Bất ngờ tất yếu
(GDVN) - Thủ tướng Modi cho thấy, nếu người lãnh đạo đất nước có đủ tâm và xứng tầm thì có thể tận dụng mọi cơ hội để mang lại phồn vinh cho đất nước. Những ngày gần đây, hầu hết các hãng tin lớn trên thế giới đều đưa tin về chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Pakistan vào ngày 25/12 theo kiểu “ngoại giao bất quy tắc”, trên đường trở về từ chuyến thăm Afghanistan.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi –người được hy vọng biến
những điều không thể thành có thể tại Nam Á. Ảnh: The Telegraph.
Bất ngờ vì chỉ là một chuyến ghé ngang không nằm trong lịch trình công du của ông Modi. Bất ngờ vì nó diễn ra đúng vào ngày sinh nhật của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharip. Bất ngờ vì nó diễn ra và kết thúc một cách chóng vánh.Tuy nhiên, theo người viết thì chuyến ghé thăm bất chợt này của ông Modi nằm trong chiến lược bang giao quốc tế của ông, nghĩa là nằm trong sự tính toán, thậm chí có tính tất yếu cho sự kiện này.
Bất ngờ tất yếu
Có lẽ dư luận không quên một phương châm đã làm nên “thương hiệu” trong chiến lược ngoại giao quốc tế của cựu Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonhavan, khi mong muốn mang hoà bình và sự phát triển cho bán đảo Đông Dương, đó là: Biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường. Từ cuối thập niên 1980, phương châm ấy đã trở thành hiện thực và mang lại rất nhiều lợi ích cực kỳ to lớn cho chính đất nước Thái Lan.
Sau hơn một phần tư thế kỷ, Thủ tướng Án Độ Narendra Modi có lẽ đã thấy được sự phù hợp của phương châm ấy trong hoàn cảnh đất nước Ấn Độ, phù hợp với vị thế của đảng Nhân dân BJP và cá nhân ông Modi lúc này. Vì vậy, người ta có thể nhìn thấy việc vận dụng phương châm “biến chiến trường thành thị trường” trong chiến lược bang giao quốc tế của Ấn Độ kế từ khi ông Modi lên làm Thủ tướng, mà không cần ông phải tuyên bố.
“Tất cả các quốc gia trong khu vực - Ấn Độ, Pakistan, Iran và những quốc gia khác nữa - phải đoàn kết trong sự tin tưởng và hợp tác, hướng tới mục đích là nhận thức đúng đắn về lợi ích chung của tất cả chúng ta", The Telegraph ngày 25/12 dẫn lời ông Modi cho biết.
Trong lịch sử, từ khi nhân dân Ấn Độ giành được độc lập và thành lập nên nhà nước Cộng Hòa Ấn Độ năm 1947 cho đến nay, chưa bao giờ mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan có được sự bền vững và hòa hoãn. Lợi ích cực kỳ to lớn của mối quan hệ láng giềng không được khai thác, mà nguyên nhân chủ yếu là do chiến tranh và xung đột biên giới giữa hai nước, trong đó phải kể đến 3 cuộc chiến tranh giữa hai nước xảy ra năm 1947, 1965 và 1971, theo Los Angeles Times.
Điều đặc biệt là các cuộc chiến tranh với Pakistan, những xung đột biên giới giữa hai nước gia tăng, đều diễn ra trong thời gian nắm quyền của đảng Quốc đại (INC). Năm 2003, một thỏa thuận hòa bình tạm thời được chính phủ của BJP, ký kết với Pakistan, nhưng lại liên tục bị phá vỡ vì sau đó BJP phải nhường lại chính quyền cho INC.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharip tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: PA.
Với chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2014, BJP và cá nhân Thủ tướng Modi đã có đầy đủ điều kiện để chủ động biến Nam Á từ chiến trường thành thị trường, để mang lại hòa bình và phát triển cho khu vực. Ấn Độ và Pakistan là hai quốc gia quan trọng nhất trong khu vực, nên nhân dân hai nước sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất khi phương châm chiến lược này được hiện thực hóa.
Vì có xung đột nên trong quan hệ với Pakistan ông Modi phải thực hiện ngược quy trình mở rộng bang giao quốc tế, phải đi “từ xa đến gần” bằng việc gặp gỡ xã giao Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharip ở những sự kiện quốc tế. Do đó, quan hệ hai nước mới chỉ dừng lại ở mức “tan băng” chứ chưa thể “nồng ấm” được.
Bởi vậy để cải thiện và tiến tới xây dựng mối quan hệ bền vững với Pakistan thì cần phải có cơ hội, nghĩa là một cái cớ mang tính tất yếu mà ai nhìn vào cũng thấy có lợi cho mình.
Ông Modi đã tìm được cái cớ tuyệt vời cho việc ấy, bằng cách ghé thăm Pakistan đúng ngày sinh nhật của Thủ tướng Nawaz Sharip, mà quà sinh nhật không thể ấn tượng hợn được nữa. Đó là kết quả vừa đạt được trong những chuyến thăm của ông Modi đến Nga, Trung Quốc và Nhật Bản – những cường quốc mà cả Ấn Độ và Pakistan đều mong muốn có quan hệ và ảnh hưởng.
Việc xử sự nhân văn đã làm cho ông Modi không phải nhận bất cứ lời chê trách nào của Pakistan do chuyến ghé thăm kiểu “nhân tiện tạt qua”, vì ai cũng thấy ông Modi đã xem ông Nawaz Sharif như bạn bè thân thiết.
Quan hệ Ấn Độ - Pakistan cũng bởi thế mà trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, những nghi lễ long trọng cho những chuyên thăm chính thức cấp nhà nước không dễ dàng đạt được. Có thể xem đây là một nghệ thuật tuyệt vời trong ngoại giao của ông Modi.
"Đây hoàn toàn là một chuyến thăm thiện chí. Nó đã thể hiện qua sự tương tác, trao đổi trực tiếp để tạo ra một môi trường của thiện chí ", Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Aizaz Chaudri nói với các phóng viên tại sân bay sau khi ông Modi về nước, Nikkei Asian Review, ngày 25/12.
Biến không thể thành có thể
Ông Narendra Modi là người đã đặt nặng quyền lợi của quốc gia dân tộc trong chiến lựơc tranh cử cũng như trong chương trình hành động của mình. Với tính cách của một nhà chính trị ôn hòa, ông Modi đã thể hiện điều ấy qua những chuyến xuất ngoại liên tục gần đây, thể hiện quan điểm Ấn Độ muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới vì lợi ích của đôi bên.
Kết quả của những chuyến xuất ngoại ấy là những thỏa thuận, hiệp định được ký kết với những đối tác. Sẽ có thể có những thỏa thuận, những điều khoản làm cho Ấn Độ có thể vi phạm ngay từ khi đặt bút ký hoặc phải đưa sang điều khoản bị ảnh hưởng bởi điều kiện bất khả kháng vì địch họa. Nghĩa là có những điều khoản không thể thực hiện. Mà nguyên nhân chính là xung đột với Pakistan.
Tuy nhiên, chuyến ghé thăm chớp nhoáng của ông Modi đã có thể xoay chuyển tình thế ấy. Chắc chắn ông Modi sẽ không từ chối việc chia sẻ lợi ích từ những thỏa thuận mà Ấn Độ có được với các đối tác vì như thế sự bất khả kháng sẽ mất đi và những điều khoản vốn bị xem là không thể nay trở thành có thể. Thế là cả Ấn Độ và Pakistan đều được hưởng lợi theo cơ chế hợp tác này.
Theo The Telagraph, ông Modi đã nói: “Ấn Độ đến đây để đóng góp, không phải để cạnh tranh, để đặt nền tảng của tương lai, không châm lửa cho xung đột."
Hàng rào ngăn cách ngoài biên giới bất ổn đì đoàng tiếng súng mấy chục năm qua có hy vọng được tháo gỡ từ thiện chí, nỗ lực của cả Ấn Độ và Pakistan sau chuyến thăm bất ngờ của ông Narendra Modi. Ảnh: Scoopwhoop.
Còn với các đối tác, nếu Ấn Độ có vi phạm là “chia lộc” với Pakistan thì họ cũng sẽ không trừng phạt vì tất cả những điều khoản đều có cơ hội được thực hiện, đảm bảo tối đa lợi ích của những thỏa thuận. Mặt khác, qua đó họ còn có thêm một đối tác “gián tiếp” mà không mất bất cứ một sự nhượng bộ nào. Có lẽ họ còn vun vào để có nhiều hơn những kết quả ngoài mong đợi.
Qua sự đoàn kết giữa Ấn Độ và Pakistan, quyền lợi trong mối quan hệ giữa các đối tác với Ấn Độ sẽ cộng hưởng lên rất nhiều. Một thị trường với hơn một trăm triệu dân như Pakistan mà không phải đánh đổi điều gì mà có thể có được thì có lợi ích nào lớn hơn.
Chỉ cần chủ động đưa ra một bàn tay mà bắt được cả hai tay nóng hổi thì quả là một sự không tưởng trong thế giới đầy biến động và xung đột lợi ích như lúc này.
Với Pakistan thì việc hòa hoãn với Ấn Độ đã là một kết quả tuyệt với mà bao nhiêu năm nay họ không có được. Nay có thể có thêm sự chia sẻ từ quyền lợi của Ấn Độ qua những thỏa thuận mà Ấn độ đã ký kết với những đối tác khác nhau, thì điều này như một món quà từ trên trời rơi xuống.
Nếu không có sự chia sẻ của Ấn Độ thì với Pakistan những lợi ích như vậy chỉ là sự không tưởng vì thị trường hơn một trăm triệu dân quá bé nhỏ so với dân số hơn một tỷ của Ấn Độ và do đó Pakistan không thể có được cái thế mạnh như Ấn Độ trong quan hệ với các đối tác khác.
Nikkei Asian Review, ngày 26/12 đã bình luận: "Sharif - một doanh nhân, và Modi – một bộ óc kinh doanh sẽ chia sẻ lợi ích trong việc tăng cường quan hệ kinh tế thông qua các phương tiện như dịch vụ đường sắt xuyên biên giới”.
Còn với cá nhân Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharip thì có mơ mộng nhất ông cũng không dám nghĩ ông có một món quà sinh nhật tuyệt vời như vậy. Nó vừa làm lợi cho người dân, đất nước Pakistan, vừa làm tăng úy tin cho đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan và làm tăng vị thế cho ông.
Rõ ràng, hàng loạt những điều không thể đã có cơ hội biến thành có thể sau chuyến thăm Pakistan của Thủ tướng Modi. Mọi việc đã có khởi đầu cực kỳ thuận lợi, những gì diễn ra tiếp theo chỉ còn là kỹ thuật khai thác của các bên thông qua những bộ phận chuyên môn. Một chuyến thăm “ngoại giao bất quy tắc” đã mang lại lợi ích ngoài mong đợi cho hai bên, nhiều phía.
Những người được hưởng lợi nhiều nhất qua chuyến thăm chớp nhoáng của ông Modi vẫn là nhân dân của các nước khu vực Nam Á nói chung, và nhân dân hai nước Ấn Độ và Pakistan nói riêng. Một tương lai tốt đẹp cho hòa bình và phát triển tại khu vực Nam Á – khu vực mà gần 70 năm qua chưa bao giờ yên bình, đã được mở ra với hy vọng cho một tương lai thịnh vượng.
Qua chuyến thăm ngắn ngủi Pakistan, Thủ tướng Modi cho thấy, nếu người lãnh đạo đất nước có đủ tâm và xứng tầm thì có thể tận dụng mọi cơ hội để mang lại phồn vinh cho đất nước, cuộc sống no đủ cho người dân.
Ngọc Việt
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Bat-ngo-tat-yeu-post164466.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét