Bí ẩn thú vị về bộ tiền polymer Việt Nam
Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày bộ tiền polymer đầu tiên của Việt Nam được phát hành năm 2003 nhưng nhiều bí ẩn xung quanh sự ra đời của bộ tiền này đến nay vẫn chưa được công bố. Chia sẻ về vấn đề trên, họa sỹ Trần Tiến (nguyên Trưởng phòng thiết kế tiền, cục Phát hành kho quỹ, ngân hàng Nhà nước) đã có cuộc trò chuyện thú vị với chúng tôi.
Họa sỹ Trần Tiến đang kể lại chuyện “vẽ tiền”.
Đỉnh cao công phu và nghệ thuật vẽ tiềnTheo chia sẻ của họa sỹ thiết kế tiền Trần Tiến thì phòng thiết kế của ông bao gồm 6 họa sỹ nhưng ngoài ông ra, chỉ có 2 người là được đào tạo và thật sự có khả năng trong việc vẽ tiền, còn các họa sỹ khác tuy học trường mỹ thuật ra và đã làm việc từ 10 - 15 năm nhưng vẫn tỏ ra khá lúng túng trong việc này. Thế mới biết, thiết kế tiền là một công việc đòi hỏi phải có khả năng chuyên môn riêng mà không phải họa sỹ nào cũng có thể làm được.
Được đào tạo để trở thành một họa sỹ tại trường đại học Mỹ thuật, nhưng năm 1975, sau khi tốt nghiệp, ông được Nhà nước điều động vào làm việc tại bộ phận thiết kế tiền thuộc cục Phát hành kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước. Ông tâm sự: "Khi đó, mặc dù đã được đào tạo bài bản về hội họa nhưng vẽ tiền đối với tôi vẫn là một cái gì đó quá mới mẻ với những nét đặc thù riêng đòi hỏi một quá trình học hỏi, luyện tập lâu dài, bền bỉ và say mê. Bởi vậy, khi đến với công việc thiết kế tiền, tôi gần như phải học lại tất cả để tiếp cận với lĩnh vực này".
Như mọi người đều biết, vẽ tiền là một nghệ thuật vô cùng đặc biệt. Trong đó, tất cả các yếu tố từ màu sắc đến hình thức, bố cục... được thể hiện trên đồng tiền tuy giống như một dạng đồ họa, nhưng luôn luôn có sự can thiệp và chi phối bởi các yêu cầu nghiêm ngặt do ngành ngân hàng đặt ra. Đó là các các yêu cầu về kiểm đếm, bảo quản, vận chuyển, cơ giới hóa, đặc biệt là vấn đề bảo an, chống lại việc làm giả đồng tiền ấy. Cho nên, việc vẽ một đồng tiền khác rất nhiều so với việc vẽ một bức tranh. Trong đó, người vẽ tiền không thể sử dụng các đường nét, màu sắc một cách phóng khoáng mà luôn phải tuân theo các quy trình sản xuất đặc biệt của công nghệ in tiền.
Ví dụ, về mặt cơ giới hóa, khi thiết kế đồng tiền polymer, người họa sỹ thiết kế buộc phải tính toán làm sao để khuôn khổ của đồng tiền phù hợp nhất với các loại máy ATM, thỏa mãn các tiêu chuẩn chung về tiền tệ của thế giới. Trong thời đại công nghệ số, đồng tiền cũng phải được thiết kế sao cho chống được việc sao chụp, phô-tô màu, laze màu hay các kỹ thuật in phun, thiết bị làm giả để gây khó khăn lớn nhất cho tội phạm làm tiền giả. Đây cũng là vấn đề quan trọng nhất trong việc phát hành tiền của mỗi quốc gia khi mà tiền giả đã trở thành vấn nạn chung của cả thế giới.
Mặt khác, thiết kế tiền tuy là một nghề đòi hỏi kỹ thuật rất cao nhưng tính đến thời điểm hiện tại, hầu như ở nước ta nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới nói chung vẫn chưa có trường lớp nào đào tạo riêng về lĩnh vực này. Bởi vậy cho nên tất cả các bí kíp, công nghệ cũng như kinh nghiệm in tiền, thiết kế tiền ở Việt Nam thường chỉ được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, hoặc do các họa sỹ thiết kế tự mình mày mò học hỏi từ các nước tiên tiến trên thế giới. Tất nhiên, quá trình học hỏi này không phải chỉ ngày một ngày hai là có thể làm được việc. Thông thường, một họa sỹ được đào tạo chỉn chu từ các trường mỹ thuật, có tay nghề tốt vẫn phải mất ít nhất từ 10 đến 15 năm tâm huyết, lao tâm khổ tứ với nghề, may ra mới có thể bước chân vào lĩnh vực này.
Khắc tinh của tiền giả
Tiền Polymer và “cửa sổ” có hiệu ứng quang học
Hoạ sỹ Trần Tiến cho biết, polymer là chất liệu duy nhất cho phép tạo những "cửa sổ" có hiệu ứng quang học có thể khiến tất cả các thiết bị sao chụp tinh vi nhất hiện nay cũng phải đầu hàng.
Ít người biết rằng, trước khi tiền polymer được phát hành, Ngân hàng Nhà nước đã từng đưa ra phương án rút gọn 3 số 0 trên mỗi tờ tiền. Phương án này để tiện lợi hơn về mặt kế toán, tiêu dùng cũng như tăng giá trị của đồng tiền, tránh lạm phát, thu hút đầu tư nước ngoài... Nhưng khi lên đến cấp Nhà nước cao nhất, phương án này đã bị loại bỏ. Theo họa sỹ vẽ tiền Trần Tiến thì đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện hiện tại của đất nước.
Về vấn đề chất liệu giấy in, cũng có nhiều phương án được đưa ra. Trong đó, phương án thứ nhất là vừa sử dụng chất liệu truyền thống là giấy cotton, một loại giấy được sản xuất bằng sợi bông, vừa sử dụng chất liệu polymer, phương án 2 là sử dụng toàn bộ chất liệu polymer. Cuối cùng, phương án 2 đã được duyệt và bộ tiền polymer đầu tiên của Việt Nam chính thức ra đời. Khi quyết định này được công bố, nó đã phải đối mặt với những khen chê trái chiều của dư luận, thậm chí là sự phản đối quyết liệt của một bộ phận cho rằng việc phát hành tiền polymer là lãng phí và quá tốn kém so với điều kiện kinh tế của đất nước. Nhưng sau 10 năm phát hành, tiền polymer đã chứng minh đây là một lựa chọn sáng suốt, dựa trên rất nhiều yếu tố về công nghệ và dự báo. Bên cạnh đó, việc phát hành tiền mới cũng được tiến hành cuốn chiếu, song song với việc thu hồi nên đã đảm bảo được quyền lợi của người dân.
Như chúng ta đã biết, càng ngày, vấn nạn tiền giả càng trở nên nghiêm trọng và đáng báo động trên toàn thế giới. Trình độ làm tiền giả của bọn tội phạm tinh vi đến mức, ngay cả những người thiết kế tiền có trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm cũng khó có thể phân biệt được nếu không có sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ số khi tất cả các thao tác in sao đều được thực hiện một cách chính xác và nhanh chóng thì việc làm tiền giả lại càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngay cả những người bình thường cũng có thể làm ra tiền giả chỉ với máy tính và máy photocopy. Nhiều khi, chính những đối tượng làm tiền giả không chuyên, ẩn nấp trong dân như vậy lại càng dễ qua mặt cơ quan chức năng, dễ dàng tiêu thụ tiền giả mà không gặp phải quá nhiều trở ngại trong việc giao dịch.
Trước thực trạng đó, tiền polymer được đưa ra như một giải pháp tối ưu chặn đứng những cơn bão tiền giả đang ồ ạt tấn công vào thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường thế giới nói chung.
Hành trình 10 năm
Nói về chất liệu in tiền, tuy giấy nền polymer đắt gấp đôi so với chất liệu cotton nhưng để đầu tư công nghệ bảo an thì đối với polymer lại rẻ và hiệu quả hơn rất nhiều. Một ưu điểm vượt trội khác của đồng tiền polymer là độ bền vượt trội của nó so với tiền giấy. Nếu như với tiền giấy, trung bình cứ 1 - 2 năm sau khi phát hành, Nhà nước lại phải tiến hành thu hồi tiền cũ để tiêu hủy đồng thời phát hành tiền mới để lưu hành thì tuổi thọ trung bình của đồng tiền polymer là 8 - 10 năm. Cho nên, nếu xét trong một phạm vi thời gian dài thì chi phí cho việc phát hành đồng tiền polymer có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với tiền giấy. Bên cạnh đó, đồng polymer còn rất thân thiện với môi trường. Trong một thí nghiệm kiểm tra độ bẩn giữa hai loại tiền này sau một thời gian lưu thông được thực hiện ở viện Vệ sinh dịch tễ, kết quả cho thấy độ bẩn, độ ô nhiễm của tiền cotton lớn gấp 1500 lần so với tiền polymer.
Là một chuyên gia thiết kế tiền có thâm niên, dạn dày kinh nghiệm, họa sỹ Trần Tiến cho biết việc phát hành bộ tiền polymer đầu tiên của Việt Nam đã được tính toán dựa trên rất nhiều các yếu tố về công nghệ, bảo an và xã hội, đi trước xu hướng, phù hợp với sự phát triển của thời đại và phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng. Thậm chí, ngay cả người khiếm thị cũng có thể phân biệt được giá trị của tiền polymer dựa trên các vạch nổi được quy định trên mỗi đồng tiền.
Sau 10 năm lưu hành trên thị trường, tiền polymer đã thể hiện được những ưu việt vượt trội của mình so với tiền giấy và được người dân đón nhận. Đây cũng là xu hướng chung của thời đại khi số lượng các quốc gia trên thế giới chuyển sang phát hành tiền polymer ngày càng tăng. Điều đó chứng tỏ chúng ta không những đã đón đầu được những bước phát triển trong công nghệ in tiền của thế giới mà còn dự đoán được xu hướng của nó trong tương lai.
(Theo Người đưa tin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét