Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Cái nồi đất - kỷ niệm xưa

Đọc bài Tết thôn quê ngày xưa nhớ tới cái nồi đất kho cá, nấu cơm thời chiến tranh. Nấu bằng rơm bằng trấu rồi ủ cho nhừ cũng bằng rơm bằng trấu. Đơn sơ nhưng lại cho cảm giác cá ngon cơm ngọt hơn nồi điện bây giờ nhiều. Năm nay nhiều gia đình, gia tộc ở Hà Nội tự gói bánh chưng, mục đích là để gọi anh em con cháu về tụ họp chia vui, thăm hỏi nhau và động viên ông bà, bố mẹ; thật là một tin tốt lành.
Cái nồi đất
Bữa ăn đã xong, tôi thu dọn chồng chén đĩa bưng xuống bếp để rửa. Trên nhà, các ông đang bàn tán chuyện Mỹ đánh Irac, còn các bà thì hăng say thảo luận về cách thức ăn kiêng để vẫn còn thon thả khi tuổi đã ngoài bốn mươi. Cô em chồng tôi là chủ nhà đang lo o bế dàn karaoke, hứa hẹn một buổi tối náo nhiệt. 
Má chồng tôi như lệ thường của các bà mẹ Việt Nam ở vào lứa tuổi của bà có rất nhiều con, đâu tới bảy, tám người. Tới nay, tổng cộng vừa dâu rể, cháu nội cháu ngoại đã hơn hai chục. Bà ở với cô em thứ bảy, nhà cô rộng rãi đủ chứa từng ấy người nên thỉnh thoảng con cháu tụ về nấu một vài món ăn để có được không khí sum họp của gia đình.
Tôi tuy là con dâu lớn nhưng giỏi ăn hơn giỏi nấu nên tôi thường lãnh trách nhiệm dọn dẹp. Đang loay hoay thì má chồng tôi bước vào, bà đưa cho tôi một bao nylon rồi thì thầm:
- Bà Tư ở Việt Nam mới qua có cho tao mấy cái nồi đất, mầy lấy một cái đem về kho cá, ngon không thua gì cá kho tộ ngoài tiệm đâu.
Má chồng tôi người miền nam, tánh tình chơn chất, nói năng giản dị, bà rất thương con cháu nhưng chưa bao giờ bà kêu tôi bằng con, hay gọi tôi bằng chị như các bà bạn của bà. Tôi cầm lấy rồi nói đùa:
Ủa, nồi không chớ không có cá sao má?
Má chồng tôi la lên:
- Của một đồng công một nén của người ta cho mầy, mầy còn đòi cá nữa.
Bà bước ra không quên nói vói lại:
- Bữa nào chở tao ra Cabramatta rồi tao chỉ cá cho mà mua.
Má chồng tôi là vậy đó, biết ông xã tôi mạnh ăn, biết con tôi đang sức lớn, biết tôi không thuộc diện "Công, Dung, Ngôn, Hạnh" bà tận tình chỉ vẽ cho tôi, hy vọng rằng con tôi bớt là thực khách của tiệm Macdonald.


Cái nồi đất tưởng đã bị bỏ quên khi tôi dẹp nó vào cái góc tận cùng của tủ chén. Nhưng hôm nay tôi bị bịnh, phải ở nhà, con lại đi học hết, ông xã thì đi làm, ngồi buồn tôi làm siêng dọn lại cái tủ chén và tôi tìm được cái nồi đất. Rảnh rang nên tôi ngồi ngắm kỹ cái nồi đất hơn. Bằng đất nung và được tráng bên ngoài cũng như bên trong một lớp men đen bóng, cái nồi trông cũng đẹp đẽ lắm với hai cái quai nho nhỏ ở hai bên và một cái nắp đậy rất vừa vặn. Mân mê cái nồi trong tay tôi chợt thấy một tình cảm lạ lùng dậy lên trong lòng. Cái nồi đã gợi lại trong tôi cả một thời gian thơ ấu được sống trong cảnh êm ấm của gia đình với ba má, anh em nơi miền quê đất Việt.
Hồi đó nhà tôi nghèo, anh em đông nên bữa cơm nào của gia đình cũng không thiếu món cá kho. Ai đã từng sống ở miền tây trù phú của đồng bằng sông cửu vào thời đó cũng đều biết rằng cá tép ở đây dễ kiếm như rau cỏ ngoài vườn vậy. Sông rạch chằng chịch nên chỉ cần một mảnh lưới nho nhỏ hay một cái đăng chắn ngang dòng nước chảy của con rạch vào buổi chiều hôm trước thì sáng hôm sau cả nhà cũng có được nồi cá kho với đủ thứ cá lòng tong, rô, sặc, trê...Có khi còn có cả mấy con lòng ròng (cá lóc con) đi ăn xa mắc lưới. Ngoài cách làm giản dị trên, dân quê vùng tôi còn bắt cá bằng cách câu cắm. Mươi cái cần câu được móc sẵn mồi cắm dọc theo bờ rạch vào lúc trời sụp tối, lúc cá bắt đầu ra ăn đêm. Người đặt thường phải đi " thăm cần", tức là đi rút mấy cái cần câu của mình lên vào lúc trời gần sáng. Bằng cách nầy trong chục cần thể nào cũng có vài ba cần có cá. Theo tôi, má tôi là một đầu bếp tài giỏi nhất, bà có thể chế biến để nấu đủ cho cả nhà ăn mà không cần biết là em tôi bắt được cá nhiều hay ít.
Về mặt nầy chắc có lẽ mấy ông đầu bếp tây phương phải lột cái nón cao nghệu của mấy ổng để chào thua má tôi. Hôm nào em tôi bắt được mấy con lòng ròng đâu cỡ cườm tay nó thì má tôi nấu canh chua khóm, coi như nhà tôi có một bữa ăn sang. Hôm nào xui xẻo hơn chỉ được mớ cá con đủ thứ thì má tôi kho khô hết. Sau khi làm sạch cá được ướp trong cái nồi đất, cái nồi nầy lúc mới mua về có màu đỏ ngói, nhưng sau nhiều năm đặt trên cái cà ràng (một loại lò cũng bằng đất) nhà tôi và sau nhiều lần thấm đủ thứ gia vị như nước màu dừa, nước mắm, mỡ, bột ngọt, tiêu, ớt...Đã ngã sang màu đen, bên trong nồi bóng lên trông như được tráng men vậy. Không biết có phải nhờ tài nêm nếm của má tôi hay nhờ được kho trong cái nồi đất mà cá lúc nào cũng thấm, cũng ngon, nên dù đồ ăn có ít ỏi chị em tôi vẫn ăn sạch nồi cơm.


Cái nồi đất đã gắn liền với đời sống dân quê miền nam như vậy đó. Riêng tôi, tôi còn có một kỷ niệm nữa liên quan tới cái nồi đất… Lúc đó tôi đâu chừng sáu bảy tuổi, quê tôi ở Bến Tre, hồi đó gọi là Kiến Hòa. Xóm nhà tôi ở cách lộ cái không xa lắm, ngay đầu xóm là một cái đình thờ Thổ Công Thổ Địa và nhiều vị nữa mà tôi không biết hết. Đình không có cây đa như trong các bài hát về quê hương mà chỉ có một hàng tre Mạnh Tông được trồng để làm hàng rào ngăn giữa đình và ngôi nhà ở kế cận. Hai bên hong đình để trống vì giáp với ruộng lúa, riêng mặt tiền của đình thì có một sân xi-măng rộng cỡ bằng một đám ruộng lớn. Đây là nơi hàng năm dân trong xóm rước một gánh hát quê về hát để cúng Thần. Còn hàng ngày thì sân xi-măng nầy được dân trong xóm sử dụng để phơi lúa vào ban ngày và làm đủ thứ việc đồng áng linh tinh vào ban đêm.
Vào những đem trăng sáng, sân đình rộn rịp hẳn lên, ít lắm cũng có chừng vài nhà trong xóm mang lúa ra để làm. Đàn bà thì mang lúa đã phơi khô ra vê, tức là tách những hạt lúa lép ra khỏi lúa chắc trước khi đem xay thành gạo. Để làm được việc đó cần phải có hai người, một người kẹp chiếc chiếu vào hai chân, dùng tay giữ hai mép chiếu và đập mạnh vào nhau để tạo ra gió, người còn lại xúc đầy một thúng giạ lúa, giơ cao khỏi đầu và đổ xuống từ từ. Sức gió từ chiếc chiếu sẽ đẩy những hạt lúa lép bay xa trong khi lúa chắc vì nặng hơn nên chỉ rớt xuống ngay nơi được đổ ra. Đàn ông thì mang một cái bồ ra và ráng đập cho hết số lúa mà những tay thợ gặt lành nghề đã cắt bỏ thành đống ở dưới ruộng. Đám trẻ con chúng tôi thì tụ hợp để chơi đùa gần đó. Được nửa buổi làm thì mọi người đều nghỉ tay, đồ ăn, nước uống được mang ra để tiếp sức cho các ông thợ, bà thợ. Con nít tuy không làm gì nhưng cũng được chia phần, khi thì củ khoai nóng, nắm xôi dẽo hay chén cháo đậu dậy mùi thơm lá dứa. Những lúc như vậy tôi thường ngồi kế bên ba tôi, chờ má tôi mang đồ ăn tới vừa lắng nghe những câu chuyện của ba tôi và các ông bạn. Họ thường kể chuyện tếu lâm rồi xúm nhau cười ha hả. Con nít chúng tôi mặc dù không hiểu nhưng cũng thích nghe, rồi bắt chước người lớn nhăn răng ra cười. Hôm nào được sự góp chuyện của hai vị khách không thuộc lớp nông dân là ông từ giữ đình và chú Tư Tộ thì câu chuyện càng đậm đà.


Tôi thấy cần phải dài dòng một chút về chú Tư Tộ, ông từ giữ đình thì như tên gọi, ông là người chịu trách nhiệm nhang khói và dọn dẹp cho đình. Ông sống một mình không vợ con gì hết, chú Tư Tộ là bạn ông, chú không phải là người dân của xóm, chú làm nghề bán nồi đất, ghe nồi của chú cặm sào ngoài cầu Cá Lóc, trong một buổi chợ khi chú đang đứng giữa mớ nồi bán la như sơn đông mãi võ thì gặp ông từ. Họ nhìn nhau, và đúng theo tinh thần tứ hải giai huynh đệ chú Tư Tộ dẹp nồi theo ông từ về đình. Thật ra thì không ai biết chú tên gì, khi về xóm, người đầu tiên mời chú về nhà là ba tôi, ông hỏi chú:
-Chú em mầy thứ mấy? Làm nghề gì?
Chú trả lời:
-Dà, em thứ Tư, bán nồi ngoài chợ.
Thế là chú thành dân của xóm với tên Tư Tộ. Thấy vậy mới biết ông bà mình gốc nông dân, không nhiều chữ nghĩa nhưng văn tài thì có thừa, không phải họ đã là tác giả của cả một nền văn chương truyền khẩu đó sao. Chú Tư bán nồi nhưng họ không gọi là nồi mà gọi là Tư Tộ bởi vì Tư Tộ nghe xuôi tai hơn Tư Nồi, nếu chú thứ năm thì họ đã không ngần ngại gì đặt cho tên cho chú là Năm Nồi rồi.
Để có nồi bán, chú Tư phải chèo ghe lên tận miệt Bình Dương, vô mấy cái lò làm đồ gốm để mua, rồi chèo ghe về các vùng quê bán, ở mỗi chỗ chú phải đậu lại chờ bán cho hết nồi, có khi cả tháng mới lui ghe được. Nhờ vậy, chú có rất nhiều chuyện để kể cho tụi nhỏ chúng tôi. Tối nào có chú, chúng tôi ít chạy chơi xa mà cứ xúm đen, xúm đỏ chung quanh để nghe chú kể chuyện. Chú kể nhiều chuyện hay lắm, chuyện tướng cướp Đơn hùng Tín đi tìm thầy học đạo ở tận núi Tà Lơn, nuôi chí lớn sẽ thành tài để cướp của người giàu chia cho người nghèo theo kiểu anh hùng Lương sơn Bạc trong chuyện tàu vậy. Rồi chuyện công tử Bạc Liêu coi tiền như rác, chuyện các vị tiền bối khổ cực đốt rừng phá đất để chúng tôi có ruộng rẫy ngày nay, chuyện các vị anh hùng dân tộc chống Pháp....Sau nầy, đọc được các tài liệu biên khảo cũng như được học sử, tôi mới hiểu ra chú Tư là người có học, có kiến thức chớ không phải là thất học như chú thường tự nhận. Nếu có ai hỏi thiếu gì nghề sao lại chọn nghề bán nồi, thì chú trả lời vì thích cuộc sống tự do, thích rày đây mai đó chớ không muốn ở hoài một chỗ. Sau mỗi buổi kể chuyện chú thường ngâm nga một bài vè mà tới bây giờ tôi vẫn nhớ:
Anh thương em thương quấn thương quýt
Bồng ra gốc mít bồng xít gốc chanh Bồng bậy sau lái bồng ngoái trước mũi
Đặt em nằm xuống đây
Kể từ ngày em đau ban cua lưỡi trắng miệng đắng cơm hôi
Tiếc công anh ẳm đứng bồng ngồi
Bây giờ vinh hiển em bắt anh đi bán nồi làm chi (*)
Bài vè đó trở thành bài hát quen thuộc của bọn trẻ trong xóm và là đề tài bàn bạc của các ông các bà trong các buổi làm đồng. Có người cho rằng chú Tư đang mang một mối tình lâm li bi đát không thua gì mối tình của anh bán chiếu đã được cố nghệ sĩ Út Trà Ôn diễn tả trong bài ca “Tình anh bán chiếu" mà cả xóm tôi người lớn cũng như con nít ai cũng thuộc vài câu. Thật thà họ đem chuyện đó hỏi chú thì chú chỉ cười mà không trả lời.
Ngày vui qua mau, khi chú Tư đã trở thành một người không thể thiếu trong xóm, thì ánh sáng văn minh tràn tới cái xóm nhỏ thân yêu của tôi. Nồi gang, nồi nhôm với đủ thứ tiện lợi của nó đã chiếm chỗ của cái nồi đất trong các gian bếp. Thời gian xa xóm của chú Tư trở nên dài hơn, chú giải thích rằng vì bán chậm nên phải ở lâu hơn, và chú cũng trở nên trầm ngâm hơn. Tới nhà tôi nhiều lần thay vì xách theo đồ nhắm hay cắp nách chay rượu, chú còn mang theo cả nồi lớn, nồi nhỏ để cho má tôi. Lần nào má tôi cũng nhận, cám ơn chú và cầm chú ở lại vài ngày. Bà con lối xóm cũng vậy, họ thay phiên nhau mời chú về nhà, chúng tôi đã bảo bọc chú như bảo bọc một anh hùng sa cơ lỡ vận vậy. Ba tôi tỏ vẻ lo lắng lắm, hơn ai hết ông hiểu rằng đó không phải là thượng sách vì không bao giờ chú Tư chịu nhận sự giúp đỡ của chúng tôi. Và ngày đó đã tới. Chú Tư từ chối lời đề nghị của bà con nhường cho chú một đám ruộng gò ở gần đình từ trước tới nay vẫn bỏ trống. Ba tôi và ông từ cố gắn thuyết phục chú:- Nào là ruộng gò có xấu nhưng bà con sẽ giúp chú một tay, nào là chú ở đã quen, tình làng nghĩa xóm ai nỡ bỏ đi, nhưng chú cũng nạy ra nhiều lý do để ra đi. chú hẹn sẽ trở lại, nhưng từ đó cho tới lúc tôi rời xóm, tôi không gặp lại chú lần nào. Lâu dần, người dân trong xóm cũng quên chú, chỉ còn bài vè của chú thỉnh thoảng được nhắc lại như nhắc những câu vọng cổ trong bài "tình anh bán chiếu" vậy.
Từ đó đến nay đã gần bốn mươi năm trôi qua, tôi từ một con bé quê đã trở thành một người đàn bà xa xứ mà thời gian cùng nghiệp mưu sinh cũng như trách nhiệm với chồng con đã làm mái tóc xanh rì ngày xưa lấm tấm nhiều sợi bạc. Cái nồi đất cũng chìm vào quên lãng, vì theo đà tiến bộ của khoa học các bà nội trợ ngày nay ngoài nồi nhôm, nồi gang còn có các loại nồi, chảo không dính nữa thì luyến tiếc làm gì cái thứ nồi đất bất tiện đó. Nhưng gần đây các nhà khoa học (cũng các ông nữa rồi) khám phá ra rằng các loại nồi, chảo nhôm nhất là các loại nồi không dính trong lúc bị nung nóng trên lửa đã thải ra các loại chất độc vào thức ăn. Thế là các bà lo xa đâm hoảng, họ tìm mua các loại nồi đất để dùng cho được an toàn, các nhà hàng cũng mua các loại tay cầm bằng đất nung để đáp ứng nhu cầu của thực khách và tính chất đậm đà của các loại thức ăn nấu trong nồi đất cũng được đề cao. Tôi không phải là nhà khoa học để phân tích xem các phản ứng gì đã xãy ra trong lòng cái nồi đất để thức ăn thêm khởi sắc. Tiếc thay tôi chỉ là một con người tầm thường, cảm nhận cuộc đời bằng nhịp đập của con tim, tôi cho rằng thức ăn nấu trong nồi đất có ngon hơn vì đất có tình, tình đất bao la như tình mẹ, có cho đi mà chẳng nhận lại bao giờ.
Chiều nay tôi sẽ mua cá về kho trong cái nồi đất nầy và cả nhà tôi trong bữa cơm chiều sẽ được thưởng thức một món ăn ngon với một chút tình của nắm đất quê hương.

Xuân Lan
(*) trích trong một bài viết của nhà văn Bình Nguyên Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét