Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Trái sung và đèn lồng đón Tết

Trái sung và đèn lồng
Blog Cánh Cò: Không biết từ năm nào mình đã mất hẳn thú vui may áo mới cho con vào những ngày cuối năm. Cũng mất luôn thói quen không thể thiếu là nấu bánh vào ngày 30 tết. Có người bảo siêu thị bán bánh ngon hơn, tiện lợi cho gia đình để bà nội trợ không phải lo toan vào những việc nấu nướng như thế này. Thời gian dôi ra để dành cho việc khác.
Làm sao đồng ý với cách suy nghĩ như thế nhỉ? May áo mới cho con là hạnh phúc của người đàn bà và người mẹ. Đường kim mũi chỉ và sự nhẫn nại, nắn nót sẽ được trả công bằng nụ cười trẻ thơ có phải là phần thưởng lớn nhất của một ngày cuối năm hay không? Tết không phải để ăn để mặc dù dân gian vẫn gọi là ăn tết. Cao hơn những cái bình thường ấy là những kết nối không thể thiếu trong tinh thần ngày tết.


Nồi bánh đêm giao thừa là chiếc cầu nối ký ức vào hiện tại, không phải chỉ một năm đâu mà nhiều năm đã qua, có chuyện đã quên chợt sống dậy làm mình mỉm cười và cũng lắm chuyện làm mình muốn khóc. Chiếc cầu ấy bị gẫy gập vì con người chứ nào phải đời sống công nghiệp? Nồi bánh chưng không cạnh tranh nỗi với nồi bánh siêu thị chỉ vì lòng người đã sơ tán mất rồi.

Chúng ta sơ tán, bỏ thói quen thuần Việt để chạy về vùng đất được gọi là công nghiệp. Ban đầu là sơ tán vì còn nghĩ đến ngày trở lại, bây giờ không còn đường về thì thôi đành ngồi nhớ nồi bánh chưng ngày ba mươi tết như nhớ một kỷ niệm đẹp đã bị đánh bom trong những ngày xưa của Hà Nội.

-Bạn gửi thư về từ Mỹ, vùng đất bình yên mà hàng triệu người muốn tới. Bạn không chào hỏi cũng chẳng chúc tết hay hỏi han người nào. Bạn viết một lèo những câu chữ mình không đọc kịp.

-Bà biết không, hai mươi ba năm ở Mỹ tôi không bao giờ ăn tết. Có gì là tết đâu mà ăn. Tôi dửng dưng với mọi việc vào những ngày giáp tết. Người ta mua tất cả những gì thuộc về tết để đặt trên bàn chỉ nhà tôi là không. Hình ảnh tết rất gượng, rất giả và rất tội nghiệp. Tôi thấy lạ, tại sao người ta lại giả vờ ăn tết trong cái không khí cực kỳ lạnh giá của đất nước này.

Lạnh theo cả hai nghĩa bóng và đen. Cuối đông nên tuyết ngập đầy mọi nơi. Tết nhưng vẫn lò mò tới sở làm nếu không muốn ngày mai ăn tết không lương. Hoa thì hầu hết là nilon, bánh chưng hoa quả mua ở chợ đem về chất đống. Sáng ra con cái tới trường nếu tết rơi vào ngày thứ Hai, hai vợ chồng mỗi người một chiếc xe, một cạp lồng đến sở. Tết đấy.

Mà bà ơi năm nay tôi sẽ ăn tết như người ta. Bà biết tại sao không? Hôm qua tôi ra chợ định mua thức ăn về nấu cuối tuần bất chợt gặp một thứ trái cây rất lạ đối với Mỹ nhưng lại rất quen thuộc với người Việt mình, bà biết trái gì không? Trái sung!

Ôi trời, tôi chỉ biết thầm thì trong lòng khi thấy loại trái quê mùa ấy nằm ngay giữa siêu thị của nước Mỹ. Sao mà nó tội nghiệp như chính tôi vậy bà ơi. Tôi biết nó đang lưu lạc từ quê nhà sang đây vì cái tết của người Việt xa xứ. Đến cái trái vô tri mà còn bị ảnh hưởng như thế thì huống gì con người da thịt như mình.

Tôi sẽ ăn tết năm nay, như một khởi đầu về nguồn trong tâm hồn. Tôi không thể ăn tết như bà và bạn bè mình bên đó nhưng đối với tôi chỉ một trái sung là đủ. Nó hơn hẳn những thức ăn đỏ chót lòe loẹt trên bàn của mọi gia đình. Trái sung ấy mang tới cho tôi một cảm giác gần gũi, ấm áp và gợi mở không biết bao nhiêu là nỗi niềm.

-Bức thư chỉ có thế nhưng làm tôi ngơ ngẩn suốt một buổi chiều. Bạn tôi ra đi với một tinh thần luôn luôn cảm thấy cạn kiệt còn chúng tôi ở lại với một cuộc sống đầy ắp những lo toan và chắc gì tinh thần không thiếu thốn, tổn thương?
Trái sung nhỏ bé hiền lành và còn dính đầy đất cát phù sa mà bạn tôi gặp ở xứ người đã gợi cho bạn ấy một nỗi nhớ nhà gay gắt. Trong khi người ở lại như chúng tôi cũng gay gắt không kém khi mỗi năm màu đỏ của ngày tết càng đỏ thêm. Cái màu đỏ không còn tượng trưng cho thịnh vượng nữa mà nó gợi lên sự phân tán trong lòng mỗi người Việt Nam.

Màu đỏ của máu thắm Hoàng Sa Trường Sa. Màu đỏ của đèn lồng Trung Quốc tràn ngập các tỉnh phía bắc. Màu đỏ ấy còn ám ảnh chúng tôi lâu lắm khi mà hàng hóa lẫn con người Trung Quốc hiện diện một cách kiêu hãnh mọi nơi trên dải đất này.

Bạn ơi cứ ăn tết như thế. Cũng giống chúng tôi vẫn ăn tết như thế. Chúng ta trong hay ngoài gì cũng như nhau, cái mất lớn nhất không phải là tết hay không tết mà là tương lai. Tôi thấy cả dân tộc chúng ta sắp trở thành đứa trẻ Tân Cương bị người lớn Trung Quốc đánh đập, sỉ vả ngay giữa đất nước của họ trên một video mà người ta quay được.

Bạn sẽ buồn và đau đớn khi việc này xảy ra, tuy nhiên bạn vẫn ở xa, sự chia cắt đôi khi làm người ta nhẹ thở. 
(.......)
Vậy đó, trái sung làm bạn nhớ quê và đèn lồng làm chúng tôi muốn khóc.

--------

Thâm hiểm đèn lồng Trung Quốc

Thứ Ba, 19/02/2013 06:12
“Lóa mắt” bởi hàng hóa ngoại mà không có sự tinh tường, tự hào tự tôn dân tộc trong việc chọn lựa có thể bị lợi dụng
Việc người dân nhiều nơi ở tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng tháo bỏ, thậm chí là tiêu hủy hàng loạt đèn lồng Trung Quốc có chữ “Tam Sa” và “Nam Sa” (bằng tiếng Hoa), được dư luận rất đồng tình. Hành vi trái phép của phía Trung Quốc khiến rất nhiều người dân lên tiếng phẫn nộ. Bởi Tam Sa là tên một đơn vị hành chính do Trung Quốc tự ý lập trái phép, trong đó bao gồm cả địa phận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà họ gọi là “Nam Sa”.
Đèn lồng được người dân dán cờ đỏ sao vàng ở khu dân cư Quán Toan, quận Hồng Bàng - Hải Phòng 
Ảnh: HẢI THÀNH
Tăng ý thức tự hào dân tộc
Người dân thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương sau khi vô tình mua phải loại đèn lồng treo vào dịp Tết với giá từ 75.000 đồng đến 150.000 đồng mà không biết các chữ Trung Quốc in trên đó có nghĩa gì đã tháo bỏ lập tức những chiếc đèn này sau khi được cơ quan chức năng thông báo.
Một người dân trú tại thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương vào dịp Tết Nguyên đán, người dân quê ông thường góp tiền mua đèn lồng trang trí khắp các tuyến đường trong thôn để không khí xuân thêm ấm cúng. Tuy nhiên, năm nay, sau khi người dân địa phương nhận được thông tin có đèn lồng in chữ “Tam Sa”, họ đã không mua và không sử dụng loại đèn lồng này.
Còn ở TP Hải Phòng, sau khi biết được thông tin các nhà sản xuất Trung Quốc in dòng chữ “Tam Sa” lên đèn, người dân đã dán cờ đỏ sao vàng lên đèn để trang trí.
GS sử học Lê Văn Lan rất phẫn nộ trước việc Trung Quốc đưa đèn lồng in dòng chữ “Tam Sa” vào Việt Nam. Ông cho rằng phía Trung Quốc đã và đang dùng mọi hành vi tinh vi, thâm hiểm với Việt Nam. “Việc in bản đồ có hình lưỡi bò hay những dòng chữ “Tam Sa” hay “Nam Sa” trên bản đồ, hàng hóa tuy nhỏ nhưng là việc làm thâm độc bởi nếu để lâu, nó dễ mặc định như một điều tất yếu. Đây là thủ đoạn thâm độc nhằm phá hoại một cách cố ý” - GS Lan bức xúc.
Dùng hàng thuần Việt
Cũng giống như đèn lồng Trung Quốc, thị trường bao lì xì Tết đến 99% là bao lì xì Trung Quốc, in chữ Trung Quốc với những dòng chữ mà người dân Việt phần lớn không biết nghĩa của nó. Một người dân cho biết có đơn vị mua một loạt bao lì xì để mừng tuổi, sau khi phát hiện bao lì xì in câu chúc trường thọ vị lãnh đạo của một nước lớn đã phải bỏ hết bao lì xì này, thay vào đó là bao lì xì thuần Việt.
Để chống lại sự lấn át của bao lì xì Trung Quốc, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Thái Hà Book, quyết  định phát động phong trào dùng bao lì xì thuần Việt. Rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã hưởng ứng phong trào của ông bằng cách tìm đến ông để nhờ tư vấn, góp ý. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp gửi email hay nhắn tin cho TS Hùng đơn giản chỉ để khoe bao lì xì thuần Việt của họ.
GS Lê Văn Lan cho biết ông rất ủng hộ cách làm của TS Hùng, thậm chí là ca ngợi giám đốc của Thái Hà Book bởi “đã để ý đến vấn đề tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ chút nào trong dịp năm mới”. GS Lan nhấn mạnh phải tuyên truyền cho người dân ý thức chuộng hàng Việt, dùng hàng Việt. “Phải tăng cường ý thức người dân, nên nghĩ về bản chất của những thứ sặc sỡ đó để tăng cường ý thức tự hào dân tộc, không bị bắt mắt bởi hàng hóa ngoại” - GS Lan khẳng định.
Có ý thức chống kẻ phá hoại
GS Lê Văn Lan cho biết ông rất mừng vì người Việt Nam đã có ý thức mạnh mẽ về chủ quyền đất nước và biển đảo. Có thể người dân không biết tiếng Trung Quốc nên mua nhầm đèn lồng như trên nhưng khi biết thì họ đã có những phản ứng chính xác. Tuy nhiên, ông cũng liên tưởng và so sánh với “sự dại dột” ở nhiều nơi khi người dân sẵn sàng làm trà bẩn, nuôi đỉa theo đơn đặt hàng của người Trung Quốc. “Cần lấy việc này để soi tỏ việc kia. Đồng bào ta phải tăng dân trí, tăng ý thức tự hào dân tộc, chủ quyền dân tộc chống lại những kẻ phá hoại” - GS Lan nói.
http://vnmoney.nld.com.vn/ban-doc/tham-hiem-den-long-trung-quoc-20130218110645727.htm
LAN ANH








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét