Xem người phố cổ Hà Nội gói bánh chưng
(NLĐO)- Xu hướng ăn Tết hiện đại, gọn nhẹ, đơn giản, tranh thủ đi du lịch vẫn không thể lấn át truyền thống gói bánh chưng của người dân phố cổ Hà Nội.
Cụ Lê Thị Khánh năm nay đã hơn 80 tuổi:
“Nếu không gói bánh thì không còn Tết nữa”
Từ hàng trăm năm nay, mỗi dịp Tết đến xuân về là người dân phố cổ Hà Nội lại “đầu tắt, mặt tối” lo buôn bán, làm ăn tranh thủ ba ngày tết. Tết hiện đại, người dân phố cổ lại chịu thêm ảnh hưởng của xu hướng “Tết gọn nhẹ, đơn giản, dành thời gian đi du lịch, thưởng ngoạn”. Vậy mà rất nhiều gia đình “trong phố” (cách gọi người dân phố cổ) vẫn giữ truyền thống đến Tết Nguyên đán là phải gói bánh chưng, có nồi bánh chưng trong nhà thì mới có không khí Tết.Và dù tất tả ngược xuôi từ khắp Nam chí Bắc hay nơi đất khách quê người, khi con cháu về nhà ông bà, cha mẹ trong phố đều được hưởng cái ấm cúng, rộn ràng, vất vả một chút nhưng đó là truyền thống tốt đẹp, đậm hồn gia đình Việt. Đó là quây quần bên nhau gói bánh chưng và canh bếp từ khuya cho đến sáng.
Bà Lê Thị Khánh năm nay đã hơn 80 tuổi ở nhà số 13 phố Nguyễn Trung Trực (giao với phố Hàng Đậu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trải lòng: “Nhà tôi con cháu ở mỗi đứa một nơi nhưng ngày Tết là thu xếp về nhà cùng gói bánh chưng. Ngày Tết vất vả, bận rộn nhất vẫn là nồi bánh nhưng nếu không gói bánh thì không còn Tết nữa. Tôi vẫn dặn con cháu làm gì thì làm vẫn phải giữ truyền thống này”.
Còn ông Trần Bính (51 phố Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) đã gần 90 tuổi vẫn hì hục cùng con cháu bắc nồi luộc bánh chưng thật to. Ông Bính chia sẻ luộc bánh chưng cầu kỳ lắm. Ngoài việc chọn gạo, gọn đỗ, thịt lớn, lá dong… thì khâu luộc cũng rất quan trọng, phải canh nước 10-12 tiếng, lửa là phải chọn củi với mùn cưa, hoặc trấu thì bánh mới dền, mới ngon. “Từ nhiều đời nay, nhà tôi vẫn giữ nếp ngày Tết là phải gói bánh chưng, ăn vừa ngon, để được lâu và cũng là dịp để cả nhà bên nhau, chung tay lo cái Tết, nhất là các cháu, các chắt biết đến phong tục cổ truyền của cha ông” - ông Bính bộc bạch.
Còn bà Đoàn Thị Hảo (16 Nguyễn Trung Trực, quận Hoàn Kiếm) cho biết để có nồi bánh chưng cho cả nhà và biếu người thân, bạn bè ăn mấy ngày Tết, gia đình phải lo từ mấy tuần trước. Từ việc đặt mua gạo nếp Nam Định, thịt đỗ phải chọn hàng ngon, hạt tiêu phải thơm, rồi chọn lá dong, lạt buộc… Mọi thứ phải rửa thật sạch, để ráo nước và sắn tay gói cho thật chắc. “Nay đỡ vất vả thiếu thốn nên chỉ mất công thôi, chứ thời bao cấp, cái thùng luộc bánh vá lỗ chỗ cả phố phải mượn nhau. Giờ thì ra phố Hàng Thiếc bán đủ loại to nhỏ có hết, ai không gói tay được thì ra phố Tô Tịch mua khuôn. Vì thế các cháu tôi học cấp 1đã học bà gói bánh đẹp lắm rồi. Cả nhà cùng vui” - bà Hảo vồn vã kể chuyện.
Ông Nguyễn Xuân, nhà ở số 36 phố Ngô Sỹ Liên (phố Hàng Đũa xưa), tâm sự năm nay có vợ chồng chị con gái làm ăn xa không về ăn Tết được, hai ông bà vẫn quyết gói bánh chưng để gửi vào Nam cho cháu ngoại ăn Tết. “Cả năm các con lo làm ăn chắc chẳng có sức mà gói bánh, vợ chồng tôi cố sức gói tấm bánh gửi cho các cháu ăn vừa sạch sẽ, an toàn lại tiết kiệm”.
Phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại một số hình ảnh người dân phố cổ Hà Nội gói bánh chưng đón Tết:
Thùng luộc bánh chưng trên phố Hàng Thiếc đắt hàng
Bán khuôn bánh chưng trên phố Tô Tịch
Bà Đoàn Thị Hảo vo gạo gói bánh
Dùng bếp gas công nghiệp luộc bánh chưng
trên phố Đường Thành (quận Hoàn Kiếm)
Ông Nguyễn Xuân quyết gói bánh chưng để gửi vào Nam cho cháu ngoại ăn Tết
Ông Trần Bính đã gần 90 tuổi vẫn hì hục cùng con cháu bắc nồi luộc bánh chưng thật to
Bắc nồi vớt bánh nào
Cụ bà gốc làng Ước Lễ (nổi tiếng với nghề truyền thống làm
giò chả ở Hà Nội) bán bánh chưng trên phố Hàng Đồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét