BÀN VỀ TUỔI TÁC NHÂN SỰ ĐẠI HỘI ĐẢNG
Nguyễn Đình Cống, 30-12-2015
1- Tình hìnhCó lẽ ít có nơi nào như Việt Nam thời nay, mỗi lần bầu cử thì cấp có quyền đề ra rất nhiều tiêu chuẩn để áp đặt và nêu cao khẩu hiệu sáng suốt lựa chọn người xứng đáng. Thế nhưng một số người trúng cử lại tỏ ra chẳng xứng đáng chút nào. Ngược lại, ở nhiều nước dân chủ, để bầu tổng thống, nghị sĩ, chẳng ai đề ra tiêu chuẩn nào cả, các ứng viên công khai vận động tranh cử, công khai đối thoại và tranh luận, người nào được cử tri tín nhiệm cao hơn là thắng, mà hầu hết người thắng cử rất xứng đáng.
Khi bầu cử trong các đại hội Đảng người ta nêu ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau, có thể quy về trong 3 nhóm: Nhóm 1 là tiêu chuẩn định tính như lòng trung thành, tinh thần công tác, ý thức tổ chức, tính kiên định đường lối v.v… Nhóm 2 thuộc định lượng như tuổi đời, thâm niên công tác, thành phần xuất thân, bằng cấp (bao gồm cả các loại giấy chứng chỉ, huân huy chương), giới tính, địa phương v.v… Nhóm 3 thuộc nửa định lượng như năng lực công tác, kinh nghiệm thực tế, mức độ uy tín v.v…
Trước khi phân tích tiếp xin tạm bàn đến “động cơ”. Khi định làm việc gì người ta hay nêu ra động cơ hoặc mục đích. Với “người khôn ranh” động cơ gồm 2 loại: công khai và ẩn dấu. Thí dụ lập dự án làm công viên và xây tượng đài lãnh tụ, động cơ công khai là để phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân, để thể hiện lòng tôn kính lãnh tụ, động cơ ẩn dấu là số phần trăm lại quả của nhà thầu. Động cơ công khai và ẩn dấu là khác nhau, chỉ với những người có bản chất trung thực và liêm chính thì hai thứ đó chập vào một, hoặc chỉ có một.
Trong việc đề ra tiêu chuẩn bầu chọn nhân sự cũng có động cơ công khai và ẩn dấu. Tiêu chuẩn nhóm 1 tưởng là rất quan trọng nhưng lại có ít giá trị để so sánh, lựa chọn, thường chỉ nêu ra làm vì, còn trong các tiêu chuẩn nhóm 2 có một vài cái thường để phục vụ một mưu mô nào đó. Thí dụ muốn chọn nhân vật A C thì đưa ra tiêu chuẩn mà A C có sẵn hơn người khác, còn muốn trừ bỏ nhân vật B D thì đưa ra tiêu chuẩn không chấp nhận việc tiêu cực có thể gán cho B D. Chuyện này chỉ cần để ý một chút sẽ thấy ở nhiều nơi. Người ta giải thích việc bầu chọn người ấy người này, loại bỏ kẻ nọ kẻ kia là “đã làm theo đúng quy trình”, nghĩa là đã tuân thủ tiêu chuẩn do cấp thẩm quyền đưa ra. Ai biết được ý đồ kín đáo đã cài đặt trong các tiêu chuẩn ấy.
Về tiêu chuẩn tuổi tối đa, khi bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân không có hạn chế, chỉ riêng trong Đảng lại được quá quan tâm, đặc biệt là trong các cuộc họp trung ương Đảng chuẩn bị nhân sự cho ĐH 12. Người ta thống nhất với nhau qui ước không để người cao tuổi giữ vị trí quan trọng vì ngầm cho rằng họ không còn đủ năng lực. Việc này có một số điều được hiểu chưa chính xác và có nguyên nhân lịch sử của nó.
2- Có phải người cao tuổi kém năng lực
Người ta thường phân biệt 2 khái niệm: người cao tuổi và người già. Hai khái niệm đó không đồng nhất vì có những người tuổi cao mà vẫn trẻ trung, ngược lại có người tuổi còn ít mà đã già khụ. Rõ ràng có một số người cao tuổi đồng thời là người già, năng lực giảm sút so với thời trẻ, tuy vậy có thể kể ra rất nhiều người tuổi khá cao, thuộc loại U80, U90 hoặc hơn nữa mà vẫn còn rất sung sức, cả trí tuệ và thể lực. Một số giữ những trọng trách của đất nước, vẫn làm được những việc quan trọng có đóng góp to lớn cho sự phát triển xã hội. Trong những người đó, trừ một số kém năng lực nhưng tham quyền cố vị trong các thể chế độc tài còn phần lớn họ là những người rất xứng đáng. Từ trước đến nay trên thế giới có nhiều người như vậy, chỉ xin kể ra một số vị làm đại diện.
Ở nước Việt, Lý Thường Kiệt, ngoài 80 tuổi vẫn là rường cột triều Lý, Nguyễn Công Trứ ngoài 70 tuổi là trọng thần triều Nguyễn, văn võ song toàn, Trường Chinh, năm 79 tuổi là tác giả chính của công cuộc đổi mới bắt đầu từ 1986.
Tại Trung Hoa, Khương Tử Nha năm 80 tuổi, đang câu cá, được Tây bá Cơ Xương mời làm tổng chỉ huy quân đội đánh Trụ để lập nên Nhà Chu hùng mạnh, Bách Lý Hề ngoài 70 tuổi, đang chăn ngựa, được Tần Mục Công đem về giao quyền Tướng quốc, tạo dựng nên nước Tần bá chủ, Khang Hy và Càn Long là những ông vua vẫn nổi tiếng anh minh khi đã là U80.
Tại Mỹ nhiều tổng thống trên dưới 70 tuổi như Harrison (sinh 1773), Buchanan (sinh 1791), Eisenhower (sinh 1890), Reagan (sinh 1911), Bush (sinh 1924).
Một số khác: Lý Quang Diệu (sinh 1923) làm thủ tướng đến gần 70 tuổi, thôi thủ tướng làm Bộ trưởng cao cấp, Raun Castro (sinh 1935) 80 tuổi, đang lãnh đạo Cuba cải cách thể chế.
Như vậy không phải cứ người cao tuổi là cần loại ra khỏi chức vụ.
Trong việc bầu cử ở nhiều nơi trên thế giới (trừ việc bầu tại đại hội Đảng Cộng sản VN), không cần hạn chế tuổi tối đa.
3- Nguyên nhân lịch sử
Nếu hỏi nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến việc hạn chế tuổi trong bầu cử của ĐCSVN thì có lẽ hiện nay ít người biết đến tường tận. Tôi đoán là ngay cả TBT Nguyễn Phú Trọng, trưởng ban tổ chức Tô Huy Rứa cũng không biết thật rõ, chỉ biết là các đời trước truyền lại như thế. Hỏi các vị lớn tuổi, đã từng có trọng trách trong đảng như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Đồng Sỹ Nguyên v.v…, may ra có vị còn biết do nhớ lại một thời kỳ lịch sử. Tôi, tuy 80 tuổi nhưng so với các vị vẫn thuộc loại hậu sinh, hồi bé vì tò mò, nghe các bậc cha anh thì thầm mà biết được một cách chưa thật đầy đủ, xin kể lại để các bạn tham khảo, có chỗ nào chưa thật chính xác mong được chỉ giáo.
Đó là vào thời kỳ Miền Bắc VN đẩy mạnh xây dựng XHCN từ 1956. Cán bộ chủ chốt trong các cấp các ngành chủ yếu được chọn từ những người có thành tích trong hoạt động bí mật, trong kháng chiến 9 năm, trong cải cách ruộng đất. Họ có tinh thần đấu tranh CM, có thành tich công tác, sẵn sàng hy sinh cống hiến suốt đời cho sự nghiệp của Đảng, nhưng một số tuổi đã cao, trình độ chuyên môn về khoa học và quản lý quá kém, mặc dầu được học tập, được bồi dưỡng vẫn không nâng lên được. Thế mà không ít trong số trong họ vẫn cố bám lấy chức vụ để hưởng quyền lợi và tham nhũng quyền lực, việc này làm cho một vài cơ quan và công việc bị trì trệ kéo dài.
Để khắc phục tình trạng vừa nêu, một biện pháp do Lê Đức Thọ, trưởng ban tổ chức TƯ Đảng đề ra là dùng tiêu chuẩn tuổi tác để buộc một số cán bộ kém năng lực phải từ bỏ chức vụ, xem biện pháp đó như kỷ luật của Đảng. Thế rồi nó được áp dụng rộng rãi, dần dần trở thành tiêu chuẩn trong các cuộc bầu cử. Tuy vậy để giữ được đặc quyền đặc lợi cho những cán bộ cấp cao, tiêu chuẩn tuổi tác được miễn trừ cho Bộ chính trị và một số ủy viên trung ương nào đó. Qua thời gian việc miễn trừ này bị rút ngắn dần, đặc biệt là sau khi Lê Duẩn chết, từ ĐH VI, các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ tự nguyện không tái cử.
4- Vài lời bình luận
Đúng ra, khi bầu cử thật sự dân chủ thì không cần nêu hoặc hạn chế bất kỳ một tiêu chuẩn nào, kể cả tuổi tác. Qua vận động tranh cử công khai cử tri biết rõ các ứng viên và tự lựa chọn người theo ý của mình. Việc hạn chế tuổi trong bầu cử, xuất phát là một giải pháp tình thế, đúng ra chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn rồi thôi, không ngờ ĐCSVN cứ kéo dài cho đến tận bây giờ. Việc này mang lại lợi ít hại nhiều. Để xẩy ra việc đó, theo tôi, có 2 nguyên nhân chính: Một là ĐCSVN vẫn duy trì việc bầu cử mất dân chủ. Hai là do trình độ yếu kém của lãnh đạo, không thấy rõ nguồn gốc sâu xa và tác hại của việc làm.
Có câu hỏi: thế còn việc tuổi về hưu. Theo tôi tuổi nghỉ hưu là quyền lợi của người lao động, thế nhưng ĐCSVN đã biến việc đó thành kỷ luật đối với giới lãnh đạo. Vấn để cơ bản cũng chỉ xoay quanh việc tranh giành quyền lực.
Vốn hiểu biết có hạn, tôi chỉ suy nghĩ được đến chừng ấy, mong được các bạn bổ sung và hiệu chỉnh.
4- Vài lời bình luận
Đúng ra, khi bầu cử thật sự dân chủ thì không cần nêu hoặc hạn chế bất kỳ một tiêu chuẩn nào, kể cả tuổi tác. Qua vận động tranh cử công khai cử tri biết rõ các ứng viên và tự lựa chọn người theo ý của mình. Việc hạn chế tuổi trong bầu cử, xuất phát là một giải pháp tình thế, đúng ra chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn rồi thôi, không ngờ ĐCSVN cứ kéo dài cho đến tận bây giờ. Việc này mang lại lợi ít hại nhiều. Để xẩy ra việc đó, theo tôi, có 2 nguyên nhân chính: Một là ĐCSVN vẫn duy trì việc bầu cử mất dân chủ. Hai là do trình độ yếu kém của lãnh đạo, không thấy rõ nguồn gốc sâu xa và tác hại của việc làm.
Có câu hỏi: thế còn việc tuổi về hưu. Theo tôi tuổi nghỉ hưu là quyền lợi của người lao động, thế nhưng ĐCSVN đã biến việc đó thành kỷ luật đối với giới lãnh đạo. Vấn để cơ bản cũng chỉ xoay quanh việc tranh giành quyền lực.
Vốn hiểu biết có hạn, tôi chỉ suy nghĩ được đến chừng ấy, mong được các bạn bổ sung và hiệu chỉnh.
https://anhbasam.wordpress.com/2015/12/30/6308-ban-ve-tuoi-tac-nhan-su-dai-hoi-dang/
'Tre già măng mọc, tre không chịu già thì măng mọc thế đếch nào được. Thật là trái với quy luật tự nhiên
Trả lờiXóa