Cơn ớn lạnh của nhân viên lương thấp khi nhận thiệp mời cưới
“Suốt 3 tháng nay, em luôn trong tình trạng viêm màng túi, phải ăn mỳ tôm chống đói qua ngày. Bây giờ, cứ có điện thọai hoặc nghe đâu thấy tin bạn bè sắp cưới là em lại toát mồ hôi” – Trang, nhân viên tổng đài của một mạng di động tại Hà Nội kể.
Ảnh minh họa
Không sợ lương thấp, chỉ sợ đám cướiTốt nghiệp đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội, Trang thi vào làm nhân viên tổng đài ở một mạng di động. Làm ở đây, công việc không quá vất vả, nhưng phải làm ca kíp, lương cũng chỉ ở mức 4 triệu/tháng. Tháng nào làm tăng ca, được thưởng năng suất … Trang có thêm 1 triệu nữa để tiêu.
Tuy nhiên, Trang bảo, với mức thu nhập 4 -5 triệu đồng, mỗi tháng, tiền thuê nhà của Trang hết 1,5 triệu đồng, tiền điện, nước, mạng internet, tổng cộng hết 400 nghìn. Tiền ăn mỗi tháng của Trang hết 1,5 triệu, tiền xăng xe, điện thoại hết 400 nghìn. Tổng cộng hết 3,8 triệu đồng.
“Không tiêu pha, mua sắm gì thêm, mỗi tháng em cũng bỏ ra được 500 nghìn đồng. Số tiền này không nhiều nhưng em cũng thấy vui. Tuy nhiên, mùa cưới đến thì thật sự kinh hãi” – Trang nói.
“Công ty em, 90% là nữ, lại toàn những bạn đang tuổi kết hôn, vì thế, trung bình mỗi tuần, công ty có 2, 3 đám cưới. Tuần cao điểm, nhiều ngày đẹp, còn 4, 5 đám cưới, mà đám nào cũng mời. Mình không đi thì ngượng, đi thì … khủng khiếp.
Đám trung bình là 200 nghìn, đám thân hơn chút thì phải 300. Không đi ăn mà gửi mừng cũng phải 100 – 200 nghìn. Tức là mùa cưới, trung bình em mất 2 triệu tiền mừng mỗi tháng. Đấy là chưa kể các đám ma chay, thăm hỏi …
Em làm hùng hục, tăng ca suốt ngày, nói nha nhả cả ngày để kiếm năng xuất (vì ở công ty em quy định, thời gian nói chuyện với khách hàng càng nhiều thì bọn em càng được tính năng xuất và cuối tháng được cộng thêm tiền thưởng). Thế nhưng, làm bao nhiêu cũng không đủ để đi đám cưới.
3 tháng nay, tháng nào em cũng phải xin thêm tiền bố mẹ. Thế mà, em vẫn không đủ tiền để ăn, phải ăn mỳ tôm lót dạ. Thậm chí, có tuần không có tiền mua mỳ, em phải ăn cơm với tí nước mắm cho qua ngày” – Trang tâm sự.
Nhìn thấy thiệp cưới là phát sốt phát rét
Cùng chung cảnh hãi hùng khi mùa cưới đến, Ngọc Huyền, nhân viên hành chính ở một cơ quan nhà nước cũng trải lòng về nỗi khổ của mình.
Huyền kể: “Em mới vào cơ quan làm việc nửa năm, lương cơ bản được hơn 3 triệu, lại đang phải thuê nhà. Tiền ăn, uống, sinh hoạt, chi tiêu mỗi tháng đã rất eo hẹp, mùa cưới đến, em càng khổ tâm hơn”.
Bạn bè em đang vào tuổi cưới nhiều, ở cơ quan cũng nhiều không kém. Trong đó, cưới người cùng cơ quan thì ít vì mọi người nhiều tuổi rồi, nhưng cưới con, em của các sếp, các anh chị, cô chú trong cơ quan thì nhiều.
Em mới vào, phải xây dựng mối quan hệ nên đám nào ở cơ quan mời, em cũng phải đi. Mà đi phong bì ở cơ quan thì phải theo mặt bằng chung, từ 300 nghìn – 500 nghìn/người.
Tháng vừa rồi, 4 đám ở cơ quan mời, thêm 5 cái thiệp của bạn bè gửi đến. Em nhìn mà phát sốt phát rét.
Em phải cân nhắc rất lâu, sau đó, em mới chọn đi 6 đám. Đó là, 4 đám cơ quan và 2 đám bạn bè. Đi đám cưới xong, em không còn đủ tiền để đổ xăng đi làm, phải gọi điện cầu cứu bố mẹ. Bởi bạn bè cũng không khá khẩm hơn. Ai cũng xiểng liểng khi mùa cưới đến”.
“Vì thế, nói không phải ngoa nhưng những tháng thế này, em phải đếm từng ngày, lúc nào cũng chỉ mong hết tháng” – Huyền thở dài.
Minh Anh
http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/280563/con-on-lanh-cua-nhan-vien-luong-thap-khi-nhan-thiep-moi-cuoi.html
Tôi cũng vậy. Với cái lương hưu com,f cõi mà mỗi tháng mất 1 đám ma, ba đám cưới là coi như tiêu đời. Mà khồn chỉ có thế, hôm rồi có nhà hàng xóm bốc mộ mẹ cũng mời. Rồi lại đến anh ngày xưa cùng cơ quan (tôi nghỉ hưu 10 năm nay rôi)bỗng thấy mò đến, tưởng gì, ai ngờ anh ấy mời ăn giỗ vợ (mà khổ nỗi, hắn ta đã cưới vợ mới hơn 5 năm nay rồi).
Trả lờiXóaÔi! Một đám ma, ba đám cưới, mười đám giỗ... Chết mẹ người ta không!...
Đám cưới/đám ma có gì mà ngại. Mình cứ đi theo khả năng của mình. Chẳng cần phải sĩ diện để bằng chị bằng em. Kể cả có ai mời dự đám cưới ở khách sạn 5 - 10 sao thì mình vẫn đi theo khả năng của mình. Theo tôi, phần lớn những người mời cưới đều mong muốn có đông khách dự cho vui, chẳng mấy ai quan tâm đến việt mừng ít hay nhiều(tất nhiên nhận được nhiều tiền mừng thì cũng tốt!). Chẳng có ai trách bạn rằng tại sao dự đám cưới lại mừng ít như vậy. Cưới là để mong vui, chia vui; nếu cưới mà làm nhiều người "toát mồ hôi" như vậy thì người Việt cũng nên xem xét lại cách mời cưới và hình thức tổ chức đám cưới.
Trả lờiXóa