Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

(19) Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)

Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)
Nổi tiếng hơn cả là “ Con nai đen”, vở kịch gây không ít phiền toái cho tác giả đến mức nhà thơ Xuân Sách phải nhắc tới trong thơ chân dung :
           Bay chi Mặt Trận Trên Cao ấy
           Quên Chú Nai Đen vẫn đứng chờ.
Về vở kịch này, Nguyễn Đình Thi đã từng kể với phóng viên báo Bông Trang  Hội VHNT Sông Bé (số 2, tháng 10/1992) :
“Có lần tôi đi Liên Xô dự Hội nghị các nhà văn Liên Xô, được xem vở kịch rối Vua Nai. Vì không có phiên dịch nên không hiểu đối thoại, chỉ qua hình dung, động tác của nhân vật mà đoán ra cốt truyện, trong đó có tình tiết hồn ông vua nhập vào xác con nai.
Khi về nước, vào năm 1950, tôi nghĩ cốt truyện cho vở kịch nói được gợi ý từ Vua Nai. Vở kịch rối có nhiều nhân vật phụ, trong đó có tay phù thuỷ rất giỏi, nhưng tôi chỉ tập trung vào một vài nhân vật chính, xoay quanh hai cái ý chủ yếu là: hồn người nhập vào xác nai và pho tượng đá hễ nghe ai nói dối thì nó cười, để thể hiện chủ đề tư tưởng: nếu thích nghe kẻ nói dối thì sẽ mất người nói thật. “
Vậy là trong “Con nai đen”, - phóng tác theo “ Vua hươu “ của Gozzi, Tô Chiêm ông vua của thần dân, cũng được một ông lão tặng “một pho tượng có phép, không biết ai đã tạc nên. Nó biết ai nói thật nói dối. Nghe ai nói một câu không đúng với ý nghĩ thật trong lòng, thì trên mặt tượng sẽ tức thì biến đổi và pho tượng đá sẽ cười.”. Mô típ này nếu sử dụng để minh quân phát hiện gian thần , để “sự thật” lột trần cái “giả dối” , để dân gian hô to “vua cởi truồng” thì rất hay. Tiếc thay Nguyễn Đình Thi không dám “chơi bạo” thế, chơi “bạo” vậy  vào thập kỷ 1960 nhất định sẽ mắc vào tội “thất trảm” mượn xưa nói nay, mượn con vật nói con người. Bởi thế ông chỉ dám sử dụng nó trong việc vua…kén vợ.
Các “ứng viên” sẽ phải tới trước “pho tượng” để được “sát hạch”. Lần lượt tiểu thư Lan, Đạo Đức phu  nhân, vài người đàn bà nữa đều bị pho tượng “lật tẩy” là “giả dối”, không có tình yêu chân thật với vua. Trước đó , trong  những năm tháng nằm gai nếm mật, Tô Chiêm đã có người yêu là Quế Nga . Lẽ ra, tới thời “cam lai”, nàng Quế Nga phải về cung lên ngôi hoàng hậu, vậy mà vì lý do không thể tin được, vì “bảo vệ uy tín cho Tô Chiêm” nàng dứt khoát dứt bỏ tình yêu :” . Anh Tô Chiêm, anh làm vua cả nước, trăm nghìn mắt nhìn vào, em chỉ là một người con gái quê mùa lam lũ, những người sang kẻ quí  người ta sẽ gièm pha, nói ra nói vào, cười thầm anh…em yêu anh, cho nên em đã quyết lánh ra khỏi đời anh. Em đã định không bao giờ gặp lại anh nữa. “.
Nếu đúng  vậy  người ta phải nghi ngờ cái tình yêu  Quế Nga dành cho Tô Chiêm liệu có thực là tình yêu ? Tuy nhiên đó chỉ là cái cớ tác giả gán cho nhân vật để tình yêu thêm phần …thử thách và sau cùng tất nhiên là nàng Quế Nga phải tìm về chàng Tô Chiêm để lên ngôi Hoàng Hậu.
Đọc đối thoại giữa “chàng” và “nàng”, giữa “quân vương và ái thiếp”  mà lại cứ “anh anh em em” khiến người ta cứ ngỡ như họ là cặp tình nhân vào thời công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày nay:
TÔ CHIÊM : “Quế Nga, anh lại có em đây rồi, anh lại được nhìn thấy em thật đây rồi, không phải chỉ trong giấc mơ nữa.
Nếu trong “Vua hươu” của Mozzi, vở kịch xoay quanh chủ đề “cái thật và  cái giả”,”cái cao thượng và cái ti tiện”, “cái đẹp và cái xấu” thì trong “ Con nai đen” cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Đình Thi lại trượt theo cái “quán tính” điệu tâm hồn của thời đại : “lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm” – đề tài thời thượng vào lúc đó. Vậy là trong triều chia hai phe. Phe chống “ngoại xâm”, yêu nước thương dân, dựa vào nước “láng giềng Đông Chiếu ( chắc là nước Trung Quốc) để giữ gìn bờ cõi gồm có vua Tô Chiêm, hoàng hậu Quế Nga, tướng Trung Dũng, “lão già”. Phe bán nước hại dân dựa vào nước Tây Qua ( chắc là nước Pháp ) gồm có : Quận Khung, công tử Đãng…Tất nhiên nhân dân đứng về phe chống ngoại xâm. Vậy chỉ còn thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng nữa thôi là trong kịch “con nai đen” có cả một cuộc chiến tranh thần thánh chống ngoại xâm y hệt chiến tranh chống Pháp. Thế rồi phe “bán nước” “ cướp được ngôi chẳng mất một mũi tên hòn đạn, chẳng mất một ngày nằm gai nếm mật để tổ chức tạo phản, mà chỉ  bằng một  “mẹo vặt” khiến vua biến thành một anh ngờ nghệch, cả ngố đến mức…khó tin. Nguyên là “ông lão” – người đã tặng vua pho tượng đá phát hiện nói dối – có một con vật thân thiết là “con nai đen”. Trong buổi đi sắn công tử Đãng âm mưu bắn nó trọng thương đến chết trong niềm thương tiếc của vua Tô Chiêm .Thế là Quận Khung nhảy ra làm trò lừa đảo. Hắn nói có thể cứu được  con nai với điều kiện vua phải …chết thay cho nó..
Thế là vua Tô Chiêm tình nguyện…chết để lấy “máu nóng mới chết chưa quá hai khắc “ cứu mạng con nai. Thật là một sự hy sinh ngớ ngẩn , ngu xuẩn , vô  lý hết chỗ nói chứ chẳng phải là nhẹ dạ như các nhà phê bình “nhận xét”.  Vô lý vậy mà “cái sự tình nguyện chết” của vua Tô Chiêm đó  lại là cái “chốt” của vở kịch. 
Sau khi vua Tô Chiêm chết rồi, Quận Khung bắt hồn vua nhập vào xác con nai đen, còn chính hắn lại nhập vào xác Tô Chiêm để lên làm vua. Vậy là từ nay hoàng hậu Quế Nga phải chung sống gối chăn với “hồn anh hàng thịt, da anh Trương Ba” tức xác của vua Tô Chiêm mà hồn lại tên Quận Khung, đại gian thần. Nắm được ngôi vua rồi, Quận Khung bán nước” cho Tây Qua, trừ khử trung thần  trong khi đó hồn vua thật trong xác con nai đen cứ…chạy nhong nhong ngoài rừng, đất nước sắp rơi vào thảm hoạ nô lệ cho giặc ngoại xâm.
Cái “nút” của vở kịch bị thắt chặt đến thế thì không hiểu ông tác giả sẽ mở sao đây ? May quá ông lão hát rong già quá, đã đến tuổi…chết . Lập tức  vua Tô Chiêm đang nhập hồn  trong con nai đen “dọn” ngay sang xác “lão già” để được nói năng, đi lại trở lại là con người. Đọc tới đây bạn đọc có thể thắc mắc  : vậy nếu ông lão hát rong chưa chịu…chết già thì sao ? Thì Quận Khung vĩnh viễn lên làm vua, nàng Quế Nga xinh dẹp vĩnh viễn làm vợ lão và đất nước vĩnh viễn rơi vào ách ngoại xâm. Vậy là ông nhà văn đã “cởi nút” chỉ bằng một cái cớ hoàn toàn ngẫu  nhiên nếu không nói là …”có nhẽ đâu thế?”.
Vua Tô Chiêm sống lại thành người nhưng  trong cái xác của ông lão hát rong thì sao mà cướp lại được ngai vàng, trở lại là Tô Chiêm ngày xưa ? Việc tầy đình vậy mà ông nhà văn cho nó diễn ra quá dễ dàng chỉ trong một cuộc đấu khẩu giữa “xác vua” ( vua giả Quận Khung) với “xác ông lão hát rong – vua thật Tô Chiêm) :
XÁC ÔNG LÃO - Hỡi các tướng sĩ cùng nhân dân, các ngươi hãy nhìn xem trong kinh đô chúng ta đây, cung điện cổ kính còn chưa hết mùi hôi tanh của giặc để lại. Về nhà quê, làng mạc đồng áng còn ngập cỏ hoang. Nơi đâu cũng thấy người già đông hơn trai trẻ,đàn bà nhiều hơn đàn ông. Nơi đâu cũng thấy bà goá vất vả nuôi con côi. Vậy mà thằng phản nghịch kia lại toan rước quân giặc vào. Nó lại muốn cho xe ngựa dát vàng dát bạc của bọn cướp nước và lũ chó bán nước chạy nghênh ngang đầy đường còn chúng ta thì phải cụp đầu, đi len lén trong bóng tối. Nó lại muốn mắt chúng ta luôn luôn nhìn xuống đất, miệng chúng ta phải khâu lại. Ta hỏi các tướng sĩ cùng nhân dân, chúng ta có thể đầu hàng quân tây-qua không?
Chỉ mới nghe doạ dẫm vậy “vua giả” Quận Khung đã chào thua, rút kiếm đâm vào cổ tự vẫn thì không hiểu  bản lãnh cướp ngôi biến đâu mất ?
Ngày nay đọc lại “ Con nai đen” người ta ngỡ ngàng không hiểu vì sao nó lại bị “đánh”. Theo lời kể của chính nhà văn Nguyễn Đình Thi :
Vở kịch được Đoàn kịch nói Nam Bộ dựng…diễn tại Nhà Hát Nhân Dân, đông người xem, không còn vé mà bán..Sau khi diễn, có hai luồng ý kiến: một là cho vở kịch đặt ra vấn đề triết học sâu, một bảo là vở kịch phản động, ám chỉ Cải cách ruộng đất - đưa ra hình ảnh kẻ thù bên ngoài len vào bên trong đánh người thân tín (qua chuyện Quận Khung đánh Trung Dũng). Trong giới cũng có người như Học Phi đập mạnh vở kịch này.
Một hôm, ông Trường Chinh và Hoàng Văn Hoan đến Nhà Hát Nhân Dân xem. Tôi đứng xa xa, thấy Hoàng Văn Hoan ghé tai ông Trường Chinh nói cái gì đó, tôi thầm nhủ: "Bỏ mẹ rồi!". Sau đó có lệnh cấm diễn. Trong cuộc họp nội bộ, ông Trường Chinh lên án Con nai đen gay gắt lắm, bảo xấu hơn cả "Nhân Văn", ác hơn. Tôi đứng lên nói không đồng ý với nhận xét đó và đưa ra ý kiến của mình. Nhưng sau đó vở kịch vẫn không được diễn.
Tôi hiểu nguyên nhân vì hồi ấy ông Trường Chinh chịu trách nhiệm về Cải cách ruộng đất, nên khi nghe có kẻ nói vở kịch của tôi ám chỉ Cải cách ruộng đất, xử trí oan nhiều cán bộ trung thành với Đảng, mới nghi ngờ, thành kiến với vở kịch…”
Quả thực đọc nát cả sách cũng chẳng thấy “Con nai đen” ám chỉ cải cách ruộng đất hoặc ám chỉ “Đảng Chính phủ” ở chỗ nào ? Ngày nay giải mã ở đủ các tầng ngữ nghĩa cũng chỉ thấy câu chuyện có …”nhiêu đó”  mà lại mượn của Gozzi, chẳng nâng được “ Vua hươu” vượt lên trên cái tầm của chính nó theo kiểu Nguyễn Du viết Truyện Kiều từ “Đoạn trườngTân Thanh” , ngược lại, ngôn ngữ kịch của “ Con nai đen” khá sơ lược. Nó vẫn chỉ xây dựng được những tính cách “một chiều”, đơn điệu theo kiểu Moliere chứ hoàn toàn chưa vượt lên xây dựng được những tính cách nhiều chiều, đa dạng theo kiểu Shakespeares, bởi thế sau này nó cũng chỉ được dựng lại ở một vở kịch mang tên “Truyền thuyết một tình yêu” vui và câu khách.
http://nhattuan2011.blogspot.ch/2012/08/chan-dung-hay-chan-tuong-nha-van-ky-75.html

Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhớ tới Nguyễn Đình Thi trước tiên người ta nhớ trường ca “ Người Hà Nội “ bất hủ, dường như nó đã trở thành “ bài hát chính thức” của bao nhiêu thế hệ người Hà Nội dù còn ở lại thủ đô hay đã đi khắp bốn phương trời. Nhớ tới Nguyễn Đình Thi, người ta nhớ tới “Đất nước“,“Lá đỏ”, “Nhớ”…. Và chắc còn ít người biết tới lời nhắn gửi của ông qua bài thơ để lại trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng :

Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây chìa khoá
Tất cả cửa nhà tôi đó
Ngổn ngang qua tạm cuộc đời

(HẾT PHẦN NGUYỄN ĐÌNH THI )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét