởng tượng vào cuối thế kỉ trước, một thập niên sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Xét về lịch sử mà nói, 15 năm có thể dài hoặc ngắn phụ thuộc vào cường độ thay đổi. Trong suốt 15 năm của sự gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc và sự tái bất ổn ở Trung Đông – bao gồm Mùa xuân Ả Rập, sự nổi lên của nhà nước Hồi Giáo tàn bạo, các cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai dòng Sunni-Shia, và nỗi thống khổ khôn xiết của người dân ở đó – có thể nói những sự thay đổi này là rất mãnh liệt.

Nhưng đối đầu không phải là tất cả câu chuyện. Những bước đi đầy hứa hẹn đã được thực hiện ở hai lĩnh vực quan trọng: không phổ biến vũ khí hạt nhân, đặc biệt là thông qua các thỏa thuận hạt nhân với Iran, và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thể hiện trong sự chuẩn bị đáng khích lệ cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hiện nay ở Paris.

Nếu có một bài học từ tất cả những điều này, thì đó là ngoại giao được thực hiện tốt và kiên trì vẫn có một sức mạnh phi thường trong việc giải quyết các mâu thuẫn. Đó vẫn là công cụ tốt nhất để tạo ra những kết quả mang tính hợp tác, điều bị cản trở bởi sự đối đầu.

Nguồn: Javier Solana, “Managing a World of Great Powers”, Project Syndicate, 30/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Javier Solana nguyên là Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh, Tổng thư ký NATO, và nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Managing a World of Great Powers
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
http://nghiencuuquocte.net/2015/12/18/quan-ly-the-gioi-cac-cuong-quoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét