Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

'Tôi đồng ý với anh Lê Kiên Thành'

'Tôi đồng ý với anh Lê Kiên Thành'
Một nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam từ Đại học Bình Dương cho hay ông tán thành 'tất cả những ý kiến' được nêu ra trong một bài báo hôm 30/12/2015 của con trai cố Tổng bí thư Đảng CSVN, ông Lê Duẩn, trước thềm Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản lần thứ 12.
TS. Vũ Cao Phan cho rằng nếu không 'quyết được' triệt để vấn đề nhân sự lãnh đạo
 ở Hội nghị 14, Đảng CSVN có thể sẽ phải cần thêm hội nghị 'phụ' hoặc thời gian.
Hôm thứ Tư, trên tờ 'An ninh Thế giới', một tờ báo của ngành công an Việt Nam, trong bài báo có tựa đề " Chúng ta đã thực sự tin nhân dân?", Tiến sỹ Lê Kiên Thành đề cập một loạt vấn đề có tính nhận thức luận liên quan đảng cộng sản, từ sự cần thiết đề cao niềm tin vào dân, các quyền của người dân như giám sát và làm chủ, quyền trưng cầu dân ý, tới khoảng cách giữa đảng và dân, hay 'siêu tỷ lệ đảng viên' trong Quốc Hội v.v... và kêu gọi đảng 'học cách tin vào sự sáng suốt của nhân dân'.

Bình luận với BBC về bài báo của TS. Lê Kiên Thành, Tiến sỹ Vũ Cao Phan, Viện trưởng Viện Chính trị & Nghiên cứu Quan hệ quốc tế, từ Đại học Bình Dương, nói:

Hiện nay Hội nghị Trung ương lần thứ 13 chưa quyết được vấn đề nhân sự, nhất là vấn đề nhân sự cấp cao. Và phải chờ đến Hội nghị Trung ương lần thứ 14. Có một lần Đại hội Đảng còn phải tới Hội nghị Trung ương 14 rưỡi như Đại hội 9 - TS. Vũ Cao Phan

"Ông Lê Kiên Thành là một người tôi cũng biết. Ông ấy có những quan điểm của ông ấy. Hầu hết những quan điểm của Lê Kiên Thành tôi đồng ý. Tôi thấy tất cả những ý kiến của anh Thành là đều đúng cả.

"Thế còn người ta có thể làm được đến đâu hay chưa làm, thì cũng không dễ trả lời lúc này."

Ý kiến và thời điểm

Trả lời câu hỏi tại sao tại thời điểm hiện nay, lại có nhiều ý kiến, thông tin, bài viết, kiến nghị, được đưa ra, như kiểu ý kiến, quan điểm trong bài báo của TS Lê Kiên Thành, công bố ngay trên truyền thông chính thống, hoặc những bài viết, thông tin 'nhạy cảm' trên truyền thông và mạng xã hội, TS. Vũ Cao Phan nói:

"Tại sao lại có những thông tin như thế, thì kỳ này rất đơn giản thôi, ta cũng biết rằng hiện nay Hội nghị Trung ương lần thứ 13 chưa quyết được vấn đề nhân sự, nhất là vấn đề nhân sự cấp cao.

"Và phải chờ đến Hội nghị Trung ương lần thứ 14. Có một lần Đại hội Đảng còn phải tới Hội nghị Trung ương 14 rưỡi như Đại hội 9.

"Tức là vấn đề nhân sự với Đảng là rất quan trọng, nhưng cách làm của Đảng để có thể quyết sớm, do cách làm của Đảng vẫn chưa được tốt lắm, cho nên hiện nay là đang có vấn đề nhân sự.

"Và tôi nghĩ đang có cuộc đấu tranh giữa những người này, người khác, hay là như hay gọi là phái này, phái khác, tất cả những phát biểu trên báo chí, chính thức hay không chính thức, ta phải nhìn dưới góc cạnh là nó phản ảnh quan điểm của một số người nhất định nào đó, về vấn đề nhân sự."
Đánh giá tác động

Đánh giá về tác động của những bài báo, quan điểm, ý kiến như của Tiến sỹ Lê Kiên Thành tới lãnh đạo, nhà nước và xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói thêm:

Ngày hôm nay, Đảng Cộng sản cũng cần phải thay đổi để tránh những nguy cơ ấy. Đầu tiên, có lẽ là học cách tin vào sự sáng suốt của nhân dân! - TS. Lê Kiên Thành

"Tôi cho rằng nếu gọi là có tác động như thế nào ấy, thì ở thời điểm này khó có một tác động gì, nó chỉ là một tiếng nói để nó phản ảnh, ta gọi là của một phái nào đó, hay là của một số người nào đó cũng được, nói lên.

"Tôi tán thành với quan điểm của anh Thành vừa nêu, nhưng mà đó cũng chỉ để phản ảnh quan điểm của một số người mà thôi, của một xu hướng nào đó thôi, còn nó có tác động tức thời đến ngay không là rất khó. Còn có thể nó sẽ có tác động lâu dài.

"Nhưng có tác động lâu dài đến mức độ nào đó thì cũng còn cần thêm nhiều tiếng nói nữa.

"Tôi nói thật, như có lần tôi đã phát biểu, đảng này ai lên làm Tổng bí thư, ai làm người lãnh đạo cao nhất cũng được, 'cũng được' - tôi nói rõ, bởi vì nó không có khuôn mặt nào thật xuất sắc cả."

Quyền lực đích thực

Bài báo trên An ninh Thế giới hôm thứ Tư của tác giả Lê Kiên Thành có đoạn: "Suốt một thời gian dài, Đảng gần như dựa hết vào người dân, người dân nuôi, người dân bảo vệ, người dân ủng hộ. Người Cộng sản có thể gửi gắm cả tính mạng mình cho nhân dân khi bị kẻ thù uy hiếp.

Các lãnh đạo đảng và chính phủ Việt Nam (trái sang: 
Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn) trong thập niên 1980.

"Nhưng khi sự nghiệp lớn đã thành công, những người Cộng sản trở thành những người lãnh đạo đất nước, họ dần dần trở thành giai cấp cầm quyền và có lúc “nhìn xuống” nhân dân của mình."

Bình luận về quyền lực, trong lối nói so sánh, ví von, TS. Lê Kiên Thành viết: "Anh chỉ là người lái xe ôtô, còn người chủ thực sự là tất cả những người mua xe đó, ngồi trong xe đó, và bất kể anh muốn lái chiếc xe đó đi theo con đường nào, lái nhanh hay lái chậm, đều phải có được sự đồng thuận từ chủ nhân thực sự của nó, là nhân dân.

"Người lãnh đạo ở Thụy Sĩ hiểu một điều, nếu người dân không đồng ý thì anh sẽ không được nắm quyền. Quyền đó là người dân trao cho anh, chứ không phải tự anh sinh ra đã có. Người Cộng sản Việt Nam cũng phải hiểu điều đó!"

Và tác giả Lê Kiên Thành kết luận: "Thế giới đang thay đổi theo từng giờ, từng ngày. Mọi thứ đều phải đổi mới, đương nhiên dòng sông không chảy thì sẽ thành một vũng nước, con chim không đập cánh thì sẽ trở thành một bộ xương ở gốc cây và cá nhân một người Cộng sản, mặc dù vẫn là con người ấy, chính thể ấy nhưng vẫn phải đổi thay từng bước. Ngày hôm nay, Đảng Cộng sản cũng cần phải thay đổi để tránh những nguy cơ ấy.

"Đầu tiên, có lẽ là học cách tin vào sự sáng suốt của nhân dân!", tác giả viết trên tờAn ninh Thế giới.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/151230_vucaophan_on_lekienthanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét