Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Cầu cho thế giới đa nguyên

 Cầu cho thế giới đa nguyên
Lê Phan - Hồi năm 1995, tôi tới Brunei, tiểu quốc nhỏ xíu nằm gọn trong đảo Borneo. Mặc dầu là một quốc gia Hồi giáo, Brunei lúc đó không khác gì các quốc gia Đông Nam Á khác, với bầu không khí thoải mãi và thái độ bao dung chấp nhận mọi khác biệt.
Brunei lúc đó không thấy bóng của những khăn hijab. Các thiếu nữ có choàng khăn, nhưng là những khăn khoác qua trên đầu, trông như là một món trang điểm hơn là một đòi hỏi của tôn giáo. Ở những tiệm sang trọng, những nhà thời trang Tây phương trưng bầy những bộ quần áo cho các cô với sarong và khăn choàng cùng màu trông rất lịch sự.

Những nhân viên ngoại giao làm việc ở Brunei nói là tiểu vương tuy rất sùng đạo nhưng có tinh thần cởi mở điển hình của Đông Nam Á nên họ có thể sống bình thường. Brunei lúc đó còn cởi mở hơn các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh nơi mà rượu bị tuyệt đối cấm. Vả lại, đây là một quốc gia mà cứ 1 công dân Brunei thì có đến 2 người ngoại quốc, đa số là người Philippines, phục vụ. Những công nhân nhập cư đó, tuy không được hưởng những quyền lợi hết sức rộng rãi của các công dân Brunei, cũng được đối xử tử tế, chẳng hạn như được quyền sử dụng hệ thống y tế rất rộng rãi của chính phủ.

Chính vì ấn tượng đó nên tôi quả đã bị một cú shock khi đọc thấy Tiểu Vương Hassanal Bolkia vừa ra lệnh cấm tuyệt đối các công dân theo Hồi giáo không được đón Giáng Sinh. Thông cáo của chính quyền ra lệnh cấm trẻ em và người lớn ăn mặc những bộ đồ “giống như Santa Claus” vì như vậy là đã tuyên truyền cho một tôn giáo không phải là Hồi giáo.

Các vị imam đã khuyến cáo “sử dụng những biểu tượng như thập tự, thắp nến, dựng cây Giáng Sinh, hát các bài thánh ca, gửi thiệp Giáng sinh... là đi ngược lại với Hồi giáo.” Hình phạt cho sự vi phạm lệnh cấm này có thể đến năm năm tù. Chính quyền còn khuyến cáo là những tín đồ Hồi giáo có thể phạm tội nếu chỉ “mặc quần áo và đội nón giống Santa Claus.”

Nhưng Brunei còn có khoảng 20% dân số là người Philippines theo Công giáo. Theo chỉ thị của nhà vua, những tín đồ Ki-tô giáo được quyền tự do đón Giáng Sinh, nhưng họ được bảo đừng làm như vậy “một cách quá đáng và công khai.” Nhật báo The Guardian của Luân Đôn nhận xét: “Chỉ thị này có một ảnh hưởng như một làn gió lạnh thổi đến quốc gia nhỏ bé này của Đông Nam Á, vốn nằm gọn ở một góc của đảo Borneo.”

Các doanh nghiệp đã nhận được chỉ thị phải gỡ bỏ các trang trí và nhà chức trách đã cho đi kiểm soát trên toàn thủ đô. Những khách sạn thường được du khách Tây phương lui tới trước kia đầy đèn sáng rực và những cây Noel khổng lồ nay trống trơn không có một dấu hiệu nào của mùa Giáng Sinh cả. 

Một người Malaysia, làm việc cho các công ty dầu khí, than phiền với Thông Tấn Xã AFP: “Năm nay sẽ là năm Giáng Sinh buồn nhất cho tôi. Điều thích thú nhất của Ngày Giáng Sinh là thức dậy và có cảm tưởng là ngày Giáng Sinh, nhưng sẽ không có không khí đó ở đây, và mình cảm thấy bị tước bỏ đi mất một cái gì đó.” Và thêm “Tất cả chỉ vì nhà vua muốn. Hồi năm 2013, tôi thấy nhiều người Hồi giáo và Ki-tô giáo vui vẻ cùng nhau hưởng Giáng Sinh trong các tiệc ở nhà. Mọi sự bình thường và tốt đẹp.” Nhưng tuy mạnh miệng, người Malaysia này cũng không dám cho nhà báo nêu tên.

Hầu hết mọi người quá sợ để lên tiếng chống lại lệnh cấm, và trong khi than thở với nhau họ biết chả có cách gì chống lại. Một cô bồi người Philippines buồn rầu nói: “Tôi sẽ phải làm việc vào ngày Giáng Sinh, ngay sau khi đi lễ Nhà thờ. Chúng tôi đành phải chịu đựng thôi.”

Một số người tuy vậy đã dám đưa lên các địa chỉ liên lạc xã hội những cảnh ăn mừng Giáng Sinh sử dụng hashtag #MyFreedom, một phần của một chiến dịch toàn cầu nhằm làm nổi bật sự đàn áp đối với các tín đồ Ki-tô giáo. Nhưng tờ Guardian chỉ ra là ít nhất một nhà thờ ở thủ đô đã trưng bầy Giáng Sinh thấy rõ từ ngoài đường, một điều hiếm có trong một thành phố hoàn toàn không có dấu vết của Giáng Sinh.

Một bà mẹ Hồi giáo đã tỏ vẻ bực tức than thở “Lệnh cấm này thực là nực cười. Nó đưa ra hình ảnh là Hồi giáo không tôn trọng quyền của những tôn giáo khác hành đạo. Hồi giáo dạy cho chúng tôi phải tôn trọng lẫn nhau và tôi tin nó bắt đầu bằng việc tôn trọng những tôn giáo khác ngay cả nếu điều bị cấm chỉ là việc trưng bày các đồ vật.” Nhưng bà ta cũng sợ không dám cho biết tên thật.

Những người khác, nhất là những tín đồ của các tôn giáo khác phản ứng bình tĩnh hơn, và khuyên nên tôn trọng lệnh cấm. Một người Công giáo Brunei thì nói: “Đây là một quốc gia Hồi giáo và vì tôn trọng luật lệ, các nhà thờ phải giữ các trang trí bên trong nhà thờ. Nhưng ý nghĩa của Giáng Sinh đối với chúng tôi không chỉ là những trang trí hay cây thông.”

Có điều có vẻ lệnh cấm này không áp dụng cho các doanh nghiệp của tiểu vương, người vốn làm chủ các khách sạn Dorchester nằm rải rác từ Luân Đôn đến Los Angeles. Ở trước cửa của khách sạn Le Richemond của tiểu vương ở Genève, khách được chào đón với những trưng bầy đầy khắp kể cả đèn nến, cây thông và bông hoa. Ở Le Meurice tại Paris, quảng cáo bữa tiệc Giáng Sinh bảy món giá 650 euro, trong khi khách sạn Beverly Hills thì đầy cả trang trí mùa Giáng Sinh.

Thành ra tôi hết sức thông cảm với nhà báo Elif Shafak của Thổ Nhĩ Kỳ khi ông than phiền về đất nước của ông. Viết trên tờ Financial Times, ông Shafak nói ông nhớ lại hồi còn nhỏ ở nhà của bà nội ông trong khu trung lưu Hồi giáo ở Ankara hồi thập niên 1980. Ông kể: “Đêm giao thừa, bà tôi chuẩn bị súp yoghurt, gà tây quay, cơm kiểu Uzbek, và tráng miệng thì có bánh baklava và quýt, trong khi chúng tôi ngồi ăn xem một cô múa bụng trên truyền hình nhà nước. Chúng tôi đội nón giấy và thổi kèn party. Rồi đến nửa đêm, bà tôi vào phòng đọc kinh Koran và cầu Allah cho một năm tốt đẹp và phước lộc dồi dào.”

Ông nói đến Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó là một thế giới lẫn lộn. Ông giải thích: “Thổ Nhĩ Kỳ, hơn những quốc gia Trung Đông khác, là một tấm hình muôn màu sắc của truyền thống và phong tục chung sống hòa bình; thế quyền và đức tin luôn pha trộn một cách hài hòa như là một điệu nhạc valse vậy. Ở một số nhà, đa số là các gia đình Iraq, rượu được dọn ra vào đêm Giao Thừa. Ở một số nhà khác, Coca Cola và trà. Ngay cả những người Thổ bảo thủ cũng cảm thấy cần chào đón năm mới. Và trong khi cây Giáng Sinh ở nhà hiếm có, nhưng chúng tôi thích những đồ trang trí và bày ra đầy các cửa tiệm và đường sá. Tôn giáo rất lỏng lẻo, như nước chảy luôn thay đổi.”

Ngày nay, theo ông, tôn giáo cứng ngắc và sự pha trộn biến mất, và đất nước ông nay phân chia thành những khu vực văn hóa khác nhau. Ở Istanbul, với năm mới sắp đến, mỗi xóm có thái độ khác nhau đối với Giáng Sinh. Khi đi từ khu này sang khu khác, rất rõ để thấy quận nào do đảng CHP, đảng đối lập chính cai trị, và quận nào của đảng AK, đảng cầm quyền. Những bóng đèn và giây đèn chớp chớp luôn chỉ có ở những quận của đảng CHP. Chỉ có ở shopping malls là không có sự khác biệt. Nhưng bên trong những shopping malls với những cây thông khổng lồ, nay lại có những người biểu tình. Một người cầm một tấm bảng viết: “Chúng tôi không tuân lệnh Santa chia quà, chúng tôi là những tín đồ của Đấng tiên tri Mohammad.” Một khẩu hiệu khác là một đoạn trong kinh Koran mà nhà báo nói bị lấy ra khỏi ý nghĩa của toàn đoạn, chỉ vì mục đích chính trị.

Rồi thì hình ảnh của Santa Claus bị phỉ nhổ trên các tờ báo Hồi giáo quá khích. Điều mỉa mai là Thánh Nicholas sinh ra ở thị trấn Patara ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 260 sau công nguyên và cho đến ngày nay vẫn được coi là một phần của lịch sử và văn hóa Thổ.

Nhưng vì Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay chia rẽ, phe thế quyền cũng tung ra chiến dịch phản công. Nhiều thanh niên đưa lên internet hình ảnh các ông bố mặc đồ Santa Claus để trao quà cho con, trao cho chúng chút niềm vui. Một nhà bình luận trên nhật báo Hurriyet cấp tiến đã đặt tên bài của mình “Đừng chào đón Năm mới nhưng có thể lập gia đình với bé gái,” để chỉ sự mỉa mai và chỉ trích tục tảo hôn, vì có đến 14% hôn nhân của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn là tảo hôn.

Và Shafak kết luận: “Là một người cầm bút Thổ Nhĩ Kỳ, tôi tôn trọng Giáng Sinh, tôi tôn trọng Hannukkah, tôi tôn trọng Diwali và tôi tôn trọng Ramadan. Tôi coi tất cả đều là một. Chống lại làn sóng ngày càng dâng cao của những tuyên truyền gây hấn vốn đang tìm cách ép buộc chúng ta trở thành một cá tính và phân chia nhân loại vào những phe giả tạo, tôi chào đón đa nguyên. Chúc mừng năm mới tất cả mọi người.”

Lê Phan
(Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=219853&zoneid=97

1 nhận xét:

  1. Thấy vậy mà không phải vậy, thánh chiến Hồi giáo dùng bạo lực nhằm mục đích tiêu diệt các tôn giáo khác. Ngày xưa Indo, Malaysia, v.v là vùng đất Phật Giáo, Ấn Giáo. Ôi nay còn đâu !

    Trả lờiXóa