Ám ảnh trốn trạm thu phí phủ bóng đen lên các dự án BOT
(LĐ) - Câu chuyện cánh tài xế lưu thông tuyến Hà Nội - Hải Phòng kiên quyết nói không với đường cao tốc mới, và phản ứng lại mức tăng phí bị cho là vô lý ở quốc lộ 5 (cũ) bằng cách mở “đường máu” trốn trạm thu phí không phải là trường hợp cá biệt (Lao Động số ra ngày 22.12 đã đưa). Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều tuyến đường BOT khác ở khu vực phía bắc đang lâm cảnh khóc dở, mếu dở tương tự.
Tỉnh lộ đi qua khu vực xã Tân Vinh, bao quanh thị trấn Lương Sơn
(tỉnh Hòa Bình) bị cày nát vì xe tải trốn trạm thu phí BOT QL6.
Hoảng hồn giữa “ma trận” trạm thu phíAnh Nguyễn Hữu Phương (Hà Nội) là chủ nhân chiếc xe ôtô Kia Morning BKS 29D-059.91. Sáng 22.12, anh có việc về TP.Nam Định rồi quay lại ngay trong ngày. Anh Phương nhẩm tính: “Cả đi cả về 180km. Xe tôi đường trường “kịch thủ” hết 6 lít xăng/100km, tức là tốn khoảng 11 lít, nhân với giá xăng hiện tại là hết 180.000 đồng. Nhưng tổng phí đường tôi phải trả là 190.000 đồng”. Theo lời anh Phương, chỉ tính riêng một lượt, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ anh phải trả phí thành 2 lần, một lần 35.000 đồng và một lần 40.000 đồng. Còn đoạn đường mới vào TP.Nam Định là 20.000 đồng. Cầm trên tay tổng cộng 6 cuống vé cho quãng đường chưa đầy 200km, người đàn ông ngao ngán: “Vậy là tiền đường nhiều hơn tiền xăng”.
Tuy nhiên cũng theo anh này, nghịch lý trên chỉ là chuyện nhỏ nếu đem so sánh với mức phí đang áp dụng cho tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. “Quãng đường 105km một chiều, cả đi cả về xe tôi hết khoảng 12 lít xăng, xấp xỉ 200.000 đồng. Nhưng tổng tiền đường phải trả là 320.000 đồng. Còn nếu chọn đi đường quốc lộ 5 cũ, dù đường rất xấu và đông, tôi cũng phải trả tới 120.000 đồng. Ấy là chưa kể từ 1.4 sang năm, mức thu sẽ tăng tiếp. Lúc này chi phí đường và tiền xăng là gần bằng nhau” - anh Phương nói.
Không giống như anh Phương, người coi việc trả phí đường là điều “có muốn cũng chẳng được”, rất nhiều người mà cuộc sống mưu sinh của họ gắn liền với các cung đường đã chọn cho mình những giải pháp ít ôn hòa hơn.
Điển hình nhất phải kể đến vụ lùm xùm ở trạm thu phí BOT QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, hoạt động từ 20.10.2015. Bức xúc vì trạm thu này đặt ngay tại thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình), chia đôi con đường dân sinh huyết mạch của đại bộ phận dân cư và mức phí bị cho là quá cao trong khi con đường chỉ là nâng cấp, hàng trăm người dân đã tiến hành “quây” trạm khiến giao thông bị tê liệt trong nhiều giờ đồng hồ.
Bản đồ trốn trạm QL6 Xuân Mai - Hòa Bình được cánh tài xế truyền tay nhau.
Sự việc sau đó còn kéo dài nhiều ngày, khiến các cơ quan chức năng phải nhất loạt vào cuộc tìm giải pháp hài hòa giữa quyền lợi doanh nghiệp và người dân. Thậm chí Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc ngày 7.11, phải đích thân đến tận nơi, chia sẻ và khuyên nhủ bà con. Cuối cùng, cơn giận dữ của người dân Lương Sơn mới tạm qua đi khi đơn vị quản lý là Cty TNHH BOT QL6 chấp nhận phương án giảm 60% mức phí (áp dụng với vé tháng, vé quý) đối với xe dưới 12 chỗ ngồi và xe chở hàng dưới 4 tấn của người dân sinh sống trên địa bàn tại thị trấn Lương Sơn và các xã lân cận. Thời gian áp dụng đến hết năm 2016.
Cái khó ló cái khôn
Thế nhưng, với những chiếc xe có tải trọng lớn thường xuyên qua lại trên QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình thì không được may mắn như vậy. Việc phải oằn mình trả phí đường đã đẩy không ít doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Ông Phan Thanh Phú - Giám đốc điều hành mỏ, Cty CP xây dựng đá Lương Sơn - chia sẻ: “Từ khi có trạm thu phí QL6, việc kinh doanh sản xuất của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng không giám cắt giảm công nhân, nhưng duy trì thì doanh nghiệp lại không có tiền trả lương”. Và giống như những gì đã xảy ra với trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 (Văn Lâm - Hưng Yên), cánh tài xế xe tải tại đây đã lập tức tìm được đường đi mới để “né” phí. Đó là con đường đi qua khu vực xã Tân Vinh, bao quanh thị trấn Lương Sơn, tuy xa và cũng xấu hơn nhiều.
Việc phải gánh chịu hàng trăm lượt xe tải qua lại mỗi ngày đã khiến tuyến đường liên xã này xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân sống xung quanh và tất nhiên cũng gây thất thu cho trạm thu phí
BOT QL6.
Ở trong tình trạng thậm chí còn bi đát hơn, trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì (Việt Trì - Phú Thọ) mặc dù mới đi vào hoạt động ngày 7.12, nhưng mới đây đơn vị quản lý đã phải gửi đơn “kêu cứu” tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam, TCty Đường sắt Việt Nam về tình trạng rất nhiều ôtô đã không đi qua cầu mới mà lại chọn cầu cũ để đi. Bởi lẽ chỉ khoảng hơn 1km mức thu xe con là 35.000 đồng/lượt và mức cao nhất cho xe trên 18 tấn là 180.000 đồng/lượt.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, các doanh nghiệp vận tải nên thông cảm với đơn vị thi công, vì nếu không cấm đường thì không thể thi công được dự án. Liên quan đến việc miễn phí chiều xe về cho các xe chạy vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để giảm chi phí cho doanh nghiệp, đại diện Bộ GTVT khẳng định, không thể có chuyện này, phương tiện đã đi vào cao tốc thì phải trả phí theo quy định.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội: Việc doanh nghiệp vận tải không chịu đi đường mới mà chọn đường cũ, đường xấu thể hiện rằng những dự án BOT kiểu này chưa thực sự hợp lý, chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu của người dân lẫn doanh nghiệp trước khi triển khai. Đ.TIẾN
Tin bài liên quan
Phí Quốc lộ 5 (cũ) tăng gấp đôi: Lái xe ồ ạt mở “đường máu” trốn trạm thu phí
Xe container chở 13 tấn bánh lật nghiêng giữa trạm thu phí
Ồ ạt tăng vé qua trạm thu phí đường bộ: Méo mặt với trạm thu phí BOT
Dân Lương Sơn phản đối việc trạm thu phí BOT quá cao là hoàn toàn chính đáng
Người dân Lương Sơn gửi tận tay đại biểu Dương Trung Quốc đơn kiến nghị về Trạm thu phí Quốc lộ 6
Cuộc phiêu lưu quái lạ với “Trạm thu phí quái lạ”
Dân Lương Sơn tiếp tục vây trạm thu phí Hòa Lạc – Hòa Bình
Xe tải lật nhào đè nát trạm thu phí cao tốc, hai nữ nhân viên trọng thương
http://laodong.com.vn/xa-hoi/am-anh-tron-tram-thu-phi-phu-bong-den-len-cac-du-an-bot-408953.bld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét