Siêu cường Nhật Bản và một nước nhỏ như Việt Nam đang đứng trước sự chọn lựa nào?
Khi nói đến một siêu cường, chúng ta hay liên tưởng đến Hoa Kỳ, một quốc gia luôn đứng số ở vị trí số 1 từ văn hóa hóa-kinh tế-quân sự. Hoa Kỳ cũng là một hình ảnh của một quốc gia dân chủ theo mô hình "tổng thống chế" cố gắng minh chứng cho sự phát triển và phồn vinh theo thời gian thay vì một chế độ dân chủ Đại Nghị.Nếu nói Hoa Kỳ là nước phát triển thành công nhất sau thế chiến thứ 2 cho đến nay thì đây quả là một ngộ nhận sai lầm lớn. Nói một cách chính xác Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên vị trí siêu cường mà người Mỹ đã tạo ra ở cuối thế kỷ 19. Hay một sự ngộ nhận tiếp theo với một Trung Quốc đang trỗi dậy là một quốc gia thành công nhất kể từ sau thế chiến thứ 2? Sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành một siêu cường là một nhiệm vụ bất khả thi, bởi Trung Quốc đang sử dụng "quyền lực cứng" là dùng vũ lực quân sự và kinh tế để các quốc gia trong khu vực và thế giới công nhận.
Giấc mộng Trung Hoa của các cấp lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc sẽ vướng phải vô vàn khó khăn khi Hoa Kỳ-Đồng Minh xem Trung Quốc là mối nguy hại trực tiếp đến an ninh quốc gia và tự do hàng hải qua các chính sách "không tôn trọng luật pháp quốc tế" do chế độ Cộng Sản Trung Quốc đưa ra và áp dụng.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng cảm thấy khó chịu với tư duy một nước lớn như Trung Quốc dùng vũ lực quân sự đối với các nước nhỏ, thậm chí là đối với cả những nước mới nổi và đang trỗi dậy. Trung Quốc cũng chỉ có thể là một nước lớn và có nguy cơ tan rã thành nhiều quốc gia tự trị như Liên Xô khi chế độ Cộng Sản Trung Quốc của họ thất bại trên mọi mặt và "giấc mộng Trung Hoa" bị phá sản.
Đây là một điều kiện thuận lợi cho việc xoay trục Châu Á-TBD của Hoa Kỳ nếu như người Mỹ nắm được điểm yếu của Trung Quốc (quyền lực cứng). Đồng thời đây cũng là một cơ hội lớn cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của một quốc gia không vướng phải bất kỳ một cục đá to nào trên con đường trở thành một siêu cường. Quốc gia đó không ai khác ngoài Nhật Bản, một quốc gia thầm lặng đang tiến tới một vị trí siêu cường sánh ngang với Hoa Kỳ, Nga và các nước EU trong tương lai. Sau khi thất trận ở thế chiến thứ hai, Nhật Bản được Hoa Kỳ hỗ trợ nguồn lực về kinh phí và cả quân sự để xây dựng lại đất nước. Trải qua nhiều khó khăn, ngày nay Nhật Bản trở thành một nền kinh tế thị trường lớn đứng thứ hai sau Mỹ và theo thước đo GDP ngang giá sức mua lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của nền kinh tế Nhật Bản thật là phi thường, đồng thời sự trỗi dậy về văn hóa và quốc phòng cũng là điều đáng quan tâm để đánh giá Nhật Bản có trở thành một siêu cường hay không. Nhật Bản là quốc gia có tính đồng nhất về sắc dân và văn hóa. Giáo dục của Nhật Bản cũng xếp vị trí cao thế nhất giới và cũng là một nước có lượng lớn học sinh nước ngoài qua du học (chủ yếu học về các ngành kinh tế). Chúng ta có thể hình dung với một nền giáo dục "cực tốt" và sự đồng nhất về sắc dân thì người Nhật phải có đầy đủ các giá trị về đạo đức.
Ngày nay, thế giới xem người Nhật là đối tác quan trọng từ quan hệ kinh tế-chính trị cho đến sự thân thiện trong xã hội bởi tính trung thực, cần cù, tư duy khoa học và đặc biệt là sự phối hợp tốt khi làm việc chung. Có thể nói người Nhật đi tới đâu thì họ tỏa sáng nét văn hóa của nước nhà tới đó. Lịch sử quốc phòng của Nhật Bản trong thế chiến thứ 2 như chúng ta đã biết rõ, một quốc gia bành trướng quân sự lấy chủ nghĩa quân phiệt làm ngọn đuốc. Hải quân Nhật Bản rất mạnh, có thể nói mạnh hơn cả Hoa Kỳ vào thời điểm đó, có lẽ nếu người Nhật không hiếu chiến và mộng bá vương bằng võ trang thì họ đã làm chủ Thái Bình Dương thay vì người Mỹ.
Trải qua 70 năm kể từ sau thế chiến thứ hai kết thúc, hải quân Nhật Bản vẫn luôn giữ được và phát huy vai trò lực lượng phòng vệ biển và chứng tỏ bề dày kinh nghiệm làm chủ biển cả. Hiện nay, Hải quân Nhật Bản có thể xếp vị trí số 3 ở mặt trận Châu Á-TBD sau Mỹ và Trung Quốc. Chính sách "dự luật an ninh mới " là tham chiến ở nước ngoài của thủ tướng Shinzo Abe tuy gặp nhiều phản đối từ phía người dân và trong nội các Nhật Bản nhưng đây là một chính sách cần thiết và đứng đắn trước mối nguy hại từ Trung Quốc và Triều Tiên đe dọa đến tự do hàng hải-an ninh lãnh thổ quốc gia Nhật Bản và các nước trong khu vực-thế giới.
Nền quốc phòng Nhật Bản đang có chiều hướng gia tăng đáng kể về số lượng, công nghệ quốc phòng và đặc biệt là chính sách "buôn bán vũ khí" và hạt nhân hóa trong tương lai. Nhật Bản đang chạy đua võ trang từ hải quân-không quân-lục quân-vũ trụ với Trung Quốc để có một chỗ đứng chủ động trong đối thoại ngoại giao và Hoa Kỳ để thoát khỏi sự bảo trợ quân sự trong nhiều thập kỷ qua. Bên cạnh đó, cho thấy tham vọng của người Nhật tiến gần đến thị trường buôn bán vũ khí ở Đông Nam Á-Thế giới để cạnh tranh với các cường quốc quân sự trong tương lai.
Thế giới có thể yên tâm khi người Nhật hiểu rõ về hậu quả và sự tàn phá của chiến tranh gây ra, cũng như văn hóa và giới trẻ của Nhật Bản không có khái niệm "chiến tranh" và Nhật Bản là một quốc gia pháp trị. Chính phủ Nhật Bản đang đảm nhận hai trọng trách lớn, vừa là đồng minh của Hoa Kỳ để kiềm chế Trung Quốc-Triều Tiên vừa là một cường quốc đang có cơ hội vươn mình tạo vị thế chính trị trong khu vực và quốc tế. Đó là lý do Nhật Bản sẽ thoải mái hơn khi Hoa Kỳ bật đèn xanh cho Nhật Bản quân sự hóa và nhiệm vụ của Nhật Bản là chứng tỏ vị thế địa chính trị của mình trước các nước Đông Nam Á và cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề quốc phòng.
Nhật-Trung đang cạnh tranh rất gay gắt trong cuộc chiến địa chính trị, Nhật Bản đang cố gắng tạo sức ảnh hưởng kinh tế và quốc phòng trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chính sách xoay trục Châu Á-TBD của Hoa Kỳ và chiến lược trở thành một siêu cường từ việc tìm kiếm đồng minh riêng của mình trong khu vực Đông Nam Á và sự phục tùng của chế độ Cộng Sản Việt Nam giúp giấc mộng Trung Hoa sớm thành công.
Nhật Bản đang là một cánh tay trái của Hoa Kỳ trong việc lôi kéo Việt Nam nghiêng về Hoa Kỳ-Đồng Minh. Có thể nói chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Việt Nam là "xoa nhiều đánh ít". Nhật Bản xem Việt Nam là một đối tác quan trọng khi ưu đãi các gói vay-hợp tác kinh tế-hỗ trợ quốc phòng và mới nhất là trích 2.5 tỉ USD trong 10 tỉ USD hỗ trợ các nước ĐNA cho Việt Nam. Bên cạnh đó người Nhật cũng ngụ ý rằng chế độ Cộng Sản Việt Nam cần có những thay đổi chính trị để xóa bỏ nạn tham nhũng-quan liêu, sự nhẫn nhịn của Nhật Bản và ngân hàng quốc tế là có giới hạn.
Nhiều đồng minh của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây như Ý, Bỉ, Pháp, Đức sẽ xem xét Việt Nam là một thị trường kinh tế mới nổi để hợp tác và lôi kéo Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc khi Việt Nam gia nhập TPP. Tôi tin chắc trong thời gian tới Việt Nam sẽ được nhiều quốc gia hướng đến để khai thác tiềm năng và tạo áp lực lớn cho chế độ Cộng Sản Việt Nam thay đổi tư duy chính trị để thích ứng tốt với các cơ hội vàng.
Chế độ Cộng Sản Việt Nam đang trước một áp lực rất lớn từ ngoại lực và nội lực. Các chính sách của quốc gia dân chủ sẽ tác động và áp đặt các giá trị dân chủ để chế độ Cộng Sản Việt Nam hướng đến các giá trị để có sự thay đổi thể chế (làn sóng dân chủ thứ 4). Cộng Sản Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn giữa một nước lớn Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ-Đồng Minh đối đầu trực tiếp lẫn gián tiếp và một Nhật Bản đang chứng tỏ bản lĩnh là một siêu cường. Cộng Sản Việt Nam không thể tiếp tục đu dây để đổi lấy sự ngu xuẩn và lòng căm phẫn của nhân dân Việt Nam.
Chọn Nhật Bản làm người bạn thân thiết ở Châu Á, và một Hoa Kỳ ở Châu Mỹ và các quốc gia ở Châu Âu làm các đối tác hợp tác song phương là một nền tảng lớn cho Việt Nam tiến tới sự phát triển và phồn vinh, thậm chí trở thành một quốc gia đáng kể có tiếng nói trong khu vực. Nhân dân, doanh nhân, giới trí thức và đặc biệt là các tổ chức chính trị Việt Nam cũng đã hiểu rõ các trị dân chủ và ý nghĩa của một nền kinh tế thị trường và tầm nhìn chính trị thế giới. Chính họ cũng đang tạo áp lực lớn và ngày càng lớn hơn cho chế độ Cộng Sản Việt Nam.
Tôi nghĩ đã có lúc chế độ Cộng Sản Việt Nam tự nhìn lại về vai trò "độc quyền lãnh đạo" của Đảng Cộng Sản ở quá khứ-hiện tại-tương lai. Họ đã không còn đủ tư tưởng chính trị và bản lĩnh lãnh đạo để đất nước Việt Nam trỗi dậy và thích ứng với sự thay đổi chính trị thế giới. Đa Đảng là sự chọn lựa không thể trốn tránh cho Việt Nam tận dụng tốt và đưa ra các chính sách phù hợp để phát triển đất nước. Việt Nam không có nhiều thời gian khi đã đi sau nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, tư duy người cầm quyền Cộng Sản ít hay nhiều cũng bị sự tiến bộ chi phối.
Chế độ Cộng Sản Việt Nam đang rơi vào trạng thái như tổng thống Thein Sein. Tôi có một câu nói ví von cho ông Thein Sein và các cấp lãnh đạo Cộng Sản "Cố gắng bảo vệ một chế độ mạnh về võ trang trong khi quốc gia lại yếu kém và lạc hậu trước thế giới, không một sự ngu xuẩn nào có thể sánh với việc làm đó". Việt Nam chắc chắn sẽ thay đổi thể chế trong 5 năm tới cho dù bất cứ gương mặt nào giữ chức vụ tứ trụ Cộng Sản Việt Nam. Việt Nam còn thay đổi thể chế với với một tư thế rất thuận lợi từ đối thoại ngoại giao cho đến cơ hội phát triển đất nước nếu Cộng Sản Việt Nam tạo ra những bước tiến cho đối lập Việt Nam như tổng thống Thein Sein đã làm cho đất nước Myanmar. Và ngược lại cho dù Cộng Sản Việt Nam cố gắng bảo vệ quyền lực Đảng như thế nào đi nữa thì Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ có thể tìm cho mình một chỗ đứng với một vai trò là một chính Đảng như bao chính Đảng khác ra tranh cử để lãnh đạo đất nước.
Nhưng chúng ta đừng ngộ nhận rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam là người sẽ thay đổi và là người hùng như ông Thein Sein, đó là một ngộ nhận sai lầm bi đát và càng bi đát hơn khi xét lại (.............) của Đảng Cộng Sản Việt Nam gây ra cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc là một yếu tố quan trọng để phục hưng lại cho mọi đất nước, bất cứ một tổ chức chính trị hay Đảng phái nào phản bội lại chính sách đó sẽ hứng chịu sự lên án và bị chỉ trích của dân tộc Việt Nam. Chính Dân tộc Việt Nam và "lẽ phải" hướng đến sự phồn vinh cho Việt Nam mới là hai người bạn thân thiết thay đổi vận mệnh đất nước.
Nguyễn Hòa Bình
(Thông Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét