Phở trong tiềm thức
Phở hiện diện không chỉ trong những khu phố ở nước ngoài có đông cộng đồng người Việt sinh sống, mà cả nơi chỉ có người bản xứ. Trên nhiều con đường cũ kỹ ở Hồng Kông hay trung tâm Paris tráng lệ, những bảng hiệu phở sáng đèn kiêu hãnh giữa muôn trùng các kiểu ẩm thực khác nhau.
Phở là món ăn không thể quên với người Việt đi xa
Ăn phở ở phố nhà giàuHong Young-ky, một người bạn Hàn Quốc, đón tôi ở Seoul bằng một câu hỏi thay cho lời chào: “Đi ăn phở nhé?”. Hong từng đến TP.HCM du lịch 10 năm trước. Lần đó, tôi đã mời anh ta thưởng thức một bữa phở sáng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Kể từ lúc ấy, Hong trở thành fan cuồng của phở.
Chẳng cần tôi gật đầu, Hong mở mạng trên điện thoại, cho tôi xem quán phở Tặng ở khu Gangnam, một quận trung tâm nổi tiếng giàu có của Seoul, và quyết định: “Hãy thử phở ở quán này!”. Đón tàu điện ngầm, chúng tôi đến ga Sinnonhyeon, đi bộ thêm chỉ vài chục mét, Tặng hiện ra trước mắt. Tặng không nằm trên trục đường chính, nhưng lại ở trong phố đẹp, từ cửa ga tàu điện ngầm đi lên chừng nửa con dốc, trông như đang ở Đà Lạt.
Hong chọn một tô phở đầy màu ớt đỏ, nước lèo cay xé họng. Cũng với bò tái, nhưng phở ở Tặng cho khách ăn kèm với kim chi củ cải, vài cọng giá và lá hẹ luộc chín. Giữa cái lạnh Seoul, phở cay khiến thực khách toát mồ hôi hột và ấm tận đáy lòng. Chủ quán, một người Hàn Quốc chính gốc, có thời gian làm việc ở Hà Nội, vì quá yêu món phở mà ông đã lập Tặng.
Với một lý do rất dễ thương là “thưởng thức phở với người Việt ngon hơn ăn một mình hay với người Hàn Quốc”, hôm sau, Hong kéo tôi tới một quán khác. Phở Mẽin (có người cho rằng đây là cách viết của phở miến), cũng ở khu Gangnam. Không như Tặng, phở Mẽin có hàng trăm quán ở Seoul, được xem là nhà hàng món Việt nổi tiếng nhất Hàn Quốc. So với phở ở Tặng, phở của quán này được tôi chấm điểm cao hơn do nước lèo hợp khẩu vị trong khi giá cả rẻ hơn, 9.500 won so với 10.000 won (tức khoảng 200.000 đồng, ở Tặng). Rau ăn kèm không có kim chi củ cải mà chỉ có giá và cả miếng chanh xanh vỏ để sẵn. Nếu một tô phở chưa đủ no, khách có thể gọi thêm chả giò hoặc đổi khẩu vị bằng một đĩa cơm chiên hay gà xào hạt điều.
Hong làm việc cho một tập đoàn Hàn Quốc và anh từng có 7 năm làm ở văn phòng đại diện tại Mexico. Mỗi lần muốn ăn phở Việt, Hong tận dụng mấy ngày nghỉ thay vì về Hàn Quốc, anh qua Mỹ, tìm tới khu người Việt ở Little Saigon ăn phở. “Ôi thôi có vô vàn quán phở, muốn ăn kiểu phở gì cũng có, ngon chẳng thua gì phở ở Việt Nam, nào phở bà Dậu, phở 90 độ, phở Quang Trung… Bánh phở ở đây là bánh tươi, ăn kèm rau mùi, thịt bò tái”, Hong kể.
Phở toàn cầu
Phở trong tiềm thức của người nước ngoài không chỉ thuần túy là món ăn mà còn là kỷ niệm đối với đất nước mà mình từng đặt chân tới. Tiến sĩ – nhà báo Paul Janositz người Đức, tôi gặp ở một hội nghị quốc tế tại Berlin luôn miệng khoe từng ăn phở ở Hà Nội hồi năm 2010. Tới Berlin, hỏi ông quán phở nào ngon, ông sẽ nói ngay mà không cần suy nghĩ.
Phở Việt đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới
Muốn ăn phở ngon ở Berlin, nếu bạn ở trung tâm thành phố, phải mất nhiều thời gian di chuyển đến chợ Đồng Xuân (Đông Berlin cũ). Khu chợ Việt được xem là lớn nhất châu Âu này tập trung rất nhiều quán phở, nấu cho khẩu vị của người Việt. Nhưng bạn bè tôi là Việt kiều ở Đức vẫn không hài lòng, khen phở ở Paris ngon hơn Berlin. Nhớ lời bạn, lần tới Pháp mới đây, tôi vội vã tìm đến nơi có đông người Việt sinh sống để ăn phở. Vừa bước ra khỏi ga tàu điện ngầm Porte d’Italie ở quận 13, ngay lập tức cảm giác như mình đang ở đâu đó tại Việt Nam với rất nhiều bảng hiệu tiếng Việt. Ở đây có nhiều quán phở như phở Mùi mang hương vị Bắc, phở 14 hương vị miền Nam. Tôi quyết định ghé vào quán phở Bida vì có không gian rộng rãi, ngay mặt tiền đường, du khách Á-Âu ra vào tấp nập. Cũng là loại bánh phở khô như ở Berlin, nhưng có lẽ do nước lèo nấu hoa hồi hương thơm ngát nên phở ở quán Bida rất hấp dẫn.
Không chỉ ở quận 13 có phở. Hôm tôi vừa bước ra khỏi ga tàu điện ngầm Opera ở trung tâm Paris đã thấy bảng hiệu nhà hàng Việt Nam. Bà chủ họ Nguyễn, tên Ly, nói giọng Huế, bán món Huế và món đặc biệt của nhà hàng là phở. Nếu phở ở quận 13 giá 8 euro (khoảng 240.000 đồng) 1 tô, thì quán của cô Ly bán giá gấp đôi, 15 euro. Quán được trang trí rất Việt Nam, với hình ảnh áo dài, nón lá, tường tre…, thực khách chủ yếu là người Pháp. Cách quán cô Ly một đoạn, trên đường Saint Anne cũng có một quán phở, cạnh tranh với nhiều nhà hàng món Hoa, món Nhật gần đấy. Nhà bạn tôi sống ở Pháp lâu lăm, nhưng cả vợ chồng đều giữ truyền thống ẩm thực của người Việt. Các cháu nhỏ mỗi sáng đều ăn bún, phở tự nấu ở nhà.
Tận nước Nga xa xôi hay sa mạc nóng bỏng Dubai, tới Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia… đều có phở. Tuy nhiên, tôi nể phục hơn cả khi phở xuất hiện trong rất nhiều quán ăn Bắc Kinh trên đường Quảng Châu, Trung Quốc. Trong một nền văn hóa ẩm thực Trung Hoa lan tỏa cả thế giới, những tưởng không có chỗ cho phở. Nhưng tôi đã lầm, các quán món Việt ở Quảng Châu, người ăn phải xếp hàng chờ lượt.
Hồng Kông, trung tâm ẩm thực châu Á. Nơi khó phân biệt được ẩm thực phương Tây với ẩm thực Trung Hoa cái nào mạnh hơn, thực khách vẫn tìm được vô vàn quán phở. Ở gần chợ Quý Bà (Ladies Market) khu Mongkok, nhiều bảng hiệu phở Việt Nam chìa ra giữa đường sáng lấp lánh. Hôm ăn sáng ở một trung tâm mua sắm, tôi lại thấy một nhà hàng phở bán kèm các món gỏi cuốn Việt Nam. Ngay trên The Peak (Đỉnh núi Victoria), nơi du khách thường phải tới khi đến Hồng Kông, cũng có một nhà hàng phở Việt chen đầy thực khách.
(Theo Thanh Niên số Tết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét