Chuyên gia Nga: “Chưa thấy lý do để hoãn dự án điện hạt nhân!“
Rất nhiều chuyên gia Việt Nam cho rằng việc trì hoãn xây dựng nhà máy điện hạt nhân là cần thiết, còn chuyên gia người Nga thì cho rằng chưa thấy có lý do nào để trì hoãn việc triển khai dự án.
Trả lời câu hỏi thời điểm nào là thích hợp nhất cho việc khởi công xây dựng nhà máy điện Ninh Thuận, ông Yuri Ivanov cho biết, vào tháng 12 năm 2013, nghiên cứu khả thi cho dự án nhà máy điện hạt nhân "Ninh Thuan-1" đã hoàn tất và sẽ được thẩm định bởi chính phủ Việt Nam trong năm 2014.
"Sau khi nghiên cứu khả thi được thông qua, quá trình thiết kế nhà máy điện hạt nhân sẽ bắt đầu. Theo như lộ trình dự kiến, việc xin giấy phép thi công và khởi công công trình lò phản ứng đầu tiên được kế hoạch vào năm 2017".
Thế nhưng, ngày 151 tại lễ tổng kết công tác 2013 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao nhiệm vụ cho Petro Vietnam phải đảm bảo khí để làm cụm nhà máy điện 5.000 MW thay thế cho 4.000 MW điện nguyên tử, bởi nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công.
Ngay sau đó cũng rất nhiều chuyên gia lên tiếng ủng hộ quyết định này.
GS.TSKH.Trần Hữu Phát, Nguyên Viện trưởng Viện NLNTVN và hiện nay là Chủ tịch Hội đồng KH,CN&ĐT Viện Năng lượng nguyên tử VN cho rằng: tuyên bố của Thủ tướng thể hiện trách nhiệm cao của Chính phủ trong việc xây dựng điện hạt nhân (ĐHN) tại nước ta.
"Qua rất nhiều sự cố đáng tiếc đã xảy ra, đặc biệt là thảm họa Fukushima gần đây tại Nhật Bản, người ta đòi hỏi ĐHN không những an toàn cao mà cần phải an toàn gần như tuyệt đối về mọi phương diện, cả chủ quan lẫn khách quan. Trong giai đoạn đầu chưa cần yêu cầu hiệu quả cao vì tính hiệu quả của ĐHN phải xem xét một cách tổng thể trong khoảng thời gian nhất định", GS Phát nói.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam cho biết việc hoãn khởi công nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận đến năm 2020 (thay vì năm 2014 theo kế hoạch) là do hiện dự án này còn một số vấn đề quan trọng chưa gút được.
Cụ thể là phương án tài chính vẫn đang được bàn thảo, chưa ngã ngũ giữa Việt Nam và các nước cho vay. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vay vốn của Nga và phía Nga đồng ý cho Việt Nam đối ứng 20% vốn của dự án, nghĩa là Việt Nam chỉ bỏ ra 20%, còn lại vay từ Nga.
Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vay vốn của Nhật Bản và phía Nhật lại yêu cầu Việt Nam đối ứng 30% vốn.
Theo ông Ngãi được biết, các hạng mục chính như công nghệ, thiết bị, loại lò phản ứng nào sẽ được lựa chọn để tính giá trị tổng dự toán, làm cơ sở xác định nguồn vốn vay vẫn còn đang được các bên thảo luận.
Tuy nhiên, xét cho cùng thì Việt Nam vẫn chưa thiếu điện. Đến năm 2020 sẽ có một số dự án điện quan trọng có thể đủ cấp điện cho miền Nam gồm Nhiệt điện Long Phú 1, Long Phú 2, Sông Hậu, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4... với công suất tăng thêm gần 10.000 MW.
“Như vậy, từ nay đến năm 2020 miền Nam sẽ được đảm bảo đủ điện, thậm chí còn dư 20% nguồn dự phòng, nên không quá lo ngại về nguồn cung điện và cũng chưa cần đến điện nguyên tử”, ông Ngãi nói.
Giáo sư Trần Đại Phúc, người đã có thâm niên hơn 40 làm việc trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân tại nhiều quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Bỉ…, một thành viên trong Tổ tư vấn Việt - Pháp của Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận cũng ủng hộ: "Đúng như lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm!”.
Theo Giáo sư Trần Đại Phúc: Đúng cách đây 2 năm Tổng giám đốc IAEA, ông Yukiya AMANO đã tuyên bố “Việt Nam sẽ làm ĐHN thành công”!
Thế nhưng sự nhìn nhận lại vấn đề của vị TGĐ IAEA dựa trên những kết quả “trễ nải” trong quá trình triển khai từng mặt của các cơ quan liên quan Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, EVN v.v... như: Các văn bản pháp luật về sử dụng năng lượng nguyên tử, Tiêu chí an toàn đặt ra trong giai đoạn mới (sau sự cố Fukushima, Nhật Bản), đào tạo nhân lực, các khuyến cáo cần thiết trong quản lý điều hành và triển khai đặc thù trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, v.v.
"Việt Nam còn hạn chế vì chưa có kinh nghiệm trong quản lý điều hành cũng như triển khai Dự án ĐHN. Vấn đề lớn là nguồn nhân lực!. Quan niệm: Làm nhà máy ĐHN giống như làm các nhà máy điện thông thường khác, nhận thức như vậy là sai hoàn toàn!", GS Phúc nói.
Do vậy ông Phúc cũng khẳng định: phải làm bài bản, đào tạo nhân lực ngay từ bây giờ chứ không phải cử cán bộ đi nước ngày nước kia 1- 2 tuần.
“Nếu mà cứ tiếp tục như vậy thì không phải năm 2020 mà tới 2030 cũng chưa làm được”, GS Phúc nhấn mạnh.
Theo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét