Bản án cả ngân hàng và dân đều bất phục
SÀI GÒN (NV) - Bản án sơ thẩm mà Tòa án Sài Gòn vừa tuyên đối với bà Huỳnh Thị Huyền Như, 36 tuổi, đã làm một số ngân hàng, công ty, cá nhân và công chúng bất phục.
Bà Huỳnh Thị Huyền Như bị áp giải từ Tòa án Sài Gòn về
trại giam với án tù chung thân. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Đến nay, ít nhất đã có hai ngân hàng liên quan tới vụ án tuyên bố sẽ kháng cáo. Nhiều luật sư và chuyên gia kinh tế công khai chỉ trích bản án sơ thẩm. Thậm chí có người nhận định: Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ở ngoài vòng pháp luật!Bà Như từng là Trưởng Phòng Giao dịch Chi nhánh Điện Biên Phủ của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), một ngân hàng quốc doanh.
Hệ thống tư pháp Việt Nam bảo rằng, bà Như đã tiếp cận nhiều ngân hàng, công ty, cá nhân, hứa hẹn sẽ trả lãi cao để những ngân hàng, công ty, cá nhân này đem tiền gửi vào Vietinbank, sau đó bà Như sử dụng các con dấu giả để rút khoảng 3,800 tỷ từ Vietinbank ra và sử dụng.
Kết thúc phiên sơ thẩm, Tòa án Sài Gòn phạt bà Như chung thân vì phạm hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng dấu giả”. Đồng thời buộc bà Như bồi thường 3.800 tỉ cho ba ngân hàng, chín công ty và ba cá nhân…
Ngân hàng Vietinbank – nơi bà Như làm việc và cũng là nơi nhận tiền của các bị hại (ba ngân hàng, chín công ty và ba cá nhân), rồi để bà Như dùng con dấu giả rút ra 3,800 tỉ được Tòa án xác định là vô can.
Tại Tòa, đại diện các ngân hàng, công ty và cá nhân là bị hại, các luật sư đã nêu ra nhiều bằng chứng, lập luận để khẳng định Vietinbank vô can là vô lý. Hệ thống tư pháp không làm rõ 3,800 tỉ đã chảy đi đâu là vô lý nhưng Tòa án Sài Gòn thản nhiên bác bỏ tất cả những chứng cứ và lập luận đó. Bản án sơ thẩm chính thức xác định, Vietinbank không có trách nhiệm trong chuyện ba ngân hàng, chín công ty và ba cá nhân mất trắng 3,800 tỉ đã gửi vào ngân hàng này.
Ông Bùi Quang Nghiêm, một luật sư đại diện cho Navibank (ngân hàng từng gửi 200 tỉ vào Vietinbank và nay mất trắng bởi khoản này được xác định là do bà Như “lừa đảo – chiếm đoạt”), bình luận rằng, bản án sơ thẩm vừa kể sẽ gây giảm sút lòng tin nghiêm trọng vào hệ thống ngân hàng nhà nước vì "VietinBank là ngân hàng vốn nhà nước", cũng như gây hoài nghi về hệ thống tư pháp.
Tương tự, ông Lê Thanh Hải, một luật sư khác đại diện cho ACB (ngân hàng từng gửi 718 tỉ vào Vietinbank và nay cũng mất trắng bởi khoản này được xác định là do bà Như “lừa đảo – chiếm đoạt”), khẳng định: “Nếu VietinBank quản lý tiền gửi của khách hàng một cách chặt chẽ, an toàn thì Huyền Như không thể chiếm đoạt được. Trách nhiệm của VietinBank là rõ ràng, hiển nhiên” và bản án sẽ làm “mất niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng ".
Trao đổi với BBC, ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia tài chính, nhận định, việc Tòa án Sài Gòn xác định Vietinbank hoàn toàn vô can, cho thấy, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ở ngoài vòng pháp luật. Đúng ra Vietinbank phải chịu trách nhiệm về khoản 3,800 tỉ bị thất thoát chứ không thể xem khoản thất thoát đó là trách nhiệm của riêng bà Huỳnh Thị Huyền Như.
Cũng theo ông Thành, chẳng riêng Vietinbank mà Ngân hàng Nhà nước cũng không thể vô can. Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước phải giám sát hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã giám sát như thế nào để hệ thống ngân hàng, trong đó có Vietinbank phạm hàng loạt sai lầm như thế là chuyện cần làm rõ và phải xử lý người có trách nhiệm. Theo ông Thành, quản lý hệ thống ngân hàng ở Việt Nam có vấn đề từ gốc chứ không phải là chuyện riêng lẻ.
Nhìn rộng hơn, ông Thành cho rằng, còn phải xem xét trách nhiệm của chính phủ, của Bộ Chính trị đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua. Hoạt động này tạo ra nhiều bất ổn, khiến kinh tế suy thoái, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Không biết gì cả là cực kỳ nguy hiểm, còn nếu biết mà anh vẫn để như thế thì còn nguy hiểm hơn.
Ông Thành nhấn mạnh, nên nhân cơ hội này xem lại toàn bộ vấn đề, xác định xem đó là trách nhiệm của những ai khi hệ thống ngân hàng không tôn trọng luật pháp, không tôn trọng những nguyên tắc của hoạt động ngân hàng, không tôn trọng quyền lợi của dân chúng cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. (G.Đ)
Cái đó người ta gọi là "nhóm lợi ích". Nhóm cùng lợi ích ở đây gồm: Ngân hàng (doanh nghiệp) kinh doanh để tạo ra thặng dư và chia đều cho: quan chức (đại diện vốn sở hữu), quan chức (đại diện nhóm làm chính sách) và hệ thống tư pháp gồm: công an, tòa án, viện kiểm sát (có lợi ích do trục lợi quyền lực được giao)... cho nên người gửi tiền vào Ngân hàng (không may gặp phải công chức biến chất là Huyền Như) gặp rủi ro là cái chắc.
Trả lờiXóaKiểm sát và tòa án nói lấy được, bất chấp lẽ phải ! Hậu quả khôn lường, còn nhiều 3800 tỷ như thế sẽ phát sinh, dân tình khổ sở.
Trả lờiXóa