Nỗi bất an của cộng đồng người Việt ở Phnom Penh
Đã vài tuần trôi qua kể từ sau vụ đập phá ở Veng Sreng nhưng ông Đoàn Bá Khâm vẫn chưa khỏi bàng hoàng xúc động.Vào lúc bốn giờ chiều ngày 3/1, khi cuộc biểu tình của các công nhân may mặc Campuchia đòi tăng lương tối thiểu vẫn đang diễn ra ở chính khu vực này, một nhóm người đi xe máy đã ập tới quán cà phê Hoàng Anh Minh do con gái và con rể ông làm chủ.
"Họ nói lính Việt Nam bắn chết người biểu tình, nên họ phá quán của người Việt Nam để trả thù," Sok Min, con rể ông Khâm kể lại.
Trong cuộc biểu tình bị lực lượng an ninh Campuchia dập tắt, bốn người bị bắn chết và nhiều người khác bị thương.
Quán cà phê đang kinh doanh thuận lợi 10 năm nay của vợ chồng anh Sok Min bị đập phá tan tành.
Các clip mà người dân xung quanh quay bằng điện thoại di động cho thấy những người Campuchia hung hãn phá biển hiệu, phá tường, đập gãy bàn ghế. TV, đồ đạc, gì lấy được là bị lấy hết.
Thiệt hại lớn nhất là số tiền giữ trong két sắt bị cướp mang đi. Theo ước tính của vợ chồng Sok Min, gia đình anh mất khoảng 40.000 đôla trong vụ cướp phá này.
Ngửa mặt kêu trời
"Nhìn cảnh đập phá ngổn ngang, tôi chỉ biết ngửa mặt kêu trời," Sok Min rơm rớm nước mắt.
Vợ và hai con của anh nay vẫn đang lánh nạn ở Việt Nam. Ông Đoàn Bá Khâm kể: "Chúng nó tới giờ vẫn hoảng hốt, nói gì cũng chỉ nói thầm".
|
Cáo buộc của gia đình ông Khâm hiện giờ vẫn chưa được kiểm chứng vì những kẻ đập phá cơ sở kinh doanh nhà ông vẫn chưa bị bắt.
Tuy nhiên tâm lý e dè, thậm chí kỳ thị người Việt không phải bây giờ mới xuất hiện trong xã hội Campuchia.
Hai nước láng giềng chia sẻ nhiều chương chung gian nan và bão tố trong lịch sử, lại thêm phức tạp vì các tranh chấp đất đai và lãnh thổ.
Gốc rễ của các mâu thuẫn sắc tộc giữa người Khmer và người Việt nằm trong quá trình gần một nghìn năm, ba trăm năm cuối cùng trong đó là sự mở rộng về phía Nam của người Việt trong khi nước Campuchia ngày càng thu nhỏ.
Trong chỉ có 100 năm, từ giữa thế kỷ 17 tới giữa thế kỷ 18, toàn bộ khu vực châu thổ sông Mekong, trong có làng chài Prey Nokor của người Miên, sau gọi là Sài Gòn, trở thành lãnh thổ của Việt Nam.
Cho tới tận 1954, khi ba nước Đông Dương giành độc lập từ Pháp, Campuchia vẫn còn tiếp tục đòi đất Khmer Krom (khu vực đồng bằng Mekong trước thuộc Campuchia) và một số đảo, như đảo Phú Quốc (tiếng Khmer là Koh Tral) từ Việt Nam.
Lãnh đạo Phnom Penh nhiều thời kỳ, từ cựu quốc vương Sihanouk, tới chính quyền Khmer Đỏ dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh, đều không ít lần chỉ trích cái mà họ gọi là ‘tham vọng bá quyền’ của Việt Nam.
|
Một số chuyên gia, như giáo sư sử học Henri Locard, người đã có gần nửa thế kỷ nghiên cứu Campuchia, cho rằng bài Việt thực ra là phạm trù chính trị chứ không phải vấn đề xã hội.
"Người Việt ở Campuchia ngày nay đã hội nhập rất sâu vào xã hội Campuchia chứ không như trước. Họ lấy tên Khmer, nói tiếng bản địa, lấy vợ lấy chồng người Campuchia," ông Locard nhận định.
"Những gì chúng ta thấy hiện nay là bắt nguồn từ cạnh tranh chính trị, chứ người dân tôi không cho là thù ghét người Việt."
'Giọt nước cuối cùng'
Sau khi lật đổ chế độ Khmer Đỏ và giúp dựng lên một chính thể thân Hà Nội, quân đội Việt Nam còn ở lại Campuchia thêm mười năm.
Thế nhưng ngay cả sau đó, người Campuchia mới chỉ thể hiện tinh thần bài Việt cực đoan khi sự bất mãn với đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen dâng cao.
Giáo sư Locard nhắc tới một sự kiện mà theo ông, là "giọt nước cuối cùng" khiến tâm lý chống Việt Nam tràn ly:
"Truyền hình có chiếu cảnh ông Hun Sen đi thăm Việt Nam (tháng 12/2013) và đọc diễn văn bằng tiếng Việt. Ông ta nói tiếng Việt sõi như người Việt!
Đoạn phim đó đăng trên YouTube khiến bao nhiêu người giận dữ, vì nó làm cho người ta thêm tin rằng ông ta là chân tay của Việt Nam. Thế rồi ông ta về nước, và bắt đầu trấn áp biểu tình..."
|
Các đảng đối lập với Hun Sen, dù không chính thức tuyên bố bài Việt Nam, cũng thường xuyên đưa thông điệp "Việt Nam chiếm đất của Campuchia", "Việt Nam bóc lột tài nguyên của Campuchia"...
Kinh tế khó khăn, chính trị hỗn loạn bao giờ cũng khiến xu hướng dân tộc chủ nghĩa đi lên.
Một trong những điều gây bức xúc cho người bản địa là hiện diện của "người Việt mới" sinh sống và làm ăn ở Campuchia mà dường như không có ai quản lý.
Con số người Việt ở xứ Chùa Tháp là bao nhiêu cũng không có thống kê chính xác. Có nguồn ước tính khoảng 1/5 dân số sở tại, tức 700.000-800.000 người.
Nhưng con số thực tế có thể hơn thế khá nhiều, theo một số nguồn khác. Nhiều người Việt sống ở Campuchia cả chục năm nay mà trong tay không có giấy tờ hợp lệ.
Có nhà quan sát, như Thun Saray, Chủ tịch tổ chức nhân quyền Adhoc, cho rằng chính phủ Campuchia hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề kỳ thị sắc tộc thông qua điều chỉnh các chính sách của mình.
"Chúng tôi với tư cách tổ chức nhân quyền cho rằng nhận thức của người dân về nhân quyền trong xã hội chúng tôi đã tiến bộ đáng kể."
Siết chặt nhập cư
Có thời như đầu những năm 1970, Campuchia có chính sách chống Việt Nam cực đoan, khiến người Việt ồ ạt tìm đường trốn chạy vì sợ bị thanh trừng.
|
"Tôi nghĩ điều quan trọng nhất lúc này là chính phủ Campuchia cần thi hành luật nhập cư sao cho chặt chẽ để kiểm soát việc nhập cư của người Việt."
Đi Campuchia dịp cuối năm, tôi được ngồi ăn trưa với một nhóm người lao động Việt, mà dù ở xứ này hai chục năm, nhìn vẫn ra nét đồng bằng Bắc Bộ.
Các anh "chiêu đãi" món dồi lợn tự làm, ăn với lá mơ lông vì không có húng giổi. Câu chuyện quanh quẩn lại quay về quê hương xứ sở, cái bánh chưng ngày Tết, quả bưởi Diễn cúng Xuân.
Nhớ quê là thế, nhưng không về được nữa. Vợ con, nhà cửa bên này cả, không lẽ bỏ hết để về? Dù biết rằng "đối lập họ lấy mình ra làm cái cớ, để phục vụ cho mưu đồ của họ," như lời anh Đỗ Quang Trọng, thợ xây.
"Những người ít hiểu biết mà lại bị tuyên truyền thì chắc chắn họ ghét mình rồi," anh nói.
Hồng Nga
Phnom Penh, Campuchia
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét