Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

(18) Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)

Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)
                       
(tiếp theo)
Trong văn học cách mạng có một hiện tượng là khi rời bỏ “những vấn đề của cách mạng”  trở về “những vấn đề của dân tộc”, những thắt buộc bớt khắt khe, tài năng của nhà văn có vẻ toả sáng . Đó là trường hợp của Nguyễn Đình Thi trong  kịch lịch sử “ Nguyễn Trãi ở Đông Quan” và “ Rừng trúc”.
Năm 1979, Nguyễn Đình Thi bắt tay viết vở kịch về Nguyễn Trãi, cốt nêu vấn đề người trí thức trong quá khứ. Ông đồng tình với  thái độ khác với đạo lý cổ truyền của Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi; hai ông này đều phê phán Khuất Nguyên, như  Nguyễn Trãi có câu "Chớ người đục đục, chớ ta trong", ngụ ý không thể lánh đời giữ cho riêng mình trong, người trí thức phải biết dấn thân cho đời.
Nguyễn Đình Thi cho rằng khi viết về trí thức, người ta thường đặt vấn đề thân phận trí thức, khi đưa ra những quan niệm chưa được  xã hội chấp nhận, người trí thức thường bị đe doạ khủng bố. Chẳng hạn như Khuất Nguyên của Quách Mạt Nhược, hay Galileo của Bertolt Brecht. Bị tra tấn buộc tội là kẻ tà đạo, Galileo phải tạm thời rút lui ý kiến khỏi bị thiêu sống, tuy nhiên sau đó vẫn  tiếp tục nghiên cứu khoa học theo quan điểm của mình.
Nguyễn Đình Thi đặt vấn đề trí thức theo hướng  khác. Ông cho rằng số phận trí thức Việt Nam gắn bó chặt chẽ với dân tộc, do đất nước luôn bị ngoại xâm,  sơ hở một tí là mất nước hay bị đồng hoá liền. Vì vậy với ông, ngay cả  Nho giáo và tôn giáo cũng chỉ là  những giáo điều khô cứng ; người trí thức phải tự tìm đường giúp dân giúp nước .
Vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” viết xong năm 1980, đúng vào dịp kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi với ý nghĩa đề cao tinh thần dân tộc cao đẹp của trí thức. Khi vở kịch được Đoàn kịch nói trung ương công diễn, khán giả kéo tới xem chật rạp. Vài ngay sau, bất ngờ có thông tri của Ban bí thư gửi nội bộ, lên án vở kịch  có dụng ý xấu , có  ý làm loạn, dựng cuộc trao đổi giữa Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn giống như …cuộc họp Bộ chính trị . Và thế là vở kịch bị khai tử cho tới tận bây giờ.
Vở “Rừng trúc”  may mắn hơn,  những người hạ bút ký lệnh cấm diễn kịch Nguyễn Đình Thi như Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Tố Hữu  đều đã đi gặp bác Hồ kính mến cả rồi, vào dịp kỷ niệm hai năm ngày giỗ tác giả, nó được công diễn ở nhà hát lớn thành phố Hà Nội và được trực tiếp truyền hình cả nước.
Rừng trúc” viết về thời kỳ cả quân Tống lẫn quân Nguyên “mồm rộng răng dài,  như đám cháy rừng gặp gió”  tuy đang chém giết nhau nhưng đều lăm le xâm lược nước ta. Lúc này Thái sư Trần Thủ Độ đã cướp  vợ vua Lý Huệ Tông - công chúa Thiên Cực và ép vua phải nhường ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàn mới lên tám, rồi phải đi tu và tự tử chết trong chùa với câu nói nổi tiếng trong lịch sử :” nhổ cỏ phải nhổ cả rễ”. Sau khi Lý Huệ Tông  chết , Trần Thủ Độ gả Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh rồi dàn dựng  Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh làm vua xưng là Trần Thái Tông.
“ Rừng trúc “ diễn ra vào hơn chục năm sau, tức cả Chiêu Hoàng và Thái Tông đều đã ở tuổi hai mươi. Do Chiêu Hoàng hiếm muộn, vợ chồng Trần Thủ Độ sợ rằng sau này Thái Tông lập hoàng hậu khác thì cả nhà đều nguy nên âm mưu đưa chị của Chiêu Hoàng là Thuận Thiên công chúa , vợ của Hoài Vương Trần Liễu, anh ruột vua Thái Tông , hiện có mang 3 tháng thay thế em gái lên làm hoàng hậu. Hoàng hậu Chiêu Hoàng nghe mẹ nói về sự dàn xếp đó đã phải thốt lên :
“ Tôi biết, tôi biết hết …Bà là mẹ ta nhưng lại là vợ của kẻ đã bắt cha ta phải chết… trên gương mặt xinh đẹp của bà, ta thấy hai con mắt như hai lưỡi dao, trong cái trán bà toàn rắn ngoe nguẩy toan tính….tôi đã nhìn thấy hết …tôi đã nhìn thấy cha tôi thắt cổ năm tôi lên 8 tuổi đau đớn như thế nào?”.
Tuy mọi người đều nhận ra sự vô luân trong âm mưu của vợ chồng Trần Thủ Độ, nhưng ai nấy đều phải nhắm mắt tuân theo. Chiêu Hoàng ném vương miện hoàng hậu tuyên bố với mẹ, tức vợ Trần Thủ Độ :
“Hai đời vua ông cha ta lầm lỗi để đến nỗi trăm họ phiêu dạt , núi sông nghiêng ngửa , hoạ Thát Đát ngày một đến gần, từ đời đức Lý Anh Tông đã đến tận kinh thành Thăng Long này nhòm ngó và lăm le làm cỏ cả nước. Từ nay mấy người đã chính danh nhà Trần phải ra khỏi cõi quỷ quyệt, u mê mà  sáng suốt chăm sóc thần dân”.
Chiêu Hoàng lên chùa đi tu , vua Trần Thái Tông phải lập Thuận Thiên tuy đã mang thai với người anh ruột của vua tức Hoài vương Trần Liễu lên làm hoàng hậu. Chỉ có Hoài vương không chấp nhận chịu mất vợ nổi quân làm phản chống lại triều đình . Cảm thấy có phần áy náy về sự xếp đặt tàn bạo của mình, Thái sư Trần Thủ Độ biện bạch :
Tôi không biết chữ, cũng không am hiểu  nhiều đạo thánh hiền; nhưng tôi nghĩ có khác mấy ông nhà nho; nếu chỉ thuộc lòng mấy bộ kinh sử từ đời ông Chu Công, Khổng Tử ở tận đẩu tận đâu mà xoay chuyển được thiên hạ thì hóa ra việc đời quá dễ dàng khác gì trò con trẻ …Tôi biết các ông nhà nho cũng chửi tôi đấy, nhưng không dám chửi to vì sợ , nhưng tôi nghĩ phải làm thế nào cho được  việc là cái lẽ của người cầm nắm việc lớn. Mọi chuyện đều là nhỏ chỉ việc nước là lớn , là đáng kể thôi…”
Bởi vậy mọi hành động xấu xa mọi thủ đoạn bỉ ổi của ông cũng đều là vì…quốc gia cả. Mục tiêu biện minh cho hành động, xem ra Trần Thủ Độ có vóc dáng của lãnh tụ cộng sản sau này.
Thế rồi vua Trần Thái Tông cũng chán việc triều chính, “bỏ ngôi vua như bỏ một chiếc giày rách”lên “rừng trúc Yên Tử … tự cởi trói, tìm tới cõi trong lặng, tìm biết cái lẽ còn mất, có không, vượt  khỏi mọi nổi chìm ở xã hội này…”
Dọc đường lên “Rừng trúc”, vua Trần Thái Tông gặp một ông lão hòa thượng, ông này dùng rượu để thức tỉnh vua :
” Làm gì thì làm đừng quên cái bóng lạ thập thò ngoài  hàng rào …nó rất giỏi cưỡi ngựa…ta nghe đã rất gần rồi ông ạ…”
Nó đây là giặc tàu - nỗi ám ảnh giặc ngoại xâm của dân tộc ta suốt mấy ngàn năm lịch sử . Chính vì nỗi lo đó, tất cả mọi người đã bỏ hết hiềm thù riêng tư  và đoàn kết lại. Hai anh em vua Trần Thái Tông giải hoà với nhau khiến Trần Thủ Độ phải kêu lên :
“Tao là con chó trong nhà không biết  hai anh em mày lúc nào hoà nhau lúc nào giận nhau. Có điều không bao giờ được mang cái cơ đồ nhà Trần này đổ xuống sông xuống biển, mấy thằng tướng  nhà Nguyên nó chỉ cho một miếng là xong hết…”
Và rồi tất cả mọi người đều bỏ rừng trúc kéo về kinh thành Thăng Long để cùng chung lưng chuẩn bị chống giặc ngoại xâm. Vở kịch thấm đẫm tinh thần cao cả vì đại nghĩa của những con người trí thức như Lý Chiêu Hòang, Trần Thái Tông và còn nóng hổi tính thời sự cho tới tận bây giờ khi Trung Quốc lăm le nuốt trọn biển Đông, đặt ách thống trị lên đầu lên cổ dân ta. Hoá ra chỉ khi bứt khỏi những quy phạm nghiệt ngã của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tài năng của Nguyễn  Đình Thi mới thực sự lên tiếng trên trang giấy. Bởi thế sự nghiệp của ông còn lại với thời gian  may ra có mấy vở kịch mà ông đã gặp biết bao phiền toái khi khai sinh ra nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét