Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Làm sao PT khi mỗi ngày có 3.600 cuộc thanh tra?

Làm sao phát triển khi mỗi ngày có 3.600 cuộc thanh tra?
Làm sao có thể yên tâm phát triển khi mỗi sáng sớm, bất kì doanh nghiệp, cơ quan nào cũng phải nghĩ và tin rằng mình sẽ là một trong ba ngàn sáu trăm mười cuộc thanh tra phải đến?
Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ.
Trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” tối 13.12.2015, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong năm qua (tức là tính từ 1.1.2015 đến 12.12.2015), ngành thanh tra đã tiến hành 40.000 cuộc thanh tra và 830.000 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện 212.000 tỉ đồng sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 313 vụ với 356 đối tượng và, đã thu hồi được 70% số tiền sai phạm (doanhnghiepvn.vn, 09:32:00, 14.12.2015)!

Trước hết, xin bày tỏ nỗi vui mừng đối với sự “phát triển” mạnh mẽ của ngành thanh tra với thành tích thanh tra rất nhiều, phát hiện sai phạm không hề ít; và, nhất là, đã thu hồi rất nhanh số tiền thất thoát, 70% đã thu hồi, tức là 148.400 tỉ đồng!...

Tuy nhiên, cũng cần đặc biệt nhấn mạnh rằng có rất nhiều nghĩ suy, không hề kém là những chuyện đáng bàn từ những con số day dứt trên.

Thứ nhất, nếu tính số ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật của 52 tuần lễ cùng 10 ngày nghỉ lễ, tết và 10 ngày còn lại của tháng 12 (tính từ 13 đến 31 tháng 12, đã trừ đi 6 ngày nghỉ), tổng số ngày làm việc của thanh tra trong năm 2015 là 241 ngày. Với 870.000 cuộc thanh tra và thanh, kiểm tra chuyên ngành, trung bình mỗi ngày, ngành thanh tra nước ta tiến hành 3.610 cuộc thanh tra các cấp(!)
Con số trên đây chắc đạt kỉ lục thế giới về nhiều lẽ: số lượng, “tốc độ” và số nhân viên... khổng lồ đảm trách công tác thanh tra. Mỗi cuộc thanh tra ít nhất phải có 3 người, tính cả “bộ máy” xử lí số liệu, quản lí chính... các thanh tra, thì tổng số cán bộ, nhân viên của ngành thanh tra không ít hơn vài vạn người! Nếu chúng ta đồng ý rằng thời gian cho mỗi cuộc thanh tra không thể ít hơn vài ngày thì con số sẽ là không thể hình dung nổi. Ngược lại, cũng sẽ phát sinh câu hỏi rằng ngày nào cũng có hàng ngàn cuộc thanh tra như thế, tốc độ và cường độ làm việc ấy, liệu đã phanh phui gần đủ số sai phạm hay chưa?

Thứ hai, hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp cần nhất là sự ổn định, tự tin. Nếu cứ liên tục thanh tra, kiểm tra gây nên sự xáo trộn (nếu không muốn nói là đảo lộn trật tự) thường xuyên, căng thẳng như thế, những thiệt hại vô hình về kinh tế, tâm lí, sức khỏe sẽ lớn đến mức nào?

Thứ ba, số tiền chi sai là rất lớn, thu hồi cũng rất nhanh là điều thật sự phải âu lo!

Gần 150.000 tỉ đồng thu hồi NHANH – đồng nghĩa là không cần đến sự trợ giúp của cơ quan hành pháp, cũng đồng nghĩa ngay và luôn rằng “thao tác” để hoàn lại chỉ thông qua... kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc! Cách xử lí như thế liệu có thỏa đáng hay không khi hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền dân của nước thất thoát chỉ cần thu hồi là đủ? Chế tài nhẹ hườu ấy làm sao có thể ngăn chặn thất thoát, sai phạm trong tương lai?

Thứ tư, con số 313 vụ và 356 đối tượng chuyển cho cơ quan điều tra chưa bằng cái số lẻ thanh tra mỗi ngày là điều nhất thiết phải lưu tâm. Về mặt số học, nó không tương xứng với “công lao” mà các thanh tra viên bỏ ra; về mặt thực tế, nó bất cập; về mặt tính chất của vấn đề, vụ việc, nó hoàn toàn vô lí bởi sự tốn kém sức người, sức của trong công tác thanh tra.

Từ 4 vấn đề đặt ra trên đây, nên bắt đầu trả lời bằng một câu nói của người xưa: Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất.
Trong thời đại của lập trình, mọi hoạt động chi – thu đều có thể được mã hóa, tại sao không thiết lập cơ chế thanh quyết toán tài chính theo cách mua vé máy bay hay tàu hỏa: “chỗ ngồi” của khoản chi tiêu ấy đã có, đã đủ định mức, sẽ tự động bật ra mà không một ai có thể điền vào thêm, không cần thanh tra vẫn hiện rõ ngay trên bảng theo dõi? Nếu áp dụng cách thức này (mà nhiều nước đã thực hành từ lâu), sẽ giảm bớt thất thoát và, chắc chắn, ngành thanh tra sẽ ít việc hơn rất nhiều.

Điều tiếp theo là cung cách chống thất thoát (nếu không muốn nói thẳng là tham nhũng) bằng kiểm điểm nghiêm túc, phê bình nghiêm khắc chẳng khác gì dùng cái phất trần dọa nạt con voi rất to có tên gọi là tham nhũng. Cái phất trần ấy nhẹ đến mức không làm suy suyển da voi nhưng lại đủ lực để thổi bay voi qua cái lỗ kim cơ chế. Đây là điều hầu như ai cũng thấy và không phải không lặp lại hết năm này sang năm khác.

Làm sao có thể yên tâm phát triển khi mỗi sáng sớm, bất kì doanh nghiệp, cơ quan nào cũng phải nghĩ và tin rằng mình sẽ là một trong ba ngàn sáu trăm mười cuộc thanh tra phải đến?

Suy cho tới cùng, thanh tra, kiểm soát chỉ là phần ngọn của sự bất lực trước cái lỗ hổng to đùng từ cơ chế mà không vi phạm có nghĩa là kém. Bịt kín cái lỗ hổng ấy, hay ít nhất, làm cho nó nhỏ lại (không quá khó) mới là cái gốc của vấn đề.

Năm 2016 đã chạm ngõ rồi. Đó là năm mở đầu bằng Đại hội Đảng Toàn quốc – được kì vọng sẽ có rất nhiều thay đổi. Rất mong mỏi bằng lời chúc rằng sang năm mới và các năm kế tiếp, “thành tích” của ngành thanh tra sẽ đi xuống, có như thế, đất nước mới có thể ngẩng cao đầu...

Huế, 26.12.2015.
Hà Văn Thịnh
(Dân Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét