Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Hung hăng hay hòa dịu ?

Hung hăng hay hòa dịu ?
Có vẻ như Trung Quốc đang suy nghĩ một chiến lược cho năm 2016: nên hung hăng thêm, hay hòa dịu bớt trên Biển Đông? Mỹ đã đưa phi cơ bay lạng qua, lạng lại gần đảo nhân tạo của Trung Quốc chiếm và xây bất hợp pháp ở Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam kết thân hơn với Philippines... Và Ấn Độ, Nhật, Úc đều đang tiếp cận để hỗ trợ cho Việt Nam và Philippines.

Phi cơ B52 của Mỹ bay gần các đảo nhân tạo 
Trung Quốc chiếm và xây bất hợp pháp ở Biển Đông.
Câu hỏi là, cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo ISIS nơi vùng Trung Đông, và trên toàn cầu... sẽ làm cho thế giới bận tay, quên chuyện Hoa Lục Hán Hóa biển Đông? Câu hỏi thêm nữa: nếu Hillary Clinton đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào tháng 11-2016, Việt Nam có được hưởng lợi gì chăng? Tất nhiên, Dân Chủ ưa thương mại, vì đây là kho tiền, nhưng hòa dịu như kiểu Obama có nên chăng? Bà Hillary Clinton có nhu hòa như Obama? Hay sẽ cứng rắn để buộc Trung Quốc chùn chân ở Biển Đông?

Hay là nếu, ông Trump đắc cử Tổng Thống Mỹ?

Mệt mỏi...

Trong khi đó, nhiều báo Việt Nam cho thấy Trung Quốc vẫn hung hăng.

Báo Pháp Luật hôm Thứ Năm, ngày 24/12/2015 - có bản tin về tình hình “Ngăn chặn tàu Trung Quốc tràn vào biển Việt Nam”...

Bản tin PL viết:

“... Hơn 3.720 tàu cá Trung Quốc vi phạm

Theo Cục Kiểm ngư Việt Nam, thời gian qua tình hình trên biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Trung Quốc vừa tăng cường nhiều đợt diễn tập quân sự trên biển vừa duy trì lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam. Điều này gây ra áp lực đối với ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

“Trong năm 2015, số tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc kiểm soát, xua đuổi, đập phá, tịch thu tài sản và đâm chìm vẫn tăng” - đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam thông tin.

Cụ thể, theo thống kê, trong năm 2015 số lượng tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam tăng so với năm trước. Tính đến tháng 11-2015 có gần 3.720 lượt/chiếc tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tăng hơn năm 2014 gần 1.770 lượt/chiếc. Ngoài ra, tính đến tháng 12-2015 có 93 vụ tai nạn tàu cá trên biển, trong đó 34 hư máy thả trôi, sáu vụ đâm va, 19 vụ mắc cạn phá nước, bốn vụ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi…”

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận rằng TQ hung hăng cả với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bản tin RFI tựa đề “Trung Quốc đòi một phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc tại Hoàng Hải”... trích:

“Theo báo Telegraph số ra ngày 23/12/2015, Bắc Kinh đang đòi hỏi Seoul phải nhượng lại một phần lớn vùng đặc quyền kinh tế trên biển Hoàng Hải, trong đó có cả khu vực núi ngầm Ieo (ieo), nơi có một trung tâm nghiên cứu hải dương của Hàn Quốc.

Các viên chức hai nước đã bắt đầu thương lượng tại Seoul từ hôm qua, cho dù các yêu sách về ngọn núi ngầm trên, được Trung Quốc cho rằng thuộc về mình và gọi là Suyan Rock, là một trở ngại.

Bắc Kinh hiện đang kiểm soát trên thực tế một số rạn san hô và bãi cạn tại Biển Đông, làm ngơ trước các tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines.

Telegraph nhận định, Trung Quốc cũng trở nên hung hăng hơn, với các vụ cho tàu bè và máy bay thường xuyên xâm nhập vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Bắc Kinh cho rằng mình có chủ quyền lịch sử.

Theo giới phân tích, Trung Quốc đang cố mở rộng biên giới trên biển ra xa hơn, nhằm trải rộng quyền năng kinh tế và quân sự vừa tìm lại được, tại phía tây Thái Bình Dương.”

Mặt khác, bản tin khác của RFI cho biết Nhật Bản cũng bị quậy:

“Một tàu tuần duyên Trung Quốc dường như có trang bị bốn tháp pháo đã được phát hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản quản lý tại Biển Hoa Đông. Lực lượng tuần duyên Nhật ngày 23/12/2015 cho biết như trên.

Các tàu Trung Quốc thường xuyên qua lại những vùng biển kế cận Senkaku/Điếu Ngư, nhưng theo phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Nhật Bản, đây là lần đầu tiên một tàu của Trung Quốc trang bị vũ khí xuất hiện tại đây. Tàu có vũ trang này được phát hiện vào chiềungày 22/12/2015, ở cách một hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku khoảng 29 km.

Ông Takato Ito, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố: «Chúng tôi cực lực phản đối và yêu cầu phải chấm dứt ngay các hoạt động này tại các vùng biển gần Senkaku. Nhật Bản sẽ tiếp tục hành động một cách kiên quyết và bình tĩnh, căn cứ vào chủ trương bảo vệ lãnh thổ trên đất liền, trên biển và trên không»....”

Thấy rõ là lòng tham TQ không thu hẹp ở Hoàng Sa, mà ra cả Trường Sa; không chỉ để ở Biển Đông, mà vươn tay ra cả ở Hoàng Hải, Biển Hoa Đông...

Trần Khải
(Việt Báo)

https://vietbao.com/a247165/hung-hang-hay-hoa-diu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét