Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Cây mận & Trái đất cùng vào Giáp Ngọ

Cây mận & Trái đất cùng vào Giáp Ngọ
ĐINH HOÀNG THẮNG
Câu chuyện giữa hai tác nhân trên có nhiều người biết, nhưng nhắc lại là để tống tiễn mọi lăn tăn của năm cũ, đón mừng những hoan hỉ của năm mới. Trong “ngôi làng toàn cầu” ngày nay, suy cho cùng mấy ai nắm tay được cả ngày. Thử hỏi đặt gốc mận lên bàn thì làm sao cái cây đơm hoa kết quả? Còn trái đất? Nếu thiếu các đối tác có quyền lợi lẫn trách nhiệm, “trái đất ba phần tư nước mắt” sẽ trôi “như giọt lệ giữa không trung”…
Ảnh minh họa
Nhưng đâu chỉ có trái đất, tác giả bài này cũng khóc, vì bị TBKTSG cắt nhiều quá. Nhân Tết đến Viet-Studies công bố bản gốc:
Cây mận một lần dương dương tự đắc: “Nếu tôi không tự xây nên nhà máy quang hợp thì lấy đâu ra hoa thơm và quả ngọt?” Trái đất trầm tĩnh: “Vâng, không ai nghi ngờ sức mạnh nội sinh của chú, nhưng nếu ta bứng gốc của chú đặt vào lồng kính, tách khỏi trời đất, thử hỏi chú quang hợp cách nào và tồn tại được bao lâu chứ đừng nói chuyện đâm hoa hay kết trái”. Cuộc tranh cãi “xưa như Diễm” ấy cho thấy chẳng thể nào phân biệt rạch ròi, dựa vào nội trị hay ngoại giao, nội lực hay hòa nhập để Việt Nam phấn đấu thành “đối tác vừa có trách nhiệm lẫn cả ảnh hưởng” – “responsible stakeholder” – trong hệ thống toàn cầu ngày nay.

Còn nhớ từ đầu những năm 90, Việt Nam xác quyết phải “hòa nhập quốc tế” để bắc cầu vào thế giới, chợt có lời nhắc: “Hòa nhập nhưng không được hòa tan!” Thế là từ giữa những năm ấy, các văn kiện đều phải điều chỉnh “hòa nhập” thành “hội nhập”. Trong khi đó hòa nhập, hội nhập, liên kết hay nhất thể hóa đều từ một chữ mà ra: INTEGRATION! 

Suốt thời gian dài sau đó lại chỉ được nhấn mạnh mỗi khía cạnh “hội nhập kinh tế”. Nhưng rồi các cam kết với Hoa Kỳ (BTA), với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… lần lượt được ký kết, đấy là chưa nói tới các cuộc đàm phán sau này như Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực (RCEP). Nguyên lý chuyển hóa giữa các mặt đối lập đã phát huy tác dụng bất chấp ý muốn chủ quan. “Hội nhập toàn diện” được chính thức bật đèn xanh!

Đồng quy nhi thù đồ

Hẳn nhiên về chất, COMECON trước đây không phải là EU ngày nay. Hội đồng tương trợ kinh tế giữa 11 nước xã hội chủ nghĩa ngày ấy không phải là sự liên kết của 25 nước trong Liên hiệp châu Âu bây giờ. Rồi ngay đến cả khái niệm “quốc tế” (international) hồi này cũng trở nên chật hẹp, hoặc đa nghĩa, vì sự kết nối giờ đây không chỉ đơn thuần “giữa các quốc gia/dân tộc”, mà còn phải tính đến cả các tác nhân “phi quốc gia” (như mạng lưới al-Qaeda chẳng hạn, cho dù đó là một kết nối phản diện). Và những liên kết ấy được tuyên bố công khai, chính thức, từ Âu sang Á, từ Bắc xuống Nam; đó chính là các kết nối toàn cầu, đa diện, không thể không tính đến.

Sau các mốc lớn, từ BTA đến WTO, từ các “cặp” đối tác chiến lược/toàn diện đến các hiệp định tự do thương mại xuyên lục địa, Việt Nam dường như tự tin hơn trên con đường hòa nhập.

Thông điệp đầu năm mới mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết là đẩy mạnh đổi mới, phát huy dân chủ và nhà nước pháp quyền, coi trọng người dân trong làm chủ xã hội và cải cách thể chế. Khi Thủ tướng khẳng định, chính phủ không thể là kẻ đối lập với các quyền tự do cá nhân mà phải là người bảo hộ các quyền đó cho công dân, thì rõ ràng ông đã nói lên một sự thật lớn lao, một khát vọng vĩ đại của quần chúng.
Trở lại câu chuyện giữa ta và người, tiền nhân từng cắt nghĩa sự hòa nhập ấy thông qua các biến dịch, tuần hoàn trong vũ trụ với nhịp điệu và tiết tấu, có định hướng và giải trình. Nhìn vào tâm điểm-hình tròn, về nhân sinh, thánh hiền chủ trương con đường lý tưởng của nhân loại có hai mặt khác nhau nhưng thống nhất trong một chỉnh thể. 

Thứ nhất là hướng ngoại, phục vụ nhân sinh, tô điểm cho cái bên ngoài, từ gia đình đến quốc gia/xã tắc, từ thân xác cho đến cơm áo/vật chất. Kinh Dịch gọi đấy là chiều Âm. 

Thứ hai là hướng nội, tìm cho được cái tinh anh cốt cách con người, bản sắc quốc gia, “căn cước” dân tộc, tìm cho ra con đường tâm linh để quy căn, phản bản, tìm ra Đạo, ra Đời tiềm ẩn nơi lòng mình. Kinh Dịch gọi thế là chiều Dương. Thống nhất giữa Đạo và Đời là hết sức quan yếu. Đạt đến mục đích chung bằng các con đường khác nhau. Một hình mẫu tư duy không phân biệt trong hay ngoài, nội hay ngoại, trong Âm có Dương và ngược lại! Vấn đề là phải tìm cho được sự hài hòa giữa các cấu trúc quyền lực với cộng đồng xã hội.

Sang thiên niên kỷ thứ ba sắp được 15 năm, cuộc tranh luận đối với hai mô hình “đồng thuận Washington” và “đồng thuận Bắc Kinh” dường như đã đi vào dĩ vãng. Giàu mạnh như Hoa Kỳ, khổng lồ như Trung Quốc đều phải “tái cơ cấu”. “Restructuring” của Việt Nam còn thiếu hụt nhiều thứ, nhưng tiến trình “hòa đồng bộ” từ nay giữa trong và ngoài sẽ thúc đẩy công cuộc tái cơ cấu đối với đầu tư công, tài chính/ngân hàng lẫn các doanh nghiệp. 

Phải thay đổi nếu muốn tồn tại, muốn phát triển. Ngay đến điều cốt lõi nhất trong tinh thần pháp luật của Montesquieu là“tam quyền phân lập” cũng cần được “chuyển cấp” lên thành “tứ quyền liên kết”. Không chỉ phải dành cho truyền thông cái quyền “tương thích” với vai trò và vị thế của nó trong xã hội IT, bên cạnh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Vấn đề là phải sống với tính đa dạng và phức tạp của thế giới, mà không vội “quy luật hóa” bất cứ đặc điểm nào.

Bài học bi tráng

Ngày 28/12/2013, tham gia đối thoại với các sinh viên dự Đại hội toàn quốc lần thứ IX Hội Sinh viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc nhở: “Là  công dân Việt Nam, chúng ta phải có trách nhiệm với vận mệnh của đất nước. Chủ quyền là điều rất thiêng liêng, bảo vệ vững chắc chủ quyền rồi thì phải làm cho đất nước giàu mạnh, đất nước giàu mạnh thì việc bảo vệ chủ quyền mới làm tốt được”. Ông Đam cũng yêu cầu thế hệ trẻ, phải hiểu khái niệm thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, luật pháp quốc tế về biển đảo, các vấn đề tranh chấp… 

Phải hiểu đúng, sau đó vận dụng, hành xử đúng. Hiểu rồi, phải giải thích cho xung quanh để cùng hiểu, cùng ứng xử đúng. Được biết, Ban Tuyên giáo đã biên soạn nhiều sách, trong đó có “100 câu hỏi về biển đảo dành cho lớp trẻ”.

Hy vọng cuốn sách này không quên nhắc lại sự kiện 40 năm về trước, ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã xua quân cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Sự kiện bi tráng ấy để lại những bài học bi tráng: Thứ nhất, nếu đất nước không bị chia cắt và rơi vào cảnh chiến tranh tương tàn thì các thế lực ngoại bang đã không thể “đục nước thả câu”, xâm lăng các vùng biển đảo mà tiền nhân chúng ta đã chiếm hữu và thực hiện chủ quyền của mình một cách thực sự, liên tục và hòa bình.Thứ hai, quan hệ với các nước, đặc biệt là các cường quốc, chúng ta phải luôn tỉnh thức, vì nước lớn bao giờ cũng theo đuổi chiến lược toàn cầu. Đừng bao giờ đẩy họ phải lựa chọn giữa quyền lợi chiến lược của họ với lợi ích dân tộc của ta. Trong trường hợp ấy, phần thua thiệt bao giờ nước nhỏ cũng phải gánh chịu.

Sillicon và “phản Silicon”

Giáp Ngọ này hy vọng cũng là năm có đột phá đối với thị trường công nghệ nước nhà. Cho đến nay, chúng ta có không quá ít kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, trung tâm và viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký tại Việt Nam. Nhưng việc thương mại hóa các kết quả này còn hạn chế. Để khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ, thúc đẩy việc thương mại hóa các nghiên cứu ở cả ba loại công nghệ: chiến lược, quản lý và kỹ thuật, ứng dụng chúng vào thực tiễn, các chuyên gia đã khảo sát công phu và triển khai mô hình từng vận hành ở Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc... Ngày 4/6/2013, “Thung lũng Sillicon tại Việt Nam”, gọi tắt là “Đề án VSV” đã được nhà nước phê duyệt. Vẫn biết con đường phía trước còn dài, nhưng bước đầu khích lệ ấy chính là niềm cỗ vũ lớn lao cho các công ty khởi nghiệp.

Hẳn nhiên, không phải cứ có “thung lũng Sillicon”, có cơ sở hạ tầng IT là sẽ có phát triển. Cần lắm một không gian cho tự do tư duy và hành động, cần lắm những con người thông minh và có bản lĩnh! Trong thế giới “thập lục hậu Trung Hoa” (16 nền kinh tế sau Trung Quốc) ngày nay, những con người Việt Nam ấy sẽ tạo dựng nên “khớp nối mềm” để không chỉ đón nhận dòng vốn/đầu tư của nước ngoài, mà quan trọng hơn, biết hòa nhập với các xu thế trên toàn cầu bằng tư duy độc lập; độc lập để tồn tại và phát triển trong một thế giới thiện/ác, chính/tà còn lẫn lộn. Trong “cơ” tiềm ẩn “nguy” nếu ta không thức tỉnh và nhậy bén trước thời thế. Đối ngoại từ nay phải vừa là khớp nối mềm, vừa là cần ăng-ten để Việt Nam, thông qua nội lực phấn đấu trở thành “bên dự phần có trách nhiệm” – “responsible stakeholder” – một trạng thái nói lên tư thế đàng hoàng cần có của mọi quốc gia, không phân biệt lớn nhỏ.

Vì vậy, dễ hiểu nguyên nhân nào đã khiến cộng đồng mạng phản ứng dữ dội như vậy đối với một vài vị đại sứ, chẳng biết nhân danh ai, họ thề thốt không hai lòng với Trung Quốc và bày tỏ ước nguyện bao giờ Việt Nam làm được như Bắc Triều Tiên. Trộm nghĩ, cha ông ta xưa kia bao lần lâm vào tình cảnh “trứng chọi đá”, mà vẫn chưa bao giờ chịu tư duy theo kiểu “thuộc quốc”, vẫn đĩnh đạc trong tư thế giữa các đối tác “núi sông bờ cõi đã chia…”. 

Châm ngôn “kinh điển” mà giới ngoại giao thuộc nằm lòng: không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là tối thượng và lâu dài. Lại nữa, “anh hãy nói bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai”. Chẳng hiểu tại sao, đến thời điểm này mà những người nắm trong tay sứ mệnh “tham mưu cho đảng và nhà nước” (yêu cầu của Tổng Bí thư) vẫn thể hiện kiểu tư duy khác lạ như vậy?

Tuy nhiên, Giáp Ngọ này vẫn có cơ sở để tin rằng, không ai có thể “thắng” được con Tàu Việt Nam trên con đường vươn tới tương lai. Thông điệp đầu năm mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết là đẩy mạnh đổi mới, phát huy dân chủ và nhà nước pháp quyền, coi trọng người dân trong làm chủ xã hội và cải cách thể chế. Khi Thủ tướng khẳng định, chính phủ không thể là kẻ đối lập với các quyền tự do cá nhân mà phải là người bảo hộ các quyền đó cho công dân, thì rõ ràng ông đã nói lên một sự thật lớn lao, một khát vọng vĩ đại của quần chúng. Thông điệp này nếu sớm thành hiện thực sẽ là một đảm bảo để Việt Nam thực sự có phát triển bền vững trong một thế giới hội nhập. Như tương tác giữa Cây mận và Trái đất – Việt Nam và Thế Giới – câu chuyện ngàn xưa ấy bao giờ cũng là suối nguồn bất tận đối với mọi đổi mới và sáng tạo! 

Nam Đồng, Xuân Giáp Ngọ
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-1-14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét