Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Đi tìm những độc đáo cá nhân trong ngày tết

Nguyễn Tuân có lần kể lại trong một thiên tuỳ bút in ra từ trước 1945: “Ngày trước thầy tôi không mấy khi ăn tết ở nhà (...). Trong những ngày đó, thầy tôi làm gì? Thầy tôi đi chơi chợ trời vùng Hoà Bình, ngâm vịnh trong những lúc nhàn tản ở vùng Chợ Cột, Đông Triều, vào trong Quảng Nam chơi chùa Non Nước, đề đá núi Ngũ Hành. Có lần thầy tôi nặng tình với bạn, đã coi nhẹ lòng quê, và trong một ngày mồng một tết kia, lang thang với cái tiểu sành đựng hài cốt ông thân sinh ra ông bạn”.
VƯƠNG-TRÍ-NHÀN
Nhà văn này đã nổi tiếng với những hành động, cử chỉ bị mọi người coi là “ngông nghênh”, “ngang ngược”, song một đoạn văn như thế, kể lại những ứng xử kỳ cục như thế, lại hai lần độc đáo, vì nó ghi nhận và ca tụng cái ý muốn phá cách ngay trong một dịp được coi là rất thiêng liêng, ở đây là những ngày tết Nguyên đán với những nghi thức vốn rất nghiêm ngặt.


Nói đúng ra, đọc cho vui thôi, chứ trên đời này đã mấy ai dám làm theo những gợi ý của tác giả Tuỳ bút. Vậy mà tôi vẫn muốn tin rằng nhiều người thấy thích đoạn văn ấy, vì nó nói hộ chúng ta một nhu cầu có thật: nhu cầu tìm tới sự độc đáo trong mọi ứng xử và dù hoàn cảnh bó buộc bao nhiêu thì cái khao khát kia vẫn không bao giờ vơi cạn.

Qui tắc vàng

Đồng thời với việc khẳng định tính thiêng liêng của những ngày tết, các tài liệu nghiên cứu về phong tục thường không quên nói ngay tới những đặc điểm khác như niềm mong ước đoàn tụ gia đình và không khí đầm ấm, hoà hợp mà chỉ những ngày đầu năm mới có. Theo Nguyễn Văn Huyên, Tết “là một ngày lễ mà mọi người đều cử hành vô cùng trọng thể với một sự nhất trí đáng cảm động”. Từ điển lễ tục mới in ra gần đây cũng viết: “Để tiễn năm cũ, đón năm mới đến, mọi người lấy đơn vị từng gia đình và toàn xã hội để tổ chức”.Trên nguyên tắc, có thể bảo “đặc trưng văn hoá của tết Nguyên đán là nếp sống cộng đồng”. 

Thật ra, không cần đọc bất cứ tài liệu khoa học nào, mọi người Việt Nam cũng đã thầm biết cái “qui tắc vàng” ấy của lễ đón năm mới. Nó đi vào tâm thức ta, qua dòng sữa mẹ. Lúc nhỏ, ở với gia đình, chỉ cần nhìn qua nét mặt, cử chỉ của người thân là mỗi chúng ta hiểu ngay cái cảm giác thiêng liêng mà chỉ tết mới có. Và ta cũng biết ngay là vào những ngày ấy, phải sống trong sự đồng điệu với mọi người, phải tự hạn chế mọi ý thích cá nhân ra sao.

Thế nhưng, như tất cả các tài liệu nghiên cứu xã hội học đã nhấn mạnh, những chuẩn mực xã hội chỉ thực sự tồn tại thông qua việc “chiếm lĩnh” và “đồng hoá” của mỗi cá nhân. Mà nhu cầu khẳng định cá nhân là một nhu cầu thường trực và ngày càng rõ rệt hơn trong xã hội hiện đại. Trong khi chấp nhận những nghi thức của ngày tết, ta tưởng như cái cá nhân trong ta đã hoàn toàn bị dồn ép và đẩy lùi, song không hẳn như vậy. Bình tĩnh mà xét, người ta vẫn bắt gặp trong mình và những người quen mình rất nhiều nỗi niềm riêng tư, và nếu lưu ý sẽ thấy từng thế hệ nọ sang thế hệ kia, niềm thao thức ngấm ngầm ấy ngày một mãnh liệt.

Hai con đường tìm tới sự độc đáo

Có thể quan sát thấy nhu cầu khẳng định cá nhân trong những ngày tết vẫn được bộc lộ theo hai hướng chính:

Một là, cũng làm mọi việc như mọi người, nhưng làm theo cái cách riêng của mình, để vào đó dấu ấn của cá tính.
Hai là, trong phạm vi có thể thử làm những “cú đột phá”, ngược lại các nghi thức vốn được cộng đồng xem trọng.
Những người ở Hà Nội lâu năm đều biết thói quen của dân cựu trào ở thủ đô là rất kỹ càng trong việc chọn cành đào ngày tết. Người nhiều tiền và ít thì giờ chỉ cần chọn cành nào thật tròn, thật đẹp là đủ. Một số người khác không thế. Trong khi mọi người chơi đào tròn, họ chơi đào thế. Đào thắm nhìn mãi cũng chán, âu là ta đổi sang đào phai, và nếu như ngay giữa chợ mà chọn được một cành đào dại ngẩn ngơ thì người ta càng ngấm ngầm tự hào một cách chính đáng. 

Từ chuyện chọn dào đến chuyện gói bánh chưng, mua ít gói mứt, rồi sắp đặt bàn thờ, rồi ăn mặc, mừng tuổi, chào hỏi, đón khách..., bất cứ việc gì làm được khác mọi người một chút, người ta vẫn thích. Có thể bảo như thế là cầu kỳ, lập dị chăng? Không sao, ở đời ai chẳng thích độc đáo, chẳng qua có người nói ra lộ liễu, người lặng lẽ làm theo ý riêng mà thôi. Trên con đường khẳng định cá nhân, rồi có những lúc vô tình hay cố ý, người ta có thể trút bỏ hẳn các nghi thức như trường hợp mà Nguyễn Tuân đã tả ở trên, kể cũng không phải chuyện lạ.

Trẻ già đồng thuận

Suy cho cùng thì câu chuyện đi tìm sự độc đáo cá nhân trong những ngày tết còn liên quan đến một chuyện lớn lao vẫn đang chi phối cuộc sống mọi người. Ấy là nên quan niệm các nghi thức cổ truyền ra sao, chúng là nhất thành bất biến hay có thể thay đổi? Liệu chúng ta sẽ phải mãi mãi tuân thủ những qui tắc do ông cha truyền lại, hay có thể đón tết với những nghi thức ít nhiều khác đi mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc và tìm được cảm giác thiêng liêng như cũ? Một câu hỏi như thế có quyền đặt ra và để ngỏ, mời mọi người cùng suy nghĩ tiếp.

Chính ở chỗ này, thấy nổi lên vai trò của những người trẻ tuổi. Những “bứt phá” nho nhỏ của họ đã và đang lẻ tẻ bắt đầu trong các gia đình. Và đấy là điều cũng đã được các nhà văn ghi nhận.

Trong tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu có một thiên truyện mang trên Giao thừa. 

Nhân vật chính trong truyện là một ông già sống theo nguyên tắc cứng rắn, tối ba mươi bao giờ cũng bắt con cái ở nhà quây quần bên bàn thờ gia tiên, không đứa nào được đi chơi đâu hết.
Thế nhưng đến một năm nọ, lũ con không chịu được nữa, xong việc chuẩn bị tết là lấy xe ra đường, tìm cách đón nhận giờ phút thiêng liêng theo ý riêng của mình.

Ban đầu ông già cũng làm mặt nghiêm (và lấy cả xe điếu doạ), nhưng sau khi giảng giải đủ điều con cái vẫn không nghe, ông chỉ có cách lặng lẽ cho qua, bởi trong thâm tâm ông thừa biết con cái không thể hư được, chẳng qua chúng muốn sống khác đi chút ít trong những ngày tết, và rồi ông cũng phải nhận đó là một nhu cầu hợp lý.

Các nghi thức, dẫu sao, cũng chỉ có tính cách tương đối. Được sự thúc đẩy của cái khao khát chính đáng mà ở trên chúng ta vừa nói - khao khát khẳng định bản sắc độc đáo của mỗi cá nhân - rồi các nghi thức mới sẽ xuất hiện. Và sẽ là một điều vô cùng tốt đẹp nếu trong việc này, có sự đồng thuận của cả lớp trẻ lẫn lớp già. Bấy giờ, xã hội sẽ hình thành nên những tập tục mới.

In báo 1994
In lại trong Nhân nào quả ấy 2003

Viết thêm 30-1-2014 (30 tết Giáp Ngọ)

Không biết có phải nhân cuốn tiểu thuyết Sau hai mươi năm ( 1845) của Dumas cha (1802-1870) mà người ta thường lấy cái mốc hai mươi năm để chỉ tính về sự thay thế một thế hệ mới đối với thế hệ cũ. 

Từ khi tôi viết bài viết trên đến nay đã hai mươi năm. Ngày nay đọc lại bản thân cũng cảm thấy ngay được vẻ cũ càng trong cảm xúc và chất liệu đưa vào trong bài về tết của mình. Hồi ấy đối với bây giờ sao mà đã quá xa lạ.

Hai mươi năm trước tôi còn cảm thấy có quyền nói lên mơ ước về sự hài hòa của thời gian, nhất là về sự hài hòa của con người. Sự hài hòa này bao gồm cả sự độc đáo chính đáng của cá nhân lẫn sự cảm thống giữa các thế hệ. 

Ngày nay thì mọi chuyện đã khác đi nhiều lắm. Cộng đồng chúng ta – cho phép tôi nói một cảm giác mơ hồ của mình -- đang đứng trước một sự rạn vỡ và con người đang ở trong một tình trạng hỗn loạn mà con người ở các thời đại trước không hề biết tới.

Trong hoàn cảnh ấy, bên cạnh việc trực tiếp xông vào gỡ rối, mỗi người cũng cần đến cả việc như là lùi xa ra một chút để ghi nhận những bước đi của thời gian và của lòng người.
Khi so sánh những gì đã qua với hôm nay ta sẽ biết là những gi đã bị đánh mất và cần tìm lại…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét