Hai nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Đình Thi
(tiếp theo)
Ở đại đội, “thủ trưởng quân sự “ tức đại đội trưởng vẫn dưới quyền “thủ trưởng chính trị” tức chính trị viên kiêm bí thư chi bộ. Đánh đấm ra sao, tư tưởng thế nào, tuốt tuột thuộc quyền “quản lý” và quyết định của anh chính trị viên. Bởi thế nhân vật quan trọng nhất trong “Xung kích “ của Nguyễn Đình Thi lại là anh chính trị viên tên Sản (chắc gợi từ “cộng Sản”).
Sản “nắm” cán bộ chiến sĩ, “nắm” chủ trương chiến dịch, chiến thuật, “nắm” lương thảo, vũ khí, “nắm” địa phương nơi đóng quân… Để thực hiện chế độ ‘toàn trị’ của Đảng trong quân đội, Sản phải nắm đủ thứ trên đời. Chính vì vậy trong lưng Sản lúc nào cũng kè kè cuốn sổ ghi chép và họp hành liên miên :
“ Mới mờ sáng, tới vị trí trú quân, Sản đã triệu tập các chi uỷ viên tới hội ý….”.
Hiền, một anh đại đội phó tố cáo :
“Tôi xin nhắc đồng chí bí thư vấn đề tiểu đội trưởng Tá… Càng về gần dưới này , tinh thần càng xuống. Anh ta có lúc nhắc tới chuyện giải ngũ…”
Sản cúi ghi trên sổ tay “ Chú ý công tác cậu Tá…”
Người bị tố cáo phải vào sổ đã đành, ngay cả người đứng ra tố cáo cũng không thoát :
“Sản nghĩ :”Đồng chí Hiền cũng cần được theo dõi và giúp đỡ hơn nữa. Còn hay dễ làm khó bỏ…”
Có người nhắc :
“Đồng chí bí thư chưa bàn vấn đề tiền ăn…”
Sản bỏ bút nhìn lên :
“ Tôi ghi cả đây. Giải quyết sau. Bây giờ tôi nhắc các đồng chí mấy điểm…Phải chuẩn bị ngay tinh thần cho bộ đội. Mọi việc phải gấp gáp lên. Còn vấn đề bí mật…nhiều cậu phất phơ ngoài chỗ trú quân, diện quần áo Mỹ giữa ban ngày, mua bán lung tung..Ngay cán bộ cũng coi thường bí mật. Đồng chí Hiền sao không nguỵ trang ? Đồng chí muốn bộ đội ăn bom dây à ? Các đồng chí phải về họp tổ mà chấn chỉnh ngay đi…”
Cứ vậy, cái gì Sản cũng phải ghi, phải để mắt tới và phải huấn thị quần chúng mới tròn nhiệm vụ chính trị viên .
“ Sản ngồi với cuốn sổ tay đặt giữa đầu gối. Hai vai anh cúi ép xuống lồng ngực. Những con số, những dòng chữ đầy mãi trang giấy…”
Một chị cán bộ mới gặp thoáng trên đường cũng đã phải nhận xét về chính trị viên Sản :
“ Ông này chắc bộ đội khó giấu được ông ấy cái gì ?”
Giấu sao được, giấu là chết. Ngoài chuyện ghi chép tỉ mỉ, dọc đường hành quân, Sản còn phải tranh thủ giáo dục tinh thần cách mạng thường trực cho bộ đội :
“ Anh chính trị viên giơ cái ống tay áo cụt chỉ những đồi cỏ lau rậm rạp dưới ánh trăng, nói với mấy anh cán bộ trung đội :
“ Vùng này là chỗ “căng” ngày xưa Pháp đem đầy các đồng chí mình đây…”
Khi ra trận, Sản phải lo sao cho bộ đội người nào cũng “có thư Bác cài trên mũ”, phải dặn dò đủ thứ :
“ Các đồng chí xông lên đồn còn là dễ, mà làm thế nào đủ điều kiện xông lên đồn mới là khó. Phải chú ý từ cái quai dép dây giày, túi cơm, cái giẻ lau, cái hộp mỡ, từ cái nan tre làm thang…”
phải nêu cao tinh thần “quyết đánh” cho bộ đội, dù có thiếu đạn dược vẫn cứ đánh :
“ Phải làm cho tất cả anh em trong đại đội có tinh thần như chúng ta (đảng viên.) . Là vì sẽ gay go, mệt, đói, vội, có thể thiếu cả vũ khí. Không biết chừng không kịp có bộc phá. Không có, vẫn phải đánh được.Không kịp nghiên cứu kỹ sa bàn, cũng phải đánh được…”
Vậy là cứ có ý chí là đánh được tuốt, người lính cứ thế mà xông lên bất chấp mạng sống của mình. Sau cùng , Sản còn phải thể hiện rõ vai trò gương mẫu bằng thề thốt :
“ Đảng đã dậy chúng ta : người đảng viên bao giờ lời nói cũng đi đôi với việc làm. Tôi xin hứa với chi bộ, nếu tôi không tròn nhiệm vụ trong trận này, tôi sẽ không đem cái mặt nhọ mà về trước đoàn thể…”
“Thủ trưởng chính trị” bao giờ cũng to hơn “thủ trưởng quân sự”. Khi lâm trận, anh đại đội trưởng muốn ra cái lệnh gì cũng phải nhất nhất thông qua chính trị viên :
“ Đánh thế nào ? Kha (đại đội trưởng) nhìn bức tường dựng đứng . Ít ra là tám chín thước cao. Cho là ba tầng nhà. Phải chập thang, chồng người mà lên. Rồi từ lô cốt đã chiếm đánh toả ra. Kha quay lại Sản :” Bây giờ cho hai trung đội chiếm trên mái?” Sản gật.”
Sản gật rồi Kha mới được phép thực hiện. Vậy là ngay cả trong chiến đấu, mọi mệnh lệnh phải được đại diện Đảng thông qua rồi mới được phát ra. Chính trị viên quyền lớn , trách nhiệm cao như thế nên ắt phải là con người….đặc biệt . Bởi thế đại đội trưởng Kha đã nhận xét về chính trị viên Sản :
“Ai được như nó ? Có lẽ nó chưa biết tuổi trẻ là gì ? Lúc sáng, ở trung đoàn về nhìn thấy Sản ngủ, mặt hóp lại , mắt nhắm im. Kha giật mình. Nó mở hai mắt đờ ra nhìn Kha mấy giây như nhận không ra rồi mới chớp chớp mấy cái…”
Hoá ra ngay trong giấc ngủ, anh chính trị viên cũng vẫn phải làm công tác “nắm tình hình”.
Trong lịch sử loài người, xuất hiện sớm nhất là thày tu và cô điếm rồi sau mới đến các loại phù thủy, nhà hiền triết, thợ thủ công, nông dân…Tuy nhiên phải đợi đến khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện, dùng bạo lực cướp chính quyền, nhân vật “chính ủy” mới ra đời trước hết ở Liên xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên rồi Việt Nam. Đó thực sự là hạt nhân của các đảng cộng sản nắm súng đạn, nắm quần chúng huy động nhân tài vật lực vào bạo lực cách mạng cướp quyền dân.
Mang vai trò và phẩm chất đặc biệt như vậy, “chính ủy” về lý thuyết phải xuất thân công nhân thì mới “ có ý thức tổ chức, có tinh thần kỷ luật” . Nắm vững yêu cầu đó, Nguyễn Đinh Thi đã không chọn nông dân hoặc tiểu tư sản mà chọn công nhân mỏ làm thành phần xuất thân cho chính trị viên Sản đúng y chang đường lối giai cấp trong xây dựng quân đội của Đảng. Bởi thế cái tâm niệm “người vô sản vùng lên tranh đấu chỉ mất có gông xiềng mà được cả thế giới “ đã ăn vào cả trong giấc mơ của anh chính trị viên :
“ Ngày nào được đánh về vùng mỏ, gặp chúng nó (bạn bè công nhân cũ) thì sướng đến thế nào. Tương lai kháng chiến thành công rồi, chắc đoàn thể lại cho Sản về một nhà máy, nhà máy bấy giờ sẽ là của ta , Sản chỉ ao ước có thế …”
Hoá ra “người nô lệ vùng lên tranh đấu” “ chỉ ao ước có thế. ”, mai kia giành thắng lợi, chẳng cần tới cả thế giới, chỉ mong có trong tay một nhà máy làm chủ thoả nỗi khổ nhục làm công nhân ngày xưa. “Người anh hùng “ dù cho được vẽ vời cao đẹp đến mấy, vẫn thò ra cái đuôi hám chức quyền.
Chính trị viên đại đội đã như một “thượng đế toàn năng”, vậy còn lính tráng thì sao ?
Cho dù bộ đội đã được tổ chức thành trung đội, tiểu đội nhưng để việc ‘quản lý” thêm chặt chẽ, Đảng đã thiết lập “tổ 3 người” theo chế độ “tam tam chế” của bác Mao để “quản lý” và “dò xét “ lẫn nhau.
Trong “ Xung kích”, tổ tam tam tiêu biểu là Thông, Cốc và Mẫn – 3 anh lính cấp chót bét trong đại đội thường xuyên “để ý “ và “ bắt bẻ” nhau .
“Thông quay lại Mẫn :
“Cậu công tử lắm. Bớt ngắm vuốt đi. Soi gương luôn trông sốt ruột lắm . Mà có được thấy đàn bà con gái đếch đâu mà diện. Ban đêm thì đi như gió. Ngày lại rúc vào bụi rậm. Cái áo Mỹ ấy cũng đừng vác ra ban ngày nữa. Dân làng người ta trông thấy còn đếch đâu là bí mật….”
Rồi “Thông bảo Cốc :
“ Thằng Mẫn phải để ý thế nào mới được . Có lẽ cậu phải gần nó, nói chuyện luôn, giác ngộ cho nó…”
Trong sinh hoạt ngày thường, “tổ tam tam” tăng cường “giám sát” nhau :
“ Thông vừa mài dao vừa liếc mắt nhìn Mẫn . Biết ngay là cậu ta đang muốn nhớ nhà. Hé ra một câu là cu cậu cắn ngay. Chưa về quê được cậu ơi. Còn là đánh…”
Trong tổ tam tam, còn gọi là “tổ keo sơn” Thông là người “vững lập trường nhất”. Ngay cả cái “tàu điện của Tây” anh cũng dè bỉu :
“ Nước mẹ gì, nó lại cho vài cái đầu tàu điện thải ở cái xó nào bên Tây chứù gì ?”
Và anh mơ ước :
“ Sau này Hà Nội thể nào chả có tàu điện. Mình làm ngầm dưới đất theo lối Liên xô kia chứ ? Đánh Tây đánh tiếc xong chỉ xin đoàn thể cho về Hà Nội lái tàu điện ngầm là sướng nhất…”
Ước mơ về thiên đường cộng sản ghê gớm chưa ? Chỉ có điều vĩnh viễn cái tàu điện ngầm “theo kiểu Liên xô” ấy sẽ chẳng còn có cơ hội xây dựng ở Hà Nội.
Nhân vật thứ hai trong tổ tam tam là Cốc, “bồ côi từ nhỏ, lớn lên là đứa trẻ ăn mày ăn xin đầu làng cuối chợ…Những ngày cách mạng tháng Tám, Cốc sướng nhất , Cốc được vào thanh niên…tập tự vệ rồi đi bộ đội…”. Còn lại là Mẫn , em út trong tổ 3 người thường bị “uốn nắn” cũng lại xuất thân từ một làng quê bên bờ sông Thao.
Vậy là từ sĩ quan tới lính tráng trong “Xung kích” của Nguyễn Đinh Thi đều là những nông dân, công nhân nghèo khổ bị phong kiến và đế quốc bóc lột tới tận xương tuỷ. Thế còn những học sinh, sinh viên, công chức, những trí thức thành thị đã tham gia bộ đội đã đóng góp rất lớn ngay từ những ngày đầu đánh Pháp đâu cả rồi ?
Chắc chắn không phải ông Nguyễn Đinh Thi vô tình quên họ mà ông tâm niệm “quân đội ta” phải là “nông dân mặc áo lính” – muốn văn vẻ ra sao, ông không được quên nguyên tắc đó khi viết tiểu thuyết đề tài bộ đội như “Xung kích” cho dù ông đã cướp công của bao nhiêu sinh viên, học sinh, con em các gia đình khá giả ở Hànội đã vì lòng yêu nước chống ngoại xâm mà đổ máu trên các chiến trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét