Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Nhớ cảnh và người Tây Bắc trên tuyến Điện Biên - Sapa

Nhớ cảnh và người Tây Bắc trên tuyến Điện Biên - Sapa
Đọc bài "Tây Bắc: Cái xứ gì đâu trời đất đẹp lạ lùng" làm mình bùi ngùi nhớ lại những lần đi Tây Bắc. Không có vùng đất nào ở Việt Nam làm mình yêu quý và xúc động như Tây Bắc. Mỗi lần lên Tây Bắc đều như một lần lên thiên đường. Ở đó ngoài thiên nhiên đẹp lạ lùng, còn có bầu không khí vô cùng tinh khiết của núi cao mà không đâu ở Việt Nam có; lòng nhân hậu và bao dung của người dân nghèo nhưng chỉ biết nói thật; hương vị tuyệt vời của những món ăn dân tộc đơn giản mà quyến rũ; màu sắc rực rỡ của trang phục truyền thống thô sơ nhưng thêu may rất cầu kỳ; ngôn ngữ lạ mà ấm áp như giọng hát du dương... Và còn vô vàn điều tuyệt vời khác không bút mực nào có thể tả hết. 

Mời các bạn hãy lên Tây Bắc, vừa thụ hưởng cảnh đẹp lạ lùng, vừa có cơ hội được sống vài ngày không phải giả dối trong suốt cuộc đời toàn phải sống giả dối, và đặc biệt để được chứng kiến cảnh nghèo của người dân nơi đây, để thấy thêm trách nhiệm của mình với cuộc sống của người dân đang bảo vệ vùng biên ải phía Bắc của Tổ quốc.


Dưới đây là một số ảnh Chủ Blog chụp trên tuyến Điện Biên - Sapa (đi trên dải núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ) trong chuyến đi Tây Bắc đầu năm 2007. Nhiều ảnh không đẹp vì kỹ thuật kém và chụp từ trong ô tô (vợ không cho dừng xe vì sợ mất thời gian). Ảnh đưa lên mạng theo thứ tự chụp trên đường đi chứ không được xếp đặt lại theo nội dung, do đó hơi lộn xộn.


Thiếu nữ đón xuân - Cảnh chụp trên tuyến Điện Biên - Lai Châu, cách Điện Biên 40 km vào ngày 3 Tết âm lịch năm 2007.

Từ Tết năm 2003, mình bắt đầu có thú vui tổ chức những chuyến du lịch dài ngày vào dịp Tết. Cứ khoảng 28-29 Tết bắt đầu lên đường; lang thang lần lượt qua các tỉnh, đến đâu thăm di tích lịch sử, cảnh quan đẹp ở đó; mỗi tối ngủ một khách sạn. Trong chuyến đi Tây Bắc này, tối 28 Tết ngủ ở Hòa Bình, tối 29 Tết dừng chân ở Sơn La, đêm 30 Tết đón giao thừa, xem bắn pháo hoa ở Điện Biên, ngày 1-2 thăm Điện Biên và các địa danh xung quanh. Sáng 3 Tết đi Sa Pa và chụp những ảnh này trên đường đi. Cứ thế đến khoảng 7-9 mới trở về Hà Nội.






Đi tuyến Tây Bắc mới thấy thế nào là các tay lái lụa. Thanh niên Tây Bắc phóng xe ào ào, kể cả qua các đoạn cua tay áo rất hiểm trở. Tôi thường phải giảm tốc độ ô tô để nhường đường cho họ. Đi trong dịp Tết, với chum rượu nồng, nhìn càng khiếp hơn.


Gặp gia súc trên đường là bình thường. Lưu ý đừng phóng nhanh kẻo không tránh kịp thì sẽ lao xuống vực hoặc đâm vào chúng


Mường Lay là một thị xã nằm ở phía bắc tỉnh Điện Biên, được đổi tên từ thị xã Lai Châu (cũ) Phía bắc giáp tỉnh Lai Châu (mới), các phía còn lại giáp huyện Mường Chà của tỉnh Điện Biên. Thị xã Mường Lay nay đã hoàn toàn bị chìm ngập trong nước vì nằm ở dưới cao độ 195m so với mực nước biển. Cũng vì dòng điện ngày mai cho Tổ quốc mà hàng nghìn các hộ đồng bào dân tộc anh em Thái, Mông, Dao, Kinh, Tày, Mường… đã phải bỏ đất đai, nhà cửa, vườn tược, cuộc sống ổn định… để đến nơi ở mới với bao khó khăn.


Cầu Hang Tôm được gọi là “Đông Dương đệ nhất cầu”.

Trước khi cầu Mỹ Thuận ra đời, cầu Hang Tôm là cây cầu cáp treo lớn nhất VN bắc qua sông Đà, nối liền Điện Biên với Lai Châu. Đến Tây Bắc, bất kể ai cũng muốn một lần ngược Đà Giang để được chiêm ngưỡng cây cầu này. Đứng giữa cầu, con người chỉ là một chấm nhỏ bé giữa bức tranh sơn thủy với núi non cao vút, sông sâu thác dữ, mây trắng vờn bay trên đầu...

Cầu được gọi là Hang Tôm vì ngày trước vùng này có rất nhiều hang tôm, thịt tôm rất ngọt, ngon nhất vùng nên khi Pháp xây cây cầu này cũng lấy tên là Hang Tôm.


Cách cầu cũ 797m về phía thượng nguồn là cầu Hang Tôm mới dài 362m, rộng 9m nằm kề vị trí hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.

Cầu Hang Tôm là điểm nối giữa hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu



Còn đây là cầu Hang Tôm mới được đưa vào sử dụng năm 2010. Bạn có thấy tiếc cái cầu cũ không ? Sao người ta không thiết kế cầu Hang Tôm mới theo đúng mô hình cầu cũ nhỉ ?




Đi du lịch thế này mới kiếm được nụ cười rạng rỡ của cô vợ xinh đẹp ngày thường toàn nhăn nhó.










Dưới đây là một số cảnh đặc trưng trên tuyến Điện Biên - Lai Châu
















Ghé thăm ngẫu nhiên một gia đình để giao lưu với dân địa phương trên đường đi. Cả gia đình nhiệt tình đón tiếp chúng tôi dù không quen biết. Càng đi càng thấy mọi người lao động đều tử tế và tốt bụng. Đi thế này mới thấy thế nào là hạnh phúc và thoải mái; nhất là được tránh xa được đám quan chức tham lam và giới trí thức bồi bút.




Phút chia tay lưu luyến.

Không biết những nếp nhà thân thương này còn hay đã chìm trong hồ nước thủy điện Sơn La ? Và những người đó giờ ở đâu. Liên lạc với họ chỉ qua lá thư với địa chỉ làng xã, nhà cửa tạm bợ. Đến như địa chỉ ở Hà Nội hay Sài Gòn mà đỏ mắt còn chẳng tìm ra huống hồ cuộc sống bấp bênh ở đó. Lại chỉ biết nói: Cái nước mình nó thế.




Đoạn đường này khá hiểm trở và vực rất sâu nên vợ đồng ý cho dừng xe chụp ảnh. Tuy nhiên do trình độ kém nên chụp không được.




Dừng xe uống nước, nhân tiện chụp các em nhỏ.

Không biết với y phục này thì các em thuộc dân tộc nào ?





Dãy núi Hoàng Liên Sơn là một dãy núi ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Gọi là Hoàng Liên Sơn vì trên dãy này có nhiều cây hoàng liên. Người Thái gọi dãy núi này là Khau Phạ nghĩa là "sừng trời".

Dãy núi Hoàng Liên Sơn rộng 30 km, chạy dài 180 km theo hướng tây bắc-đông nam, giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu kéo dài đến tận phía tây tỉnh Yên Bái. Đây là phần cuối của dãy núi Ai Lao Sơn, đoạn tận cùng phía đông nam của dãy núi Himalaya. Phần tây bắc của dãy núi có nhiều ngọn núi cao trên 2.800 m, trong đó có ngọn Phan Xi Păng cao 3.143 m (có tài liệu nói Phan Xi Păng cao 3.142 m), cao nhất Đông Dương. Ngoài ra còn có ngọn Tả Giàng Phình cao 3.090 m, Pú Luông cao 2.938 m.

Rừng ở Hoàng Liên Sơn gồm hai kiểu chính: rừng thường xanh núi thấp và rừng thường xanh núi cao. Trong khu vực dãy núi này có Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn.

Đỉnh Phan Xi Păng là đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam, được xem là nóc nhà của Đông Dương. Phía dưới đỉnh núi xa xa là thị trấn Sa Pa nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển. Nơi đây trong một ngày có bốn mùa, là nơi nghỉ mát lý tưởng cho khách du lịch.





Tiếp tục đi vào đoạn hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn






















Tới địa phận Sapa










Hai gia tài của tôi: Đức Trung và mẹ








Ảnh này cách đây đúng 7 năm.
Giờ (1.2014) Đức Trung đã sang tuổi 14 năm 8 tháng, cao 1,73m và nặng 63 kg. Đúng là không có gì quý bằng thằng nhỏ này.














Kết thúc bằng một hình ảnh ấn tượng trên các tuyến đường Tây Bắc

3 nhận xét:

  1. Ảnh bác chụp không đẹp lắm nhưng thú vị. Cám ơn bác. Cháu cũng thấy cầu Hang Tôm cũ đẹp quá

    Trả lờiXóa
  2. Anh đi nhiều nơi quá, thật tuyệt.

    Trả lờiXóa
  3. Xem ảnh mới thấy Tây Bắc đẹp thật. Mình ở Nam Bộ nhìn đâu cũng chỉ thấy ruộng và kênh rạch. Chúc mừng năm mới anh Mai và gia đình.

    Trả lờiXóa