Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Khi "nhóm Đông Âu” hồi hương

Khi "nhóm Đông Âu” hồi hương
Một điểm chung của các doanh nhân “gốc Đông Âu” là họ rất giàu và trẻ, độ tuổi chỉ trên 40. Cùng với trình độ sẵn có, khả năng tài chính vững mạnh nhờ kinh doanh thành công ở nước ngoài, các doanh nhân này đang thâm nhập rất mạnh mẽ vào nền kinh tế mới nổi của Việt Nam và đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển đó.
Tỷ phú Lê Viết Lam
Những kỷ lục
Ngay trong những ngày cuối năm 2013, nhiều người bất ngờ trước thông tin một đại gia Việt khởi nghiệp từ Đông Âu bỏ hàng nghìn tỷ đồng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo với hàng loạt các kỷ lục tầm vóc thế giới lên Nóc nhà Đông Dương - đỉnh núi Fansipan.


Hệ thống cáp treo Fansipan Sapa có 3 dây phức tạp với độ dài toàn tuyến khoảng 6-7km; độ chênh tuyệt đối của ga đi và ga đến là 1.404 m; công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách/giờ.

Đây được coi là hệ thống cáp treo dài nhất, cao nhất và phức tạp nhất thế giới, đánh bại tất cả các kỷ lục thế giới mà Bà Nà Hills cũng do doanh nhân này đầu tư được công nhận hồi cuối tháng 3/2013. Bốn kỷ lục thế giới là: dài nhất, 5.801 m; độ chênh lớn nhất, 1.368m; tổng chiều dài cáp dài nhất, 11.587 m; sợi cáp nặng nhất, 141,24 tấn do tổ chức Guinness World Records ghi nhận sẽ thành dĩ vãng vào tháng 9/2015 tới khi cáp treo lên Fansipan hoàn thành.

So với Bà Nà Hills, dự án được rất nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, Fansipan Sapa có quy mô gấp nhiều lần. Hơn nữa, nó gắn với đỉnh núi cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Dương. Một đỉnh núi huyền thoại nổi tiếng với du lịch leo núi mạo hiểm, gắn với một môi trường sinh thái đa dạng, cảnh quan tuyệt đẹp và một khí hậu mát mẻ.

Sự hiếu kỳ còn ở chỗ, người ta muốn biết doanh nghiệp nào có tiền đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chìm ngập trong khó khăn? Ai là chủ dự án khủng này? Đại gia nào đang sở hữu hệ thống cáp treo Bà Nà và sắp tới là cáp treo Fansipan Sapa? Và dự án này liệu sẽ đóng góp như thế nào cho du lịch Sapa nói riêng, Việt Nam nói chung?

Thông tin ban đầu cho thấy, công trình do Cty TNHH Dịch vụ du lịch Cáp treo Fansipan Sapa thuộc Cty Dịch vụ Cáp treo Bà Nà làm chủ đầu tư. Đây là thành viên của Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).

Nói đến Sun Group, dù là một tập đoàn khá non trẻ nhưng đã được biết đến ở Việt Nam. Doanh nghiệp này thành lập năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.

Sinh sau đẻ muộn nhưng Sun Group đã có vị thế rất đáng nể với các dự án Cáp treo Bà Nà; Novotel Da Nang Priemier - khách sạn cao nhất miền Trung với 37 tầng; khu nghỉ dưỡng Inter Continental Danang Sun Peninsula Resort bán đảo Sơn Trà; Làng Pháp tại Bà Nà Hills; The Sun Villas... Với 20 đơn vị thành viên, hơn 1.500 cán bộ nhân viên, Sun Group hiện diện ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong đó đang hoạt động mạnh nhất là ở Đà Nẵng với thương hiệu nổi tiếng Bà Nà Hills. Với hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan - có độ cao 3.143 m, Sun Group đã tự tạo nên bước đột phá mới cho chính mình.

Xuất phát từ Đông Âu, ngay sau khi về Việt Nam, Sun Group đã nổi như cồn với hàng loạt các dự án khủng. Tất cả các dự án đều cho thấy, ông chủ của nó đều muốn ghi dấu ấn nhất Việt Nam, thậm chí khu vực. Tuy nhiên, ông chủ, doanh nhân trẻ tuổi Lê Viết Lam, người đứng sau tập đoàn này lại rất hiếm khi được nhắc tới như một phong cách thường thấy ở nhóm các doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu rồi mang tiền về Việt Nam đầu tư.

Ông Lê Viết Lam (SN 1969) đã có một thời gian dài hoạt động nổi bật ở thị trường Đông Âu, tại Ukraine cùng với ông Phạm Nhật Vượng - người Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú đôla của Tạp chí "Forbes". Sau chương trình đạo tạo của Nhà nước tại Nga hồi đầu những năm 1990, ông Lê Viết Lam đã cùng một số người bạn thành lập một nhà máy chế biến mì ăn liền thương hiệu Mivina. Hai doanh nhân Lam - Vượng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine.

Bên cạnh đó, ông Lam còn từng được nhắc đến với các chức vụ như Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine. Đặc biệt, ông là lãnh đạo Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng như các doanh nhân “gốc Đông Âu” khác như Phạm Nhật Vượng, Đặng Khắc Vỹ, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn, ông Lê Viết Lam đã quyết định trở về đầu tư tại Việt Nam sau khi đã rất thành công ở xứ người.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Thay vì chọn Hà Nội, TP.HCM như các đồng nghiệp khác, đại gia xứ Thanh này đã chọn Đà Nẵng để chính thức mở rộng các hoạt động đầu tư tại quê nhà. Quyết định bỏ hàng nghìn tỷ đồng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo với hàng loạt các kỷ lục tầm vóc thế giới lên Nóc nhà Đông Dương - Fansipan cùng hàng loạt các dự án bất động sản cho thấy sự chuyển hướng về quê mạnh mẽ của đại gia này.

Được quan tâm vì… kín tiếng

Trên bình diện chung, các dự án nhà đất, du lịch, ngân hàng… đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các doanh nhân khởi nghiệp từ khu vực Đông Âu. Nhóm các đại gia này được đánh giá đang đứng đầu cộng đồng doanh nhân Việt và có những đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Kéo theo đó, tên tuổi, sự nghiệp kinh doanh và hoạt động của họ tại Việt Nam cũng luôn được quan tâm vì các đại gia này rất kín tiếng.

Ít “chém gió” trên truyền thông nhất, và cũng thành công nhất, hẳn nhiên là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ông chủ của các ngân hàng là những doanh nhân đã từng học tập và làm ăn kinh doanh thành công ở Nga về.

Ông Nguyễn Đăng Quang - một trong những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam (tính theo tài sản của các thành viên trong gia đình) từ Đông Âu về nước tiếp tục nổi như cồn với cái nghiệp “mì tôm, nước chấm” (Tập đoàn Masan) hay ông Nguyễn Cảnh Sơn nổi tiếng với cửa Euro Window và hàng loạt các dự án cao ốc...

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Một điểm chung của họ là được học hành bài bản, sớm tham gia kinh doanh và cho đến nay, lớp doanh nhân này đều con khá trẻ, có chung nhiệt huyết đầu tư kinh doanh, xây dựng những doanh nghiệp lớn ngay trên quê hương. Ở tuổi trên 40 rất nhiều trong số họ đã có khối tài sản lớn và một trong những lĩnh vực ưu tiên là bỏ tiền vào đầu tư ngân hàng.

Với riêng ông Nguyễn Đăng Quang (SN 1963), cho dù hiện đang rất nổi tiếng với vai trò Chủ tịch Tập đoàn Masan nhưng trước đó đại gia này cũng đã được biết đến với tư cách là lãnh đạo và cổ đông lớn của Techcombank.

Hiện tại, Tập đoàn Masan của ông Quang đang nắm giữ gần 20% cổ phần tại Techcombank - một trong những nhà băng phát triển mạnh nhất trong khoảng 10 năm gần đây.

Từ sự phát triển trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng và hoạt động ngân hàng, đại gia Nguyễn Đăng Quang đã mở rộng đế chế của mình. Gần đây, Masan thực hiện hàng loạt các vụ thâu tóm để mở rộng quy mô như Nước khoáng Vĩnh Hảo, Vinacafé Biên Hòa, Proconco, Núi Pháo...

Bên cạnh các doanh nhân nói trên, còn một số đại gia cũng học tập và làm việc ở Nga về có tham gia vào lĩnh vực tài chính ngân hàng như ông Nguyễn Cảnh Sơn (SN 1967), tham gia vào Techcombank, VIB Bank ... Ông Nguyễn Cảnh Sơn đã có một thời kỳ bùng nổ với thương hiệu Eurowindow và trong vài năm gần đây là bất động sản, vật liệu xây dựng.

Khi tham gia vào các lĩnh vực tài chính, các doanh nhân này cũng đã góp phần thay đổi bộ mặt của các ngân hàng cổ phần như ở Techcombank, VPBank, VIBBank... Tuy nhiên, sự kín tiếng khá kỹ của nhiều ông chủ ngân hàng cũng khiến giới đầu tư hay bàn tán xôn xao về tầm ảnh hưởng của các doanh nhân này.

Chuyên gia kinh tế độc lập Phạm Chi Lan nhận xét, việc các doanh nhân Việt thành danh tại Đông Âu rồi quay trở lại Việt Nam đầu tư đang cho thấy, cơ hội làm giàu ở Việt Nam còn rất nhiều, và việc Chính phủ có nhiều chính sách thu hút đầu tư đã tỏ ra hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nhân đầu tư về nước sẽ bổ sung tốt mặt công nghệ, phương thức quản trị chuyên nghiệp và một năng lực tài chính hùng hậu.

“Họ còn đóng góp không nhỏ vào việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhiều người lao động, đồng thời thực hiện các chương trình từ thiện cũng như đổi mới phương thức kinh doanh truyền thống của Việt Nam”, bà Lan cho hay.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt kiều có khát vọng làm giàu, có hoài bão đóng góp cho quê hương xứ sở, có lòng tự tôn dân tộc sẽ là một trong những điểm đột phá trong chính sách phát triển kinh tế quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét